Trang chủBlogs bePOS vs Chuyên giaLãnh đạo bản thân – Tinh thần trách nhiệm và sự tín nhiệm

Lãnh đạo bản thân – Tinh thần trách nhiệm và sự tín nhiệm

Cập nhật lần cuối: Tháng hai 02, 2023
Nguyễn Cao Trí
590 Đã xem

Tinh thần trách nhiệm là một trong những yếu tố cốt lõi để lãnh đạo bản thân nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Đặc biệt đối với cấp quản lý, tinh thần trách nhiệm cao không những tạo động lực tích cực trong công việc mà còn giúp xây dựng đội ngũ nhân viên hoạt động tích cực và hiệu quả. Vậy làm thế nào để chúng ta có tinh thần trách nhiệm và sự tín nhiệm để có thể sẵn sàng khắc phục những vấn đề khó khăn xảy ra?

Tôi may mắn có được 2 cơ hội học hỏi về tinh thần trách nhiệm để dẫn dắt bản thân mình trong công việc và cuộc sống. Sau đó phát triển sự học hỏi thành tư duy để thực hành và trải nghiệm cho chính bản thân mình khi đối mặt với những vấn đề, khó khăn và nỗi khổ. Xin chia sẻ cùng bạn đọc những điều tôi cảm nhận và tâm đắc trong bài viết dưới đây.

lanh-dao-ban-than

Bài học đầu tiên: 8 thang bậc của tinh thần trách nhiệm

Khi nói về tinh thần trách nhiệm, thông thường chúng ta đều định nghĩa trong phạm vi của đạo đức, luật pháp, quy định, giao ước,… Đồng thời, chúng ta đều gắn “trách nhiệm” vào những vấn đề đã và đang diễn ra. Ví dụ như: Ai chịu trách nhiệm cho sự cố này? Ai có trách nhiệm cho việc đang diễn ra ở đây? Vô tình từ “trách nhiệm” trở thành một áp lực, một gánh nặng hoặc một nỗi lo lắng cho cá nhân nào đó. Dĩ nhiên tôi không bàn về những người lấy từ “trách nhiệm” để biến nó thành quyền lực và lợi thế cá nhân.

Tôi không bàn sâu và tranh luận về ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm mà chỉ giới thiệu một góc nhìn tương lai của chính từ đó. Tức là, thay vì nhìn và vấn đề đã xảy ra và hỏi ai chịu trách nhiệm, chúng ta hãy thử nhìn vào sự khôi phục và hãy hỏi rằng ai nhận lấy trách nhiệm để giải quyết vấn đề.

trach-nhiem-vo-tinh-tro-thanh-noi-lo-lang-cho-mot-ai-do
Trách nhiệm vô tình trở thành nỗi lo lắng cho một ai đó

Trong tiếng Anh phân biệt rõ 2 từ “Responsibility” là trách nhiệm được giao trong phạm vi quy định và “Accountability” là sự thật với trách nhiệm đó hoặc khả năng có thể để cho ra kết quả tốt đẹp hay ít nhất là chấp nhận được. Cả 2 từ trong tiếng Việt đều gọi là trách nhiệm hoặc tinh thần trách nhiệm. Nhưng từ “Accountability” hướng về khả năng của tương lai và đem lại sự động viên cho người đảm nhận để hoàn thành ngay cả khi với cơ hội thứ 2.  

Hơn 20 năm về trước khi còn công tác tại KFC Việt Nam, tôi có theo học một khóa ngắn về tính lãnh đạo do YUM Restaurant International (YRI) khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức. Trong đó có một lý thuyết ghi dấu ấn mạnh với tôi đến tận bây giờ, đó là “Accountability Ladder” – tạm dịch là 8 thang bậc của tinh thần trách nhiệm. Tôi mạn phép trình bày lại đơn giản dưới đây với liệt kê 8 thang bậc được sắp xếp theo thứ tự tốt dần từ dưới lên.

  Accountability Ý nghĩa
8 Get it done Thực hành giải pháp – Giải quyết vấn đề – Hoàn thành nó
7 Find solution Tìm kiếm – Tư duy giải pháp
6 Own it Lãnh nhận trách nhiệm – Sở hữu trách nhiệm
5 Acknowledge reality Nhìn nhận (chấp nhận) thực tế/sự thật
4 Wait and hope Chờ đợi và hy vọng điều khác
3 I don’t know Tôi không biết. Tôi không rõ/không chắc/không thể
2 Blame other Tìm cách đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho khách quan
1 Unconscious/Unaware Mất nhận thức vấn đề, mất khả năng nhận ra trách nhiệm

Trong đó 4 thang bậc từ 1 – 4 là trạng thái nạn nhân tiêu cực, 4 thang bậc từ 5 – 8 là trạng thái tích cực và sẽ chiến thắng để hoàn thành.

Khi đối diện với vấn đề khó khăn trong cuộc sống và công việc, đôi khi chúng ta cũng thấy bản thân ở trong trạng thái nạn nhân và phần lớn là tìm cách đổ lỗi cho người khác, cho vấn đề khác, cho khách quan. Dĩ nhiên là với những vấn đề hóc búa, khó lường, đột ngột và thảm họa thì không thể tránh được, nhưng việc cần nhận thấy rất rõ là vấn đề không đạt sự kỳ vọng đã xảy ra. 

Để bản thân trong trạng thái nạn nhân chỉ làm cho chính mình và gia đình hoặc tổ chức của mình trong trạng thái nặng nề, áp lực, mệt mỏi và bế tắc. Chuyển bản thân mình vào trạng thái tích cực của 4 thang bậc bên trên sẽ kích hoạt trở lại tinh thần chiến đấu, tạo động lực thúc đẩy tư duy sáng tạo. Từ đó, bạn có thể khôi phục và hoàn thành sự kỳ vọng ban đầu dù không trọn vẹn nhưng cũng đầy vinh quang.

nhan-lay-trach-nhiem-tim-kiem-giai-phap-de-giai-quyet-van-de
Nhận lấy trách nhiệm, tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề

Càng đẩy bản thân lên những thang bậc cao nhất thì bạn càng quyết đoán, mạnh mẽ và sáng tạo. Đó là hình ảnh của người được tín nhiệm, là hình ảnh của người lãnh đạo. Vậy “accountability” là tinh thần trách nhiệm để giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần là quyền hạn và phạm vi theo quy định. Đó là sự tín nhiệm và cũng là bản tính cần có của một lãnh đạo. Chúng ta có thể thấy, muốn lãnh đạo người khác trước hết phải lãnh đạo được bản thân chính mình.

>> Xem thêm: 5 yếu tố nghiên cứu phát triển mô hình nhà hàng thành công

Bài học thứ 2: Hiểu về Tứ Diệu Đế – bốn sự thật quý báu về cuộc đời

Suốt thời gian qua, tôi có nhiều cơ hội để truyền đạt lại cho nhiều thế hệ vận hành và điều hành nhà hàng tại nhiều công ty khác nhau về tính lãnh đạo. Trong đó, 8 thang bậc của tinh thần trách nhiệm luôn được đưa vào chương trình giảng dạy. Ngay cả trong tương tác, chỉ đạo, hướng dẫn công việc cũng như cuộc sống tôi vẫn luôn ứng dụng thấm nhuần những điều trên.

Gần 4 năm nay, tôi bắt đầu tự phát triển kinh doanh với mong muốn để lại giá trị của bản thân và hướng đến sự viên mãn trong cuộc sống. Nhưng như người ta thường nói: “Cuộc đời không như là mơ”, công việc kinh doanh của tôi thất bại thảm hại dù một phần do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng phần lớn là do sự chủ quan của mình. Dù không suy sụp nhưng tôi thật sự bị rơi vào trạng thái hối tiếc và rất nặng nề với nhiều nghĩ ngợi và lo lắng.

Với kiến thức và kinh nghiệm trong ngành cùng bản tính chủ động và không chịu khuất phục, tôi liên tục thúc đẩy mình suy nghĩ để tìm giải pháp nhằm khôi phục phần nào tình trạng khó khăn. Nhưng thật sự tôi vẫn thấy mình bế tắc và vẫn thiếu điều gì đó để có thể thoát ra.

giai-phap-nao-cho-nhung-kho-khan-dang-gap-phai
Giải pháp nào cho những khó khăn đang gặp phải?

Một năm trước, sáng 30 Tết, tôi vào chùa Nam Tông cúng ông bà và bất ngờ được tiếp chuyện cùng Sư trụ trì Thích Thiện Hạnh. Sư trụ trì gọi tôi gặp riêng rồi trò chuyện thật sự là duyên lớn. Sư giảng cho tôi về Tứ Diệu Đế. Thú thật, tôi không phải là Phật tử và cũng không phải là người thường đi chùa, tôi vô chùa chủ yếu để cúng ông bà. Tôi xem và đọc nhiều hệ triết lý khác nhau từ Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Lão, Đạo Khổng,… Vì vậy, tôi chỉ mạn phép đề cập phần tôi nghe và cảm nhận được từ Sư trụ trì với kiến thức Phật giáo hạn chế cùng ngôn ngữ trình bày thiếu sót. Xin phép được tóm tắt điều tôi nghe và cảm được từ lời giảng của Sư trụ trì về Tứ Diệu Đế như sau. 

Tứ Diệu Đế được hiểu là 4 chân lý cao thượng được áp dụng trong cuộc sống chúng ta, đó là:

  • Khổ Đế: Sư giảng phải chấp nhận sự khổ là thật và đang tồn tại để có thể nhận thấy rõ chân tướng và có thể quan sát những khổ đau ấy.
  • Tập Đế: Nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ của sự khổ và khó khăn trên chứ không phải những lý do để giải thích tránh né.
  • Diệt Đế: Giải pháp cần thiết để tiêu trừ cái khổ, khó khăn và khôi phục tình trạng bình an.
  • Đạo Đế: Con đường tu tập, thực hành để đi đến sự hết khổ và hạnh phúc (niết bàn).

Một lần nữa tôi xin phép không dám đi sâu và phát triển ý nghĩa của Tứ Diệu Đế vì bên trong đó còn rất nhiều kinh, ý, niệm cao siêu mà tôi không đủ trình độ để đề cập tới.

Về 4 ý chính của Tứ Diệu Đế các bạn có thấy rất gần với 4 thang bậc cao của tinh thần trách nhiệm không? Chắc chắn các hệ kiến thức hiện đại cũng là rút ra được nhiều từ đạo lý và triết lý xa xưa. Ở đây cả 2 lý thuyết đều dạy cho tôi tinh thần trách nhiệm để dẫn dắt bản thân ra khỏi sự khổ và khó khăn trong cuộc sống. 

Lời kết

Mặc dù thấm nhuần 8 thang bậc tinh thần trách nhiệm, tôi vẫn không thoát khỏi vấn đề của mình. Nhưng khi được nghe về Tứ Diệu Đế và tìm hiểu về điều đó, tôi dần nhận ra được ánh sáng và nhận thấy điều mình còn thiếu sót. Từ 2 bài học trên, điều tôi muốn chia sẽ tóm gọn lại như sau:

  • Tinh thần trách nhiệm là yếu tố nền tảng và cốt lõi của tính lãnh đạo.
  • Tinh thần trách nhiệm cao nhất là sự tín nhiệm để giải quyết vấn để và hoàn thành.
  • Khó khăn càng lớn, nỗi khổ càng lớn thì càng giữ vững tầm cao của tinh thần trách nhiệm nhưng càng phải đào sâu tìm kiếm để nhận rõ bản thân mình.
tinh-than-trach-nhiem-la-yeu-to-cot-loi-nguoi-lanh-dao-phai-co
Tinh thần trách nhiệm là yếu tố cốt lõi người lãnh đạo phải có

Xây dựng bản thân chính là xây dựng tính lãnh đạo bản thân mình. Càng nhận thấy rõ bản thân mình thì tính lãnh đạo càng mạnh mẽ và bền vững. Bạn cần đầu tư nhiều kiến thức để có thể nhận rõ bản thân mình và dĩ nhiên những triết lý, đạo lý lâu đời, vượt thời gian của nhiều tôn giáo, vĩ nhân, trường phái,… chắc chắn đem lại những kiến thức hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!

——————————————————–

Tham gia ngay chương trình “Cao Trí Coaching – Làm chủ nhà hàng” được hợp tác triển khai bởi chuyên gia Nguyễn Cao Trí và bePOS. Chương trình sẽ mang đến nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực chiến cực hữu ích cho các chủ nhà hàng, quán ăn cùng cơ hội được Live Coaching 1:1 với chuyên gia Nguyễn Cao Trí. Thông tin chi tiết:

[maxbutton id=”1″ url=”https://share.hsforms.com/1b0CfmvBDTTSHdjXIx1fhQw2n1gz ” text=”ĐĂNG KÝ NGAY” ]

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/lanh-dao-ban-than/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]