Trang chủBlogs bePOS vs Chuyên giaMô hình kinh doanh nhà hàng 2023 – Cơ hội và thách thức

Mô hình kinh doanh nhà hàng 2023 – Cơ hội và thách thức

Cập nhật lần cuối: Tháng chín 09, 2023
Nguyễn Cao Trí
1625 Đã xem

Xin chào bạn, tôi là Nguyễn Cao Trí, là một người có nhiều cơ hội được thực chiến trong ngành F&B, ngành nhà hàng với 25 năm kinh nghiệm. Với niềm đam mê kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà hàng, tôi đã quyết định tập trung nghiên cứu mọi kiến thức liên quan tới nhà hàng, từ khâu setup, xây dựng chiến lược cho tới việc vận hành nhà hàng, quản lý nhà hàng… và đạt những thành tựu nhất định như:

  • Nguyên Giám đốc vận hành chuỗi gà rán KFC
  • Nguyên Phó Tổng Giám Đốc Golden Gate
  • CEO thương hiệu lẩu Đào Hoa – Thương hiệu lẩu băng chuyền số 1 Sài Thành
  • CEO thương hiệu URBAN BBQ – Buffet lẩu và nướng đô thành

Với Series bài viết “Chia sẻ kiến thức kinh doanh trong ngành F&B”, tôi mong muốn sẽ mang tới nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích, giúp các chủ nhà hàng kinh doanh thành công.

Khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng luôn là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm. Thế nhưng kinh doanh nhà hàng không hề đơn giản. Bên cạnh đó, có rất nhiều biến động bất ngờ trong năm 2022 vừa qua. Vậy làm thế nào để lựa chọn được mô hình kinh doanh nhà hàng 2023 phù hợp, hiệu quả nhất? Các chủ kinh doanh cần làm thế nào để giảm thiểu rủi ro và tối đa hiệu quả trong việc đầu tư nhà hàng? Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc trên một cách chi tiết nhất.

kinh-doanh-nha-hang-2023

Dự đoán những ảnh hưởng trong tiêu dùng, cơ hội kinh doanh ngành ẩm thực năm 2023

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 và những ảnh hưởng đến thị trường ẩm thực

Trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, gây ra những ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng nói chung và tiêu dùng ẩm thực nói riêng.

Sự kiện đầu tiên phải nhắc tới chính là đợt bùng phát đại dịch Covid lần thứ 4 kéo dài từ cuối năm 2021 đến tận đầu năm 2022 với tâm dịch dịch chuyển ra phía Bắc. Thời điểm từ tháng 1 – tháng 3 năm 2022, cả nước liên tục ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc Covid mỗi ngày. Thế nhưng, với nỗ lực phủ vắc xin Covid-19 cũng như nỗ lực đối phó dịch bệnh của đội ngũ y tế và toàn dân trên cả nước, tới giữa và cuối năm 2022, tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống bước sang trạng thái “bình thường mới”. 

Trong giai đoạn sau dịch bệnh, mặc dù nhu cầu trên thị trường ẩm thực giảm đi hơn 10% nhưng cung cũng giảm sâu đến gần 25%, dẫn đến việc các chuỗi nhà hàng còn tồn tại nhanh chóng hồi phục, lấy lại lượng khách hàng nhanh chóng.

khao-sat-trien-vong-phuc-hoi-nganh-fnb-sau-covid
Biểu đồ: Khảo sát doanh nghiệp về triển vọng phục hồi của ngành F&B sau COVID-19 (Nguồn: FNB)

Cùng với sự phục hồi lượng khách hàng sau đại dịch, mức cung chưa nhiều, một số doanh nghiệp đã nắm bắt tốt thời cơ này và điều chỉnh thực đơn, đồng thời tăng giá bán hàng 20%, nhờ đó tạo lợi thế khá tốt về hiệu quả kinh doanh. Nhiều dữ liệu vĩ mô cũng cho thấy tiêu dùng trong năm 2022 phục hồi nhanh sau đợt đại dịch với tăng trưởng từ 15% – 16%.

Cùng vào thời điểm đó, một số doanh nghiệp vừa và lớn tìm cách kích hoạt lại dòng tiền và thúc đẩy mở rộng thị trường ẩm thực. Vào quý 2 – quý 3 năm 2022, khá nhiều mô hình nhà hàng được phát triển, mở rộng. Các doanh nghiệp nhỏ tập trung ổn định để phục hồi dòng tiền sau đại dịch. Đặc biệt dịp cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp cá nhân thúc đẩy các mô hình nhỏ, quán xá, bán hàng online khá hiệu quả.

doanh-nghiep-fnb-thuc-day-kinh-doanh-sau-covid
Nhiều doanh nghiệp F&B nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh doanh sau đại dịch Covid

Có thể thấy sau đại dịch Covid, thị trường ẩm thực đã và đang dần sôi động lại. Tuy nhiên, vào nửa cuối quý 3 – quý 4 năm 2022 có một số tác động tiêu cực đột ngột của cổ phiếu và bất động sản. Chúng tác động tức thì đến sự phát triển và tiêu dùng trong khoảng cuối năm 2022, đồng thời tạo ra nhiều bối rối cho thị trường tiêu dùng cũng như thị trường lao động. Điều này được thể hiện qua tốc độ mở nhà hàng trong thời điểm cuối năm vừa rồi có xu hướng chậm lại.

Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc và tranh chấp địa chính trị cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế và ngành F&B nói riêng.

Thách thức kinh tế Việt Nam 2023 tác động đến thị trường tiêu dùng ẩm thực như thế nào?

Trong năm 2023, các chuyên gia nhận định rằng có 3 ảnh hưởng chính tác động đến nền kinh tế Việt Nam đó là:

  • Tình hình kinh tế quốc tế kém thuận lợi. Một số khu vực, quốc gia, đối tác kinh tế của Việt Nam sẽ rơi vào suy thoái nhẹ. Tác động vĩ mô có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường tiêu dùng, ẩm thực nói riêng.
  • Khả năng sẽ có áp lực về lạm phát (từ 4 – 4,5%). Về tỷ giá và lãi suất dự đoán sẽ tiếp tục tăng, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị nguyên vật liệu đối với ngành F&B.
  • Một vấn đề nữa cũng được thị trường dự đoán nhiều đó là rủi ro thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng thanh khoản ngân hàng không cao.

Những tác động vĩ mô này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng ẩm thực cụ thể:

  • Chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng chậm lại. Hàng năm, thị trường ẩm thực tăng trưởng từ 11 – 12%, dự đoán năm 2023 mức tăng trưởng sẽ giảm còn khoảng 8 – 9%.
  • Cơ hội thúc đẩy dòng tiền và thị trường để phát triển mở rộng tăng chậm. Việc có được dòng tiền hiệu quả để phát triển sẽ không cao.
  • Giá thành tăng cao tạo áp lực hiệu quả tài chính cho việc kinh doanh nhà hàng.
chi-tieu-tieu-dung-am-thuc-2023-tang-truong-cham
Dự đoán chi tiêu tiêu dùng ẩm thực tăng trưởng chậm trong năm 2023

Cơ hội kinh doanh ngành ẩm thực 2023

Vậy đứng trước tình hình kinh tế cùng những thách thức như trên, đâu là cơ hội kinh doanh nhà hàng trong năm 2023?

Thứ nhất, trong năm 2023 sự phát triển nhà hàng mới bắt đầu quay trở lại nhưng chưa quá nhiều, vẫn có rất nhiều cơ hội để những nhà kinh doanh phát triển các mô hình nhà hàng phục vụ thị trường. Các chủ nhà hàng cần nghiên cứu, phát triển sâu thị trường mới, mở rộng đối tượng khách hàng.

Thứ hai, chủ nhà hàng có thể phát triển sản phẩm và thực đơn gần gũi với người tiêu dùng. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phải đưa giá cả về mức phải chăng đối với người tiêu dùng. Khi mở rộng đối tượng khách hàng, chúng ta đang nói tới đối tượng khách hàng ở mức trung bình, hoặc dưới trung bình. Do đó, việc tác động vào giá cả và đưa mức giá tới gần người tiêu dùng hơn là điều cần thiết.

chu-nha-hang-nen-phat-trien-san-pham-thuc-don-gan-gui-nguoi-tieu-dung
Chủ nhà hàng nên phát triển sản phẩm và thực đơn gần gũi với người tiêu dùng

Thứ ba, hãy nghiên cứu mô hình kinh doanh nhà hàng kỹ càng. Cụ thể, bạn nên phát triển mô hình nhà hàng phục vụ đối tượng khách hàng rộng (hay khách hàng Mass – Là những khách hàng ở mức trung bình và dưới trung bình). Hãy đảm bảo rằng mô hình nhà hàng đảm bảo tiêu chuẩn, dễ tiếp cận, ngân sách đầu tư thấp, chi phí hoạt động tinh gọn. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra mức giá bán phải chăng tới người tiêu dùng. Khi mức giá chạm được tới khách hàng, đó là cơ hội rất lớn để phát triển kinh doanh cho nhà hàng của bạn.

Cuối cùng, việc thị trường Trung Quốc mở cửa cũng là cơ hội phát triển cho ngành ẩm thực, tuy nhiên vẫn tồn đọng câu hỏi về sự ổn định.

phat-trien-mo-hinh-nha-hang-phuc-vu-doi-tuong-khach-hang-mass
Phát triển mô hình nhà hàng phục vụ đối tượng khách hàng Mass

>> Xem thêm: Top 9 điều quan trọng cần thống nhất khi kinh doanh chuỗi nhà hàng 

Thói quen tiêu dùng của khách hàng & mô hình nhà hàng khả thi năm 2023

Từ những dự đoán về tình hình nền kinh tế Việt Nam năm 2023, một số sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng được chuyên gia dự đoán đó là:

  • Tần suất ăn ngoài & chi tiêu bình quân của khách hàng sẽ giảm đi. Trong năm 2022, tôi có tìm hiểu về thị trường mô hình nhà hàng chuỗi và thấy rằng chi tiêu bình quân của mỗi khách hàng lên đến gần 350.000đ cho một bữa ăn. Khả năng cao mức chi tiêu bình quân này sẽ giảm đi trong năm 2023 để nhiều khách hàng có thể tiếp cận hơn. 
  • Khách hàng sẽ tích cực săn khuyến mãi tại các mô hình ẩm thực giá rẻ, tại chỗ và online. Nếu các nhà hàng, quán ăn không có bất cứ hoạt động nào về việc tạo ra khuyến mãi online hoặc offline, thì nhà hàng đó sẽ mất đi khoảng 20% lượng khách hàng. Những chương trình khuyến mại này sẽ giúp bạn có thể tương tác cũng như thu hút khách hàng hiệu quả hơn.
  • Các chủ nhà hàng nên hướng đến các mô hình ẩm thực gần gũi, đa dạng, có thể sử dụng đồ ăn thỏa thích, không gian vui vẻ, giá cả phải chăng. Các mô hình này đang hình thành khá nhiều vào thời điểm cuối năm 2022. Ví dụ như mô hình buffet hải sản với mức giá chỉ 200k cùng thực đơn lên tới hàng trăm loại hải sản.

Với việc thay đổi thói quen tiêu dùng trên, trong năm 2023, doanh nghiệp có thể tìm hiểu các mô hình kinh doanh ẩm thực khả thi sau:

  • Mô hình quán ăn bình dân, có món ăn với khẩu vị gần gũi, phù hợp địa phương, giá cả phải chăng, bán hàng online.
  • Mô hình quán ăn (Casual): Đây là dạng quán ăn với thực đơn đơn giản và tập trung vào 1-2 món đặc trưng cùng một số món ăn thêm khác. Mô hình này có thể hướng đến đối tượng khách hàng là các gia đình, nhóm bạn bè,… Mô hình quán ăn Casual nên có không gian thân thiện và dễ tiếp cận khách hàng. Đây là mô hình kinh doanh đặc biệt phù hợp với những doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng, độc lạ.
  • Mô hình quán ăn, nhà hàng Gia đình, Buffet ăn thỏa thích, Nướng & Lẩu, Hải sản,… với không khí thân thiện, gần gũi, giá rẻ.
mo-hinh-quan-an-casual
Mô hình quán ăn Casual có nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2023

Cách giảm thiểu rủi ro và tối đa hiệu quả trong việc đầu tư nhà hàng

Việc đầu tư nhà hàng đòi hỏi bạn cần bỏ ra nhiều nguồn lực cũng như đối mặt với nhiều rủi ro. Vì thế, việc nắm chắc 8 điểm chính yếu trong việc phát triển địa điểm và mô hình kinh doanh nhà hàng dưới đây sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro và đầu tư hiệu quả.

Xác định rõ khách hàng mục tiêu

Trước tiên, các chủ nhà hàng cần xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình bằng cách trả lời những câu hỏi như:

  • Khách hàng có khả năng chi tiêu như thế nào? Họ chi tiêu trung bình bao nhiêu tiền cho mỗi lần? 
  • Dòng sản phẩm khách hàng thích là gì? 
  • Thói quen, hành vi của khách hàng như thế nào?

Khách hàng ở mỗi khu vực sẽ yêu thích một dòng sản phẩm riêng, có khu vực thích đồ nướng, có khu vực thích lẩu, hay có những khu vực khách hàng thích món ăn Việt Nam,… 

Một phương án đầu tư khá an toàn đó là bạn có thể chọn đối tượng khách hàng văn phòng trẻ, công nhân, sinh viên học sinh, gia đình với độ tuổi từ 20 – 45, chi tiêu bình quân trung bình khoảng từ 10 triệu VNĐ. Đây là đối tượng khách hàng rất lớn, chiếm phần đông nên khả năng tiếp cận cao, tuy nhiên, bạn cần đưa ra offer phù hợp cho đối tượng khách hàng này.

xac-dinh-khach-hang-muc-tieu-nha-hang
Xác định rõ khách hàng mục tiêu của nhà hàng

Lựa chọn khu vực kinh doanh

Về khu vực kinh doanh, các chủ nhà hàng có thể lựa chọn mở nhà hàng trong những trung tâm thương mại ở mức trung lưu, đồng thời hướng tới đối tượng khách hàng Mass. Ví dụ, ở Hồ Chí Minh, bạn có thể chọn mở nhà hàng trong các trung tâm thương mại như: Aeon Mall, Giaga Mall, Vạn Hạnh Mall, LotteMart. Những trung tâm thương mại này với lượt khách đông sẽ tạo lợi thế lớn về bán hàng cho đa số mô hình kinh doanh tại chỗ. 

Còn nếu lựa chọn khu vực kinh doanh bên ngoài, bạn nên lưu ý lựa chọn khu vực dễ tiếp cận (Offline & Online), giao thông tấp nập nhưng không bị kẹt xe, gần công sở, trường học, khu dân cư tập trung, khu vui chơi giải trí, khu vực kinh doanh ẩm thực tập trung.

Mô hình kinh doanh

Chủ nhà hàng cần tìm hiểu hành vi và thói quen ẩm thực của khách hàng thông qua việc khảo sát khách hàng ở khu vực xung quanh với những tiêu chí cần thiết, để tăng cơ hội cạnh tranh. Một số vấn đề bạn cần lưu ý đó là: điểm giá, mô hình ẩm thực (nướng, lẩu, hải sản,…), đối thủ cạnh tranh,…Từ đó, bạn sẽ xác định được điểm vượt trội và tính cạnh tranh của mô hình mà mình muốn phát triển ở khu vực đó.

khao-sat-khach-hang-xung-quanh-khu-vuc-kinh-doanh
Khảo sát khách hàng xung quanh khu vực kinh doanh

Xây dựng mô hình tài chính khả thi

Tiếp theo, các chủ kinh doanh cần có một kế hoạch tài chính khả thi cho mô hình kinh doanh tại địa điểm. Trong đó, những yếu tố chủ nhà hàng cần quan tâm đó là:

  • Doanh số (lượt khách ngày thường là bao nhiêu, lượt khách cuối tuần, chi tiêu bình quân của mỗi khách hàng để ước tính doanh số).
  • Ước lượng chi phí nguyên vật liệu.
  • Chi phí nhân công lao động.
  • Chi phí hoạt động (điện, nước, gas, bảo vệ, bãi xe, mua vật dụng, sửa chữa bảo trì, hành chính, quan hệ,…) 
  • Chi phí thuê nhà.
  • Chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hoa hồng.

Những chi phí này sẽ tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch tài chính hợp lý sẽ giúp chủ nhà hàng cân bằng lợi nhuận, kiểm soát tốt dòng tiền, xác định được các cơ hội kinh doanh.

Mặt bằng kinh doanh

Kinh nghiệm giúp các chủ nhà hàng giảm thiểu rủi ro và tối đa hiệu quả trong việc đầu tư đó là xác định mặt bằng trong khu vực kinh doanh phù hợp với các yếu tố cần thiết như diện tích, mặt tiền thông thoáng để dễ nhìn thấy và nhận biết quán, cấu trúc khuôn viên. Nếu tối ưu được những yếu tố này, bạn có thể tiết kiệm chi phí trong xây dựng nhà hàng. 

Ngoài ra, một số yếu tố khác liên quan tới mặt bằng kinh doanh bạn cũng cần quan tâm đó là: phong thủy căn bản, láng giềng xung quanh, điều kiện cơ bản (giấy phép xây dựng, điện, nước,…), bãi đậu xe, pháp lý mặt bằng giúp tránh những bất cập khi thuê lâu dài, điều kiện thuê, đặt cọc thuê, bãi đỗ xe thuận lợi,…

lua-chon-mat-bang-kinh-doanh-nha-hang
Lựa chọn mặt bằng kinh doanh hợp lý để kinh doanh nhà hàng

Nguồn cung ứng

Một yếu tố vô cùng quan trọng tiếp theo mà các chủ nhà hàng không thể bỏ qua đó chính là nguồn cung ứng nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng món ăn, cũng như trải nghiệm khách hàng. 

Các chủ nhà hàng cần tìm hiểu nhiều nguồn cung ứng nguyên vật liệu để có sự so sánh và chọn lựa tốt nhất. Hãy đảm bảo nhà hàng của bạn có một nguồn nguyên liệu ổn định để không bị đứt hàng, tránh tình trạng mất khách hàng. 

Nếu bạn muốn hạ giá thành xuống thì cần nghiên cứu nguồn cung ứng mới, giá rẻ hơn, đầu nguồn, chợ đầu mối. Như vậy, bạn có thể so sánh, lựa chọn chất lượng hàng ổn định với mức giá cả cạnh tranh. Nếu chủ nhà hàng có thể giảm 5% giá nguyên vật liệu đầu vào thì có thể giảm giá bán hàng 3%. 

Nếu bạn không thể tự tìm các nguồn cung ứng giá tốt, chất lượng thì hãy tìm các đối tác có thể phối hợp thu mua với các bên có nguồn hàng, như vậy giá thành bán hàng sẽ lợi thế hơn. Nhìn chung, việc tìm được nguyên vật liệu giá tốt sẽ giúp bạn có thể đưa ra mức giá bán phù hợp, khiến khách hàng yêu thích và quay trở lại nhiều hơn.

nha-hang-can-tim-nguon-cung-ung-gia-tot-chat-luong
Nhà hàng cần tìm kiếm nguồn cung ứng giá tốt, chất lượng

Ngân sách đầu tư

Các chủ nhà hàng cần lập ngân sách đầu tư chi tiết để bảo đảm kiểm soát dòng tiền đầu tư hiệu quả, cụ thể:

Đặt cọc thuê nhà: Thông thường bạn sẽ cần đặt cọc thuê nhà từ 3 – 6 tháng, tuy nhiên hãy cố gắng đàm phán để thời gian đặt cọc chỉ còn từ 2 – 3 tháng, tránh để tiền đầu tư bị “chôn” ở đây.

Xây dựng nhà hàng: Đây là chi phí lớn nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng số vốn đầu tư, nếu tối ưu hóa được chi phí này, bạn sẽ giảm được ngân sách. Để làm được điều đó, bạn cần có đội thiết kế – xây dựng chuyên nghiệp, tìm kiếm nội thất trên thị trường có sẵn,… Bên cạnh đó, chủ nhà hàng cũng cần lưu ý một số vấn đề sau khi xây dựng nhà hàng:

  • Thứ nhất, cấu trúc nhà vững sẽ giảm phần xây dựng cơ bản.
  • Thứ hai, thiết kế nên chú trọng đơn giản, trung tính, tinh tế nhưng đảm bảo sạch sẽ và gọn gàng.
  • Thứ ba, hãy sử dụng chất liệu trẻ, hiện đại, tiết kiệm như sắt, sơn và dán tường, gỗ nhẹ,… nhưng vẫn có nét khác biệt bằng việc kết hợp học hỏi những mô hình đi trước, tự sáng tạo thông minh cùng với thiết kế 3D cơ bản.
  • Thứ tư, nội thất và bàn ghế nếu đặc thù thì thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, hoặc có thể tìm kiếm vật dụng sẵn có trên thị trường như tranh ảnh, vật trang trí, bàn ghế,… để tối ưu chi phí.

Trang thiết bị và dụng cụ: Trước khi đầu tư bạn nên tính toán thực đơn, số món ăn và số khách hàng phục vụ để có kế hoạch đầu tư trang thiết bị và dụng cụ hợp lý. Bạn cần tìm hiểu kỹ công năng của các trang thiết bị và dụng cụ sử dụng để bảo đảm đầu tư hợp lý. Ngoài ra, bạn có thể thu mua thanh lý từ các bên cung cấp hoặc các Nhà hàng đóng cửa. 

Hình ảnh bán hàng: Một số hình ảnh phục vụ việc bán hàng các chủ nhà hàng cần quan tâm đó là: Bảng hiệu trước và trong nhà hàng, Menu, Tivi, hình ảnh quảng cáo khuyến mãi, hình ảnh vật dụng, đồng phục,… có nhãn hiệu kinh doanh. Về hệ thống hình ảnh online sẽ gồm các kênh như Facebook, website,… Chủ nhà hàng cần có tính toán kỹ để tránh việc đầu tư không cần thiết.

chi-phi-dau-tu-hinh-anh-cho-nha-hang
Chi phí đầu tư hình ảnh cho nhà hàng

Chi phí trước hoạt động: Trước khi nhà hàng đi vào hoạt động sẽ có rất nhiều chi phí như: chi phí thử món, nhân công thực tập, điện nước,… Đa số các nhà hàng sẽ không tính được những chi phí này mà chỉ biết mình phải chi ra. Do đó, ở đây chủ nhà hàng cần có kế hoạch cụ thể để tránh chi phí phát sinh.

Dự trù chi phí vận hành: Bạn cần dự trù ít nhất chi phí để bù 3 tháng đầu với 30% doanh số tối thiểu mỗi tháng. Nếu mở nhà hàng trong trung tâm thương mại thì thường sẽ có lượng khách ngay lập tức và ổn định. Tuy nhiên, nếu mở nhà hàng ở ngoài thì 3 tháng đầu doanh số thường không đạt được như kỳ vọng. Đó cũng là lý do tại sao bạn cần chuẩn bị chi phí này. 

>> Xem thêm: Top 8 giải pháp tối ưu chi phí nhà hàng hiệu quả nhất

Đội ngũ set up nhà hàng

Khi triển khai kinh doanh nhà hàng, bạn cần một đội ngũ set-up có kiến thức và kinh nghiệm với các năng lực chính như:

  • Thu mua trang thiết bị, dụng cụ, hàng hóa và nguyên vật liệu đủ và đúng.
  • Bếp tay nghề để làm món, thiết lập đĩa ăn và thực đơn. Đây là năng lực cốt lõi giúp nhà hàng có thực đơn phù hợp, giá cả hợp lý cho khách hàng.
  • Thiết kế, xây dựng chi tiết toàn bộ nhà hàng chuyên nghiệp.
  • Biết làm các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, làm hình ảnh cho nhà hàng, từ đó tạo dựng hình ảnh chuẩn chỉnh để tác động vào cảm xúc của khách hàng, thu hút họ đến với nhà hàng.
  • Quản trị điều hành và dịch vụ khách hàng.
cac-nha-hang-can-tim-doi-set-up-chuyen-nghiep
Các nhà hàng cần tìm đội set-up chuyên nghiệp

Bài viết trên đây là tổng hợp những nhận định, đánh giá của tôi về việc kinh doanh ngành ẩm thực năm 2023 từ dự đoán môi trường kinh doanh, cách lựa chọn mô hình phù hợp, cũng như kinh nghiệm giảm thiểu rủi ro và tối đa hiệu quả khi đầu tư. Mong rằng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích và sẽ áp dụng thành công trong thực tế. 

Để hiểu rõ hơn về cơ hội, thách thức kinh doanh nhà hàng 2023, bạn có thể xem ngay những chia sẻ cụ thể, chuyên sâu tại video dưới đây:

Ngoài ra, từ tháng 2/2023, trên Fanpage Nguyễn Cao Trí sẽ triển khai chương trình “Cao Trí Coaching – Làm chủ nhà hàng” mang đến nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực chiến cực hữu ích cho các chủ nhà hàng, quán ăn. Đừng quên theo dõi website bePOS và Fanpage Facebook Nguyễn Cao Trí để cập nhật những thông tin mới nhất về chương trình nhé. 

Thông tin chương trình:

[maxbutton id=”1″ url=”https://share.hsforms.com/1b0CfmvBDTTSHdjXIx1fhQw2n1gz ” text=”ĐĂNG KÝ NGAY” ]

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/kinh-doanh-nha-hang-2023/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]