Trang chủBlogs bePOS vs Chuyên giaNhà đầu tư vào ngành F&B đang tìm kiếm nhà hàng có tiêu chí gì?

Nhà đầu tư vào ngành F&B đang tìm kiếm nhà hàng có tiêu chí gì?

Cập nhật lần cuối: Tháng năm 05, 2023
Nguyễn Cao Trí
Nguyễn Cao Trí
834 Đã xem

Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ kinh doanh trong ngành F&B đã bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư để hy vọng có thể hợp tác, phát triển và mở rộng mô hình kinh doanh. Vậy làm thế nào để gọi vốn các nhà đầu tư chuyên nghiệp? Các tiêu chí nhà đầu tư quan tâm khi rót vốn ngành F&B là gì?

Với góc nhìn của một nhà điều hành đã có nhiều trải nghiệm khi làm việc với các nhà đầu tư, tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm về khía cạnh tổ chức trong một doanh nghiệp để tiếp cận được các nhà đầu tư. Từ đó doanh nghiệp được nhà đầu tư đánh giá tốt và gọi vốn thành công.

Goi Von Nganh F B 16

Mục đích gọi vốn

Gọi vốn hiểu một cách đơn giản là hoạt động mà một doanh nghiệp hoặc một Startup trình bày ý tưởng kinh doanh nhằm thuyết phục các nhà đầu tư ủng hộ và rót vốn cho doanh nghiệp/dự án của mình. Vậy lý do gì khiến doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư?

Đối với doanh nghiệp

Như tôi đã chia sẻ ở các bài trước về tháp phát triển chuỗi nhà hàng, sau khi vượt qua giai đoạn có thể tồn tại được (thường chuỗi có quy mô 5 – 7 nhà hàng), doanh nghiệp đều mong muốn phát triển và bắt đầu thúc đẩy mở rộng chuỗi nhà hàng trên thị trường.

Nếu doanh nghiệp chỉ dùng nguồn lực nội tại thì tốc độ phát triển sẽ khá chậm, vì vậy cần thêm nguồn lực tài chính để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chuỗi nhà hàng nhanh chóng. Từ đó mở ra cơ hội tiến vào thị trường tại “điểm xanh”, nếu chậm quá sẽ bị kẹt tại các “điểm đỏ” của thị trường, mất đi cơ hội tốt để phát triển.

Như vậy, mục đích quan trọng hàng đầu khi gọi vốn đó là làm sao thúc đẩy sự phát triển, mở rộng kinh doanh chuỗi nhà hàng để vươn tới một tầm cao mới. Khi đó, nhà quản lý sẽ hướng tới phát triển chiến lược và thống lĩnh thị trường.

muc-dich-hang-dau-cua-goi-von-la-thuc-day-phat-trien-va-mo-rong-kinh-doanh
Mục đích hàng đầu của gọi vốn là thúc đẩy phát triển và mở rộng kinh doanh

Từ khi các doanh nghiệp kinh doanh F&B vượt qua được giai đoạn tồn tại và bắt đầu mở rộng phát triển, đến khi đạt được quy mô tầm cỡ thống lĩnh thị trường sẽ phải trải qua 2 – 3 lần thậm chí 4 lần gọi vốn, để liên tục có nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy sự mở rộng.

Từ sau đại dịch Covid 19 cho tới thời điểm hiện tại, ngành kinh doanh ẩm thực gặp rất nhiều khó khăn. Một số công ty nhỏ có mục đích gọi vốn để ít nhất có thể duy trì và tồn tại được trong một khoảng thời gian trước khi thúc đẩy mở rộng, phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu của mình và phải có kế hoạch thực sự để phát triển thì hẵng gọi vốn. 

Đối với nhà đầu tư

Đối với nhà đầu tư, mục đích tham gia rót vốn cho các doanh nghiệp dĩ nhiên là lợi nhuận. Khi nhà đầu tư có dòng tiền từ việc phát triển kinh doanh của chính mình, nếu gửi vào ngân hàng lấy lãi suất cơ bản sẽ không đem lại giá trị gia tăng cho dòng tiền. Việc nhà đầu tư đem tiền đi rót vốn cho các dự án khác sẽ giúp “tiền đẻ ra tiền” và làm tăng giá trị của dòng tiền.

Dĩ nhiên, khi đầu tư sẽ phải chấp nhận một số rủi ro nhất định, song, cơ hội mang lại là rất lớn. Do đó, nhà đầu tư sẽ tìm hiểu rất kỹ các công ty trước khi quyết định đầu tư để có thể giảm thiểu tối đa rủi ro.

nha-dau-tu-tham-gia-rot-von-cho-cac-doanh-nghiep-muc-dich-huong-toi-la-loi-nhuan
Nhà đầu tư tham gia rót vốn cho các doanh nghiệp mục đích hướng tới là lợi nhuận

Có thể nói, gọi vốn giống như hình thức kết hôn kinh doanh trong một thời gian nhất định với những điều kiện ràng buộc cụ thể, thông qua những giao thức đầy đủ, rõ ràng và có tính gắn kết. Khi một mình tự phát triển kinh doanh hay một nhóm nhỏ hợp tác với nhau sẽ hình thành tổ chức và có sự đồng thuận nhất định giữa các thành viên trong đó. Nhưng khi có nhà đầu tư tham gia cần bảo đảm những điều kiện, giao thức và quan hệ thực tầng ổn định, tránh gây khó khăn cho các quyết định khi điều hành kinh doanh.

Một số dạng đầu tư thường có trong ngành F&B

Trong những năm qua, tôi đã tiếp cận với nhiều nhà đầu tư và tham gia cố vấn cho nhiều công ty để gọi vốn. Ngay chính bản thân tôi cũng từng tham gia mảng gọi vốn đầu tư. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy có một số dạng nhà đầu tư tiêu biểu trong ngành F&B như sau:

Nhà đầu tư thiên thần

Đây là dạng đầu tư thường thấy ở các Startup. Nhà đầu tư thiên thần thường sẽ nhìn vào khả năng của Founder, nhìn vào tiềm năng của kế hoạch kinh doanh đột phá và nhìn vào cơ hội của mô hình đó trên thị trường.

Nhà đầu tư thiên thần sẽ rót tiền đầu tư ngay từ sớm, không dựa vào các chỉ số tài chính. Họ sẵn sàng bỏ vốn vào doanh nghiệp của bạn để thúc đẩy phát triển kinh doanh. Thông thường, họ tham gia đầu tư và quản trị chứ không tham gia vào quá trình điều hành, họ để công ty tự phụ trách điều hành và triển khai kinh doanh.

nha-dau-tu-thien-than-thuong-thay-o-cac-startup
Nhà đầu tư thiên thần thường thấy ở các Startup

Nhà đầu tư thuần về tài chính

Đầu tư thuần về tài chính là dạng đầu tư rất phổ biến hiện nay. Họ nhìn vào số liệu tài chính và cơ hội kinh doanh, từ đó tính ra được các chỉ số về tăng trưởng. Nếu thấy có lợi thì sẽ quyết định đầu tư vào theo chu kỳ thông thường là 5 năm. 

Sau 5 năm nếu Return – lợi nhuận tăng thêm dựa trên số vốn đầu tư ban đầu đạt khoảng hơn 1 lần là ổn. Tuy nhiên cũng có những công ty phát triển vượt trội, sau 5 năm đã đạt tốc độ tăng trưởng từ 9 – 10 lần giá trị đầu tư ban đầu.

Các nhà đầu tư thuần về tài chính sẽ có những chỉ tiêu về sự phát triển để tới thời điểm họ rút lui thì giá trị đó đạt sự tăng trưởng. Vì vậy, họ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào mảng mở rộng phát triển và đạt hiệu quả về tài chính. Dĩ nhiên, khi nhận đầu tư dạng này, người điều hành doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận những áp lực nhất định khi phát triển cùng nhà đầu tư tài chính.

nha-dau-tu-thuan-ve-tai-chinh-rat-pho-bien-hien-nay
Nhà đầu tư thuần về tài chính rất phổ biến hiện nay

Nhà đầu tư chiến lược

Nhà đầu tư dạng chiến lược mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp dài hạn trong 10 – 20 năm. Họ sẽ tham gia vào việc ra quyết định điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư chiến lược lớn từ Singapore, Nhật Bản,… tiến vào Việt Nam và nhắm vào các công ty có tiềm năng phát triển mô hình của riêng mình, đồng thời có thể mở rộng phát triển các mô hình kinh doanh của họ. Và thế là họ sẵn sàng đầu tư chiến lược vào những công ty đó.

Như vậy, các công ty được đầu tư dạng chiến lược không chỉ phát triển nội tại mà còn có thể phát triển thêm những mô hình mà các nhà đầu tư chiến lược đã có tại thị trường của họ vào thị trường Việt Nam.

nha-dau-tu-dang-chien-luoc-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-tu-10-20-nam
Nhà đầu tư dạng chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp từ 10 – 20 năm

Thông thường, nhà đầu tư chiến lược sẽ chọn các công ty có người điều hành chuyên nghiệp. Khi phát triển cùng nhà đầu tư chiến lược, các cấp quản lý công ty sẽ học hỏi được rất nhiều về tư duy quản trị điều hành chuyên nghiệp, đồng thời tạo cho mình cơ hội phát triển thêm những mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường. 

Dĩ nhiên nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ tham gia nhiều vào trong quá trình ra quyết định điều hành hoạt động của công ty. Nếu bạn chưa thật sự cởi mở, chưa sẵn sàng để học hỏi và phát triển thì sẽ cảm thấy khó khăn vì không được tự ý nhiều nữa mà sẽ có thêm các ý kiến khác.

Nhà đầu tư thâu tóm – sáp nhập

Thời gian gần đây, không khó để thấy nhiều đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn trong quá trình kinh doanh và sẵn sàng để cho nhà đầu tư lớn thâu tóm và sáp nhập.

Ví dụ, bạn sở hữu chuỗi gồm 5 – 7 cửa hàng nhưng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong kinh doanh. Khi đó, có một đơn vị khác cùng ngành hoặc cùng nhu cầu về ngành của bạn sẵn sàng thâu tóm, sáp nhập chuỗi cửa hàng của bạn vào tập đoàn hay công ty của họ.

nha-dau-tu-lon-thau-tom-va-sap-nhap-doanh-nghiep-cung-nganh
Nhà đầu tư lớn thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp cùng ngành

Ở đây, tôi không tính đến việc hùn vốn, góp vốn từ bạn bè hay gọi vốn bằng cách phát triển mô hình của mình cùng với nhà đầu tư. Dạng đầu tư này gọi là huy động vốn của các nhà đầu tư nhỏ. Nhà đầu tư sẽ bỏ một khoản tiền để đầu tư và bạn sẽ dùng năng lực của mình để phát triển mô hình đó. Đây cũng là một cách để phát triển mô hình kinh doanh.

Nhà đầu tư quan tâm điều gì?

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng!” Việc hiểu được nhà đầu tư vào ngành F&B đang tìm kiếm nhà hàng có tiêu chí gì sẽ giúp doanh nghiệp nắm được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ, từ đó nâng cao tỷ lệ gọi vốn thành công.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy nhà đầu tư thường quan tâm chủ yếu tới 5 tiêu chí sau trước khi quyết định rót vốn:

Mô hình kinh doanh

Không chỉ ngành F&B mà bất kỳ mô hình kinh doanh nào có cơ hội phát triển đều có thể vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Họ sẽ nhìn vào tài sản vô hình và hữu hình của doanh nghiệp để xem hiện tại bạn có gì và đang được duy trì như thế nào.

Chỉ số tài chính

Nhà đầu tư thường sẽ nhìn vào chỉ số tài chính của năm vừa qua, hay cũng có thể xem các chỉ số kinh doanh của các năm trước dịch Covid. Bởi sau đại dịch có rất nhiều vấn đề xảy ra khiến các chỉ số tài chính và mô hình kinh doanh thay đổi nhiều. Họ sẽ tập trung chủ yếu vào 3 chỉ số để quyết định đầu tư đó là:

  • Doanh số: Nhìn vào doanh số, nhà đầu tư sẽ biết được quy mô thị trường.
  • Ebitda (Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortization) – nghĩa là lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay: Nhìn vào chỉ số này để thấy được hiệu quả của việc điều hành kinh doanh công ty. Có thể thay Ebitda bằng chỉ số biên lợi nhuận ròng (Net Profit Before Tax).
  • Giá trị tài sản của doanh nghiệp đang như thế nào.
chi-so-tai-chinh-la-tieu-chi-nha-dau-tu-quan-tam-khi-rot-von-nganh-f-b
Chỉ số tài chính của nhà hàng trong năm qua là một trong các tiêu chí nhà đầu tư quan tâm khi rót vốn ngành F&B

Để định giá chuỗi nhà hàng, các nhà đầu tư sẽ lấy Ebitda nhân với 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 tùy theo tính năng, cơ hội phát triển và độ nhận biết của nhãn hiệu cũng như khả năng tổ chức và điều hành của chủ nhà hàng. 

Ví dụ: Bạn kinh doanh chuỗi nhà hàng có lợi nhuận 1 tỷ/tháng, tương đương 12 tỷ/năm. Quy mô này khá nhỏ nên Ebitda sẽ nhân với 6 hoặc 7.

Định giá này chỉ mang tính tương đối. Thông thường, nhà đầu tư sẽ khảo sát kỹ, thẩm định trên nhiều mặt để đánh giá một doanh nghiệp trong khoảng từ 1 – 3 tháng mới bước vào đàm phán. Chi tiết cụ thể như thế nào thì bạn hãy nhờ sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn chuyên nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ để đàm phán gọi vốn.

Quy mô nhà hàng

Việc đầu tư ban đầu cho thấy quy mô khi khảo sát nhà hàng và chỉ số tài chính tốt hơn. Thông thường, để đầu tư hiệu quả, chúng ta thường đầu tư xây dựng nhà hàng đơn giản ở giai đoạn 2 – 3 năm đầu, như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư ban đầu. 

Trong chỉ số Ebitda sẽ bao gồm cả chỉ số khấu hao tài sản. Lấy lợi nhuận cộng khấu hao ra Ebitda. Nếu các bạn tập trung đầu tư ban đầu thật chất lượng thì giá trị khấu hao vẫn tồn tại trong Ebitda. Tuy nhiên khi các bạn đầu tư ban đầu chất lượng thấp thì chỉ số Ebitda thấp. 

Ví dụ mô hình nhà hàng quán ăn đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ cho 200m2 thì khi khảo sát chất lượng, quy mô chưa tốt. Chia cho 60 tháng thì rơi vào khoảng hơn 30 triệu/tháng. Lợi nhuận 10% thì Ebitda chỉ 13 – 14 %. Nếu ban đầu đầu tư gấp đôi thì khấu hao khoảng 100 triệu, Ebitda khoảng 18%.

Tiềm năng phát triển mô hình

Các nhà đầu tư sẽ xem tiềm năng phát triển mô hình có khả năng phát triển rộng ra cả thành phố, qua các tỉnh thành, vùng miền khác hay không. Nếu được sẽ có đánh giá rất cao.

Hệ thống tổ chức và con người

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ tiến hành phỏng vấn Founder, CEO, các cấp trưởng phòng, cả công nghệ đang sử dụng, cơ chế, tổ chức vận hành công ty, quản lý nhân sự trong nhà hàng để họ cảm thấy tin tưởng đầu tư. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường yêu cầu minh bạch hóa tài chính công ty.

he-thong-to-chuc-nhan-su-trong-cong-ty
Hệ thống tổ chức nhân sự trong công ty

Chuẩn bị gì để tiếp cận nhà đầu tư

Sau khi tìm hiểu nhà đầu tư quan tâm những gì, ta có thể rút ra được các doanh nghiệp, công ty muốn gọi vốn thành công cần chuẩn bị 5 đầu mục sau đây để tạo ấn tượng tốt trước nhà đầu tư. 

Cơ cấu công ty để nhà đầu tư có thể tham gia được

Thành lập công ty cổ phần sẽ có cơ cấu và đảm bảo tính minh bạch hóa để nhà đầu tư có thể bước vào đầu tư.

Báo cáo kinh doanh chuyên nghiệp

Cần chuẩn bị báo cáo kinh doanh ít nhất trong 1 năm một cách chuẩn chỉnh, đảm bảo ý thức quản trị cao. Cụ thể thế nào bạn có thể tham khảo bài chia sẻ của tôi về Các mô hình tài chính khả thi của nhà hàng, quán ăn

Tầm nhìn chiến lược

Đặt tầm nhìn chiến lược trong 5 năm, không chỉ mong muốn mở bao nhiêu nhà hàng mà phải thấu thị được nguồn lực cần thiết: nguồn lực tài chính, nguồn lực tổ chức,… Ngoài ra, cần chuẩn bị với một tư duy chiến lược đầy đủ, khi đó sẽ giúp tăng độ thuyết phục với nhà đầu tư.

doanh-nghiep-can-chuan-bi-bao-cao-kinh-doanh-it-nhat-trong-1-nam
Doanh nghiệp cần chuẩn bị báo cáo kinh doanh ít nhất trong 1 năm

Kế hoạch kinh doanh

Hãy chuẩn bị bản kế hoạch kinh doanh với số liệu rõ ràng trong một chu kỳ chiến lược để thuyết phục nhà đầu tư. Ví dụ, muốn đạt chu kỳ chiến lược 5 năm thì cần có kế hoạch kinh doanh rõ ràng về doanh số phát triển như thế nào, mạng lưới nhà hàng ra sao, các mô hình khả dĩ để phát triển trên thị trường, chỉ số tài chính, nguồn lực tài chính,…

Hệ thống tổ chức chiến lược

Muốn đặt tầm nhìn phát triển chiến lược trong 5 năm thì phải có hệ thống tổ chức chiến lược đi theo, gồm có: mô hình vận hành, cơ cấu tổ chức, phát triển đội ngũ, ứng dụng hệ thống đánh giá năng lực PCS, hệ thống đánh giá thành quả PMS, ứng dụng công nghệ từ cơ bản đến nâng cao POS, CRM, BI, BA,…

Tìm kiếm nhà đầu tư như thế nào?

Từ khi thoát đại dịch Covid 19, trong nửa đầu năm 2022, ngành F&B rục rịch phát triển trở lại, tuy nhiên khoảng thời gian 1/3 về cuối năm chúng ta gặp nhiều vấn đề do ảnh hưởng bởi chính trị thế giới, bất động sản,… nên sự phát triển chững lại.

Trong quý 1/2023, ngành F&B gặp nhiều khó khăn, thậm chí là suy thoái. Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng rất chậm, gần như bằng 0.

tim-kiem-nha-dau-tu-nganh-f-b-nhu-the-nao
Tìm kiếm nhà đầu tư ngành F&B như thế nào?

Tuy nhiên, có một vài nhà đầu tư từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hong Kong có hỏi thăm tôi việc tìm kiếm các đối tượng đầu tư tại Việt Nam. Điều này mang tới cho tôi sự ngạc nhiên rất lớn rằng, tại sao các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam vào thời điểm hiện nay?

Có thể thấy rằng, tình hình kinh tế khó khăn mà chúng ta đang gặp phải chỉ là ngắn hạn. Sau khi những người đứng đầu bộ máy chính quyền đưa ra những chính sách tốt vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là bất động sản, thì tình hình kinh tế sẽ có sự phát triển trở lại trong khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Và chắc chắn ngành F&B cũng sẽ phát triển lại. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn ra được điều này và vẫn quan tâm tìm kiếm đối tượng để đầu tư ngay từ bây giờ.

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp nên lưu ý, chúng ta nên bình tĩnh kiểm soát các hoạt động điều hành để có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn này. Sắp tới khi tình hình kinh tế tốt lên sẽ là cơ hội tốt để phát triển trở lại. Thêm thời gian và thông tin chúng ta sẽ thấy được “điểm chạm” giúp bạn thúc đẩy cơ hội phát triển nhanh trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị dần để có cơ hội tiếp cận dần với các nhà đầu tư khi thị trường xuất hiện “điểm chạm”.

Để tiếp cận nhà đầu tư, bạn cần gặp những đối tác chuyên nghiệp như các công ty cổ phần, chứng khoán, hoặc tiếp cận thông qua buổi hội thảo về đầu tư. Dĩ nhiên, các bạn cũng cần sẵn sàng mở rộng các mối quan hệ, tiếp cận, gặp gỡ nhiều hơn những mối liên kết với các công ty tài chính sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nhà đầu tư.

>> Để tìm hiểu kỹ hơn về những điều doanh nghiệp cần chuẩn bị để tiếp cận nhà đầu tư, gia tăng tỷ lệ gọi vốn thành công, mời các bạn theo dõi những chia sẻ của tôi trong video sau:

Trên thị trường hiện nay có nhiều đơn vị hỗ trợ trong việc tìm kiếm nhà đầu tư và tư vấn quá trình chuẩn bị như thế nào để tiếp cận nhà đầu tư tốt nhất. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về các tiêu chí nhà đầu tư quan tâm khi rót vốn ngành F&B. Cám ơn các bạn đã quan tâm lắng nghe!

— — — — — — — — — — — — — — — — — — –

Tham gia ngay chương trình “Cao Trí Coaching – Làm chủ nhà hàng” được hợp tác triển khai bởi chuyên gia Nguyễn Cao Trí và bePOS. Chương trình sẽ mang đến nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực chiến cực hữu ích cho các chủ nhà hàng, quán ăn cùng cơ hội được Live Coaching 1:1 với chuyên gia Nguyễn Cao Trí. Thông tin chi tiết: