Trang chủBlogs MarketingHiệu ứng chim mồi là gì? Từ lý thuyết đến 4 chiến thuật trong kinh doanh

Hiệu ứng chim mồi là gì? Từ lý thuyết đến 4 chiến thuật trong kinh doanh

Tháng Mười Hai 12, 2023
Thanh Ngoan
Thanh Ngoan
836 Đã xem

Hiệu ứng chim mồi được sử dụng vô cùng phổ biến trong kinh doanh, bán hàng nhằm tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận. Vậy, hiệu ứng chim mồi là gì? Phương thức hoạt động và cách vận dụng hiệu ứng này như thế nào? Hãy cùng bePOS tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hiệu ứng chim mồi là gì?

Đây một thuật ngữ được sử dụng khá nhiều trong đời sống và kinh doanh. Hiệu ứng chim mồi (Decoy Effect) là một phương pháp tâm lý, thể hiện ở việc chủ thể đưa ra thêm lựa chọn mới cho khách thể nhằm dẫn dắt họ đi đến hành động cụ thể nào đó.

Điều này cũng tương tự như việc thợ săn bắt chuyên nghiệp thường huấn luyện một con chim thuần thục làm “mồi nhử”, khiến đồng loại của chúng mắc bẫy.

Trong kinh doanh, các giải pháp hiệu ứng chim mồi được nhiều nhà quản lý áp dụng nhằm mang đến những hiệu quả tiếp thị và bán hàng cao nhất. Họ tung ra thị trường một dòng “sản phẩm mồi”, hướng người tiêu dùng đến với quyết định chọn mua những mặt hàng cùng loại, có giá cao nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ, hài lòng.

hieu-ung-chim-moi-la-gi
Hiệu ứng mồi là gì?

Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng đến với một thí nghiệm cũng là ví dụ về hiệu ứng chim mồi sau đây. Năm 2010, Dan Ariely – một giáo sư tâm lý học tại trường đại học MIT đã tiến hành một thí nghiệm. Theo đó, 100 sinh viên được yêu cầu chọn mua 1 trong 3 gói sản phẩm báo của tạp chí Economist.

  • Gói 1: Báo mạng, giá 59 USD/năm.
  • Gói 2: Báo giấy, giá 125 USD/năm.
  • Gói 3: Báo tổng hợp (cả mạng và giấy), giá 125 USD/năm.

Kết quả nhận về: 16 sinh viên chọn Gói 1, 84 sinh viên chọn Gói 3 và không có sinh viên nào chọn Gói 2.

Sau đó, Dan Ariely đã bỏ đi Gói 2 và thử nghiệm trên 100 sinh viên khác. Kết quả lần này là 68 sinh viên chọn Gói 1 và 32 sinh viên chọn Gói 3.

Như vậy, xét trên phương diện kinh doanh, sự xuất hiện của Gói 2 đã giúp tạp chí Economist đạt doanh thu cao hơn so với việc chỉ đưa ra thị trường Gói 1 và 3. Và chính “Báo giấy, giá 125 USD/năm” được xem là mồi nhử để lôi kéo nhiều người tiêu dùng lựa chọn dòng sản phẩm có mức giá cao hơn, mang đến cơ hội lợi nhuận tốt hơn.

Đối với khách hàng, họ luôn có xu hướng lựa chọn những phương án giúp tiết kiệm chi phí nhất trong khi gia tăng tối đa giá trị – thực tế mà không người bán hàng nào mong muốn. Do đó, nhiệm vụ của doanh nghiệp là tạo ra sản phẩm mới giúp người tiêu dùng dễ dàng đối sánh và nhận ra sản phẩm có mức giá cao cũng là sản phẩm tối ưu chi phí mua. 

Điều này không đồng nghĩa “thước đo” phải hoàn toàn chính xác, mà quan trọng hơn là chúng phải tạo ra đòn bẩy để kích thích người mua hướng tới mặt hàng đắt nhất. Vì thế, Decoy Effect còn được biết đến với cái tên “Ưu thế bất cân xứng”.

hieu-ung-chim-moi-anh-huong-quyet-dinh-mua-hang-cua-khach-hang
Hiệu ứng chim mồi gây ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng

Nền tảng xây dựng hiệu ứng chim mồi trong tâm lý học

Không phải vô cớ mà “Ưu thế bất cân xứng” được áp dụng rộng rãi như hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh và marketing. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, hiệu ứng này bắt nguồn từ tâm lý và hành vi – những yếu tố mang tính bản chất, ẩn sâu bên trong mỗi con người.

Cụ thể, chúng ta thường đưa ra những quyết định lựa chọn dựa trên: Thông tin của sự vật, hiện tượng; Tính “phi lý trí” của tư duy và “Bản năng so sánh” – đảm bảo tính an toàn.

Trong trường hợp có hai sản phẩm cùng loại nhưng thuộc các phân khúc khác nhau. Bên cạnh việc nắm bắt thông tin cơ bản, người tiêu dùng đều có sự so sánh rất kỹ lưỡng từ tính năng, mẫu mã đến chất liệu,… Thói quen này là sự tiến hóa từ những tổ tiên xa xưa của loài người nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa trong môi trường tự nhiên. Nhưng, ở thời đại công nghệ 4.0, chúng được sử dụng với mục đích tìm ra sản phẩm có “chỉ số giá trị/ mức giá” cao nhất.

Vấn đề ở chỗ, nếu chỉ có 2 phương án lựa chọn, so sánh thì sẽ tốn nhiều thời gian suy nghĩ và cân nhắc. Cũng chính lúc này, nếu có một yếu tố nào đó tác động, tính “phi lý trí” của tư duy ngay lập tức được kích hoạt. Nghĩa là, người tiêu dùng dễ nghiêng về một phía và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn, thậm chí đó có thể là quyết định đi ngược với mục tiêu ban đầu.

Ví dụ: Ngay cả khi có phần ưng ý sản phẩm A hơn B, rất có thể bạn sẽ lựa chọn B khi được một khách hàng khác đánh giá tích cực hơn A.

Đây cũng chính là lúc hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh, hiệu ứng chim mồi trong marketing phát huy được sức mạnh, khai thác triệt để “kẽ hở” tâm lý mua hàng kể trên.

nen-tang-xay-dung-hieu-ung-chim-moi-trong-tam-ly-hoc
Nền tảng xây dựng hiệu ứng chim mồi trong tâm lý học

>> Xem thêm: Từ A-Z cách áp dụng mô hình 4P trong Marketing hiệu quả

Ý nghĩa của hiệu ứng chim mồi

Hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh, hiệu ứng chim mồi trong marketing hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có ý nghĩa và vai trò quan trọng, cụ thể:

Ý nghĩa đối với khách hàng, người tiêu dùng

Với những chia sẻ trên, thoạt đầu chúng ta đều thấy rằng “Ưu thế bất cân xứng” có vẻ như chỉ mang lại ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Nhưng khi xem xét một cách kỹ lưỡng, điều đó không hoàn toàn chính xác. Đầu tiên, nhờ việc đa dạng hóa dòng sản phẩm, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn mua sắm. Tuy rằng sự khác biệt không lớn nhưng thực tế, nó lại hữu ích ở nhiều trường hợp.

Ví dụ, Apple là một thương hiệu nổi tiếng, đến mức ai cũng mong muốn sở hữu sản phẩm của họ, kể cả khi đó không phải mẫu điện thoại cao cấp nhất trong cùng một thế hệ. Việc tạo ra Iphone SE là bằng chứng rõ nhất khi chính nó còn mang lại doanh số bán ra cao hơn cả Iphone 6 Plus – cùng hiệu năng và Iphone 7 Plus – sản xuất cùng năm.

Ngoài ra, không ít người tiêu dùng có sự cân nhắc quá kỹ lưỡng, khiến việc lựa chọn tốn nhiều thời gian. Đây không phải là điều gì quá tệ, nhưng nếu sản phẩm có nhiều dòng, nhiều mẫu khác nhau thì câu chuyện lại khác.

y-nghia-cua-hieu-ung-chim-moi
Ý nghĩa của hiệu ứng chim mồi

Ý nghĩa đối với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, vai trò của hiệu ứng chim mồi trong truyền thông là gì?

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể kích thích người tiêu dùng chọn mua những mặt hàng giá cao trong cùng một dòng sản phẩm. Điều này sẽ tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.

Thứ hai, việc tạo ra “mặt hàng chim mồi” còn có thể được xem như chính sách mới trong hoạt động kinh doanh, thậm chí nâng cao được vị thế doanh nghiệp trước đối thủ. Chúng ta có thể quay lại với Apple với phiên bản Iphone SE thế hệ thứ 2. Rõ ràng, sản phẩm này tiếp tục là một ví dụ về hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh với những đặc điểm về giá, hiệu năng, mẫu mã hướng người mua đến với dòng Iphone chính. Tuy nhiên, bản thân nó cũng tạo ra một nét “chấm phá” không hề nhỏ trong phong cách bán hàng của Apple.

Trước đây, thương hiệu này thường được biết đến với việc chỉ cung cấp smartphone thuộc hạng flagship, hướng tới phân khúc cao cấp thì nay dường như đang có sự thay đổi. Tuy rằng Iphone SE 2016 đã thể hiện hướng đi mới của “nhà Táo” – tiếp cận cả khách hàng tầm trung và bình dân nhưng nó còn mang tính thử nghiệm; với Iphone SE 2020 thì rõ ràng hơn.

Cũng bởi vì thế, ngay từ khi có thông tin về việc Apple sẽ tung ra phiên bản SE thế hệ thứ 2, cộng đồng toàn cầu đã đổ dồn mọi sự chú ý vào thương hiệu điện thoại hàng đầu này. Mặc dù những yếu tố trên chưa hẳn sẽ hứa hẹn một năm “mua may bán đắt”, nhưng không thể phủ nhận “Ưu thế bất cân xứng” trong marketing với Iphone SE 2020 thực sự rất ấn tượng.

y-nghia-cua-hieu-ung-chim-moi
Apple áp dụng hiệu ứng chim mồi trong truyền thông với sản phẩm Iphone SE

Tâm lý khách hàng và cơ sở vận dụng hiệu ứng chim mồi

Thực tế, việc phân tích tâm lý mua hàng của người tiêu dùng có thể mang đến những giá trị to lớn, nhất là khả năng áp dụng chính xác các “chiêu bài”, các hiệu ứng liên quan. Trong nội dung này, chúng ta cùng điểm qua một số tâm lý mua sắm mà nhà kinh doanh có thể khai thác và vận dụng Decoy Effect.

Sự lựa chọn mang tính chủ quan nhưng hoàn toàn có thể tác động

Decoy Effect trong kinh doanh có thể được coi là một ví dụ điển hình về sự thúc đẩy hành vi con người – một kiểu can thiệp, “hướng” người khác đi đến lựa chọn nhất định do mình tạo ra, mà không vi phạm phạm trù của sự tự do ý chí.

Ngược lại, điều này đồng nghĩa mọi quyết định của chúng ta hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan bên ngoài nhận thức. 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để làm rõ và lý giải cho vấn đề này. Và tất cả đều chỉ ra rằng con người không giỏi trong việc xác định lý do mình thực hiện hành vi của bản thân. Chính xác là khó kiểm soát tất cả những quyết định trước một sự thay đổi hay biến động nào đó. 

Phần lớn nguyên nhân đến từ việc chúng ta thường không nhận thức được đầy đủ nhất các yếu tố đã ảnh hưởng đến lựa chọn của mình cũng như ảnh hưởng mà chúng có thể tạo ra.

Để bạn thấy thuyết phục hơn, hãy đến với một nghiên cứu tại Đại học Duke. Nghiên cứu này đưa ra hai sự lựa chọn cho các thành viên tham gia khảo sát: một là nhà hàng 5 sao với mọi chất lượng dịch vụ hoàn hảo nhưng ở khá xa; hai là nhà hàng 3 sao có phần khiêm tốn về chất lượng nhưng nằm ở trong khu vực. 

Thoạt đầu, câu hỏi trên khiến mọi người khá bối rối. Họ phân vân giữa chất lượng, sự tiện nghi, mức giá nên khó đưa ra đáp án của mình.

Song, đó là trước “chim mồi” được tạo ra. Ở bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã thêm lựa chọn thứ ba – một nhà hàng 4 sao nhưng thậm chí còn nằm xa hơn cả nhà hàng 5 sao. Lúc này, nhóm tình nguyện viên tham gia khảo sát đã nhanh chóng lựa chọn nhà hàng 5 sao thay vì tốn nhiều thời gian suy nghĩ như trước đó.

Ở chiều ngược lại, khi thay thế nhà hàng 4 sao bằng lựa chọn nhà hàng 2 sao nằm giữa nhà hàng 3 và 5 sao, kết quả có sự đổi chiều. Đa số muốn đến nhà hàng 3 sao thay vì 5 sao.

Tất cả điều cho thấy rằng chỉ cần thay đổi một yếu tố khách quan nào đó cũng có thể khiến quyết định của người tiêu dùng nói riêng rẽ sang hướng khác. Hay chính là việc sự lựa chọn không hoàn toàn mang tính chủ quan.

co-so-van-dung-hieu-ung-chim-moi
Quy tắc làm việc mồi là gì? 

Đôi khi, mồi nhử là sự “biện minh” cho lựa chọn 

Cũng từ nghiên cứu trên của Đại học Duke, một câu hỏi được đặt ra: “Vì sao sự lựa chọn của con người có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nhận thức?”. Không ít cuộc tranh luận đã được đưa ra. Trong đó, đa số ý kiến cho rằng, lý do giải thích cho hiện tượng tâm lý kể trên là: “Khi đưa ra quyết định, mục tiêu của chúng ta không hoàn toàn là tìm ra đúng phương án. Thay vào đó, chúng ta đang cố gắng biện minh cho kết quả của sự lựa chọn mà mình đã thực hiện”.

Để kiểm tra tính xác thực của đáp án, các nhà nghiên cứu đã tổ chức một nghiên cứu. Họ yêu cầu những người tham gia chọn từ các bộ sản phẩm khác nhau những mặt hàng mình mong muốn. Đúng như dự đoán, kết quả ban đầu là mọi người cần nhiều thời gian xem xét trước khi đưa ra quyết định. 

Và khi có mồi nhử, việc lựa chọn diễn ra nhanh hơn và càng hiệu quả hơn. Trong trường hợp những người tham gia được thông báo rằng họ sẽ phải giải thích lý do lựa chọn của mình so với những người khác. Như vậy, mồi nhử là sự “biện minh” cho lựa chọn. Nó nhấn mạnh ưu điểm của đối tượng ta hướng tới, giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn trước những quyết định của mình.

Cũng chính từ những đặc điểm này, các nhà nghiên cứu đã hướng tới một nghịch lý mang tên “nghịch lý của sự lựa chọn”. Theo đó, khi đứng trước càng nhiều lựa chọn, chúng ta càng gặp nhiều khó khăn để đưa ra quyết định cuối cùng. Điều quan trọng hơn, bên cạnh sự choáng ngợp phân vân là cảm giác hối tiếc nếu lựa chọn “sai”. Nguyên nhân chính đến từ việc con người càng ít chắc chắn về yếu tố nên được ưu tiên, thì càng khó quyết định.

Rõ ràng, tâm lý này sẽ tạo ra một phần áp lực, thôi thúc bạn cần đưa ra một quyết định tối ưu nhất. Và khi đó, “chim mồi” giống như một phao cứu sinh khi đưa ra một thước đo, một sự chắc chắn về yếu tố nên được ưu tiên. 

Ví dụ, giữa sản phẩm A và B, xét trên tham chiếu mức giá và hiệu năng, bạn khó quyết định nên lựa chọn sản phẩm nào. Nhưng khi có sản phẩm C cùng giá B nhưng hiệu năng kém hơn B (chỉ tương đương với A) thì cán cân lựa chọn đang có phần nghiêng về B với hiệu năng tốt và giá có phần “hời” hơn C.

moi-nhu-bien-minh-cho-lua-chon
Mồi nhử là “biện minh” cho sự lựa chọn

Mọi khách hàng đều chán ghét sự “thua lỗ”

Như đã chia sẻ ở trên, tâm lý khách hàng thường sẽ hối tiếc nếu đưa ra quyết định “sai”. Bản chất ở đây là việc con người luôn thích chiến thắng hơn là thua cuộc. Áp dụng vào kinh doanh, chất lượng cao thường sẽ được ưu tiên hơn mức giá thấp.

Nghĩa là, người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận mua sản phẩm có mức giá cao đi kèm với hiệu năng tốt thay vì hướng tới mặt hàng rẻ nhưng chất lượng quá kém. Và nếu nhà bán hàng có thể vận dụng tốt Decoy Effect để khai thác yếu tố tâm lý này, kết quả thu về sẽ rất khả quan.

4 chiến thuật hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh

Decoy Effect được vận dụng trong kinh doanh thông qua những chiến lược và phương pháp cụ thể như sau:

Quyền tự do lựa chọn

Đây là “món bài” được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong suốt quá trình hoạt động và phát triển của mình, nhất là trong lĩnh vực đồ ăn. Theo đó, bên cạnh những sản phẩm hoặc phần hàng riêng lẻ, người bán còn bổ sung những combo đầy ưu đãi nhằm thu hút nhiều khách hàng chọn mua hơn.

Ví dụ, mỗi suất cơm bình dân có giá 35.000 đồng, một chai nước coca có giá 10.000 đồng. Nhưng nếu chọn combo, cả cơm và coca thì giá phải trả chỉ còn 43.000 đồng. Nếu là bạn, bạn sẽ chọn mua gói sản phẩm nào? Khả năng cao là combo cả cơm và coca.

Ở đây, mục tiêu không hẳn là dẫn dắt người tiêu dùng lựa chọn mặt hàng có mức giá cao nhất cùng dòng. Mục tiêu chính là khuyến khích họ mua nhiều hơn so với bình thường. Thậm chí, nếu làm tốt, doanh nghiệp còn bán được gấp 2, gấp 3 đơn hàng trong khi người mua vẫn cảm thấy vui vẻ và thoải mái.

combo-san-pham-ung-dung-hieu-ung-chim-moi
Combo sản phẩm – một ứng dụng của hiệu ứng chim mồi

Chiến thuật “Quy luật 100”

“Quy luật 100” không chỉ là sự vận dụng hiệu ứng chim mồi trong marketing, kinh doanh mà còn là sự “biến hóa” tinh tế giữa tâm lý mua hàng và những con số. Với chiến thuật này, doanh nghiệp sẽ linh động trong việc lựa chọn hình thức thể hiện khuyến mại, giảm giá.

  • Nếu mức giảm giá cho sản phẩm dưới 1 triệu đồng thì số liệu sẽ được niêm yết theo tỷ lệ %.
  • Nếu mức giảm giá cho sản phẩm là hàng triệu đồng trở lên thì số liệu sẽ để đúng với số tiền được giảm.

Ví dụ, trong đợt BlackFriday, sản phẩm áo Hoodie của công ty A giảm 20%, tương ứng là 60.000 đồng thì trên các ấn phẩm truyền thông, họ sẽ chọn con số 20%.

Tương tự, sản phẩm tủ lạnh của công ty B giảm 20%, tương ứng 3.000.000 đồng thì trên các ấn phẩm truyền thông, họ sẽ chọn con số 3.000.000 đồng. Tuy chỉ là sự tùy biến đơn giản nhưng thực tế, hiệu quả mà “Quy luật 100” mang lại trong kinh doanh, bán hàng thực sự vô cùng ấn tượng. 

quy-luat-100-trong-kinh-doanh
Quy luật 100 trong marketing, kinh doanh

Đánh lừa sự lựa chọn

Chúng ta hãy cùng xem lại thí nghiệm của giáo sư tâm lý Dan Ariely ở phần đầu, đây có thể được xem là ví dụ tiêu biểu cho phương pháp “Đánh lừa sự lựa chọn”.

Ở đây, sản phẩm chim mồi (Gói 2) sẽ là điểm mốc để khách hàng dễ dàng đối sánh các sản phẩm còn lại (Gói 1 và 3). Với mục tiêu hướng người mua đến với mặt hàng có mức giá cao nhất thì khả năng tối ưu giá giữa Gói 1 và 3 (thông qua đối sánh với Gói 2 ) đang không cân bằng và nghiêng về 3. Cụ thể, cùng mức giá với 2 nhưng Gói 3 có nhiều ưu đãi và quyền lợi hơn.

Nhờ vậy, khi xem xét cả 3 dòng sản phẩm, đa số khách hàng sẽ cảm nhận rằng “sản phẩm đắt nhất nhưng lại rẻ nhất” nên chẳng có lý do nào để họ từ chối chúng.

Hiệu ứng “Con số bên trái”

Giữa một sản phẩm có giá 100.000 đồng và một sản phẩm có giá 99.000 đồng, bạn ưu tiên lựa chọn bên nào? Đa số đáp án sẽ là 99.000 đồng. Sản phẩm chim mồi là sản phẩm 100.000 đồng.

Trong một thí nghiệm được nhà khoa học Monroe thực hiện vào năm 1979, ông đã nhận ra những điều “thần kỳ” như trên. Từ đó, “Con số bên trái” trở thành giải pháp hiệu ứng chim mồi được sử dụng phổ biến trong kinh doanh, bán hàng.

Về lý thuyết, có vẻ như người bán đang “chịu thiệt” 1 đồng, 1.000 đồng,… còn người mua nhận được giá hời. Nhưng thực tế, sự chênh lệch này không quá lớn và hoàn toàn có thể bù đắp bằng số lượng đơn bán ra cao ngất ngưởng. Đây cũng là mục tiêu mà “Con số bên trái” hướng đến.

hieu-ung-con-so-ben-trai
Hiệu ứng “Con số bên trái”

>> Xem thêm: Hiệu ứng mỏ neo và cách ứng dụng hiệu quả trong Marketing

Mẹo ứng dụng hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh

Để tăng doanh số bán hàng thông qua chiến lược tiếp thị hiệu ứng chim mồi, chiến lược và định giá giả sẽ có tác động lớn đến hình ảnh thương hiệu của bạn. Dưới đây là một số phương pháp mà doanh nghiệp của bạn có thể áp dụng:

  • Chọn sản phẩm chính: Xác định sản phẩm mà bạn muốn đẩy mạnh bán hàng. Đảm bảo rằng sản phẩm này có nhiều lợi ích hơn và giá cao hơn so với các sản phẩm khác.
  • Cấu trúc sản phẩm chủ chốt: Sản phẩm chủ chốt cần mang lại nhiều giá trị hơn so với các sản phẩm khác trong danh mục. Đặt mức giá cao hơn để tạo ra ấn tượng về chất lượng và giá trị.
  • Tạo mồi nhử: Mục tiêu là làm cho sản phẩm chính nổi bật trong lựa chọn của khách hàng. Sử dụng mồi nhử để tăng sự chú ý và quan tâm đối với sản phẩm chủ chốt.
  • Ba lựa chọn: Cung cấp 3 lựa chọn với mục đích khiến khách hàng cảm thấy quyết định của họ có ý nghĩa. Tạo sự so sánh giữa sản phẩm chính và các lựa chọn khác.
  • Định giá mồi nhử gần với sản phẩm chủ lực: Chọn giá cho mồi nhử sao cho nó tương đương hoặc thấp hơn một chút so với sản phẩm chủ chốt. Tạo sự hấp dẫn và giữ chân khách hàng với giá trị tốt.
  • Hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh: Tận dụng hiệu ứng chim mồi bằng cách sử dụng các kỹ thuật tâm lý mua sắm. Kích thích ý thức của khách hàng về lợi ích và giá trị của sản phẩm.
  • Tạo sự khó khăn trong quyết định mua: Đặt ra tình huống khiến khách hàng phải đối mặt với quyết định khó khăn giữa các lựa chọn. Hướng họ vào việc chọn sản phẩm chủ chốt của bạn.

Qua các kỹ thuật này, doanh nghiệp có thể tăng cường sự quan tâm của người mua đối với sản phẩm chính, thúc đẩy doanh số bán hàng và xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực.

meo-ung-dung-hieu-ung-chim-moi-trong-kinh-doanh
Mẹo ứng dụng hiệu ứng chim mồi trong kinh doanh

Cuốn sách hiệu ứng chim mồi hay không nên bỏ qua

Để hiểu rõ hơn và có thể vận dụng hiệu ứng chim mồi vào thực tế hiệu quả nhất, bạn có thể tìm hiểu thêm những cuốn sách đề cập về nội dung này. Hiện nay, có nhiều đầu sách, ấn phẩm viết về Decoy Effect. Tuy nhiên, trong nội dung bài chia sẻ, bePOS muốn gửi tới bạn cuốn sách “Hiệu ứng chim mồi” của tác giả Hạo Nhiên – Quốc Khánh.

Đầu tiên, hai tác giả Hạo Nhiên – Quốc Khánh từng bắt tay vào kinh doanh sau khi tốt nghiệp đại học. Một người dành toàn bộ thời gian kinh doanh, người kia tập trung vào công việc nghiên cứu. Hiện tại, họ đang là cộng sự và cùng sở hữu công ty mang tên Ecoblader – chuyên về lĩnh vực kinh doanh những cuốn sách marketing và bán hàng thú vị. 

Với quãng thời gian trực tiếp chèo lái hoạt động bán hàng, cả hai đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn và những bài học đắt giá. Cuốn sách “Hiệu ứng chim mồi” như sự chia sẻ chính những gì mà cả tác giả Hạo Nhiên và Quốc Khánh trải qua. Toàn bộ tác phẩm gồm 3 tập sách:

  • Tập 1 và 2 chủ yếu phân tích về Decoy Effect và rất nhiều hiệu ứng tâm lý khác trong kinh doanh.
  • Tập 3 chia sẻ cách vận dụng Decoy Effect và nhiều hiệu ứng tâm lý khác để mang lại kết quả bán hàng tối ưu nhất.
cuon-sach-ve-hieu-ung-chim-moi
Cuốn sách hiệu ứng chim mồi không nên bỏ qua

Tổng quan, đây là một tác phẩm hay dành cho những độc giả muốn tìm hiểu kỹ hơn về Decoy Effect cũng như hiệu ứng mỏ neo, tâm lý học tiến hóa,… Không những vậy, bộ 3 cuốn sách còn là cẩm nang các chiêu thức, thủ thuật vô cùng độc đáo và hiệu quả trong kinh doanh mà bất cứ ai cũng muốn sở hữu.

Xuyên suốt toàn bộ nội dung, hai tác giả đã đưa ra quan điểm cụ thể của mình, rằng lý thuyết là nền tảng vững chắc để bắt tay vào kinh doanh thực chiến. Tất cả được cài cắm khéo léo với những ví dụ thực tế và cách vận dụng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh doanh.

Bên cạnh đó, cuốn sách “Hiệu ứng chim mồi” có lối văn cũng rất gần gũi, dễ hiểu, không hề khô khan như nhiều người tưởng tượng. Vì thế, tác phẩm phù hợp với đa số độc giả, nhất là những ai đang theo đuổi sự nghiệp marketing hoặc kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều bài học được nhắc tới trong tác phẩm chưa phải là độc nhất mà có thể đã khá quen thuộc với nhiều bạn đọc yêu sách vì từng xuất hiện một số tác phẩm khác như “Phi lý trí của Dan Ariely”.

Góc nhìn của hai tác giả là của một nhà kinh doanh nên về mặt tâm lý học, nội dung được chia sẻ chưa thực sự có độ sâu, chưa đủ sức chinh phục những ai muốn tìm hiểu kỹ hơn các đề tài liên quan tới tâm lý con người. Tuy nhiên, điều này không hẳn là hạn chế nhưng là những lưu ý để bạn đọc đáng cân nhắc.

Trên đây là những chia sẻ của bePOS về “Hiệu ứng chim mồi”. Hy vọng rằng, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm và cách vận dụng hiệu quả hiệu ứng này trong kinh doanh. Chúc các bạn thành công!

FAQ

Các giải pháp hiệu ứng chim mồi thường được vận dụng trong lĩnh vực nào?

Các giải pháp hiệu ứng chim mồi khá đa dạng và có thể thực hiện dễ dàng. Vì thế chúng được vận dụng ở hầu hết các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là kinh doanh đồ ăn uống và cung ứng dịch vụ.

“Ưu thế bất cân xứng” có phải là sự lừa gạt khách hàng hay không?

Việc doanh nghiệp áp dụng “Ưu thế bất cân xứng” không phải là sự lừa gạt khách hàng. Bởi vì:

  • Mọi thông tin đưa ra về sản phẩm, dịch vụ đều chính xác, rõ ràng, minh bạch.
  • Khách hàng hoàn toàn có quyền lựa chọn bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào.
  • Khách hàng vẫn được đảm bảo về giá trị sản phẩm, thêm lựa chọn sản phẩm,…

Đây chỉ là việc doanh nghiệp khuyến khích, dẫn dắt người tiêu dùng đến với những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao và mức giá tương xứng.