Trang chủBlogs MarketingĐịnh vị thị trường là gì? Các bước định vị thị trường hiệu quả kèm ví dụ

Định vị thị trường là gì? Các bước định vị thị trường hiệu quả kèm ví dụ

Cập nhật lần cuối: Tháng mười một 11, 2023
Thanh Ngoan
1818 Đã xem

Hiện nay, để có được chỗ đứng riêng cho mình trên thị trường đầy cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp cần phải có chiến lược định vị thị trường phù hợp. Vậy định vị thị trường là gì? Làm thế nào là định vị thị trường hiệu quả? Bạn hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của bePOS nhé.

Định vị thị trường là gì?

Định vị thị trường (còn gọi là Market Positioning) được hiểu là quá trình xác định đặc điểm, tính năng độc đáo mà sản phẩm của bạn có và vượt trội hơn so với những đối thủ khác, qua đó tạo cho sản phẩm một vị thế riêng trong lòng khách hàng.

Định vị thị trường nhằm giúp doanh nghiệp tạo bản sắc riêng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động này còn gia tăng mức độ tin cậy của khách hàng với thương hiệu và giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài trên thị trường. Vì vậy, đây được coi là một trong những bước đầu tiên và cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược marketing sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.

Khi thực hiện chiến lược định vị trong marketing, doanh nghiệp cần hiểu rõ giá trị của 4P trong marketing bao gồm: Promotion (Quảng cáo) – Price (Giá cả) – Place (Địa điểm) – Product (Sản phẩm), những yếu tố này giúp tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị sản phẩm và dịch vụ. Định vị trong marketing còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra ấn tượng sâu sắc với khách hàng.

Bằng cách tạo nên một dấu ấn đặc biệt về thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ thu hút sự chú ý mà còn xây dựng lòng tin từ phía khách hàng, từ đó, có vị thế vững chắc lâu dài trên thị trường.

dinh-vi-thi-truong-la-gi
Định vị thị trường là gì?

Các loại định vị thị trường phổ biến nhất

Hiện nay, các loại định vị thị trường phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất đó là:

Dựa trên chất lượng sản phẩm

Một chiến lược định vị thị trường bền vững mà các doanh nghiệp thường lựa chọn là dựa trên sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp. Các doanh nghiệp có thể tận dụng các nghiên cứu và đổi mới công nghệ để phát triển tính năng mới, cũng như nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể đầu tư vào sản xuất để cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ.

Khi sở hữu các sản phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp dễ dàng định giá thành cao hơn so với mức trung bình trên thị trường, để bù đắp chi phí sản xuất. Đối với khách hàng chú trọng vào chất lượng, họ thường sẵn lòng chi trả thêm để sở hữu sản phẩm chất lượng này mà không ngần ngại về giá.

dinh-vi-thi-truong-dua-tren-chat-luong-san-pham
Định vị thị trường dựa trên chất lượng sản phẩm

Dựa trên giá trị sản phẩm

Đây là chiến lược thường được áp dụng bởi các thương hiệu cao cấp để định vị mình trong thị trường cạnh tranh. Khách hàng cao cấp thường sẵn lòng chi trả một số tiền lớn để sở hữu những sản phẩm mang đậm giá trị thương hiệu và tinh thần. Các doanh nghiệp thông qua việc kích thích tâm lý của khách hàng, rằng khi sở hữu những sản phẩm cao cấp này sẽ nâng cao đẳng cấp, sang trọng cho khách hàng. Cách thức này không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm mà còn xây dựng hình ảnh cao cấp, độc đáo cho thương hiệu.

Dựa trên giá cả sản phẩm

Để định vị thị trường dựa trên giá cả, doanh nghiệp cần xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu. Nếu nhóm khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp có thu nhập trung bình, việc điều chỉnh giá sản phẩm thấp hơn mức trung bình thị trường có thể áp dụng để giành lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, đối với các thương hiệu chọn phân khúc giá cao, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp, chuyên nghiệp để phù hợp với sở thích và mong muốn của khách hàng mục tiêu.

Việc điều chỉnh giá sản phẩm theo phân khúc thu nhập cụ thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất trong thị trường. Các chiến lược này đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo để đáp ứng đúng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng trong từng phân khúc giá.

dinh-vi-dua-tren-gia-ca
Định vị thị trường dựa trên giá cả sản phẩm

Dựa trên công dụng sản phẩm

Dựa trên công dụng sản phẩm là một chiến lược định vị thị trường phổ biến mà nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Chiến lược này tập trung vào việc phát triển và quảng cáo những điểm đặc trưng, cũng như những công dụng vượt trội của sản phẩm hoặc dịch vụ, nhằm cạnh tranh với các đối thủ. Nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn thực sự nổi bật với những tính năng và công dụng đặc biệt, khách hàng sẽ dễ dàng đưa ra quyết định ưu tiên chọn lựa thương hiệu của bạn, từ đó làm tăng tên tuổi của doanh nghiệp trên thị trường.

Dựa trên nhân khẩu học

Sử dụng chiến lược nhân khẩu học là một cách mà nhiều thương hiệu chọn để tập trung vào đối tượng khách hàng lớn nhất của mình. Họ tập trung vào các yếu tố nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính,….

Một ví dụ rõ nét là Dove, một thương hiệu chủ yếu dành cho phụ nữ, hay Romano chuyên tập trung vào nam giới, hoặc các sản phẩm của Johnson&Johnson chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ em. Để áp dụng chiến lược định vị này, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm nhân khẩu học cụ thể, giúp thương hiệu tạo ra các chiến lược tiếp thị và sản phẩm phù hợp.

dinh-vi-thi-truong-tren-nhan-khau-hoc
Định vị thị trường dựa trên nhân khẩu học

Các doanh nghiệp tại sao phải định vị thị trường?

Ai cũng biết rằng để doanh nghiệp phát triển tốt, thu về nhiều lợi nhuận sẽ cần thực hiện các bước định vị thị trường riêng cho mình, nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ nguyên do của hoạt động này. Vậy tại sao phải định vị thị trường? Cùng bePOS tìm hiểu thêm ở phần dưới đây nhé!

Xây dựng sự khác biệt cho doanh nghiệp trên thị trường

Nếu hiện nay doanh nghiệp của bạn đang phải vật lộn để cạnh tranh với hàng trăm hàng ngàn đối thủ trên thị trường, vậy câu hỏi đặt ra là bạn sẽ làm gì để khách hàng lựa chọn sản phẩm của bạn thay vì các đối thủ cạnh tranh khác. 

Định vị thị trường sẽ là giải pháp cấp thiết và hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Nếu đưa ra được giải pháp độc đáo để giải quyết nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu, qua đó đem đến những trải nghiệm vượt trội hẳn so với những đối thủ thì thương hiệu của bạn sẽ nổi bật trên thị trường, đồng thời tạo ra vị thế riêng trong lòng khách hàng.

xay-dung-su-khac-biet-cho-thuong-hieu
Định vị thị trường giúp tạo sự khác biệt cho thương hiệu

Đánh đúng đối tượng khách hàng

Nếu doanh nghiệp của bạn không xác định vị trí thương hiệu rõ ràng thì sẽ rất khó tiếp cận chính xác đến các đối tượng khách hàng mục tiêu. Việc tìm ra thị trường phù hợp sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí đổ vào những chiến lược tiếp thị mà đối tượng lại không thật sự có nhu cầu với sản phẩm. Ngoài ra, định vị thị trường phù hợp còn giúp bạn hướng đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng của mình.

Thúc đẩy hoạt động mua sắm của khách hàng

Mỗi khi cân nhắc mua một sản phẩm nào đó, trong tâm trí của khách hàng luôn có những vị trí 1 2, 3,… Do đó việc nắm giữ vị trí đầu trong tâm trí của khách hàng là điều mong ước mà mọi thương hiệu hướng đến. 

Nếu định vị của bạn không độc đáo, mạnh mẽ thì tỷ lệ khách hàng đưa ra quyết định mua hàng sẽ không cao. Nếu khách hàng xác định được định vị của bạn phù hợp với nhu cầu, mong muốn của mình thì họ sẽ không ngần ngại mua hàng ngay. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng nếu định vị của bạn càng độc đáo thì tỷ lệ khách hàng đưa ra quyết định mua hàng sẽ càng cao.

dinh-vi-thi-truong-thuc-day-hoat-dong-mua-sam
Định vị thị trường thúc đẩy hoạt động mua sắm của khách hàng

Tạo ấn tượng và gợi nhớ trong lòng khách hàng

Chiến lược định vị thị trường còn là chiến lược lâu dài với mục tiêu tạo sự gợi nhớ trong lòng khách hàng. Niềm tin và sự yêu mến của khách hàng là thứ mà cần doanh nghiệp tạo dựng lên. Từ đó sẽ tạo ra một tệp khách hàng trung thành đồng hành lâu dài cùng với thương hiệu. Ví dụ như Gucci, Dior, Chanel,… sẽ là những cái tên đầu tiên ta nhớ đến khi nhắc tới những thương hiệu thời trang cao cấp.

>> Xem thêm: Tổng hợp các cách phân khúc thị trường mới nhất

Giúp tăng năng lực cạnh tranh

Mặc dù đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, nhưng nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi. Vậy thì điều gì sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục đáp ứng được những mong muốn của khách hàng? Tất cả là nhờ vào việc định vị thị trường. Nếu định vị đúng, doanh nghiệp sẽ có thể tăng năng lực cạnh tranh hơn so với đối thủ và dễ dàng vươn lên dẫn đầu. 

tang-nang-luc-canh-tranh
Tăng năng lực cạnh tranh khi định vị thị trường

Xác định nền tảng phát triển của doanh nghiệp

Đối với một doanh nghiệp vào những ngày đầu hoạt động thì định vị thị trường là điều không thể thiếu, bởi đây là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp có thể phát triển được trong tương lai. Khi một thương hiệu chinh phục thành công khách hàng của mình thì sẽ rất dễ dàng phát triển thêm các sản phẩm mới. Những sản phẩm này nhằm đáp ứng thêm nhiều nhu cầu khác của người dùng trên vị thế của thương hiệu khi đã ăn sâu vào tâm trí khách hàng từ trước.

Các mức độ định vị thị trường

Những mức độ định vị thị trường thông thường bao gồm:

  • Định vị địa lý: Có thể bao gồm một hoặc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục hoặc thậm chí mức độ toàn cầu.
  • Định vị ngành nghề: Mỗi doanh nghiệp sẽ xác định mình thuộc một ngành nghề cụ thể, với những đặc điểm riêng biệt về nhân sự, công nghệ, nguyên vật liệu và các yếu tố khác.
  • Định vị doanh nghiệp: Đây là việc xác định các yếu tố như quy mô, công nghệ sản xuất, vốn kinh doanh, thị phần, đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng sản phẩm và các yếu tố khác liên quan đến doanh nghiệp.
  • Định vị sản phẩm: Tạo dấu ấn tích cực về sản phẩm của doanh nghiệp trong ý thức của khách hàng, thông qua những tính năng nổi bật, chất lượng sản phẩm, giá cả, giá trị thương hiệu,…

Để doanh nghiệp phát triển bền vững, các yếu tố trên được định vị một cách độc đáo và nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

cac-muc-do-dinh-vi-thi-truong
Các mức độ định vị thị trường

5 bước định vị thị trường chi tiết cho người mới

Để định vị thị trường một cách chính xác, doanh nghiệp cần thực hiện theo những bước tiêu chuẩn sau:

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Trước tiên, bạn cần thực hiện phân tích các điểm mạnh, điểm yếu và chiến lược của đối thủ. Để có thể phân tích những điều đó, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thị phần: Đối thủ của bạn đang sở hữu bao nhiêu thị phần trên thị trường? Tốc độ phát triển của họ ra sao?
  • Lịch sử phát triển: Những thông điệp, nội dung tiếp thị được đối thủ truyền tải ra sao? Khách hàng đón nhận những thông tin đó như thế nào?
  • Chiến lược: Hãy cố gắng nghiên cứu chiến lược marketing của đối thủ cạnh tranh đã từng đạt hiệu quả cao. Website và các mạng xã hội của đối thủ đang được triển khai như thế nào?
  • Khách hàng: Đối thủ cạnh tranh đang nhắm đến đối tượng khách hàng nào? Tầm quan trọng của họ đối với thương hiệu đó ra sao?
  • Sản phẩm: Hãy nghiên cứu xem sản phẩm của bạn và của đối thủ cạnh tranh có điểm gì khác biệt, định vị sản phẩm của họ như thế nào?

Ngoài ra, bạn cũng cần đưa ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình để có thể đánh giá, so sánh chính xác so với đối thủ cạnh tranh. Đôi khi việc này còn có thể giúp bạn tìm ra khoảng trống thị trường mà đối thủ đang bị bỏ sót và có thể tận dụng chúng. 

phan-tich-doi-thu-canh-tranh
Bước phân tích đối thủ cạnh tranh

Phân tích vị thế doanh nghiệp trên thị trường

Để có thể định vị thị trường mục tiêu một cách hiệu quả thì việc xác định được vị trí hiện tại của doanh nghiệp là rất quan trọng. Bạn cần biết “mình là ai?”, “mình đang ở đâu?” trước khi đưa ra những chiến lược định vị, cũng như chiến lược phát triển và cạnh tranh phù hợp nhất.

Xác định sự khác biệt của thương hiệu

Dựa trên thông tin từ các bước phân tích ở giai đoạn 1 và 2, nhiệm vụ của doanh nghiệp là xác định những điểm đặc trưng trong sản phẩm hoặc khoảng trống thị trường mà các đối thủ chưa khai thác. Các câu hỏi quan trọng như “Ai là khách hàng mục tiêu của bạn?”, “Sự khác biệt chính của sản phẩm so với đối thủ là gì?”, “Làm thế nào để tạo ra ấn tượng trong tâm trí khách hàng?” cần được đặt ra để xây dựng một chiến lược định vị thị trường hiệu quả và phù hợp.

xac-dinh-diem-khac-biet-cua-thuong-hieu
Xác định những điểm khác biệt của thương hiệu

Xây dựng chiến lược định vị thị trường cho thương hiệu

Để doanh nghiệp có thể phát triển lâu dài thì xây dựng chiến lược định vị thị trường cho thương hiệu là bước quan trọng giúp tạo tiền đề cho việc đó. Bạn sẽ có thể triển khai những phương án, chiến lược marketing phù hợp nhất dựa vào định vị thị trường của mình.

Đánh giá kết quả 

Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, giám sát hiệu quả mà chiến lược định vị mang lại sau khi được áp dụng bằng cách thu thập các dữ liệu định tính, định lượng như khảo sát, mở cuộc thăm dò ý kiến khách hàng,… Sau đó, tiếp tục đánh giá hiệu quả để có những phương hướng phát triển và điều chỉnh phù hợp.

danh-gia-chien-luoc-dinh-vi-thi-truong
Thường xuyên đánh giá kết quả của chiến lược định vị thị trường

Một số ví dụ về các doanh nghiệp định vị thị trường

Dưới đây là một số ví dụ về định vị thị trường giúp bạn có thể hiểu rõ hơn cách thức cũng như hình dung được các hình ảnh đặc trưng mang đến sự nổi tiếng cho những thương hiệu lớn.

Định vị thị trường của Vinamilk và TH True Milk

Hình ảnh của hai thương hiệu này đều được lựa chọn thích hợp để nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu, cụ thể:

  • Đối với Vinamilk: Những chú bò vui nhộn trên đồng cỏ xanh là hình ảnh được thương hiệu sử dụng để nhắm đến đối tượng là trẻ em và các bà mẹ mong muốn con mình cao lớn, khỏe mạnh. Như vậy có thể thấy, định vị thị trường của Vinamilk chính là tệp khách hàng trẻ em và hướng vào tâm lý mong muốn những gì tốt nhất dành cho con của các phụ huynh. 
  • Đối với TH True Milk: Hình ảnh thiên nhiên và bầu trời xanh được hãng sử dụng để gây dựng thương hiệu sữa sạch, hướng đến đối tượng các bà mẹ muốn lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình.
vi-du-dinh-vi-thi-truong-cua-th
Ví dụ định vị thị trường của TH

>> Xem thêm: Định vị thương hiệu – Con đường dẫn đến thành công của doanh nghiệp

Định vị thị trường của Apple

Có lẽ Apple là thương hiệu không còn quá xa lạ với mọi người. Apple lựa chọn con đường định vị thị trường dựa trên những giá trị sản phẩm mang lại cho người dùng. Ngoài ra, “nhà táo khuyết” còn tập trung vào phát triển những tính năng mới và thiết kế sang trọng kèm theo đó là chất lượng tuyệt hảo, để khách hàng có thể cảm nhận được sự đẳng cấp. Mức giá của Apple luôn cao hơn so với đối thủ cạnh tranh, điều đó để khẳng định bản thân Apple luôn là một thương hiệu đẳng cấp.

Muji 

Muji là một thương hiệu đồ gia dụng đến từ Nhật Bản. Thương hiệu này nổi tiếng với chiến lược định vị dựa trên giá trị sản phẩm, đặc biệt là giá trị cảm xúc. Đối tượng chủ yếu của Muji là những người trẻ tuổi trong khoảng 20 – 35 tuổi, hướng tới lối sống tối giản. Để thực hiện chiến lược này, Muji sử dụng thiết kế đơn giản, màu sắc trung tính, tạo ra không gian cửa hàng với cảm giác bình dị. Thương hiệu này còn chú trọng vào giá trị bền vững và thân thiện với môi trường.

Muji cũng triển khai chiến lược “No-brand Brand” bằng cách hầu hết sản phẩm không mang thương hiệu rõ ràng và nếu có thì logo thường được thiết kế nhỏ và đặt ở vị trí không dễ nhận thấy. Có thể thấy, chiến lược của Muji là tập trung vào chất lượng sản phẩm, sự tối giản và trải nghiệm người dùng hơn là việc xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua logo lớn.

dinh-vi-thi-truong-muji
Ví dụ định vị thị trường của Muji

Biti’s Hunter 

Biti’s Hunter chọn chiến lược định vị thị trường dựa trên nhân khẩu học của đối tượng khách hàng. Khách hàng của họ chính là những người trẻ yêu thích phong cách thể thao và các hoạt động ngoài trời, bao gồm cả nam và nữ, nhưng hướng chủ yếu đến nhóm có thu nhập trung bình và trung bình trở lên.

Biti’s Hunter nổi tiếng với sản phẩm chất lượng cao, bao gồm giày thể thao và sandal, được thiết kế theo phong cách thời trang. Các sản phẩm của họ không chỉ chú trọng vào thiết kế mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng của những người thích hoạt động ngoài trời như đi bộ, leo núi, câu cá, cắm trại,…. Chiến lược định vị thị trường của Biti’s Hunter đặt trọng tâm vào việc thể hiện những đặc điểm này và xây dựng hình ảnh của mình là một thương hiệu đáng tin cậy và phù hợp cho những người yêu thích cuộc sống năng động, ưa thích khám phá.

Một số lưu ý khi định vị thị trường 

Để định vị thị trường thành công, doanh nghiệp cần phải lưu ý những điểm như sau:

  • Đánh giá các trạng thái chung như nền kinh tế, xu hướng, thói quen tiêu dùng,… tại địa phương.
  • Nghiên cứu, nắm bắt đối thủ cạnh tranh về cả sản phẩm, dịch vụ, định hướng cũng như những chiến dịch tiếp thị. 
  • Sau khi đã định vị được thị trường của mình, doanh nghiệp cần nghiên cứu thật rõ nhu cầu của người tiêu dùng và tìm cách giải quyết, đáp ứng chúng.

Định vị thị trường chính là cách để doanh nghiệp thu hút các nhóm khách hàng dễ dàng và hiệu quả hơn thông qua việc tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm của mình. Đồng thời hoạt động này cũng giúp khẳng định vị thế doanh nghiệp trên thị trường. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã nắm rõ được những thông tin cơ bản nhất về hoạt động định vị thị trường.

FAQ

Những yếu tố nào sẽ gây ra ảnh hưởng tới việc định vị thị trường?

Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới việc định vị thị trường của doanh nghiệp:

  • Nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường.
  • Khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
  • Sự tương thích với hệ thống sản phẩm của toàn doanh nghiệp.

Nên định vị thị trường trước hay sau khi xây dựng thương hiệu?

Nên thực hiện song song hai nhiệm vụ. Việc định vị thị trường đồng thời sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, vị thế trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu.

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/dinh-vi-thi-truong/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]