Trang chủBlogs MarketingMarketing Mix là gì? Các chiến lược Marketing Mix phổ biến hiện nay

Marketing Mix là gì? Các chiến lược Marketing Mix phổ biến hiện nay

Cập nhật lần cuối: Tháng Mười Hai 12, 2023
Thanh Ngoan
Thanh Ngoan
1248 Đã xem

Nếu bạn là những người làm trong ngành Marketing, chắc hẳn khái niệm Marketing Mix không còn xa lạ. Tuy nhiên, bản chất của Marketing Mix và sự phát triển của mô hình này không phải ai cũng có thể nắm được cụ thể. Trong bài viết dưới đây, bePOS sẽ gửi đến bạn tất tần tật kiến thức và các case study nổi tiếng nhất về Marketing Mix. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Marketing Mix là gì?

Marketing Mix hay còn gọi là “Tiếp thị hỗn hợp” là tập hợp các công cụ Marketing được doanh nghiệp sử dụng nhằm đạt mục tiêu Marketing trên thị trường. Thuật ngữ Marketing Mix đã hình thành và được Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ chấp nhận vào giữa thế kỷ 20. 

Marketing Mix là gì?
Marketing Mix là gì? Chiến lược Marketing Mix là gì?

Việc xác định và sắp xếp các yếu tố của tiếp thị hỗn hợp cho phép một doanh nghiệp đưa ra những quyết định tiếp thị có lợi nhất, cụ thể:

  • Phát triển điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của doanh nghiệp. 
  • Trở nên cạnh tranh và thích ứng nhanh hơn trên thị trường.
  • Cải thiện sự hợp tác giữa các phòng ban và đối tác.

Marketing Mix khi xưa vốn được phân loại theo mô hình 4P gồm: Product, Price, Place và Promotion, thường sử dụng trong hoạt động Marketing cho hàng hóa và dịch vụ. Theo thời gian, mô hình 4P dần phát triển và mở rộng thành Marketing 7Ps theo sự cải tiến của Marketing hiện đại. 

Marketing Mix có vai trò gì?

Đối với doanh nghiệp

Marketing Mix cung cấp cho doanh nghiệp khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường, từ đó giúp công ty có thể tồn tại và phát triển một cách vững chắc. Các chiến lược tiếp thị hỗn hợp cũng chỉ ra cho doanh nghiệp biết được thị trường cần gì, kỳ vọng và năng lực mua của người dùng như thế nào.

Tiếp thị hỗn hợp đóng vai trò tạo ra sự kết nối giữa những hoạt động trong quá trình tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp với thị trường tiêu dùng. Marketing lúc này sẽ làm nhiệm vụ tìm kiếm thông tin từ thị trường, truyền đạt thông điệp của doanh nghiệp tới người tiêu dùng, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ,…

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng, việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá là vấn đề quan trọng nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, ở giai đoạn kinh tế suy thoái như hiện nay, sự cạnh tranh trong ngành hàng tiêu dùng đang ngày một trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Lúc này, đảm bảo chất lượng cho hàng hóa khi đưa ra thị trường là chưa đủ, doanh nghiệp cần phải tìm ra một chiến lược Marketing khác biệt và độc đáo.

Điều này chỉ có thể được thực hiện khi bạn hiểu rõ những thế mạnh của sản phẩm, hiểu rõ thị trường, đối thủ cạnh tranh, từ đó đưa ra các chiến lược về giá bán, chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Marketing Mix có vai trò gì
Marketing Mix có vai trò gì?

Đối với người tiêu dùng

Marketing Mix không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu đem lại cho khách hàng những giá trị thiết thực. Lúc này, tiếp thị hỗn hợp đóng vai trò là công cụ khám phá ra nhu cầu và mong muốn về sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó của người tiêu dùng. Để sáng tạo ra nhiều loại hàng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp cần sử dụng mô hình Marketing Mix để tìm ra và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Ví dụ ngày nay, nhóm khách hàng trẻ tuổi không phải tốn nhiều thời gian và công sức để sơ chế các loại hải sản họ yêu thích. Công việc này đã được các nhà phân phối sơ chế và đóng gói sẵn, vừa tiện lợi vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Marketing Mix tạo điều kiện cho cung – cầu hàng hóa gặp nhau. Trên cơ sở cập nhật và xử lý thông tin về thị trường, doanh nghiệp sẽ điều phối các hoạt động Marketing nhằm giúp sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn. Đồng thời doanh nghiệp cũng thu thập phản hồi, đánh giá từ khách hàng để cải tiến sản phẩm và mang lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng.

Các chiến lược Marketing Mix phổ biến

Mô hình Marketing Mix 4P

Mô hình 4P của Marketing Mix bao gồm các yếu tố: Price (giá bán), Product (sản phẩm), Place (địa điểm) và Promotion (quảng cáo).

Price (Giá bán)

Đây là chi phí khách hàng cần bỏ ra để mua một sản phẩm. Giá cả phụ thuộc vào giá trị cảm nhận của khách hàng về sản phẩm và có thể là yếu tố làm thay đổi đáng kể chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Giá thấp hơn giúp sản phẩm tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Trong khi đó, mức giá cao sẽ hấp dẫn những khách hàng tìm kiếm sự chất lượng vượt bậc cũng như sự độc đáo của sản phẩm. Dù chiến lược về giá của doanh nghiệp như thế nào thì giá bán phải lớn hơn chi phí sản xuất để tạo ra lợi nhuận.

Có rất nhiều yếu tố để định giá sản phẩm. Dưới đây là một số cách định giá mà các doanh nghiệp có thể áp dụng:

  • Định giá sản phẩm cao hơn đối thủ cạnh tranh để tạo ấn tượng về chất lượng sản phẩm.
  • Định giá một sản phẩm giống với đối thủ cạnh tranh, sau đó thu hút sự chú ý của khách hàng đến các tính năng hoặc lợi ích mà các thương hiệu khác không có.
  • Định giá sản phẩm thấp hơn đối thủ cạnh tranh để thâm nhập vào thị trường và thu hút tệp khách hàng thích mua hàng giá rẻ.
  • Lên kế hoạch tăng giá sau khi thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường, hoặc hạ giá để đưa sản phẩm mới vào thị trường.
  • Đặt giá cơ bản cao hơn để có thể chiết khấu, giảm giá sâu giúp hấp dẫn nhiều khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên lạm dụng cách này.

Product (Sản phẩm)

Các nhà tiếp thị phải xem xét chu kỳ sống của sản phẩm (life cycle of the product) để giải quyết tất cả những vấn đề có thể phát sinh khi sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng. Ví dụ, phiên bản đầu tiên của máy nghe nhạc iPod đã gặp vấn đề về tuổi thọ pin và Apple đã phải phát triển công nghệ mới để khắc phục vấn đề đó, mang tới sản phẩm tối ưu hơn tới tay người dùng.

Marketing Mix 4P
Mô hình Marketing Mix 4P

Place (Địa điểm)

Yếu tố này muốn nhấn mạnh tới địa điểm mà khách hàng có thể tiếp cận và mua sản phẩm. Place sẽ bao gồm các trung tâm phân phối, vận chuyển, kho bãi và cả những chi nhánh nhượng quyền thương mại. Dưới đây là một số câu hỏi khi nghiên cứu về yếu tố địa điểm mà doanh nghiệp cần trả lời được:

  • Khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm của bạn ở đâu?
  • Liệu khách hàng có cần phải trực tiếp xem và dùng thử sản phẩm không?
  • Bạn muốn dùng cách tiếp thị trực tiếp cho khách hàng từ trang web thương mại điện tử hay người mua sẽ tìm kiếm bạn trên website của bên thứ ba?
  • Bạn muốn tư vấn trực tiếp với khách hàng khi họ mua hàng hay bạn muốn thuê một bên thứ ba giải quyết các vấn đề về dịch vụ khách hàng?

Promotion (Quảng cáo)

Yếu tố Promotion bao gồm những hoạt động quảng cáo, tiếp thị và xúc tiến bán hàng của doanh nghiệp. Các hình thức quảng cáo phần lớn mà nhiều công ty đang thực hiện đó là: quảng cáo truyền hình, quảng cáo trên Internet, email, catalogue, hội chợ thương mại, bảng quảng cáo ngoài trời, thậm chí cả quảng cáo trên các phương tiện giao thông. Promotion cũng bao gồm quan hệ công chúng (PR), chẳng hạn như thông cáo báo chí hoặc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông.

Khi xem xét hoạt động quảng cáo, bạn cần xác định nội dung muốn truyền tải là gì, thông tin sẽ hướng tới ai, tiếp cận đối tượng đó như thế nào và tần suất phát quảng cáo là bao nhiêu. Tất cả các kênh quảng cáo trên liên kết với nhau tạo thành một chiến lược quảng cáo đa kênh, tạo ra trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Ví dụ:

  • Một khách hàng nhìn thấy chương trình khuyến mãi tại cửa hàng của bạn và sử dụng điện thoại của họ để kiểm tra giá bán và đọc các bài review.
  • Khách hàng tiếp tục xem website của thương hiệu, nơi có đầy đủ thông tin về sản phẩm và các chương trình giảm giá, khuyến mãi.
  • Khách hàng mua sản phẩm và bạn gửi một email cảm ơn tự động. Những lần sau bạn có thể gửi email cho khách hàng về các chương trình khuyến mãi tiếp theo.
Yếu tố Promotion trong Marketing Mix 4P
Yếu tố Promotion trong Marketing Mix 4P

>> Xem thêm: Cách ứng dụng mô hình Marketing Mix 4P cho doanh nghiệp

Mô hình Marketing Mix 7P

Mô hình 7P của Marketing Mix bao gồm tất cả những yếu tố trong mô hình 4P nhưng có thêm 3 yếu tố bổ sung là: People (con người), Packaging (bao bì) và Process (quy trình).

People (Con người)

Yếu tố con người đề cập đến bất kỳ ai tiếp xúc với khách hàng của bạn (cả trực tiếp và gián tiếp). Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đang tuyển dụng nhân tài tốt nhất ở mọi cấp độ, không chỉ trong dịch vụ chăm sóc khách hàng và đội ngũ bán hàng. Dưới đây là một số hoạt động doanh nghiệp có thể thực hiện để đảm bảo nhân viên đang tạo ra tác động phù hợp đến khách hàng:

  • Phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ Marketing nhằm thực hiện các chiến lược tiếp thị một cách tốt nhất.
  • Thiết lập văn hóa công ty (company culture) và cá tính thương hiệu (brand personality).
  • Chiêu mộ các chuyên gia để thiết kế, phát triển sản phẩm/dịch vụ. 
  • Tập trung vào nghiên cứu và quản lý quan hệ khách hàng, hay còn gọi là hệ thống CRM, tạo kết nối với khách hàng mục tiêu và xây dựng tệp khách hàng trung thành.
Yếu tố con người trong Marketing Mix 7P
Yếu tố con người trong Marketing Mix 7P

Packaging (Bao bì)

Bao bì và quy cách đóng gói hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng có thể thu hút sự chú ý của khách hàng mới, cũng như củng cố giá trị của sản phẩm đối với những khách hàng cũ. Để phát huy được sức mạnh tối đa của bao bì, bạn cần phải:

  • Thiết kế để tạo sự khác biệt: Một thiết kế tốt sẽ giúp khách hàng nhận ra thương hiệu của bạn trong nháy mắt và làm nổi bật các tính năng của sản phẩm. Ví dụ: nếu là công ty sản xuất dầu gội đầu, bạn có thể sử dụng nhiều màu sắc khác nhau trên bao bì để thể hiện sản phẩm dành cho các loại tóc khác nhau.
  • Thúc đẩy nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng: Bao bì là vũ khí bí mật và quan trọng trong Marketing. Bao bì giúp tác động và khích lệ hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Hiện nay, vai trò của bao bì ngày càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Hầu hết các doanh nghiệp đang dành một phần ngân sách khá lớn để thiết kế và sản xuất bao bì nhằm gây ấn tượng với người tiêu dùng như một lợi thế bán hàng.
  • Thêm nhiều giá trị hơn: Vượt xa mong đợi của khách hàng và mang đến những tiện ích bổ sung mà họ có thể sử dụng, đó sẽ là một ý tưởng mới mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi thiết kế bao bì sản phẩm. Ví dụ cốc cafe của Starbuck được thiết kế chắc chắn và đẹp mắt để khách hàng có thể đem về nhà và sử dụng tiếp, thay vì dùng một lần và bỏ đi. 
Mô hình Marketing Mix 7p
Mô hình Marketing Mix 7P

Process (quy trình)

Cuối cùng, doanh nghiệp nên ưu tiên các quy trình phù hợp với trải nghiệm của khách hàng. Quy trình càng cụ thể và liền mạch thì nhân viên càng dễ thực hiện. Bên cạnh đó, một quy trình tối ưu sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Điều này có thể được thực hiện trong một số kênh bán hàng, hệ thống phân phối hay thanh toán nhưng vẫn cần đảm bảo hoạt động cho doanh nghiệp.

Sau khi doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, việc tinh chỉnh và cải tiến bộ máy quy trình có thể được xúc tiến để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Khi xem xét quy trình, doanh nghiệp có thể xem xét các yếu tố sau:

  • Dịch vụ logistics trong kênh phân phối chính có tiết kiệm chi phí không?
  • Nên lập kế hoạch giao hàng như thế nào để tối ưu chi phí?
  • Các nhà cung cấp của bạn có thường xuyên hết hàng vào những thời điểm quan trọng không?
  • Bạn có đủ nhân viên để vận hành công việc trong mùa cao điểm không?
  • Dịch vụ vận chuyển bạn đang sử dụng có đáng tin cậy không?
Yếu tố Process trong Marketing Mix 7P
Yếu tố Process (quy trình) trong Marketing Mix 7P

Mô hình Marketing Mix 4C

Mô hình Marketing Mix 4C, được đề xuất bởi Robert F. Lauterborn vào năm 1990, mang đến cái nhìn mới về tiếp thị bằng cách tập trung vào khách hàng. Các yếu tố của mô hình Marketing Mix 4C bao gồm:

Customer Solutions (Giải pháp cho khách hàng)

Customer Solutions, là yếu tố đầu tiên trong Marketing Mix 4C, tập trung vào việc cung cấp các giải pháp sản phẩm/dịch vụ để đáp ứng một cách chính xác và đầy đủ nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Quá trình này liên quan đến nhiều hoạt động quan trọng như sau:

  • Customer Solutions hướng tới việc hiểu sâu rộng về nhu cầu và mong muốn cụ thể của khách hàng.
  • Thực hiện nghiên cứu thị trường để đánh giá sự biến động và xu hướng trong nhu cầu của khách hàng.
  • Phân tích đối tượng mục tiêu để xác định nhóm khách hàng cụ thể mà doanh nghiệp đang hướng đến.
  • Lắng nghe phản hồi của khách hàng để đưa ra giải pháp phù hợp.
  • Theo dõi sự thay đổi trong ưu tiên và mong muốn của khách hàng để thích nghi và phản ánh chúng vào sản phẩm/dịch vụ.

Customer Cost (Chi phí của khách hàng)

Customer Cost là một khía cạnh quan trọng trong Marketing Mix 4C, tập trung vào những chi phí mà khách hàng phải chịu ngoài giá tiền sản phẩm hoặc dịch vụ. Đây là một yếu tố quyết định sự hài lòng và giá trị cuối cùng mà khách hàng đánh giá từ trải nghiệm của họ.

Ví dụ khi mua một chiếc điện thoại smartphone, khách hàng ngoài bỏ ra chi phí mua điện thoại còn phải chi các khoản như chi phí thời gian tìm hiểu về chiếc điện thoại, chi phí vận chuyển hàng online, chi phí công sức khi mang điện thoại về nhà,…

Mô hình Marketing Mix 4C
Mô hình Marketing Mix 4C – Yếu tố nào của Marketing-Mix thường linh hoạt nhất? 

Convenience (Tiện lợi)

Convenience là một thành phần quan trọng của mô hình Marketing Mix 4C vì nó đặt trọng tâm vào việc tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm và sử dụng sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng. Để cải thiện tính tiện lợi trong Marketing Mix 4C, doanh nghiệp nên chú trọng vào:

  • Tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm: Phát triển giao diện người dùng thân thiện, cung cấp thông tin rõ ràng để giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn. Cung cấp nhiều kênh mua hàng như cửa hàng trực tiếp, trực tuyến, mobile app,….
  • Quy trình mua hàng đơn giản: Tạo ra quy trình mua hàng và sử dụng sản phẩm/dịch vụ một cách đơn giản, ít bước, giảm thời gian đặt hàng và thủ tục phức tạp.
  • Dịch vụ khách hàng tốt: Đội ngũ hỗ trợ nhanh chóng, chuyên nghiệp
  • Tích hợp tiện ích vào sản phẩm/dịch vụ: Sử dụng công nghệ để cung cấp tiện ích, chẳng hạn như thanh toán không dùng tiền mặt, đặt hàng trực tuyến, hoặc dịch vụ giao hàng tận nơi.

Communication (Giao tiếp)

Communication trong Marketing Mix 4C là yếu tố quan trọng liên quan đến cách doanh nghiệp tương tác và truyền đạt thông điệp đến khách hàng. Giao tiếp không chỉ là việc truyền thông mà còn bao gồm việc tương tác, lắng nghe và phản hồi từ khách hàng. Mục tiêu của giao tiếp là tạo ra mối quan hệ lâu dài, chứ không chỉ là việc quảng cáo sản phẩm/dịch vụ.

Doanh nghiệp nên sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau như truyền hình, mạng xã hội, email để đảm bảo thông điệp tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Kết hợp cả truyền thông trực tuyến và truyền thông truyền thống để đạt đến một đối tượng rộng lớn.

Các nguyên tắc chủ đạo của Communication trong Marketing Mix 4C bao gồm lắng nghe khách hàng, truyền đạt giá trị, xây dựng mối quan hệ và sử dụng các kênh truyền thông phù hợp. Sự tập trung vào khách hàng và việc liên tục tối ưu hóa trải nghiệm của họ là chìa khóa để thành công trong mô hình này.

Yếu tố giao tiếp trong Marketing Mix 4C
Yếu tố giao tiếp trong Marketing Mix 4C

Các ví dụ về Marketing Mix

Dưới đây bePOS sẽ gửi tới bạn hai ví dụ về Marketing Mix điển hình của Việt Nam và thế giới đó là: chiến lược Marketing Mix của Vinamilk và chiến lược Marketing Mix của Coca Cola.

Chiến lược Marketing Mix của Vinamilk

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamlik được biết đến là một doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp sữa tại Việt Nam, sở hữu mạng lưới hơn 180 nhà phân phối trong nước với hơn 100.000 điểm bán phủ khắp 63 tỉnh thành. Sau đây hãy cùng tìm hiểu mô hình Marketing Mix 4P – bí quyết chiếm lĩnh thị trường của Vinamilk nhé.

Sản phẩm

Các sản phẩm từ sữa của Vinamilk đều được quảng cáo là cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể và sự phát triển của mọi đối tượng từ người cao tuổi tới trẻ em. Vinamilk khẳng định sản phẩm luôn đảm bảo sự tinh khiết từ thiên nhiên, mang những gì tinh túy nhất tới tay người tiêu dùng.

Vinamilk tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ hàng đầu để sản phẩm ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, hãng sữa này cũng xúc tiến nhiều cuộc nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của người dân Việt Nam để phát triển lên những dòng sản phẩm tối ưu nhất cho khách hàng.

Marketing Mix của Vinamilk
Chiến lược Marketing Mix của Vinamilk

Trong chiến lược về sản phẩm, Vinamilk đã lập nên thương hiệu VFresh – lấn sân sang thị trường nước giải khát và nước ép có lợi cho sức khỏe. Chiến lược này nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng những mặt hàng có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Hơn nữa, Vinamilk còn tự phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào để đảm bảo nguồn sữa tươi chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và giành được sự tin cậy của khách hàng.

Giá cả

Trong Marketing 4P, chiến lược về giá luôn là mối quan tâm hàng đầu vì đây là yếu tố cạnh tranh trực tiếp và khích lệ người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng. Dự đoán trong tương lai, nếu Vinamilk tăng được nguồn nguyên liệu chất lượng cao trong nước, công ty sẽ giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Vinamilk cũng thường xuyên có những đợt khuyến mại giảm giá hay tăng thêm dung tích sữa.

Hệ thống phân phối

Độ bao phủ điểm phân phối của Vinamilk hiện nay đã tăng lên hơn 125.000 điểm bán lẻ. Vinamilk đã đầu tư tủ đông, tủ mát cho hệ thống phân phối hàng lạnh và cả xe tải nhỏ cho các nhà phân phối của mình. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện mở rộng thị trường nội địa đến người tiêu dùng thông qua hai kênh phân phối: 

  • Truyền thống: Hệ thống cửa hàng tạp hóa địa phương. 
  • Hiện đại: Siêu thị mini và siêu thị Metro ở các thành phố lớn.

Về xuất khẩu, công ty Vinamilk luôn tìm kiếm và mở rộng thị trường sang các nước khác trong khu vực châu Á và trên thế giới nhằm đa dạng hóa doanh thu. Ngoài ra, công ty sữa này cũng củng cố hệ thống phân phối nhằm giành thị phần tại các thị trường nhỏ lẻ như các vùng nông thôn, vùng cao và các đô thị nhỏ.

Điểm phân phối của Vinamilk ngày càng rộng
Điểm phân phối của Vinamilk ngày càng được mở rộng

Quảng bá

Chiến lược quảng bá sản phẩm của Vinamilk được thực hiện rộng rãi qua nhiều phương tiện hiện đại ngày nay như: truyền hình, tạp chí, mạng xã hội, biển quảng cáo ngoài trời, quảng cáo dán trên phương tiện giao thông,… Công ty đã và đang thường xuyên đổi mới các nội dung, hình thức quảng cáo nhằm lôi kéo sự chú ý của người tiêu dùng. Vinamilk cũng không ngại chi một số tiền lớn hàng năm để mời người nổi tiếng tham gia đóng quảng cáo cho nhãn hàng.

Cùng với đó, để khuyến khích mua hàng, Vinamilk đã tổ chức rất nhiều chương trình khuyến mãi lớn như tăng thể tích sữa mà giá không đổi hoặc tặng đồ chơi khi mua sữa cho trẻ em. Công ty cũng triển khai các điểm dùng thử sản phẩm ở địa điểm công cộng có đông người qua lại như: siêu thị, trường học,…

Bên cạnh việc kinh doanh, công ty còn quảng bá hình ảnh của mình thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện như: gây quỹ khuyến học, tài trợ các chương trình truyền hình thực tế hay các chương trình từ thiện vùng cao.

>> Xem thêm: Những chiến lược Marketing 0 đồng hiệu quả năm 2024

Chiến lược Marketing Mix của Coca Cola

Coca-Cola là một thương hiệu đồ uống nước ngoài lâu đời, phổ biến tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Khi nhắc tới Coca-Cola không thể không nhắc tới những chiến lược Marketing siêu đỉnh theo mô hình 4P. Vậy Coca-Cola đã triển khai chiến lược tiếp thị hỗn hợp của mình theo mô hình này như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé.

Sản phẩm

Tại Việt Nam, những sản phẩm chính của Coca-Cola gồm nước uống tinh khiết, nước uống có gas có đường và không đường. Công ty đã phát triển rất nhiều loại nước uống với hương vị khác nhau để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng Việt. Một số sản phẩm nổi bật của Coca-Cola tại Việt Nam như: Coke truyền thống, Coke Zero, Sprite, Fanta, sữa trái cây Nutriboost,…

Coca-Cola không ngừng cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như nước tăng lực Samurai, nước đóng chai Joy, đồng thời bổ sung nhiều hương vị mới như Coca vị gừng, Fanta vị Chanh, Fanta vị Dâu, Soda vị Chanh.

Dung tích chai coca cũng đa dạng không kém, gồm có: lon 330ml, lon 150ml, chai 1.5l, chai nhựa 390ml,… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của khách hàng với những mục đích sử dụng khác nhau.

Marketing Mix của Coca Cola
Chiến lược Marketing Mix 7p Coca – Cola

Giá cả

Việc định giá cho mỗi loại sản phẩm của Coca-Cola dựa trên từng phân khúc hàng hóa, từng thị trường nhất định. Sản phẩm của Coca Cola được định giá bằng cách dựa vào nhận thức của người mua về giá trị chứ không phải chi phí của người bán. Đối với thị trường Việt Nam, Coca-Cola đã sử dụng chiến lược giá thâm nhập thị trường.

Coca-Cola thực hiện nghiên cứu và chỉ ra rằng 80% người Việt Nam sống ở vùng nông thôn và có thu nhập hàng tháng thấp. Với lý do này, thay vì sử dụng chiến lược định giá bán cao để chắt lọc thị trường, Coca-Cola chọn chiến lược giá thấp với mục tiêu xâm nhập thị trường, chiếm được lượng lớn khách hàng và đạt được một thị phần nhất định tại Việt Nam.

Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam cũng thường xuyên triển khai các chương trình giảm giá hay mua 2 tặng 1, giảm giá khi mua với số lượng lớn tại các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc.

Hệ thống phân phối

Tại Việt Nam, Coca-Cola đặt nhà máy đóng chai tại 3 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Với ba nhà máy sản xuất rải đều ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, Coca-Cola đã mở rộng mạng lưới phân phối, cung cấp hàng hóa nhanh chóng cho các đại lý ở khu vực xung quanh. Hãng vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối qua những quán nước giải khát, nhà hàng ăn uống,… thu hút nhiều đại lý bằng cách mua tặng tủ mát, hỗ trợ chi phí trang trí cửa hàng, hỗ trợ tài chính,…

Hệ thống phân phối của công ty nước giải khát này rộng lớn và đều được đặt ở những vị trí giao thông thuận lợi, góp phần không nhỏ vào thành công của Coca-Cola tại Việt Nam ngày nay.

Quảng bá 

Coca-Cola đã chi một số tiền tương đương chi phí sản xuất chỉ để quảng cáo và đánh bóng tên tuổi ngay từ khi mới thành lập. Coca-Cola chú trọng đầu tư cho các chiến lược quảng cáo sản phẩm của hãng, tiếp cận khách hàng thông qua những kênh truyền hình, chương trình thực tế, thông cáo báo chí, truyền thông mạng xã hội,…

Chiến lược Marketing Mix của Coca Cola
Phân tích chiến lược Marketing Mix của Coca Cola

Ngoài ra, hàng năm Coca-Cola còn chi ra một khoản tiền khổng lồ để mời những siêu sao, người nổi tiếng trên thế giới làm đại sứ thương hiệu và xuất hiện trên các ấn phẩm quảng cáo của công ty này. 

Tại những cửa hàng bán lẻ hay siêu thị, sản phẩm của Coca-Cola bao giờ cũng phải được ưu tiên bày bán ngang tầm mắt, những nơi khách hàng dễ tìm thấy hoặc vị trí dễ thu hút người tiêu dùng. 

Marketing Mix 4C có tốt hơn Marketing Mix 4P không?

Mô hình Marketing Mix 4C mang lại nhiều ưu điểm so với mô hình truyền thống 4P, nhưng cũng đi kèm với một số nhược điểm. Dưới đây là bảng so sánh giữa mô hình Marketing Mix 4P và Marketing Mix 4C:

Tiêu chí Marketing Mix 4P Marketing Mix 4C
Tập trung vào yếu tố  Sản phẩm, giá, địa điểm, xúc tiến Nhu cầu của khách hàng, giải pháp, chi phí, sự tiện lợi
Đối tượng quan trọng Doanh nghiệp, sản phẩm Khách hàng
Độ linh hoạt Thường cố định, khó thay đổi Linh hoạt, dễ thích ứng với thị trường và khách hàng
Hiệu quả  Có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng linh hoạt với mong muốn khách hàng Tiết kiệm chi phí, tăng doanh số bằng cách tập trung vào nhu cầu thực sự của khách hàng
Sự đầu tư nghiên cứu Nghiên cứu sản phẩm, quảng cáo, phân phối. Không cần sự chi tiết về nhu cầu khách hàng Nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.  Đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và mong muốn của khách hàng
Yêu cầu nguồn lực  Tương đối ít nguồn lực Đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn cho nghiên cứu và phát triển

Mặc dù Marketing Mix 4C mang lại sự tập trung mạnh mẽ vào khách hàng và linh hoạt hơn, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp về mức độ phức tạp và nguồn lực yêu cầu. Trong khi đó, mô hình truyền thống 4P vẫn giữ vững vị thế của mình và thường được xem là nền tảng cho chiến lược tiếp thị. Quan trọng là, khi xây dựng chiến lược tiếp thị, sự kết hợp linh hoạt giữa các yếu tố của cả hai mô hình có thể mang lại trải nghiệm thống nhất và hiệu quả cho khách hàng.

Marketing Mix 4C có tốt hơn Marketing Mix 4P
Marketing Mix 4C có tốt hơn Marketing Mix 4P không?

Khi triển khai các chiến lược Marketing Mix cần lưu ý điều gì?

Khi triển khai chiến lược Marketing hỗn hợp, các vấn đề quan trọng cần được lưu ý và thực hiện như sau:

  • Xác định rõ mục tiêu và khách hàng mục tiêu. Hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng để đưa ra các giải pháp phù hợp trong từng yếu tố của Marketing Mix.
  • Tối ưu hóa các yếu tố trong Marketing Mix như sản phẩm, giá,… để tạo ra một tổng thể thống nhất và hiệu quả. Thường xuyên đánh giá và điều chỉnh chiến lược để đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và sự biến động của nhu cầu khách hàng.
  • Tận dụng các công nghệ hiện đại như công cụ phân tích dữ liệu, tiếp thị tự động hóa, để thu thập thông tin khách hàng một cách hiệu quả. Tối ưu hóa hiệu suất quảng cáo và tương tác với khách hàng thông qua công nghệ để đạt được kết quả tốt nhất.
  • Tạo sự liên kết giữa các yếu tố trong hoạt động Marketing Mix. Đồng bộ hóa chiến lược quảng cáo, giá cả, sản phẩm và điểm bán hàng để tăng tính nhất quán và ảnh hưởng tích cực đến hình ảnh thương hiệu.
  • Thực hiện theo dõi liên tục về hiệu suất của chiến lược Marketing hỗn hợp để đo lường sự thành công và xác định các điểm cần điều chỉnh. Tận dụng phản hồi từ khách hàng và dữ liệu để cải thiện liên tục chiến lược tiếp thị.
Lưu ý khi triển khai hoạt động Marketing Mix
Lưu ý khi triển khai hoạt động Marketing Mix

Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ Marketing Mix là gì, cũng như có cái nhìn thực tế về mô hình này thông qua case study của hai thương hiệu lớn là Vinamilk và Coca-Cola. Chúc các bạn sẽ áp dụng thành công mô hình Marketing 4P hoặc 7P cho doanh nghiệp của mình!

FAQ

Yếu tố nào quan trọng nhất trong mô hình 4P?

Product (Sản phẩm) có thể được coi là khía cạnh quan trọng nhất trong tiếp thị hỗn hợp. Không có sản phẩm, doanh nghiệp của bạn không thể triển khai bất kỳ hoạt động nào trong 3 hoạt động còn lại là Price, Promotion và Place. Nếu bạn có một sản phẩm tuyệt vời, thực sự đáp ứng được cả nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng thì khả năng cao sẽ được thị trường đón nhận.

Bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tự mình trả lời câu hỏi: Sản phẩm (Product) mình muốn bán là gì? Chúng thỏa mãn nhu cầu gì của khách hàng? Có ngách nào trong thị trường dành cho sản phẩm này hay không?

Marketing Mix có ích với xã hội không?

Thông qua Marketing Mix, các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay đang triển khai những hoạt động vì cộng đồng, vì mục đích xã hội như: 

  • Tài trợ các chương trình thiện nguyện, chương trình thực tế trên truyền hình vừa nhằm xây dựng hình ảnh vừa giúp ích cho cộng đồng.
  • Thông tin về sản phẩm, thông tin có trong quảng cáo, truyền thông phải phản ánh đúng bản chất, không nói quá hay gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
  • Trung thực về chất lượng sản phẩm và dịch vụ để người tiêu dùng không mù quáng tin tưởng vào sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp.