Trang chủBlogs Kinh nghiệm kinh doanhTất tần tật kinh nghiệm kinh doanh sân bóng nhân tạo từ A – Z

Tất tần tật kinh nghiệm kinh doanh sân bóng nhân tạo từ A – Z

Tháng Tư 04, 2024
Nữ Tâm
Nữ Tâm

Bóng đá là môn thể thao được nhiều người ở mọi lứa tuổi ưa chuộng, kéo theo nhu cầu sử dụng các sân cỏ mini cũng ngày càng lớn. Chính vì vậy, kinh doanh sân bóng đá nhân tạo mang đến tiềm năng lợi nhuận không hề nhỏ cho những ai biết cách đầu tư khôn ngoan. Vậy có những lưu ý gì khi kinh doanh loại hình này, giấy phép kinh doanh sân bóng đá mini gồm những gì, và có những bí kíp nào để kinh doanh sân bóng nhân tạo thành công? Cùng bePOS tìm hiểu trong bài viết sau để có câu trả lời chính xác nhất!

Có nên kinh doanh sân bóng nhân tạo không?

Với nhu cầu ngày càng tăng về sân bóng được đầu tư bài bản, các sân cỏ nhân tạo là sự lựa chọn lý tưởng cho mọi nhóm đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến người đi làm. Loại hình sân bóng này có ưu điểm về chất lượng cỏ nhân tạo, mặt sân không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Do đó, mở sân bóng nhân tạo là hình thức kinh doanh giúp chủ đầu tư tiết kiệm khá nhiều thời gian và công sức.

Sân bóng nhân tạo có thể hoạt động với tần suất cao, mở cửa suốt cả tuần, giúp chủ đầu tư đạt lợi nhuận lớn, đồng thời thu hồi vốn nhanh chóng. Ngoài việc sử dụng cho nhu cầu chơi bóng đá, chủ sân bóng còn có thể mở rộng kinh doanh nhiều dịch vụ khác như cho thuê trang thiết bị thể thao, cung cấp đồ uống, hoặc tổ chức các giải thi đấu để tăng hiệu quả kinh doanh.

Với những tiềm năng như trên, kinh doanh sân bóng nhân tạo hứa hẹn mang đến nguồn lợi nhuận “siêu khủng” cho những ai biết cách đầu tư hiệu quả. Để làm được điều đó, bạn cần tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời có hiểu biết kỹ thuật tốt trong lĩnh vực này.

Kinh doanh sân bóng nhân tạo
Kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo hứa hẹn mang lại tiềm năng lợi nhuận cực lớn

Kinh nghiệm kinh doanh sân bóng nhân tạo chi tiết

Để việc kinh doanh sân bóng nhân tạo được suôn sẻ, hiệu quả, bước đầu tiên chủ đầu tư cần chú ý đó là lập kế hoạch cụ thể và chỉn chu. Bản kế hoạch này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định then chốt liên quan đến mục tiêu kinh doanh, chi phí, quản lý cũng như hoạt động marketing. Để làm được điều đó, bạn cần thực hiện một số đầu việc sau.

Nghiên cứu thị trường và các đối thủ

Đây là hoạt động quan trọng mà bạn không thể bỏ qua khi có kế hoạch kinh doanh mở sân bóng nhân tạo. Qua nghiên cứu thị trường, bạn có thể hiểu rõ hơn nhu cầu, cũng như sở thích của khách hàng khi tham gia loại hình thể thao này.

Đồng thời, việc đánh giá các đối thủ cạnh tranh sẽ phần nào giúp định hình rõ thị phần sân bóng của mình. Hãy phân tích được những điểm mạnh, điểm yếu của họ, để từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý hơn.

Nghiên cứu thị trường kinh doanh sân bóng nhân tạo
Nghiên cứu kỹ về thị trường và đối thủ khi kinh doanh sân bóng nhân tạo

Tìm hiểu về sân bóng đá, sân cỏ

Trước khi bắt đầu kinh doanh, hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm hiểu kỹ và nắm được mọi kiến thức cơ bản về quy mô thị trường, chi phí đầu tư cũng như các phương pháp kinh doanh hiệu quả. Dưới đây là một số yếu tố bạn cần đặc biệt quan tâm:

Cấu tạo sân bóng đá

Sân bóng cỏ nhân tạo đang ngày càng phổ biến, phục vụ cho nhu cầu đang tăng cao của mọi nhóm đối tượng, từ các vận động viên, đến các học sinh, sinh viên và cả người đi làm. Với cấu trúc cơ bản bao gồm thảm cỏ nhân tạo, cát, hạt cao su, hệ thống chiếu sáng, lưới bao quanh sân và khung thành chắn bóng,… các sân bóng đá này đều có chung tiêu chuẩn về bề mặt sân đẹp và chuyên nghiệp.

  • Thảm cỏ nhân tạo: Thường được thiết kế sao cho gần giống với cỏ tự nhiên. Thảm cỏ đảm bảo an toàn cho người chơi với sợi nhựa tổng hợp mềm mại, linh hoạt và bề mặt sân được kết hợp bởi cát và hạt cao su, giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
  • Hệ thống chiếu sáng: Sân cỏ nhân tạo thường được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại để đảm bảo hoạt động liên tục. Hệ thống này thường bao gồm các cột đèn làm từ sắt hoặc hợp kim inox chống gỉ, với bóng đèn LED có ánh sáng ổn định, cung cấp đủ ánh sáng cho toàn bộ sân.
  • Trang thiết bị trên sân: Tất cả các vật liệu cấu thành khung thành, lưới bảo vệ… nên được chọn từ các nguyên liệu chất lượng tốt, có độ bền cao để giảm khấu hao cho thiết bị.
Cấu tạo sân bóng nhân tạo
Cấu tạo sân bóng nhân tạo cần đạt tiêu chuẩn

Phân loại sân bóng đá

Việc phân loại sân cỏ nhân tạo được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn về luật thi đấu cũng như số lượng người tham gia, theo quy định của FIFA. Có ba kích thước sân bóng cỏ nhân tạo chính như sau:

  • Sân bóng 5 người: Kích thước 22x42m
  • Sân bóng 7 người: Kích thước 33x53m
  • Sân bóng 11 người: Kích thước 68x105m

Ngoài việc phân loại dựa trên diện tích, các chủ kinh doanh cũng có thể lựa chọn loại sân để đầu tư dựa trên chất liệu liệu sợi cỏ hoặc chi phí đầu tư cho trang thiết bị. Sân bóng sử dụng sợi cỏ có chất lượng tốt sẽ tạo được ấn tượng tích cực với khách hàng về sự chuyên nghiệp, chỉn chu và bài bản.

Tìm mặt bằng kinh doanh phù hợp

Một địa điểm lý tưởng để xây dựng sân bóng đá là một không gian rộng, đủ cho việc xây dựng sân thi đấu, khán đài và phòng thay đồ. Điều quan trọng là bạn cần tìm được vị trí gần trung tâm, thuận tiện cho việc tìm kiếm và di chuyển để thu hút được nhiều khách hàng nhất có thể.

Sau khi tìm được vị trí phù hợp, hãy thương lượng để có giá thuê đất hợp lý, đảm bảo thời gian thuê đất đủ dài để có thể thu hồi vốn và tạo lợi nhuận.

Mặt bằng kinh doanh sân bóng nhân tạo
Lựa chọn mặt bằng kinh doanh sân bóng nhân tạo phù hợp

Giá thuê sân bóng đá

Để thu hút lượng lớn khách hàng, bạn cũng cần tìm hiểu và so sánh giá thuê của các đối thủ cạnh tranh khác để có thể đưa ra mức giá hợp lý nhất. Mức giá thuê cần phù hợp với mức mà khách hàng của bạn có thể chi trả, nhưng cũng đừng quên cân nhắc các chi phí đã đầu tư vào sân ban đầu. Ngoài ra, những yếu tố khác như diện tích sân, thời gian thuê, chất lượng cỏ, cơ sở vật chất và các dịch vụ bổ sung cũng sẽ ảnh hưởng đến mức giá thuê sân bóng.

Các dịch vụ đi kèm

Để tối ưu hóa lợi nhuận từ sân bóng đá, hãy cân nhắc kết hợp đa dạng các dịch vụ kinh doanh khác. Bạn có thể cung cấp các dịch vụ bổ sung như bán nước giải khát, cho thuê giày hoặc thuê trang phục thi đấu. Kết hợp các dịch vụ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng phục vụ mà còn thu hút thêm đa dạng đối tượng khách hàng cho sân bóng của bạn.

Dịch vụ đi kèm ở sân bóng nhân tạo
Chủ đầu tư nên kết hợp kinh doanh sân bóng cùng các dịch vụ đi kèm

Quảng cáo truyền thông sân bóng

Với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường kinh doanh sân bóng nhân tạo, việc quảng bá cho sân bóng của bạn là vô cùng quan trọng.

Bạn có thể tham khảo đầu tư cho quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tiếp cận và tương tác được nhiều hơn với các khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, việc sử dụng banner quảng cáo tại các điểm trung tâm mua sắm hay các khu vực sôi động trong thành phố là một cách quảng bá hiệu quả khác mà bạn nên tham khảo.

Banner quảng cáo cho sân bóng nhân tạo
Banner quảng cáo cho sân bóng nhân tạo

>> Xem thêm: Các bước xây dựng thông điệp truyền thông hiệu quả từ A-Z

Thường xuyên tổ chức sự kiện, thi đấu bóng đá giao lưu

Tổ chức thường xuyên các sự kiện và giải đấu bóng đá giao lưu biến sân bóng của bạn không chỉ trở thành nơi diễn ra những trận đấu hấp dẫn, mà còn là nơi giao lưu, kết nối giữa các đội bóng trong cộng đồng yêu thích bóng đá.

Bên cạnh việc mang đến không khí sôi động, hào hứng cho các cầu thủ và người cổ vũ, đây cũng là hình thức marketing hiệu quả để khách hàng biết đến sân bóng của bạn nhiều hơn.

Tổ chức các sự kiện giao lưu
Tổ chức các sự kiện giao lưu là một trong những kinh nghiệm mở sân bóng nhân tạo hiệu quả

Chi phí để kinh doanh sân bóng nhân tạo

Khi kinh doanh sân bóng đá nhân tạo, chi phí là vấn đề mà mọi chủ đầu tư quan tâm. Nhìn chung, tổng chi phí dự trù cho một sân bóng mini 7 người dao động từ 250-350 triệu (chưa tính chi phí thuê đất). Với sân cỏ nhân tạo 11 người, chi phí có thể dao động từ 1,2 tỷ – 2 tỷ. Tuy nhiên, chi phí cụ thể có thể thay đổi dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.

Để bạn dễ dàng ước tính chi phí cho sân bóng của mình, dưới đây là các hạng mục cơ bản mà bạn cần đầu tư:

Chi phí cho cỏ nhân tạo

Đây là phần quan trọng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong ngân sách kinh doanh sân cỏ nhân tạo mini. Bạn sẽ cần đầu tư cho cho thảm cỏ nhân tạo, tổng chi phí vật liệu hoàn thiện, cũng như lượng cát sạch… Chi phí này sẽ chiếm tỷ lệ từ 40 – 60% tổng chi phí. Bạn có thể tham khảo ba loại cỏ nhân tạo khác nhau như sau:

  • Cỏ nhân tạo cao cấp: Có giá trung bình từ 180.000 đồng – 200.000 đồng/m2. Đây sẽ là các sản phẩm hàng chính hãng, với sợi cỏ đạt tiêu chuẩn FIFA, mật độ dày và hình dáng đẹp.
  • Cỏ nhân tạo thông dụng: Mức giá trung bình từ 150.000 đồng – 180.000 đồng/m2. Loại này tương đối giống với cỏ nhân tạo cao cấp nhưng có thông số cỏ chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, đây là loại cỏ phổ biến nhất, có thể sử dụng trong khoảng 6 – 7 năm.
  • Cỏ nhân tạo giá rẻ: Giá dao động từ 120.000 đồng – 150.000 đồng/m2. Đây thường là các sản phẩm không có thương hiệu, chất lượng không ổn định. Loại cỏ này chỉ phù hợp cho các dự án kinh doanh sân cỏ nhân tạo có thời gian thuê đất ngắn.

Chi phí cho cơ sở hạ tầng

Chi phí này sẽ chiếm khoảng 15 – 20% tổng chi phí đầu tư khi kinh doanh sân bóng nhân tạo. Chủ đầu tư sẽ cần chú ý đến các hoạt động như san ủi, thi công mặt đá base, xây dựng vỉa hè và hệ thống thoát nước,… Các nhà thầu sẽ tư vấn cụ thể về chi phí này dựa trên điều kiện cụ thể sân bóng của bạn.

Chi phí cơ sở hạ tầng sân bóng nhân tạo
Chi phí cho cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng khi kinh doanh sân bóng

Chi phí cho hệ thống chiếu sáng

Chiếm từ 7 – 15% tổng chi phí đầu tư, chi phí cho hệ thống chiếu sáng bao gồm hệ thống đèn, cột đèn, dây điện và các công việc lắp đặt khác. Các sân bóng thường sử dụng cột treo đèn bằng bê tông, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo độ bền cao. Loại đèn sử dụng thường là đèn pha Led hoặc đèn cao áp truyền thống.

Chi phí cho hệ thống lưới chắn bóng

Chi phí này sẽ chiếm khoảng 5% tổng chi phí đầu tư, bao gồm lưới chắn bóng và khung thành. Loại lưới chuyên dùng thường có chiều cao từ 8m – 10m và được bao quanh sân bóng để đảm bảo an toàn. Bạn có thể cân nhắc lắp thêm lưới nóc để cải thiện mỹ quan và tăng tính tiện ích cho sân.

Thủ tục đăng kí giấy phép kinh doanh sân bóng nhân tạo

Bên cạnh các hoạt động đầu tư, chủ sân cũng cần nhớ hoàn thiện thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh sân bóng đá mini để việc hoạt động được diễn ra thuận lợi, tránh các tranh chấp không đáng có.

Điều kiện được phép đăng ký kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo

Để được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, bạn cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sau:

  • Về phần cơ sở hạ tầng: Sân bóng của bạn cần đạt chuẩn với kích thước và bề mặt cỏ nhân tạo phù hợp. Đường biên của sân phải tuân theo quy chuẩn, không có vật cản, có bảng quy định và lưới chắn phân cách giữa các sân. Ngoài ra, sân bóng nên cung cấp các tiện ích vệ sinh và các công trình phụ khác phù hợp cho việc kinh doanh,…
  • Về phần trang thiết bị: Sân bóng cần có đầy đủ các trang thiết bị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người luyện tập, thi đấu, bao gồm cầu môn, bóng và hệ thống đèn chiếu sáng,..
  • Về đội ngũ nhân viên: Bạn nên tuyển dụng các chuyên viên phù hợp với các nhiệm vụ như huấn luyện, kiểm tra, bảo dưỡng sân cỏ và nhân viên cứu hộ có năng lực tốt.
Điều kiện đăng ký kinh doanh sân bóng nhân tạo
Điều kiện được phép đăng ký kinh doanh sân bóng nhân tạo

Quy trình đăng ký kinh doanh

Chủ sân bóng cần gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về Thể dục – thể thao thuộc UBND tỉnh nơi bạn đăng ký kinh doanh bộ hồ sơ đầy đủ, bao gồm:

  • Đơn đề nghị xin cấp Giấy chứng nhận (tuân thủ Mẫu số 02 được công bố kèm theo Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019).
  • Bản tóm tắt về việc chuẩn bị các điều kiện để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thể thao (tuân thủ Mẫu số 03 được công bố kèm theo Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019).
  • Bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao công chứng của văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận của nhân viên chuyên môn.

Rủi ro khi kinh doanh sân bóng nhân tạo

Kinh doanh sân bóng đá mini có thể đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho chủ sân. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác, có một số rủi ro tiềm ẩn mà bạn cần lưu ý.

Một trong những nguy cơ lớn nhất là về mặt tài chính. Việc đầu tư ban đầu cho thiết bị, xây dựng sân, thuê nhân viên và quảng cáo đòi hỏi khoản chi phí tương đối lớn. Nếu thiếu kế hoạch kinh doanh và quản lý tài chính hiệu quả, bạn rất dễ gặp phải thua lỗ.

Bên cạnh đó, nguy cơ về pháp lý cũng cần được quan tâm. Chủ sân cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đăng ký kinh doanh cũng như các vấn đề khác liên quan đến an toàn, vệ sinh và môi trường. Nếu vi phạm có thể dẫn đến bị phạt hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Vì vậy, để tránh những rủi ro trên, trước khi bắt đầu kinh doanh sân bóng đá mini, bạn cần phải nắm rõ thị trường, xây dựng kế hoạch chi tiết và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Rủi ro kinh doanh sân bóng nhân tạo
Rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh sân bóng nhân tạo

>> Xem thêm: Tổng hợp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Tóm lại, kinh doanh sân bóng nhân tạo là một cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng, nhưng cần được thực hiện cẩn thận và có kế hoạch chi tiết để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Nếu biết cách quản lý tốt, hoạt động kinh doanh này có thể mang lại lợi nhuận rất lớn mà bạn không nên bỏ lỡ!

FAQ

Đầu tư kinh doanh sân bóng nhân tạo cần phải chú ý đến những yếu tố nào? 

Khi đầu tư kinh doanh sân bóng nhân tạo, bạn cần chú ý đến các yếu tố như chất lượng mặt sân, tiện ích phụ trợ, chi phí vận hành, và các quy định pháp lý liên quan để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Làm sao để thu hút khách hàng đến sử dụng dịch vụ sân bóng?

Để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ sân bóng nhân tạo, chủ sân cần tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, hãy xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác và cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá cả hợp lý.