Trang chủBlogs MarketingMa trận Ansoff là gì? Ứng dụng thế nào để kinh doanh hiệu quả

Ma trận Ansoff là gì? Ứng dụng thế nào để kinh doanh hiệu quả

Cập nhật lần cuối: Tháng mười hai 12, 2023
Thanh Ngoan
1393 Đã xem

Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phải không ngừng đưa ra những chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Những chiến lược phổ biến thường được triển khai như mở rộng thị trường, tung ra sản phẩm mới, thâm nhập thị trường,…. Tuy nhiên, làm thế nào để vạch định chiến lược hiệu quả? Ma trận Ansoff chính là công cụ giúp doanh nghiệp xác định chiến lược kinh doanh hiệu quả. Cùng bePOS tìm hiểu ma trận Ansoff là gì? Công dụng của ma trận Ansoff đối với các doanh nghiệp nhé! 

Ma trận Ansoff Matrix là gì? 

Ma trận Ansoff có tên tiếng Anh là Ansoff matrix hay ma trận sản phẩm – thị trường. Ma trận này thường được các doanh nghiệp sử dụng để phân tích, lập kế hoạch và vạch định, thực hiện những chiến lược phát triển kinh doanh, đồng thời đánh giá rủi ro của từng chiến lược. 

Mô hình Ansoff được nghiên cứu bởi nhà toán học gốc Nga Igor Ansoff. Ông Ansoff tập trung nghiên cứu 2 yếu tố quyết định lớn tới tiềm năng phát triển của doanh nghiệp là Sản phẩm và Thị trường. Ông đưa ra 4 chiến lược tăng trưởng bằng cách kết hợp các sản phẩm của doanh nghiệp (cả sản phẩm cũ và mới) cùng các thị trường (cũ và mới). Ma trận này sẽ giúp doanh nghiệp xác định, đánh giá rủi ro của 4 chiến lược này. 

ma-tran-ansoff-la-gi
Ansoff matrix là gì?

Tại sao nên sử dụng ma trận Ansoff? 

Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng ma trận Ansoff với mục đích lựa chọn ra chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất để tăng trưởng doanh thu. Việc xác định chiến lược phù hợp với doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn vốn, nhân sự, cơ sở hạ tầng, vị trí thị trường, ngân sách,… 

Việc của người quản lý kinh doanh chính là áp dụng ma trận Ansoff vào phân tích các yếu tố sẵn có của doanh nghiệp và chọn ra kế hoạch hoàn hảo nhất. Bên cạnh đó, ý tưởng của ma trận này là để chứng minh khi doanh nghiệp chuyển từ chiến lược này sang chiến lược khác, rủi ro sẽ tăng lên. Tuy nhiên, rủi ro luôn đi kèm với cơ hội, nếu xác định được chiến lược hiệu quả, doanh nghiệp sẽ đạt được thành tựu lớn. 

Người chủ doanh nghiệp hay người quản lý doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các yếu tố, xác định rủi ro, phát triển các phương án dự phòng để kế hoạch diễn ra thành công. 

tac-dung-cua-ma-tran-ansoff
Tác dụng của ma trận Ansoff

>> Xem thêm: Ma trận BCG là gì? Phân tích ma trận BCG

Cách ứng dụng ma trận Ansoff trong kinh doanh hiệu quả

Theo mô hình Ansoff, có 4 chiến lược tăng trưởng kinh doanh một công ty có thể áp dụng: 

Chiến lược thâm nhập thị trường (Market penetration) 

Chiến lược thâm nhập thị trường là chiến lược bán hàng loạt một loại sản phẩm cho khách hàng hiện tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tăng lòng tin nơi khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng để họ tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng cần thống nhất quy trình bán hàng của mình sao cho đơn giản, dễ tiếp cận, tăng trải nghiệm của khách hàng. 

Chiến lược phát triển thị trường (Market development) 

Đây là ô thứ 2 trong ma trận Ansoff, chiến lược này ưu tiên khai thác phân khúc thị trường mới cho những sản phẩm, dịch vụ hiện tại của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp của bạn đang có thị trường trong nước, bạn muốn khai thác thị trường mới ở nước ngoài, bạn có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài để mở rộng thị trường. 

Hoặc doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh chủ yếu bởi kênh đại lý, siêu thị, bạn muốn mở rộng kênh kinh doanh online, bạn có thể khai thác các kênh như website, Facebook, Tiktok,…. 

4-chien-luoc-ma-tran-ansoff
Các chiến lược trong ma trận Ansoff

Chiến lược phát triển sản phẩm

Chiến lược phát triển sản phẩm mới bán cho tệp khách hàng hiện có của doanh nghiệp. Chiến lược này có rủi ro tăng lên so với 2 chiến lược ban đầu. Sản phẩm mới này chưa từng tiếp cận khách hàng, độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu phát triển được sản phẩm mới có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh của mình, bạn sẽ giành được chiến thắng. 

Bạn là người hiểu rõ khách hàng cũ của mình có đặc điểm gì, thích gì, hành vi mua hàng như thế nào, và vấn đề của họ là gì. Từ đó, bạn có thể phát triển sản phẩm/dịch vụ nhằm giải quyết vấn đề của họ. 

Chiến lược đa dạng hóa 

Chiến lược đa dạng hóa là chiến lược mang tính rủi ro cao nhất, doanh nghiệp cho ra mắt hàng loạt những sản phẩm mới dành cho các thị trường mới. Bạn cần nghiên cứu khách hàng mới của mình là ai, họ có những đặc điểm gì, họ đang có nhu cầu gì để phát triển sản phẩm phù hợp. 

Một số ví dụ về ma trận Ansoff 

Cùng tìm hiểu một số ví dụ về ma trận Ansoff của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới: 

Ma trận Ansoff của Coca Cola 

Coca Cola và Pepsi là hai đối thủ cạnh tranh nổi tiếng trên thế giới trong ngành hàng đồ uống đóng chai. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, Coca Cola đã có bước chuyển mình cực kỳ lớn khi bước sang ô thứ ba của ma trận Ansoff – áp dụng chiến lược phát triển sản phẩm mới. 

Ngoài sản phẩm Coca Cola vốn đã nổi tiếng trên thị trường, thương hiệu này đã tung ra thị trường loại Coca Cola cải tiến với các hương vị cherry, chanh, vani,… Nhờ đó, Coca Cola đã tăng doanh thu đáng kể nhờ chiến lược này. 

ma-tran-ansoff-cua-coca-cola
Ma trận Ansoff của Coca Cola

Năm 2005, hãng đã cho ra mắt sản phẩm Coke Zero dựa trên nền tảng sản phẩm Diet Coke. Diet Coke là sản phẩm Coca Cola hướng tới đối tượng phụ nữ, thích uống nước ngọt nhưng sợ béo, không muốn có quá nhiều đường. Coke Zero đã thay đổi vỏ lon thành màu đen, áp dụng chiến lược marketing tương phản đen – trắng để thu hút khách hàng nam giới. 

Chiến lược có độ rủi ro nhất là chiến lược đa dạng hóa. Coca Cola đã mua lại thương hiệu Glaceu – thương hiệu đồ uống lành mạnh đang chiếm xu thế thị trường lúc bấy giờ. Ngoài ra, Coca Cola còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như áo phông, bút, kính,…. để đa dạng hóa sản phẩm. 

Ma trận Ansoff của Vinamilk 

Thương hiệu Vinamilk đã áp dụng ma trận Ansoff như sau:

  • Chiến lược thâm nhập thị trường: Vinamilk đã khai thác hệ thống phân phối sản phẩm hiện có như sữa chua, sữa nước, sữa bột,…. cho 220 nhà phân phối trên toàn quốc. 
  • Chiến lược phát triển thị trường: Xuất khẩu sản phẩm ra các nước như Mỹ, Úc, Canada,… 
  • Chiến lược sản phẩm mới: Phát triển các sản phẩm mới sữa đậu nành, nước ép, nước đóng chai, sữa bột giảm cân, kem,… 
  • Chiến lược đa dạng hóa: Mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang bất động sản, chứng khoán, vận tải,… 
ma-tran-ansoff-vinamilk
Ma trận Ansoff của Vinamilk

Ma trận Ansoff của Viettel

Ma trận Ansoff của Viettel qua các giai đoạn như sau: 

  • Chiến lược thâm nhập thị trường, phát triển sản phẩm: Viettel tung ra nhiều gói cước dịch vụ đa dạng cho tệp khách hàng sẵn có. 
  • Chiến lược phát triển thị trường: Nâng số trạm phát sóng lên 36.000 trạm trên toàn quốc, phát triển hệ thống chăm sóc, tư vấn khách hàng, đầu tư vào thị trường Campuchia.
  • Đa dạng hóa: Tổ chức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí, báo đài, website,… để marketing cho thương hiệu. 

Trên đây là một số thông tin, ví dụ về ma trận Ansoff, cách xác định chiến lược phát triển kinh doanh dựa trên hai yếu tố cơ bản là sản phẩm và thị trường. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã có thêm kiến thức để áp dụng ma trận Ansoff vào phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp của mình. Chúc bạn thành công! 

FAQ 

Ma trận Ansoff của Pepsi là gì?

Ma trận Ansoff của Pepsi gồm 4 chiến lược sau: 

  • Chiến lược thâm nhập thị trường: Quảng cáo chiến lược nước uống Pepsi “Hưng phấn, thêm sinh lực, hỗ trợ tiêu hóa”.
  • Chiến lược phát triển thị trường: Mở rộng thị trường kinh doanh trên hơn 200 quốc gia.
  • Chiến lược phát triển sản phẩm: Tung ra các sản phẩm mới như đồ ăn nhẹ, đồ uống khác,…
  • Đa dạng hóa: Thành lập quỹ Pepsico – Quỹ dinh dưỡng, nước an toàn, hiệu quả sử dụng nước, tăng cường truyền thông trên nhiều kênh truyền thông. 

Những doanh nghiệp nổi tiếng nào đã áp dụng ma trận Ansoff để phát triển kinh doanh? 

Các doanh nghiệp áp dụng ma trận Ansoff để mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh như Samsung, Apple, Sony, Honda, Vinfast, FLC,…. 

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/ma-tran-ansoff/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]