Trang chủBlogs Tài chínhNhững điều bạn cần nắm chắc về chỉ số ROE khi kinh doanh, đầu tư

Những điều bạn cần nắm chắc về chỉ số ROE khi kinh doanh, đầu tư

Cập nhật lần cuối: Tháng chín 09, 2023
Thanh Ngoan
Thanh Ngoan
1217 Đã xem

Chỉ số ROE là một trong những dữ liệu tài chính quan trọng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu là một nhà đầu tư, việc đánh giá ROE chính xác có thể giúp bạn đưa ra những quyết định rót vốn đúng đắn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Vậy chỉ số ROE là gì? Cách tính chỉ số này ra sao? Tất cả sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây của bePOS.

Tìm hiểu rõ ROE là gì?

Trước tiên, bạn cần hiểu bản chất thuật ngữ ROE là gì. Chỉ số ROE (Return On Equity) là tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu trong một thời gian nhất định của doanh nghiệp. Đây là một chỉ số tài chính quan trọng phản ánh chỉ tiêu về lợi nhuận (trên Báo cáo kết quả kinh doanh) và chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu bình quân (trên Bảng cân đối kế toán).

Như vậy, về mặt thủ tục, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần cung cấp chỉ số ROE trong các báo cáo tài chính của mình.

ROE-la-gi
Định nghĩa về thuật ngữ chỉ số ROE mà bạn cần nắm chắc

Công thức tính ROE

Hiện nay, công thức tính ROE được thống nhất như sau:

cong-thuc-tinh-ROE

ROE công thức tính toán được nhiều người áp dụng

Trong đó:

  • Lợi nhuận sau thuế là số tiền sau khi đã trả cổ tức cho các cổ đông và cổ phiếu ưu đãi, lãi vay cho các doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế được trích xuất từ báo cáo doanh thu của công ty, còn có tên gọi khác là thu nhập ròng hay lãi ròng. Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Tổng thuế phải đóng.
  • Vốn chủ sở hữu bình quân là kết quả phép tính cộng vốn chủ sở hữu vào đầu kỳ kế toán, được lấy từ dữ liệu bảng cân đối kế toán doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu bình quân = Trung bình tổng vốn chủ sở hữu các kỳ.

Ngoài ra, có một cách tính ROE trên báo cáo tài chính khác cách trên:

ROE = Tỷ lệ tăng trưởng bền vững (Sustainable Growth Rate)/ Tỷ lệ duy trì

Trong đó:

  • Tỷ lệ tăng trưởng bền vững là tốc độ tăng trưởng tối đa mà doanh nghiệp có thể duy trì, không cần đến các khoản tài trợ tăng trưởng như tăng nợ, hoặc bổ sung vốn chủ sở hữu.
  • Tỷ lệ duy trì được tính bằng cách lấy 1 trừ đi tỷ lệ cổ tức trả cho cổ đông.
cach-tinh-chi-so-roe
Một cách tính chỉ số ROE trên báo cáo tài chính bạn có thể tham khảo

>> Xem thêm: Chỉ số ROA là gì và hướng dẫn cách tính chỉ số ROA chính xác

Ý nghĩa ROE trong đầu tư, kinh doanh

Qua đây, ta có thể phần nào thấy được ý nghĩa chỉ số ROE là gì trong đầu tư, kinh doanh. Cụ thể:

Đối với doanh nghiệp

  • Cho thấy hiệu quả sử dụng vốn

Thông qua việc tính ROE, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt tình hình kinh doanh của mình. Không thể hiện mức doanh thu, không cho thấy khả năng điều tiết kho,… nhưng chỉ số này phản ánh hiệu quả sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nói cách khác, ROE cho doanh nghiệp biết mỗi đồng vốn của mình có thể tạo ra bao nhiêu lợi nhuận trong thời gian được xem xét.

Ví dụ, nếu ROE = 15% trong một năm thì với số vốn 1 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể thu về 150 triệu lợi nhuận. 

  • Tạo cơ sở đánh giá và điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Giả sử, ROE của doanh nghiệp cao và ổn định, điều đó chứng tỏ hiệu quả kinh doanh đang rất tốt. Lúc này, doanh nghiệp có thể kêu gọi thêm đầu tư để mở rộng quy mô.

Ngược lại, nếu ROE có sự bất ổn và tương đối thấp, doanh nghiệp phải đánh giá, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như cân nhắc về việc gọi thêm vốn trong tương lai.

y-nghia-chi-so-roe
Chỉ số ROE giúp đánh giá hoạt động doanh nghiệp và đưa ra chiến lược phát triển

Tóm lại, chỉ số ROE là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp đánh giá và điều chỉnh định hướng sản xuất, bán hàng phù hợp hơn, vừa để gia tăng lợi nhuận, vừa để hạn chế rủi ro, thua lỗ.

Đối với nhà đầu tư

Việc tính ROE không chỉ mang lại lợi ích dành cho doanh nghiệp, mà cho cả nhà đầu tư, cụ thể:

  • Cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp

Việc nắm bắt được ROE giúp nhà đầu tư có thể theo dõi nguồn vốn của mình, biết được doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay không. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư sẽ tham gia điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kịp thời “bảo vệ” số tiền mình đã đầu tư cho doanh nghiệp.

  • Góp phần quyết định đầu tư chính xác hơn

Khi đối sánh ROE giữa các công ty, doanh nghiệp cùng lĩnh vực, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn chính xác hơn về tiềm năng sinh lời. Từ đó, họ dễ dàng đưa ra quyết định nên lựa chọn rót vốn vào doanh nghiệp nào, mức đầu tư bao nhiêu thì hợp lý. 

y-nghia-ROE-trong-dau-tu-kinh-doanh
Ý nghĩa ROE trong đầu tư, kinh doanh

Tất nhiên, ROE chỉ là một kênh đánh giá. Nhà đầu tư cần xem xét nhiều yếu tố tài chính và kinh doanh khác trước khi ra quyết định đầu tư. Song, đây vẫn là kênh tham khảo quan trọng. 

>> Tìm hiểu thêm chỉ số ROS là gì? Giải đáp mọi thắc mắc xung quanh ROS

2 cách tính chỉ số ROE không phải ai cũng biết

Tính chỉ số ROE qua báo cáo tài chính

Với công thức tính ROE, bạn có thể dễ dàng tìm ra tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định “Lợi nhuận sau thuế”, “Vốn chủ sở hữu bình quân” lại đòi hỏi kiến thức kế toán, tài chính nhất định.

Ví dụ: tính chỉ số ROE của công ty của Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh trong năm 2018 qua báo cáo tài chính cùng năm.

Bước 1: Tính lợi nhuận sau thuế

tinh-chi-so-ROE-qua-bao-cao-tai-chinh
Tính lợi nhuận sau thuế qua báo cáo tài chính

Ở đây, lợi nhuận sau thuế (60) = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (50) – Chi phí thuế TNDN hiện hành (51) – Chi phí thuế TNDN hoãn lại (52) = 69.436.576.282 (đồng)

Bước 2: Tính vốn chủ sở hữu bình quân

Vốn chủ sở hữu bình quân = (Vốn chủ sở hữu đầu kỳ + Vốn chủ sở hữu cuối kỳ)/2 = (304.758.672.393 + 243.037.852.542)/2 = 273.898.262.468 (đồng)

cach-tinh-chi-so-ROE-qua-bao-cao-tai-chinh
Cách tính chỉ số ROE qua báo cáo tài chính

Lý do chúng ta cần sử dụng các số liệu vốn chủ sở hữu đầu kỳ, cuối kỳ là do bản chất của dòng vốn trong doanh nghiệp luôn thay đổi theo thời gian. Cũng vì vậy, ROE là chỉ số được xem xét trong khoảng thời gian nhất định, có thể là theo năm, theo quý hoặc theo tháng.

Bước 3: Tính ROE

Tới đây, ta có thể tính ra ROE của công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh trong năm 2018 là:

ROE = (69.436.576.282/273.898.262.468)x100% = 25.4 %

Xác định chỉ số ROE qua sàn giao dịch chứng khoán 

Bên cạnh việc tính toán trực tiếp qua báo cáo tài chính, hiện nay, bạn cũng có thể xác định ROE của một doanh nghiệp qua dữ liệu trên các sàn giao dịch chứng khoán.

xac-dinh-chi-so-ROE-qua-san-giao-dich-chung-khoan
Xác định chỉ số ROE qua sàn giao dịch chứng khoán

Công việc của bạn là truy cập vào website sàn chứng khoán của công ty cần theo dõi, tìm đến mục “Dữ liệu”, vào phần “Báo cáo tài chính”, chọn “Chỉ tiêu tài chính” và xem chỉ số ROE (%).

Tuy nhiên, cách xác định này chỉ dành cho nhà đầu tư và thực hiện được với doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Lưu ý, các bước có thể khác đôi chút với từng website.

Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt?

Vậy ROE bao nhiêu là hợp lý, khi nào thì được coi là tốt? Theo tiêu chuẩn quốc tế, một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cần đạt mức ROE từ 15% trở lên. Nếu dưới ngưỡng này, lợi nhuận tạo ra không cao và doanh nghiệp đó không phải là lựa chọn tốt để đầu tư.

chi-so-ROE-bao-nhieu-la-tot
Nhiều người thắc mắc chỉ số ROE bao nhiêu là hợp lý

Tuy nhiên, không có một đáp án cụ thể cho câu hỏi chỉ số ROE bao nhiêu là tốt, mà sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể:

  • Ngành nghề kinh doanh: Một số ngành nghề có chỉ số ROE cao hơn ngành khác, nên bạn cần so sánh công ty cùng ngành. Ví dụ, vào năm 2020, các công ty trong ngành công nghiệp ô tô có ROE tiêu chuẩn là khoảng 12,5%. Còn mức ROE của công ty trong lĩnh vực bán lẻ là hơn 18%
  • Lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu bình quân: Nếu ROE cao do “Lợi nhuận sau thuế” tăng thì chắc chắn tốt hơn do “Vốn chủ sở hữu bình quân” giảm và ngược lại. Ở một góc độ nào đó, các chỉ tiêu liên quan tới ROE có thể được doanh nghiệp tác động, làm thay đổi. Từ đó, tạo ra những hiểu lầm đáng kể cho nhà đầu tư nếu không phân tích kỹ lưỡng.
  • Nguyên tắc đầu tư: Một nguyên tắc là nên đầu tư vào các doanh nghiệp có chỉ số ROE cao hơn hoặc bằng mức trung bình ngành nghề hoạt động của công ty.
  • Dựa theo chỉ số S&P 500: Chỉ số S&P 500 được tính toán và tổng hợp dựa vào số liệu của 500 công ty có mức vốn hóa cao nhất nước Mỹ. Một số nhà đầu tư xem chỉ số ROE đạt gần mức bình quân dài hạn của S&P 500, nếu dưới 10% là tỷ lệ kém còn 14% là chấp nhận được. 
danh-gia-chi-so-roe-dua-tren-sp-500
Nhiều người đánh giá chỉ số ROE dựa theo mức bình quân S&P 500

Qua đây, ta thấy được việc đánh giá về ROE nên đặt trong tham chiếu giữa các công ty cùng lĩnh vực, cùng yếu tố tạo nên sự thay đổi (lợi nhuận hay vốn) và trong khoảng nhiều năm thay vì từng năm.

Chỉ số ROE quá cao thể hiện điều gì?

Nhìn chung, chỉ số ROE ở mức trung bình hoặc cao được đánh giá tích cực hơn so với chỉ số ROE thấp. Tuy nhiên, nếu con số ở ngưỡng quá cao, đặc biệt là cao hơn nhóm ngang hàng, thì chưa hẳn là một tín hiệu tốt. Chỉ số ROE quá cao cho thấy vốn chủ sở hữu có giá trị thấp hơn nhiều so với lợi nhuận sau thuế. 

Điều đó chứng tỏ công ty lỗ trong thời gian dài, những khoản lỗ sẽ được cập nhật trong mục vốn chủ sở hữu, dưới dạng “lỗ giữ lại” trong bảng cân đối kế toán. Khi công ty đó tăng trưởng trở lại, thì ghi nhận chỉ số ROE cao bất ngờ, khiến nhiều nhà đầu tư hiểu lầm rằng đang phát triển mạnh. 

chi-so-roe-qua-cao
Chỉ số ROE quá cao có thể cho thấy doanh nghiệp lỗ trong thời gian dài

Chỉ số ROE có những hạn chế nào?

Nghiên cứu ROE công thức tính toán có nhiều lợi ích, giúp các nhà đầu tư đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ số này cũng mang lại một số nhược điểm, cụ thể như:

  • Có thể có sai lệch: Nếu đã tìm hiểu chỉ số ROE là gì, chắc chắn bạn sẽ biết ROE cũng có thể gặp phải sai lệch, do một số yếu tố như dư nợ lớn, lỗ dài hạn,… Điều này khiến nhà đầu tư có thể hiểu lầm về tình hình hoạt động doanh nghiệp và đưa ra quyết định thiếu chính xác.
  • Loại bỏ các tài sản vô hình: Một nhược điểm nữa của ROE là loại bỏ tài sản vô hình khỏi vốn chủ sở hữu, ví dụ bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền,… 
  • Kết quả không đồng nhất: Nhiều nhà đầu tư thay đổi thành phần trong công thức tính ROE, nên dẫn đến sự sai lệch trong kết quả. Ví dụ, thay đổi về vốn sở hữu đầu kỳ, cuối kỳ, hoặc trung bình hay kỳ kế toán,…
mot-so-han-che-cua-chi-so-roe
Một số hạn chế khi sử dụng chỉ số ROE để đánh giá doanh nghiệp

Chỉ số ROE tuy không phải là cán cân quyết định sự thành bại của doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng rõ ràng vẫn là yếu tố tài chính vô cùng quan trọng. Hy vọng rằng, qua bài chia sẻ trên, bạn đã hiểu rõ hơn về ROE cũng như các vấn đề liên quan tới chỉ số này. Đừng quên ghé thăm blog bePOS mỗi ngày để cập nhật nhiều thông tin hay và hữu ích hơn nữa.

FAQ

Tôi là nhà đầu tư mới thì nên chọn công ty có chỉ số ROE cao hay thấp?

Như đã chia sẻ, doanh nghiệp nào có mức ROE càng cao thì càng đáng lựa chọn để đầu tư, nhất là vượt ngưỡng 15%. Tuy nhiên, bạn cũng cần xem xét, tham chiếu chỉ số ROE của doanh nghiệp định đầu tư với các công ty trong cùng lĩnh vực và xem ROE cao hơn nhờ chỉ số nào (lợi nhuận hay vốn). Ngoài ra, việc đánh giá ROE cũng nên đặt trong nhiều năm thay vì từng năm.

Đối với nhà đầu tư, vai trò của ROE là gì?

Đối với các nhà đầu tư, việc đánh giá ROE cho phép họ biết được khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp có tốt không, tạo ra được nhiều lợi nhuận không.

Trong trường hợp nguồn vốn đang thiếu hiệu quả, nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhằm hạn chế rủi ro như: tham gia điều chỉnh chiến lược kinh doanh (với một số trường hợp góp vốn nhất định); rút vốn, thay đổi lựa chọn đầu tư,…

Một ý nghĩa khác, ROE giúp nhà đầu tư thấy được tiềm năng sinh lời khi đối sánh giữa các doanh nghiệp. Từ đó, họ có thể quyết định lựa chọn chính xác hơn việc rót tiền vào doanh nghiệp nào có lợi hơn.