Trang chủBlogs MarketingMô hình SAVE là gì? Tại sao mô hình SAVE sẽ thay thế 4P?

Mô hình SAVE là gì? Tại sao mô hình SAVE sẽ thay thế 4P?

Tháng Một 01, 2024
Thu Hằng
Thu Hằng
1084 Đã xem

4P là một trong những mô hình Marketing lâu đời và phổ biến nhất mà hầu hết các Marketer đều sử dụng. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhiều chuyên gia cho rằng 4P đang dần mất đi tính hiệu quả của mình, đồng thời gợi ý phương pháp thay thế là SAVE. Trong bài viết dưới đây, bePOS sẽ tổng hợp tất cả những kiến thức cơ bản về mô hình SAVE, cùng theo dõi nhé!

Mô hình save
Tìm hiểu chi tiết về mô hình SAVE trong Marketing

Mô hình SAVE là gì? 

SAVE là một mô hình Marketing mà các doanh nghiệp sử dụng để nghiên cứu về sản phẩm, dịch vụ, khách hàng,… từ đó lên những chiến dịch tiếp thị hiệu quả nhất. SAVE được viết tắt từ bốn yếu tố là: Solution (Giải pháp), Access (Truy cập), Value (Giá trị) và Education (Giáo dục).

Sự xuất hiện của Internet, cùng những thay đổi trong nhận thức người tiêu dùng đã khiến phương pháp 4P trở nên lỗi thời và thiếu hiệu quả. Thay vào đó, mô hình SAVE ra đời, loại bỏ các khuôn khổ của 4P, giúp doanh nghiệp có cách tiếp cận khách hàng mới mẻ và hiện đại hơn. 

Mô hình SAVE là gì
Mô hình SAVE trong Marketing loại bỏ các khuôn khổ của mô hình 4P cũ

Phân tích mô hình SAVE trong Marketing

S – Solution (Giải pháp)

SAVE Model Marketing thay Product (Sản phẩm) bằng Solution (Giải pháp). Trong quá khứ, tính năng của sản phẩm, dịch vụ là yếu tố nhấn mạnh nhiều nhất. Ở thời điểm hiện tại, con người nằm vào vị trí trọng tâm. Chân dung khách hàng được vẽ nên rất sống động, với những sở thích, sở ghét, những khó khăn chưa có giải pháp. Lúc này, doanh nghiệp cần tự hỏi liệu chúng ta có thể giải quyết vấn đề của khách hàng hay không và giải quyết bằng cách nào. 

Mô hình SAVE nỗi đau khách hàng
Mô hình SAVE trong Marketing tập trung vào nỗi đau của khách hàng

A – Access (Tiếp cận)

Ý tưởng về một cửa hàng vật lý đã trở nên lỗi thời do sự phát triển của công nghệ thông tin. Theo thống kê của eMarketer, năm 2022, thương mại điện tử chiếm 20% doanh số bán lẻ trên toàn thế giới và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Ngay cả khi mua trực tiếp tại cửa hàng, người tiêu dùng cũng có thói quen nghiên cứu trên các trang mạng trước rồi mới ra quyết định. 

Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp dành ngày càng nhiều công sức để phát triển trên môi trường Internet. Chính vì vậy, yếu tố Place (Địa điểm) của 4P cũng trở nên lỗi thời và thay vào đó là Access (Tiếp cận). Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cần hiển thị ngay trước mắt khách hàng khi nhu cầu phát sinh, thông qua các trang mạng xã hội, Website thương mại điện tử, trang tìm kiếm thông tin,… 

Mô hình SAVE tiếp cận qua internet
Mô hình SAVE gợi ý tiếp cận khách hàng thông qua mạng Internet

V – Value (Giá trị/trải nghiệm)

Yếu tố Price (Giá cả) trong 4P có cách tiếp cận rất đơn giản. Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nhiều tính năng nhất, với giá “hời” nhất là đã đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thế nhưng, người tiêu dùng thời nay mang cái nhìn rất hoài nghi về những sản phẩm giá rẻ. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều đến giá trị lâu dài mà sản phẩm đem lại.  

Điều này được thể hiện qua việc người tiêu dùng dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu sản phẩm trước khi mua sắm. Ngoài ra, họ cũng có xu hướng tin vào những đánh giá của gia đình, bạn bè và những người dùng khác, hơn là quảng cáo của doanh nghiệp. Khi đã có sự tin tưởng, nhiều khách hàng không ngại bỏ ra số tiền lớn để sở hữu sản phẩm chất lượng tốt.

Save model Marketing Value
SAVE Model Marketing khuyến khích thương hiệu tạo ra giá trị tốt cho khách hàng

>> Xem thêm: Customer Service – Kiến thức nhà quản trị cần biết để nâng cao trải nghiệm khách hàng

E – Education (Giáo dục, chia sẻ)

Trong quá khứ, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng chỉ đơn giản là bên mua và bên bán. Ngày nay, doanh nghiệp cần làm bạn với khách hàng. Chính vì vậy, xu hướng gần đây là nhiều thương hiệu sử dụng Mascot (linh vật) làm nhân vật đại diện, với đầy đủ tình cảm, suy nghĩ như người bình thường. Đây được coi như công cụ giúp thương hiệu gắn kết cảm xúc và chiếm thiện cảm từ phía khách hàng.

Mô hình SAVE cho rằng doanh nghiệp cần mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Như đã nói, người tiêu dùng đang có xu hướng lắng nghe ý kiến cộng đồng hơn là những mẩu quảng cáo. Vì vậy, muốn lan tỏa mạnh mẽ, thương hiệu phải có sức ảnh hưởng đến đám đông. Một ví dụ đơn giản, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora đã xây dựng cộng đồng trên mạng xã hội để đánh giá sản phẩm, chia sẻ Tips làm đẹp hàng ngày, từ đó dành cảm tình từ người tiêu dùng. 

Save Marketing giáo dục người dùng
Giáo dục người tiêu dùng và tạo sức ảnh hưởng lên cộng đồng

So sánh mô hình SAVE và mô hình 4P

4P đã xuất hiện từ những năm 1940, sau đó liên tục biến đổi và phát triển thành nhiều mô hình Marketing hiện đại hơn, trong đó có SAVE. Vậy mô hình SAVE và 4P khác nhau ở những điểm cơ bản nào? Hãy theo dõi bảng dưới đây của bePOS.

Tiêu chí Mô hình 4P Mô hình SAVE
Trọng tâm Mô hình 4P tập trung nhiều nhất vào chính sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.  Mô hình SAVE mở rộng mối quan tâm, trong đó chú ý nhiều vào nhu cầu của khách hàng. 
Mục tiêu Khiến khách hàng bị chinh phục bởi sự đặc biệt của sản phẩm so với các đối thủ trên thị trường, thông qua các yếu tố như giá cả, khuyến mại,…   Xây dựng mối quan hệ thân thiết, lắng nghe nhu cầu của khách hàng và cho thấy sản phẩm của mình có thể giải quyết nhu cầu đó, tạo sự quen thuộc với thương hiệu.
Trực tuyến và ngoại tuyến Mô hình 4P sử dụng yếu tố Place, tức cửa hàng vật lý. Trong quá khứ, doanh nghiệp có xu hướng muốn mở nhiều cửa hàng, với thiết kế, bảng hiệu gây ấn tượng thị giác.  Mô hình SAVE không loại trừ cửa hàng vật lý, mà mở rộng cách tiếp cận so với 4P, cụ thể là thông qua môi trường mạng. 
Nhu cầu của khách hàng Cả hai mô hình đều muốn thỏa mãn nhu cầu khách hàng, nhưng 4P hầu như tập trung vào yếu tố giá cả. Giá càng tốt, thì nhu cầu càng được thỏa mãn.   SAVE Marketing muốn đem lại trải nghiệm và giá trị lâu dài cho khách hàng. Ví dụ như dịch vụ chăm sóc sau mua, dịch vụ tư vấn, giá trị của thương hiệu trong mắt cộng đồng,…
Trực tiếp và gián tiếp 4P thường theo xu hướng tiếp thị trực tiếp. Tức là, doanh nghiệp trực tiếp cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng mục tiêu. Một số hoạt động bao gồm xúc tiến bán hàng, quảng cáo trên phương tiện đại chúng, PR, giảm giá, khuyến mãi,…  Mô hình SAVE có cách tiếp cận gián tiếp hơn, ví dụ thông qua Content Marketing, SEO, sáng kiến xã hội,… Tóm lại, nếu bạn xuất hiện càng nhiều khi người dùng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề, thì chiến dịch của bạn càng thành công. 
So sánh Save marketing và 4p
SAVE Marketing tập trung vào khách hàng còn 4P tập trung vào sản phẩm

Về cơ bản, SAVE Model Marketing cũng bao gồm 4 yếu tố quan trọng như mô hình 4P. Tuy nhiên, 4P chủ yếu nhìn vào các khía cạnh của sản phẩm, còn mô hình SAVE thì tập trung vào nhu cầu khách hàng. Đây cũng là xu hướng Marketing hiện nay, doanh nghiệp không bán thứ mình có, mà phải bán thứ khách hàng cần.

>> Xem thêm: Mô hình 4P trong Marketing có những nội dung gì? Từ A-Z áp dụng mô hình 4P hiệu quả

Cách ứng dụng mô hình SAVE trong Marketing hiệu quả 

SAVE Marketing đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nhà tiếp thị áp dụng rất phổ biến. Công việc sẽ dễ dàng hơn nếu doanh nghiệp có ngân sách lớn, nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, nếu bạn là chủ cơ sở kinh doanh nhỏ, thì làm cách nào để theo đuổi phương pháp này? Dưới đây, bePOS sẽ hướng dẫn bạn một số cách ứng dụng mô hình SAVE hiệu quả nhất: 

  • Cần chọn điểm chạm cho doanh nghiệp: Bạn cần chọn ra một điểm chạm mà mình có thế mạnh và làm được trong thời điểm hiện tại. Ví dụ, nếu có khả năng sáng tạo nội dung trên nền tảng Video như Tiktok, Youtube, thì bạn sẽ tập trung vào kênh này để tiếp cận khách hàng. 
  • Kiên trì khi thực hiện chương trình Marketing: Mô hình SAVE hướng đến xây dựng những giá trị lâu dài, bền vững. Vì vậy, để thực hiện thành công, doanh nghiệp thực hiện cần thời gian. Lúc này, người làm Marketing phải có sự quyết tâm, kiên trì để thực hiện tối đa khả năng của mình.
  • Luôn lắng nghe: Như đã nói, mô hình SAVE tập trung nhất vào nhu cầu người tiêu dùng. Vì thế, trong quá trình thực hiện, bạn phải thường xuyên lắng nghe phản hồi từ phía khách hàng và thay đổi nếu cần thiết. Hiện nay, có rất nhiều công cụ để bạn thực hiện như tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, đo lường lượt tương tác,…
  • Triển khai đa kênh Marketing: Marketing đa kênh là việc sử dụng nhiều kênh online và offline để tiếp cận khách hàng, cho phép họ tự do quyết định và lựa chọn. Ví dụ, khách hàng xem một sản phẩm trên website, nhưng có việc đột xuất nên tắt đi. Một lúc sau, họ lên Facebook thì xem được quảng cáo đúng sản phẩm đó của doanh nghiệp.

>> Để hiểu rõ hơn về mô hình SAVE và cách thực hiện, bạn hãy xem ngay video dưới đây của bePOS:

Mô hình SAVE trở thành xu hướng trong thời đại số

SAVE đang trở thành một xu hướng trong thời đại số ngày nay. Internet xuất hiện cho phép doanh nghiệp tiếp cận khách hàng theo nhiều cách khác nhau. Sự cạnh tranh trong kinh doanh cũng ngày càng cao, khách hàng có nhiều lựa chọn trên thị trường, từ mẫu mã, giá cả, thương hiệu,…  

Trước đây, mô hình 4P chỉ đơn thuần là quảng cáo về sản phẩm, cho khách hàng biết doanh nghiệp đang bán gì. Thì với SAVE Model Marketing, khách hàng biết sản phẩm đó đem lại lợi ích gì cho họ và tại sao họ nên chọn thương hiệu này mà không phải thương hiệu khác. 

Mô hình SAVE cung cấp nội dung phù hợp với giá trị mà khách hàng hướng tới, mở ra cánh cửa triển vọng cho doanh nghiệp. Mô hình này rất hữu ích trong việc chuyển đổi người tiêu dùng thành các khách hàng tiềm năng, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa thương hiệu và người dùng.

Mô hình Save trong thời đại số
Mô hình SAVE trở thành xu hướng Marketing trong thời đại Digital

Thông qua bài viết này, bePOS đã tổng hợp những kiến thức cơ bản nhất liên quan đến mô hình SAVE như các yếu tố cấu thành, cách phân biệt so với 4P và một số hướng dẫn thực hiện. Để cập nhật những xu hướng kinh doanh mới thời đại 4.0, bạn hãy tiếp tục theo dõi Website của bePOS nhé!

FAQ

Ngoài 4P và SAVE còn có những mô hình Marketing nào?

Ngoài hai mô hình trên, những người làm Marketing còn có thể sử dụng những phương pháp pháp phân tích khác như 7P, 9P, 4C, SWOT, 3C, 4S,… Mỗi mô hình đều mang những lợi thế riêng giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu của mình. 

Nên chọn mô hình Marketing nào?

Những mô hình cũ thường không đem lại nhiều hiệu quả trong thời điểm hiện tại và bị coi là lỗi thời. Ngoài ra, để chọn phương pháp Marketing phù hợp, bạn cần đánh giá về năng lực doanh nghiệp, đặc thù lĩnh vực kinh doanh và các yếu tố khác như địa lý, nhân khẩu,… 

Mô hình SAVE có nhược điểm gì không?

Ở thời điểm hiện tại, mô hình SAVE đang được cho là tối ưu nhất và phù hợp với sự phát triển của thời đại ngày nay. Hai yếu tố A (Access) và E (Education) ảnh hưởng mạnh mẽ bởi công nghệ 4.0. Tuy nhiên, để thực sự phát huy tiềm năng của mô hình SAVE, thì các doanh nghiệp còn phải trải qua chặng đường dài, nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ.