Trang chủBlogs Tài chính[MỚI] Các phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp hiệu quả nhất

[MỚI] Các phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp hiệu quả nhất

Cập nhật lần cuối: Tháng sáu 06, 2023
Avatar
Chu Hanh
835 Đã xem

Phân tích tài chính là nghiệp vụ quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động, cũng như lên chiến lược một cách sáng suốt. Vậy phân tích tài chính doanh nghiệp là gì, có những phương pháp cơ bản nào? Trong bài viết dưới đây, bePOS sẽ tổng hợp những kiến thức quan trọng nhất về lĩnh vực này. Hãy cùng theo dõi nhé!

Thuật ngữ phân tích tài chính doanh nghiệp là gì?

Hiểu ngắn gọn, đây là việc sử dụng các dữ liệu tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra phương hướng phát triển trong tương lai. Có rất nhiều đối tượng khác nhau quan tâm đến hoạt động phân tích tài chính doanh nghiệp, ví dụ như các nhà quản trị, kế toán, nhà đầu tư, ngân hàng,…

Phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp được phân loại thành rất nhiều nhóm khác nhau, ví dụ như: 

  • Phân tích theo chiều dọc: Với các phương pháp phân tích theo chiều dọc, nhà quản trị sẽ nhìn vào những yếu tố khác nhau của kết quả kinh doanh, phân chia chúng theo phần trăm và so sánh với các đối thủ. 
  • Phân tích theo chiều ngang: Ngược lại, phân tích theo chiều ngang, nhà quản trị sẽ nhìn tính lịch sử của dữ liệu theo năm, qua đó đánh giá xem liệu doanh nghiệp có đạt được tầm nhìn đặt ra hay không.
  • Phân tích xu hướng: Nhóm này giúp đánh giá chiều hướng phát triển của doanh nghiệp trong một vài thời kỳ nhất định. Sự thay đổi của một vài số liệu trong bản báo cáo tài chính có thể dẫn đến rủi ro, hoặc đem lại kết quả khả quan.

can-hieu-ro-khai-niem-phan-tich-tai-chinh-la-gi

Cần hiểu rõ khái niệm phân tích tài chính là gì?

Xác định mục tiêu của phân tích tài chính doanh nghiệp

Vậy mục tiêu của phân tích tài chính doanh nghiệp là gì? Mỗi đối tượng đều có thể thực hiện hoạt động này với những ý định khác nhau. Nhưng tựu chung, dù bạn đứng ở vị trí nào trong doanh nghiệp, phân tích tài chính đều có mục tiêu là chuyển hóa các dữ liệu trên báo cáo thành những thông tin hữu ích.

Đối với chủ doanh nghiệp

Đối với nhà quản trị, phân tích tài chính giúp nắm bắt, đánh giá và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

  • Đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp: Thông qua các chỉ số tài chính, nhà quản trị đánh giá xem doanh nghiệp phát triển hay trì trệ so với thời kỳ trước, đang tồn đọng những vấn đề thế nào,…
  • Xác định vị trí của doanh nghiệp trên thị trường: Nhà quản trị sử dụng các phương pháp phân tích tài chính để so sánh với đối thủ cạnh tranh, qua đó biết được vị trí doanh nghiệp trên thị trường chung.
  • Ra các quyết định sáng suốt: Phân tích tài chính là công cụ giúp nhà quản trị ra phương án xử lý vấn đề hiện có, dự đoán những rủi ro có thể xảy ra và lên chiến lược thúc đẩy sự phát triển trong tương lai. 

de-ra-quyet-dinh-dung-can-phan-tich-tai-chinh-doanh-nghiep

Để ra quyết định đúng nhà quản trị cần phân tích tài chính doanh nghiệp

Đối với nhà đầu tư

Phân tích tài chính doanh nghiệp có giá trị rất hữu ích đối với các nhà đầu tư. Nhờ đó, họ có thể đánh giá tình hình sức khỏe doanh nghiệp, tối đa hóa khả năng sinh lời và tránh những rủi ro tiềm ẩn. Ví dụ, nhà đầu tư hầu như đều muốn đầu tư vào các công ty có giá trị ròng dương, đủ khả năng trả nợ và có thể cung cấp lợi nhuận ở một mức độ nhất định cho các cổ đông. 

nha-dau-tu-phan-tich-tai-chinh-doanh-nghiep-de-mua-ban-co-phieu

Nhà đầu tư phân tích tài chính doanh nghiệp để mua bán cổ phiếu

Đối với tổ chức tín dụng

Trước khi xét duyệt bất cứ khoản vay nào, ngân hàng phải đảm bảo doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Khả năng trả nợ này được đánh giá dựa trên hai khía cạnh là:

  • Khả năng thanh toán ngắn hạn: Đối với những khoản vay ngắn hạn, ngân hàng sẽ quan tâm đến khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp, ví dụ như đánh giá số tiền mặt hiện có và những tài sản có thể chuyển hóa thành tiền một cách dễ dàng. 
  • Khả năng thanh toán dài hạn: Đối với những khoản vay dài hạn, ngân hàng sẽ đánh giá về khả năng sinh lời, ví dụ như tiềm năng của dự án mà doanh nghiệp vay vốn để thực hiện.

Bên cạnh đó, một số chủ nợ như nhà cung ứng nguyên vật liệu cũng cần xem xét năng lực tài chính doanh nghiệp, qua đó xác định xem có cho mua chịu hay không. Người lao động cũng có thể quan tâm đến điều này, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Đối với cơ quan nhà nước, việc phân tích tài chính doanh nghiệp là cơ sở để ban hành chính sách hợp lý, nhằm bảo vệ sự khỏe mạnh của nền kinh tế. 

ngan-hang-danh-gia-bao-cao-tai-chinh-cua-doanh-nghiep-xin-vay

Ngân hàng đánh giá báo cáo tài chính của doanh nghiệp xin vay

Tổng hợp các chỉ số phân tích tài chính doanh nghiệp cơ bản nhất

Trước khi tìm hiểu về các phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp, bạn phải nắm rõ những chỉ số tài chính cơ bản. Dưới đây, bePOS sẽ giúp bạn tổng hợp các chỉ số quan trọng nhất khi đọc báo cáo tài chính. 

Chỉ số về tình hình thanh khoản của doanh nghiệp

Khả năng thanh khoản của doanh nghiệp là khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong ngắn hạn và dài hạn. Các chỉ số tài chính giúp đánh giá điều này là:

  • Tỷ lệ thanh toán nợ hiện hành (Current Ratio): Đây là khả năng thanh toán những khoản nợ ngắn hạn, thường là trong vòng 1 năm trở lại. 
  • Tỷ lệ thanh toán nhanh (Quick Ratio): Chỉ số này cho thấy tốc độ thanh toán của doanh nghiệp bằng tiền, hoặc những tài sản có thể quy đổi nhanh ra tiền. 
  • Tỷ lệ thanh toán tức thời (Cash Ratio): Tỷ lệ này cho thấy khả năng thanh toán bằng tiền, hoặc những tài sản tương đương tiền đối với các khoản nợ ngắn hạn. 

cac-chi-so-phan-tich-tai-chinh-cua-doanh-nghiep-cho-thay-kha-nang-thanh-khoan

Các chỉ số phân tích tài chính doanh nghiệp cho thấy khả năng thanh khoản

Chỉ số phân tích đòn bẩy doanh nghiệp

Các chỉ số này cho thấy cơ cấu vốn, cũng như mối liên hệ giữa vốn vay và lợi nhuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào khoản vay để mở rộng sản xuất kinh doanh thì cũng mang rủi ro vỡ nợ, nhưng cũng đem lại tiềm năng sinh lời lớn. Nhóm chỉ số đòn bẩy tài chính này gồm có:

  • Tỷ lệ nợ so với vốn (Debt Ratio): Tỷ lệ này thể hiện doanh nghiệp có nhiều nghĩa vụ thanh toán hơn số tài sản hiện có không, từ đó đánh giá khả năng vỡ nợ nếu có thay đổi bất lợi, ví dụ lãi suất đột ngột tăng.
  • Tỷ lệ vốn chủ sở hữu với tài sản (Equity Ratio): Chỉ số này đánh giá mối quan hệ của vốn chủ sở hữu và tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu cao cho thấy doanh nghiệp ít hoạt động trên khoản vay.
  • Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt to Equity Ratio): Đây là chỉ số cho thấy mối quan hệ giữa tổng nợ và vốn chủ sở hữu, từ đó đánh giá xem liệu tài sản của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào khoản vay hay vốn chủ sở hữu. 

don-bay-la-mot-trong-cac-yeu-to-danh-gia-doanh-nghiep

Đòn bẩy là một trong các yếu tố đánh giá doanh nghiệp

Chỉ số đánh giá tình trạng sử dụng tài sản của doanh nghiệp

Nhóm chỉ số này cho thấy sự hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản để đem đến kết quả kinh doanh khả quan. Nhóm này có 4 chỉ số cơ bản là:

  • Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover Ratio): Tỷ lệ này thể hiện tốc độ bán sạch hàng tồn kho của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nào đó. 
  • Tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu (Accounts Receivable Turnover Ratio): Đây là chỉ số đánh giá khả năng thu hồi lại các khoản nợ từ khách hàng, từ đó doanh nghiệp có thể lên chính sách tín dụng phù hợp.
  • Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả (Accounts Payable Turnover Ratio): Tỷ lệ này thể hiện hiệu quả thanh toán nợ của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. 

chi-so-danh-gia-tinh-trang-su-dung-tai-san-cua-doanh-nghiep

Chỉ số đánh giá tình trạng sử dụng tài sản của doanh nghiệp

Chỉ số đánh giá tiềm năng sinh lợi nhuận của doanh nghiệp

Đây là nhóm chỉ số thể hiện khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại và tiềm năng kinh doanh trong tương lai, bao gồm:

  • Lợi nhuận sau thuế và doanh thu (Return On Sales): Chỉ số này cho thấy doanh nghiệp thu về bao nhiêu lợi nhuận sau khi trả thuế.
  • Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return On Equity): Đây là chỉ số cho thấy lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu.
  • Lợi nhuận và tài sản (Return On Assets): Chỉ số này thể hiện khả năng sinh lời của tài sản doanh nghiệp, từ đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản.
  • Lợi nhuận và vốn đầu tư (Return On Investment): Đây là chỉ số giúp đánh giá khả năng sinh lời của các dự án mà doanh nghiệp đầu tư vào.

doanh-nghiep-nao-cung-muon-co-kha-nang-sinh-loi-cao

Doanh nghiệp nào cũng muốn có khả năng sinh lời cao

Tổng hợp các phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp cơ bản

Mỗi phương pháp phân tích tài chính sẽ cần kỹ thuật, nghiệp vụ riêng, và được thực hiện để phục vụ những mục đích khác nhau. Phần dưới đây sẽ tổng hợp các vấn đề cơ bản và quan trọng nhất về nội dung này. 

Phương pháp so sánh 

So sánh là một trong các phương pháp phân tích tài chính phổ biến nhất. Phương pháp này nhìn vào tình hình doanh nghiệp theo chiều dài của thời gian, từ đó tìm ra quy luật chung và những xu hướng phát triển trong tương lai. Để có thể thực hiện phương pháp này, nhà phân tích cần:

  • Đảm bảo thống nhất về nội dung kinh tế của các chỉ tiêu cần so sánh.
  • Đảm bảo thống nhất về cách thức tính toán các chỉ tiêu. 
  • Đảm bảo thống nhất về yếu tố thời gian và đơn vị đo lường. 

Ngoài ra, tùy thuộc vào mục tiêu ban đầu mà nhà phân tích phải xác định gốc so sánh:

  • Đánh giá tốc độ phát triển: So sánh các chỉ tiêu theo chiều dài của thời gian, so sánh kỳ này với kỳ trước,…
  • Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch: So sánh các chỉ tiêu trong kế hoạch đã đề ra và chỉ số doanh nghiệp đã đạt được.
  • Đánh giá vị trí của doanh nghiệp trên thị trường: So sánh các chỉ tiêu của doanh nghiệp với trung bình ngành, và so với chỉ tiêu đối thủ đã đạt được. 

so-sanh-la-phuong-phap-phan-tich-tai-chinh-doanh-nghiep

So sánh là một phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp

Phương pháp so sánh được chia thành hai dạng là so sánh bằng số tuyệt đối và bằng số tương đối. Hai dạng này đem lại những góc nhìn khác nhau về tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

  • Số tuyệt đối: Dạng này chỉ rõ sự biến động về quy mô giữa các chỉ tiêu cần nghiên cứu và chỉ tiêu gốc. 
  • Số tương đối: Bao gồm số tương đối động thái và tương đối điều chỉnh. Số tương đối động thái giúp đánh giá tốc độ biến động của các chỉ tiêu. Số tương đối điều chỉnh phản ánh xu hướng biến động của các chỉ số khi có yếu tố thành phần bên trong nó thay đổi. 

Phương pháp phân chia 

Phương pháp này phân chia tổng thể chung thành các bộ phận nhỏ, theo những tiêu chí nhất định. Qua đó, nhà quản trị có thể đánh giá tình hình hoạt động doanh nghiệp theo nhiều khía cạnh. Các dạng phân chia bao gồm:

  • Phân chia yếu tố cấu thành: Phương pháp này phân chia chỉ tiêu cần nghiên cứu thành các bộ phận nhỏ, cấu thành nên chính chỉ tiêu đó. Ví dụ, phân chia chi phí vận hành doanh nghiệp thành chi phí nhân sự, chi phí thuê mặt bằng, chi phí khấu hao,…
  • Phân chia theo quá trình: Cách này phân chia chuỗi thời gian dài thành từng đoạn nhỏ hơn, như phân chia niên thành quý, quý thành tháng,…
  • Phân chia theo không gian: Cụ thể như phân chia địa bàn trong cùng một quốc gia, phân chia thành từng quốc gia, từng châu lục,…

phan-chia-cac-chi-tieu-tren-nhieu-khia-canh

Phân chia các chỉ tiêu thành trên nhiều khía cạnh

Phương pháp tỷ số

Đây là một trong những phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp rất truyền thống, có tính thực tiễn rất cao và được áp dụng thường xuyên. Hiểu đơn giản, phương pháp này sử dụng phép chia tỷ lệ giữa các chỉ tiêu với nhau. Ví dụ, tính tỷ số giữa lợi nhuận sau thuế và chi phí đầu tư, qua đó đánh giá hiệu quả đầu tư. 

Phương pháp này được nhiều nhà phân tích tài chính ưa chuộng, bởi:

  • Tính đáng tin cậy cao: Các chỉ tiêu đều được lấy từ báo cáo tài chính một cách chính xác và đầy đủ.
  • Tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ: Hiện nay, các công nghệ tính toán có thể cho ra kết quả của rất nhiều loại tỷ số mà không cần tốn nhiều công sức như trước.
  • Phân tích một cách hệ thống: Phương pháp này giúp nhà quản trị phân tích tình hình tài chính thông qua các tỷ số theo chiều dài thời gian tốt hơn và có hệ thống hơn. 

phan-tich-tai-chinh-doanh-nghiep-bang-ty-so-rat-pho-bien

Phân tích tài chính doanh nghiệp bằng tỷ số rất phổ biến

Phương pháp liên hệ và đối chiếu với các sự kiện liên quan

Phương pháp này giúp tìm hiểu mối quan hệ giữa các sự kiện và hiện tượng kinh tế khác nhau, hoặc những quan hệ mang tính nội tại, ổn định,… Từ đó, nhà quản trị có thể lên kế hoạch cân đối các chỉ tiêu kinh tế trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. 

Để thực hiện phương pháp này, nhà quản trị cần quan tâm đến sự vận động, chuyển dịch của luồng giá trị và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và những bên liên quan. 

lien-he-voi-cac-xu-huong-dang-dien-ra-tren-thi-truong

Liên hệ với các xu hướng đang diễn ra trên thị trường

Phương pháp phân tích nhân tố

Phương pháp này đánh giá mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố khác nhau của tài chính doanh nghiệp. Sự tác động này được công thức hóa thành các phép toán học, ví dụ tổng vốn là kết quả của phép cộng vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Từ đó, nhà quản trị đánh giá mức độ ảnh hưởng của những nhân tố thành phần nền đến các chỉ tiêu tài chính cần phân tích. 

Để giúp bạn hiểu rõ hơn, hãy tưởng tượng việc phân tích doanh thu của doanh nghiệp trong 1 năm. Công thức toán học là: Doanh thu = Giá bán x Sản lượng. Để phân tích doanh thu, nhà quản trị cần xem xét hai nhân tố cấu thành nên nó là giá bán và sản lượng. Việc doanh thu giảm hoặc tăng là do giá bán hay sản lượng? 

phan-tich-tai-chinh-doanh-nghiep-theo-cong-thuc-cau-thanh

Phân tích tài chính doanh nghiệp theo công thức cấu thành

Các bước trong quy trình phân tích tài chính doanh nghiệp 

Việc phân tích tài chính doanh nghiệp bắt buộc phải tuân theo những kỹ thuật, nghiệp vụ, cũng như quy trình nhất định. Một quy trình phân tích tài chính doanh nghiệp cơ bản sẽ gồm các bước như sau.

Bước 1: Xác định mục tiêu phân tích tài chính đang hướng tới 

Như đã nói, với từng mục tiêu riêng biệt, mỗi người sẽ sử dụng những phương pháp phân tích riêng. Nhà quản trị thường có mục tiêu chung là kiểm soát tình hình tài chính doanh nghiệp. Nhà đầu tư có mục tiêu sau cùng là để ra quyết định có khả năng sinh lời nhất cho mình,…

Bước 2: Xác định các phương pháp phân tích để đạt được mục tiêu

Ví dụ, nhà quản trị đánh giá hoạt động của công ty có thể sử dụng các phương pháp so sánh theo tính lịch sử của dữ liệu, so sánh kỳ này và kỳ trước xem có sự phát triển hay không. Nhà đầu tư có thể sử dụng các phương pháp so sánh quy mô, tiềm năng của doanh nghiệp trên thị trường chung.

can-chon-dung-phuong-phap-phan-tich-tai-chinh-doanh-nghiep

Cần chọn đúng phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp

Bước 3: Tổng hợp các số liệu cần thiết để phân tích

Tổng hợp các dữ liệu cần có là khâu cơ bản để phân tích tài chính. Các dữ liệu này thường xuất hiện ở:

  • Thông tin nội bộ: Gồm có báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp,…
  • Thông tin thị trường: Những thông tin này giúp doanh nghiệp nắm bắt bức tranh tổng quan về tình hình hoạt động của ngành, đối thủ cạnh tranh. 

Bước 4: Xử lý các dữ liệu đã tổng hợp được

Ở giai đoạn này, mỗi người sẽ sử dụng các phương pháp phân tích tài chính khác nhau, áp dụng cho các số liệu khác nhau, nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra ban đầu.

Bước 5: Dự báo xu hướng phát triển và ra quyết định

Dù người đang thực hiện công việc này là ai, kết quả cuối cùng của quá trình phân tích tài chính doanh nghiệp này là ra quyết định sáng suốt nhất. Các quyết định có thể là thay đổi chiến lược kinh doanh, cải tổ hoạt động doanh nghiệp, mua bán cổ phần, hay xét duyệt khoản vay vốn,…

mua-ban-co-phieu-la-quyet-dinh-cuoi-cua-nha-dau-tu

Mua bán cổ phiếu là quyết định cuối của nhà đầu tư

Trên đây, bePOS đã tổng hợp những phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp cơ bản mà bạn nên biết. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu và chuyên môn cao. Nếu là người mới tìm hiểu về lĩnh vực tài chính và cần kiến thức nền tảng nhất, bạn hãy đón đọc các bài viết tiếp theo trên website của bePOS nhé!

FAQ

Công cụ phân tích tài chính doanh nghiệp nào là tốt nhất?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công cụ hỗ trợ phân tích tài chính doanh nghiệp như Excel, phần mềm tài chính kế toán,… Để chọn được một công cụ phù hợp nhất, bạn phải xem xét nhiều khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu là chủ nhà hàng nhỏ, bạn nên chọn những sản phẩm có tính chất đơn giản, dễ sử dụng và đáp ứng các nhu cầu cơ bản như phần mềm quản lý bán hàng bePOS. 

Có phải doanh nghiệp nào cũng phải kiểm toán báo cáo tài chính?

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định một số doanh nghiệp, tổ chức bắt buộc phải thực hiện hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm. Ví dụ như doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, ngân hàng,…