Trang chủBlogs BlogTháp nhu cầu Maslow – “Sổ tay toàn năng” của doanh nghiệp

Tháp nhu cầu Maslow – “Sổ tay toàn năng” của doanh nghiệp

Cập nhật lần cuối: Tháng tám 08, 2023
Thanh Ngoan
Thanh Ngoan
1455 Đã xem

Từ rất lâu, tháp nhu cầu Maslow đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Giá trị của mô hình này là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu là nhà đầu tư trẻ hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, rất có thể, bạn sẽ không khai thác được triệt để những lợi ích mà tháp Maslow đem lại. Vậy tháp nhu cầu Maslow là gì? Cách ứng dụng mô hình này trong thực tế để đạt hiệu quả như thế nào? Tìm hiểu ngay trong bài chia sẻ của bePOS dưới đây.

Thuyết nhu cầu và sự ra đời tháp nhu cầu của Maslow

Tháp nhu cầu Maslow là một mô hình dạng kim tự tháp, có đáy rộng và đỉnh nhọn, tương ứng với sự giảm dần của mức độ đòi hỏi các nhu cầu trong con người.

Theo chiều ngang, mô hình được chia thành 5 phần nhỏ, mỗi phần tương ứng với một nhu cầu, bao gồm: Nhu cầu sinh lý, nhu cầu về an toàn hoặc an ninh, nhu cầu về xã hội/quan hệ và được thừa nhận, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu phát huy bản ngã.

Tháp nhu cầu Maslow được giảng viên kiêm nhà tâm lý học người Mỹ – Abraham Maslow (01/04/1908 – 08/05/1970) xây dựng và phát triển vào những năm 1950 dựa trên thuyết nhu cầu do ông tạo nên. Ông sinh ra ở Brooklyn, New York và là con trưởng trong một gia đình người Do Thái nghèo có 7 anh em. Ngay từ nhỏ, Maslow đã được bố mẹ “đầu tư” để theo đuổi con đường học vấn, bất chấp hoàn cảnh khá khó khăn. Song, nhờ vào trí tuệ và nỗ lực, trái ngọt đã đến với ông và gia đình.

thuyet-nhu-cau-cua-Maslow

Abraham Maslow – Cha đẻ của tháp nhu cầu Maslow

Maslow ghi tên vào trường City College of New York. Sau đó ba kỳ, ông chuyển sang học tại Cornell rồi quay trở lại CCNY. Đây là khoảng thời gian Maslow có cơ hội tiếp xúc với nhiều sinh viên ưu tú mà sau này đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng.

Bản thân ông cũng cho thấy tài năng và tình yêu với ngành tâm lý học. Do đó, sau khi tốt nghiệp, Maslow bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Brooklyn College – nơi ông đã gặp gỡ nhiều nhà tâm lý học hàng đầu như Alfred Adler, Erich Fromm.

Năm 1951, Maslow giữ vị trí trưởng khoa Tâm lý học tại Brandeis University. Đây cũng chính là thời điểm ông bắt tay vào công tác nghiên cứu học thuyết của mình mà sau đó được biết đến với tên gọi “thuyết nhu cầu của Maslow”.

“Thuyết nhu cầu của Maslow” chỉ ra rằng, mỗi cá nhân đều có 05 nhu cầu nhất định, được chia thành 2 nhóm là nhu cầu cơ bản (Basic needs) và nhu cầu nâng cao (Meta needs). 

“Basic needs” là những nhu cầu mang tính thiết yếu, bắt buộc phải có để đảm bảo tự tồn tại của con người như ăn, uống, ngủ, nghỉ… Meta needs là những nhu cầu phục vụ sự phát triển của con người như được an toàn, tôn trọng, danh tiếng, địa vị… Khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, con người sẽ dần hướng đến nhu cầu nâng cao.

Dựa vào chính học thuyết của mình, Maslow đã sáng tạo và xây dựng mô hình thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa các nhu cầu. Từ đó, tháp nhu cầu Maslow đã trở thành một trong những nội dung quan trọng đối với ngành tâm lý học hiện đại. Đặc biệt hơn, nó được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và đời sống. 

Nội dung tháp nhu cầu Maslow

Như đã chia sẻ, tháp nhu cầu Maslow được giảng viên kiêm nhà tâm lý học Abraham Maslow xây dựng và phát triển vào những năm 1950.

mo-hinh-thap-nhu-cau-Maslow

Mô hình “Tháp nhu cầu Maslow”

Dựa trên thuyết nhu cầu của Maslow, mô hình này thể hiện hệ thống thứ bậc các nhu cầu của con người và mối quan hệ giữa chúng. Mỗi nhu cầu sẽ có mức độ cần thiết khác nhau, được căn cứ vào tính đòi hỏi và thứ tự phát sinh trước sau. Theo đó, Maslow xác định và sắp xếp 5 loại nhu cầu theo thứ tự từ thấp đến cao của tháp (tính cần thiết giảm dần), cụ thể:

Nhu cầu sinh lý 

Nhu cầu sinh lý bao gồm: ăn uống, ngủ, nhà ở, sưởi ấm và thoả mãn về tình dục. Trong tháp nhu cầu Maslow, sinh lý là nhu cầu đầu tiên, rộng nhất và nằm ở đáy. Điều này cho thấy đây là những đòi hỏi căn bản và cần thiết nhất của con người để duy trì sự sống. 

Theo Abraham Maslow, nhu cầu sinh lý nếu chưa được thỏa mãn ở mức tối thiểu thì những nhu cầu khác sẽ không thể tiến thêm một bước nào nữa. Trên phương diện tiến hóa, nhu cầu sinh lý được xem là nguyên thủy, lâu dài và rộng rãi nhất. Chúng được hình thành từ khi mỗi cá thể ra đời cho đến khi mất đi. Đây là những nhu cầu mà bất cứ cá thể nào cũng cần đến.

Đặc biệt, đối với trẻ em, khi mà khả năng “tự sinh tồn” còn hạn chế, sự đòi hỏi đối với ăn uống, ngủ nghỉ còn được đặt ở mức độ cao hơn do còn lệ thuộc rất nhiều.

Nhu cầu về sự an toàn hoặc an ninh

Nhu cầu về sự an toàn hoặc an ninh có nghĩa là một môi trường sống không nguy hiểm, có lợi cho sự phát triển lành mạnh, liên tục (hoặc ít nhất là có thể sinh tồn) của con người. Nhu cầu này bao gồm: An toàn sinh mạng (yếu tố cơ bản nhất, là tiền đề cho các nội dung khác), an toàn môi trường, an toàn nơi ở và đi lại, an toàn lao động – nghề nghiệp, an toàn kinh tế, an toàn tâm lý,…

mo-hinh-thap-maslow-5
Mô hình “Tháp Maslow 5 bậc”

So với nhu cầu sinh lý, tính cấp thiết của nhu cầu an toàn có phần “khiêm tốn hơn”. Chúng có thể được cải thiện trong một số trường hợp và cá nhân nhất định. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa nhu cầu này thiếu quan trọng. Bởi lẽ, an toàn không được đảm bảo thì cả về tinh thần lẫn thể chất đều suy giảm, con người sẽ không thể phát triển một cách bình thường: học tập, làm việc sa sút; tâm lý bất an, khó tập trung;… 

Ví dụ về tháp nhu cầu Maslow trong trường hợp này là nhóm người vô gia cư. Họ có thể đảm bảo mức tối thiểu của nhu cầu sinh lý (“tồn tại” được). Nhưng họ luôn đứng trước những rủi ro và mối nguy tiềm ẩn: không có nơi trú ẩn kiên cố, không có công việc ổn định, dễ bị đánh đập, cướp giật,… Vậy nên, thật khó để người vô gia cư thấy hạnh phúc hay tập trung phát triển bản thân, hướng tới các nhu cầu cao hơn như nhu cầu xã hội.

Nhu cầu về xã hội/quan hệ và được thừa nhận (tình yêu, sự chấp nhận)

Nhu cầu về xã hội/quan hệ và được thừa nhận (tình yêu, sự chấp nhận) xuất hiện khi đòi hỏi của con người vượt ra phạm vi cá nhân. Nhu cầu này hình thành trong môi trường cộng đồng, trong xã hội khi mỗi người đều có sự liên kết nào đó với những thành viên xung quanh. Một phần, chúng đến từ những nỗi sợ của con người đối với sự cô độc, buồn chán hay bị coi thường. 

Hình thái của nhu cầu này tương đối đa dạng như: mong muốn hòa nhập, được dư luận xã hội thừa nhận, được công nhận lòng trung thành, tình yêu, tình bạn,… Nhìn chung, đó là những yếu tố thuộc về tinh thần nên phức tạp và có phần tế nhị. Ngược lại, chúng cũng cho thấy giá trị của tình cảm con người trong cuộc sống. Lớn hơn nữa, đó là minh chứng cho sự phát triển của nhân loại, đi từ nhu cầu cá nhân đến với nhu cầu trong một cộng đồng.

nhu-cau-ve-xa-hoi

Nhu cầu về xã hội

Thực tế, mỗi chúng ta đều sống được nếu đảm bảo thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ,… và sự an toàn. Tuy nhiên, chúng ta chẳng thể phát triển nếu không có nhu cầu xã hội. Hãy thử tưởng tượng bạn được đưa tới một hoang đảo với đầy đủ tài nguyên nhưng phải sống một mình, bạn sẽ ra sao sau 1 năm, 2 năm rồi 5, 10 năm nữa,… Đặt trong mối quan hệ của tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu này có thể khắc phục các nhu cầu sinh lý và an ninh, tùy thuộc vào mức độ của áp lực và đặc điểm tâm lý cá nhân.

Nhu cầu được tôn trọng

Theo Maslow, hầu hết mọi người đều có lòng tự trọng và mong muốn người khác tôn trọng mình. Lòng tự trọng là sự coi trọng của bản thân dành cho chính cá nhân đó. Người có lòng tự trọng biết chấp nhận mình, biết vị thế và giá trị của mình ở đâu trong một tập thể, rộng hơn là cả cộng đồng. Thông thường, đó cũng là người tự tin, có năng lực, bản lĩnh và tinh thần cầu tiến cao. Họ luôn cố gắng để hoàn thiện và nâng cao giá trị bản thân, hướng tới những mục tiêu về địa vị, danh tiếng, sự uy tín.

Mong muốn được người khác tôn trọng là mong muốn được công nhận, được coi trọng, được ngưỡng mộ giá trị bản thân từ người khác. Điều này giống như “bản nâng cấp” của lòng tự trọng cả về mức độ và quy mô. Khi đặt trong tham chiếu của thuyết Maslow đưa ra, nhu cầu xã hội là đòi hỏi về sự “chấp nhận tồn tại”, nhu cầu được tôn trọng là đòi hỏi về sự “đánh giá cao” của cộng đồng đối với một cá thể.

nhu-cau-duoc-ton-trong

Nhu cầu được tôn trọng

Nhu cầu phát huy bản ngã

Nằm ở phần đỉnh của tháp nhu cầu Maslow, không khó hiểu khi yếu tố phát huy bản ngã được xem là “xa xỉ nhất” trong hệ thống phân cấp nhu cầu. Nhu cầu này thể hiện bản thân mong muốn phô bày năng lực, tài năng của cá nhân đối với tập thể. Từ đó, cá nhân không chỉ được đánh giá cao mà còn gây ấn tượng mạnh và tạo ra ảnh hưởng trước cộng đồng.

Như vậy, đây là cả một quá trình “dài hơi”. Đi từ việc hoàn thiện bản thân ở mức độ nhất định về cả học thức (qua học tập, nghiên cứu) và thẩm mỹ đến việc thể hiện ra bên ngoài những khả năng tuyệt vời ấy của mình.

Phiên bản tháp nhu cầu Maslow 8 bậc

Sau khi hoàn thiện mô hình 5 bậc nhu cầu con người, Maslow tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm 3 nhu cầu khác, gồm có: nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ và sự siêu nghiệm.

  • Nhu cầu nhận thức (Cognitive): luôn mong muốn được hoàn thiện bản thân hơn nữa về mặt nhận thức thông qua việc học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm.
  • Nhu cầu thẩm mỹ (Aesthetic): mong muốn được khám phá, tìm hiểu, đánh giá và sáng tạo ra những tác phẩm, sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao.
  • Nhu cầu về sự siêu nghiệm (Transcendence): mong muốn vượt qua mọi giới hạn của bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần như trực giác, tâm linh, lòng nhân hậu, bác ái, vị tha,… 

mo-hinh-thap-nhu-cau-Maslow-8-bac

Mô hình “Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc”

Từ đó, cá nhân có thể tạo ra những thay đổi trong cộng đồng. Ví dụ, các nhà hảo tâm đi từ thiện, giúp đỡ người gặp khó khăn. Qua sự bổ sung này, ta có tháp Maslow mở rộng gồm 8 bậc như sau:

  • Nhu cầu sinh lý.
  • Nhu cầu về an toàn.
  • Nhu cầu về xã hội.
  • Nhu cầu được tôn trọng.
  • Nhu cầu về nhận thức.
  • Nhu cầu về thẩm mỹ.
  • Nhu cầu được thể hiện mình.
  • Nhu cầu về sự siêu nghiệm.

Ứng dụng của tháp Maslow trong các lĩnh vực kinh doanh và đời sống

Sau đây, bePOS xin chia sẻ về những ứng dụng của tháp Maslow trong kinh doanh, bán hàng và các lĩnh vực khác dưới góc độ của chủ doanh nghiệp.

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh hiện nay

Giá trị dễ thấy nhất khi áp dụng tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh đó là giúp bạn nhận ra cơ hội. Cụ thể hơn, đó là nhu cầu của thị trường và khả năng cạnh tranh. Nói riêng ở Việt Nam, trước đây, khi hậu quả chiến tranh chưa được khắc phục, mô hình kinh tế bao cấp còn “trị vì”, người dân cũng chính là khách hàng chỉ cần được đáp ứng nhu cầu ăn no, mặc ấm, có thể đi lại,… Những nhu cầu phát triển cao hơn, xa hơn dường như chưa thiết thực.

ung-dung-thap-nhu-cau-Maslow-trong-kinh-doanh-ngay-nay

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh

Trong xã hội hiện nay, khi kinh tế ngày càng phát triển, dân trí được nâng cao, người tiêu dùng có những đòi hỏi và yêu cầu khắt khe hơn về chủng loại và đặc điểm của sản phẩm. Các dịch vụ như bảo hiểm nhân thọ, bảo vệ, tư vấn,… có cơ hội lên ngôi. Sản phẩm hàng hóa không những cần đảm bảo chất lượng mà còn phải đáp ứng cả tính thẩm mỹ, thời trang,… Đi kèm với sản xuất, bán hàng, doanh nghiệp cũng phải hướng tới các chế độ hậu mãi, chăm sóc người tiêu dùng,…

Ví dụ về tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh nhà hàng: Bạn cần có thực đơn ngon, chất lượng để đáp ứng nhu cầu sinh lý của khách hàng; việc trình bày món ăn hấp dẫn giúp đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. Ngoài ra, xây dựng một chính sách thẻ thành viên sẽ là cách bạn đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của khách hàng,…

Tóm lại, trong thời điểm này, cuộc chiến trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc cung cấp đủ cho nhu cầu của thị trường, mà còn là vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp luôn phải học hỏi, cải tiến và nâng cao vị thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong bán hàng

Tương tự như kinh doanh, vận dụng tháp nhu cầu Maslow trong bán hàng giúp tìm ra cơ hội tạo lợi nhuận. Để làm được điều đó, chủ cửa hàng cần:

  • Phân loại, xác định nhóm khách hàng mục tiêu.
  • Xác định cấp bậc nhu cầu của khách hàng.
  • Đánh giá tính tương thích giữa sản phẩm/dịch vụ cung cấp với nhu cầu của khách hàng.
  • Thực hiện bán hàng. 

Ví dụ, nếu sản phẩm bạn đang bán là sách thì nhóm khách hàng mục tiêu sẽ có nhu cầu chính là nhận thức, được tôn trọng.

Một giá trị nữa mà tháp nhu cầu Maslow đem lại cho hoạt động bán hàng là phân tích đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, đây sẽ là phương pháp chỉ mang tính bổ trợ.

Ứng dụng tháp nhu cầu của Maslow trong Marketing hiện đại

Dễ thấy, tháp nhu cầu của Maslow trong Marketing được khai thác rất nhiều. Đầu tiên, đó là khả năng giúp người thực hiện phân loại và xác định được tệp khách hàng. Tiếp theo, họ sẽ dựa vào đó để tạo ra những chiến dịch tiếp thị ấn tượng, đánh trúng insight người tiêu dùng. Cuối cùng, thành quả mang lại là đơn hàng và doanh thu thực tế.

ung-dung-thap-nhu-cau-Maslow-trong-marketing-hien-nay

Ứng dụng tháp nhu cầu của Maslow trong Marketing

Điểm nhấn của Marketing là thông điệp tạo ấn tượng đối với khách hàng. Vì thế, hãy cố gắng trả lời các câu hỏi sau:

  • Thông điệp của bạn có đánh đúng nhu cầu khách hàng không? Có giá trị không?
  • Thông điệp nên được xuất hiện bằng cách thức/kênh quảng cáo nào?
  • Hình thức thể hiện thông điệp sao cho khách hàng khó quên?

Tùy vào lĩnh vực kinh doanh mà việc ứng dụng tháp nhu cầu của Maslow trong Marketing sẽ có những điểm riêng biệt.

Ví dụ về tháp nhu cầu Maslow trong Marketing: Khách hàng của những hãng xe lớn như Lamborghini, Rolls Royce,… đều có nhu cầu rất cao về chất lượng, dịch vụ. Vì thế cách quảng bá tốt nhất chính là tiếp thị trực tiếp qua triển lãm, sự kiện ra mắt, trong khi đó Marketing online chỉ mang tính cộng hưởng. 

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự doanh nghiệp

Khi sử dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự, hãy tập trung vào hai nội dung mà mỗi nhân viên quan tâm nhất, đó là nhu cầu sinh lý cơ bản và an toàn.

  • Nhu cầu sinh lý cơ bản 

Yếu tố lương sẽ quyết định đến nhu cầu sinh lý cơ bản của nhân viên như: tiền thuê trọ, tiền ăn uống, tiền xăng xe, thuốc thang,… Vì thế, chủ doanh nghiệp cần đảm bảo mức lương của nhân viên đủ chi trả cho các khoản trên. Thứ hai, mức lương cần công bằng giữa các nhân viên, tương xứng với năng lực và kết quả làm việc. Ngoài ra, để khuyến khích tính trách nhiệm và tinh thần của nhân viên, hãy có chế độ thưởng phạt rõ ràng, hợp lý.

ung-dung-thap-nhu-cau-Maslow-trong-quan-tri-nhan-su-doanh-nghiep

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự doanh nghiệp

  • Nhu cầu an toàn

Ở đây, chủ doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong hợp đồng lao động. Một mặt, điều này tạo ra sự tin tưởng của nhân viên đối với doanh nghiệp. Mặt khác, chúng giảm tải áp lực giúp nhân viên có thể tập trung lao động, đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự cần hướng đến cả mối quan hệ giữa các nhân viên. Nói cách khác, chủ doanh nghiệp phải đáp ứng, phát huy những nhu cầu về xã hội, được tôn trọng và thể hiện bản thân.

Ví dụ như xây dựng văn hóa làm việc nhóm, hình thành công đoàn,…; tổ chức các buổi họp mặt, tiệc cuối năm, du lịch,…; tổng kết, đánh giá kết quả làm việc và lắng nghe ý kiến của nhân viên; có chính sách tăng lương, tăng chức khi đạt được thành tích tốt…

Nếu áp dụng tốt tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự, doanh nghiệp sẽ có sức mạnh nội tại to lớn, sự gắn kết nội bộ cao và có thể phát triển bền vững trong thời gian dài. 

>> Xem thêm: TỪ A-Z QUY TRÌNH TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ THEO TIÊU CHUẨN ISO 10 BƯỚC HIỆU QUẢ NHẤT 2021

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong du lịch 

Khi nói tới tháp nhu cầu Maslow trong du lịch, ta sẽ hướng sự quan tâm tới việc thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, giúp tạo doanh thu và sự lan tỏa.  Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực này, tháp nhu cầu Maslow sẽ có sự “biến hóa” đôi chút. Cụ thể mô hình sẽ được phân thành 3 tầng, gồm: Nhu cầu tồn tại – Survival; Nhu cầu thành công – Success và Nhu cầu chuyển hóa – Transformation.

ung-dung-thap-nhu-cau-maslow-trong-du-lich

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong du lịch

  • Tầng “Nhu cầu về sự tồn tại – Survival”

Nhu cầu tồn tại bao gồm 2 nhu cầu đầu tiên của tháp Maslow, tức là khách hàng có thể trải nghiệm và trải nghiệm một cách an toàn chuyến du lịch. Việc này được thực hiện thông qua hoạt động cung cấp cho khách hàng các điều kiện nghỉ ngơi, ăn uống, phòng khách sạn,…; tham quan thắng cảnh nổi tiếng, điểm du lịch,..

  • Tầng “Nhu cầu về thành công – Success”

Khách du lịch mong muốn có những trải nghiệm mới và thoải mái nhất; được gắn kết với người dân địa phương; khám phá và học hỏi về văn hóa, phong tục,… Đây là những giá trị vô hình, thiên về tinh thần. Điều này cũng tương tự như nhu cầu xã hội, nhu cầu thể hiện bản thân – thuộc tầng 3 và 4 của tháp Maslow

  • Tầng “Nhu cầu chuyển hóa – Transformation”

Nếu các nhu cầu trên được đáp ứng, không ít du khách sẽ có suy nghĩ đóng góp công sức để giúp xã hội tốt đẹp hơn như: lưu giữ giá trị văn hóa vùng miền, quyên góp bảo tồn thiên nhiên,… Như vậy, tháp nhu cầu Maslow trong du lịch không chỉ tạo ra nhiều cơ hội lợi nhuận và phát triển cho doanh nghiệp. Xa hơn, nếu được vận dụng tốt, mô hình này còn có thể mang đến những giá trị nhân văn mang tính cộng đồng.

>> Xem thêm: HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM VÀ NHỮNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TẾ ÍT AI BIẾT TỚI

Một số hạn chế của tháp nhu cầu Maslow

Cho tới hiện nay, những giá trị của tháp nhu cầu Maslow đối với lý thuyết tâm lý học và thực tiễn đời sống được thể hiện rất rõ nét qua nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, người ta cũng thấy được một số hạn chế của mô hình này đó là:

Tháp nhu cầu Maslow chỉ mang tính tương đối

Rõ ràng, nhu cầu của con người không phải lúc nào cũng “rập khuôn” với 5 hay 8 cấp bậc. Xuất hiện điều này một phần vì trong các cuộc nghiên cứu, Maslow chỉ dành sự quan tâm đối với nhóm cá nhân bình thường (cả về thể chất lẫn tinh thần). Ông dường như bỏ qua các đối tượng bị hạn chế về năng lực hành vi và nhận thức. Về mặt nghiên cứu, điều này có thể hiểu được, nhưng về mặt xã hội, họ vẫn là một phần trong tổng thể cộng đồng.

Ở một khía cạnh khác, ngay cả đối với nhóm người có thể chất và tinh thần ổn định, vẫn sẽ tồn tại những cá biệt mà mức độ đòi hỏi đối với các nhu cầu không theo thứ tự được trình bày trong tháp nhu cầu của Maslow. Do đó, khi áp dụng, chúng ta cần linh hoạt và xem xét tổng thể nhiều yếu tố liên quan như hoàn cảnh, độ tuổi,… Theo mô tả trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu của con người đi dần từ chân tháp đến đỉnh tháp. Tuy nhiên, những nhu cầu này có thể có thể thay đổi thứ tự linh hoạt tùy vào mỗi người và từng hoàn cảnh.

thap-maslow-mang-tinh-tuong-doi

Tháp Maslow mang tính tương đối giữa các đối tượng khác nhau

Để dễ hiểu hơn, chúng ta cùng đến với ví dụ về tháp nhu cầu Maslow áp dụng cho một nhóm người đàn ông. Họ cùng độ tuổi 27, cùng có công việc ổn định, cùng phát triển bình thường về cả thể chất và tinh thần. Khi hỏi về mong muốn lấy vợ trong một năm tới, sẽ có người trả lời có, một số khác thì không để phát triển sự nghiệp hơn nữa. Như vậy, ta đã thấy được sự khác biệt về mức độ đòi hỏi của cùng một nhu cầu.

Không phải trong mọi trường hợp, nhu cầu đều tăng

Với tháp nhu cầu Maslow, ta thấy rằng có vẻ như nhu cầu có chiều hướng đi lên theo phương thẳng đứng và không ngừng hướng tới đỉnh tháp. Tuy nhiên, trong thực tế, nó có thể dừng lại giữa chừng ở một mốc nào đó. Ví dụ, khi đạt được nhu cầu an toàn, cá nhân gặp phải các vấn đề liên quan đến nhận thức và tâm lý (tự kỷ, chấn thương,…) nên không còn hoặc không thể tiếp tục “nấc thang” nhu cầu xã hội.

Một số trường hợp khác, “mũi tên” nhu cầu có sự đổi hướng và bắt đầu lại. Ví dụ, trong một cuộc tình, nhu cầu về tình yêu đã được đáp ứng. Nhưng sau khi chia tay, các tổn thương về tình cảm khiến người đó khó mở lòng và cần thời gian để trở lại trạng thái bình thường, mong muốn yêu và được yêu. 

Tóm lại, không phải ai cũng có xu hướng phát triển mức độ đòi hỏi các nhu cầu theo hướng tháp Maslow chỉ ra. Họ có thể bị dao động hoặc rẽ sang một lối đi khác. 

nhuoc-diem-cua-thap-nhu-cau-Maslow

Hạn chế của tháp nhu cầu Maslow

Nhu cầu không chạy “tiếp sức”

Thực tế, nhu cầu cũ không nhất thiết phải được đáp ứng 100% thì nhu cầu tiếp theo mới xuất hiện. Điều này khác cuộc đua tiếp sức ở chỗ mỗi cá nhân có thể xuất hiện đồng thời nhiều nhu cầu khác nhau trong cùng một thời điểm. Ví dụ, đối với các nhân viên mới của công ty, nhu cầu về an toàn làm việc xuất hiện cùng lúc với nhu cầu giao tiếp, kết nối với đồng nghiệp. Cả hai không tách rời mà còn bổ trợ để đáp ứng cho nhau.

Như vậy, việc ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh, bán hàng, du lịch hay bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có sự linh hoạt, khéo léo để khắc phục những hạn chế của tháp Maslow đã kể trên.

Hy vọng, thông qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về tháp nhu cầu Maslow cũng như tính ứng dụng tuyệt vời của mô hình này. Đừng quên theo dõi blog bePOS để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích hơn nữa.

FAQ

Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc tốt hơn 5 bậc không?

Thực chất, tháp nhu cầu Maslow 8 bậc là “phiên bản” chi tiết hóa của tháp Maslow 5 bậc, chỉ rõ hơn các nhu cầu về nhận thức, thẩm mỹ và sự siêu nghiệm. Do đó, việc áp dụng tháp nhu cầu Maslow 8 bậc sẽ có phần đầy đủ và tốt hơn nhưng thường ít phổ biến trong thực tế.

Nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow khi áp dụng là gì?

Như đã chia sẻ, tuy có tính ứng dụng cao nhưng người ta vẫn nhận thấy một số nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow, đó là:

  • Tháp nhu cầu Maslow chỉ mang tính tương đối.
  • Không phải trong mọi trường hợp, nhu cầu đều tăng.
  • Nhu cầu không chạy “tiếp sức”.