Trang chủBlogs Tài chínhCác chỉ số tài chính quan trọng doanh nghiệp cần biết (2023)

Các chỉ số tài chính quan trọng doanh nghiệp cần biết (2023)

Cập nhật lần cuối: Tháng năm 05, 2023
Avatar
bePOS
1811 Đã xem

Các chỉ số tài chính là yếu tố được phân tích rất kỹ, trước khi nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đưa ra bất cứ quyết định nào. Chúng không chỉ cho ta biết sức khỏe doanh nghiệp, mà còn giúp quản trị rủi ro, dự đoán các xu hướng có thể xảy ra trong tương lai. Vậy có những chỉ số nào quan trọng, ý nghĩa của các chỉ số tài chính là gì? Trong bài viết dưới đây, bePOS sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc trên cho bạn. Hãy cùng theo dõi nhé!

Chỉ số tài chính là gì?

Trước tiên, bạn cần hiểu một cách tổng quát các chỉ số tài chính của doanh nghiệp là gì. Các chỉ số tài chính (Financial Ratios) là những dữ liệu được truy ra từ báo cáo tài chính, thể hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Để có những thông tin đó, nhà phân tích tài chính phải sử dụng phép tính toán, phân chia tỷ lệ giữa các con số xuất hiện trong báo cáo. Hoạt động này được gọi là phân tích tỷ lệ, hoặc phân tích định lượng.

Để hiểu chi tiết Financial Ratios là gì, bạn cần nghiên cứu từng nhóm như sau: 

  • Nhóm chỉ số thể hiện khả năng thanh khoản (Liquidity Ratios)
  • Nhóm tỷ lệ đòn bẩy (Leverage Ratios)
  • Nhóm tỷ lệ hiệu quả (Efficiency Ratios) 
  • Nhóm tỷ lệ sinh lời (Profitability Ratios)  
  • Nhóm chỉ số thể hiện giá trị thị trường (Market Value Ratios)
can-hieu-ro-financial-ratios-la-gi
Chủ kinh doanh cần hiểu rõ Financial Ratios là gì

Vai trò của các chỉ số báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp 

Việc phân tích các chỉ số tài chính đem đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:

  • Theo dõi tình hình hoạt động: Các chỉ số tài chính giúp chủ doanh nghiệp theo dõi hoạt động của công ty theo thời gian, từ đó dự đoán những xu hướng có thể xảy ra trong tương lai. Ví dụ, hệ số công nợ (Debt-to-Asset Ratio) cho thấy liệu doanh nghiệp có bị quá tải nợ và dẫn đến phá sản trong trong tương lai hay không.
  • So sánh hiệu quả hoạt động: Nhờ việc phân tích các chỉ số tài chính, nhà quản trị có thể so sánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác cùng ngành. 

Tùy thuộc ý nghĩa của các chỉ số tài chính, từng người sẽ có cách sử dụng khác nhau. Trong nội bộ, các chỉ số này được xem xét bởi chủ doanh nghiệp, đội ngũ quản lý, nhân viên,… Từ đó, họ có thể đưa ra những đánh giá và quyết định quan trọng, cụ thể như xây dựng chiến lược. 

Không chỉ vậy, các chỉ số tài chính còn được sử dụng bởi những đối tượng bên ngoài như nhà phân tích tài chính, nhà đầu tư, cơ quan thuế, cơ quan nhà nước, nhà quan sát thị trường,… Ví dụ, các nhà đầu tư cần các chỉ số tài chính doanh nghiệp để đánh giá xem cổ phiếu công ty đó có hợp lý hay không. 

cac-chi-so-tai-chinh-giup-doanh-nghiep-quan-ly-dong-tien
Các chỉ số tài chính giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền

Các chỉ số tài chính doanh nghiệp bạn cần biết

Nhóm chỉ số liên quan đến khả năng thanh khoản

Nhóm khả năng thanh khoản là một trong các chỉ số tài chính cơ bản, giúp xác định khả năng thực hiện nghĩa vụ trả các khoản nợ của doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định, mà không cần huy động vốn từ bên ngoài. Giả dụ, trong trường hợp các chủ nợ đồng loạt đòi thanh toán nợ thì doanh nghiệp có khả năng chi trả không. 

Điểm đặc biệt của việc thanh toán các khoản nợ này là doanh nghiệp không sử dụng những tài sản dài hạn để trả, như máy móc sản xuất, trang thiết bị cơ bản,… Lý do là bởi các tài sản trên khó có thể chuyển thành tiền để trả nợ ngắn hạn. Lúc này, doanh nghiệp phải sử dụng tài sản ngắn hạn như tiền gửi ngân hàng, tiền két sắt, các giấy tờ có giá, nợ của khách hàng, hàng hóa tồn kho,…

Để đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, nhà phân tích thường dùng đến 4 chỉ số như sau.

Tỷ lệ thanh toán các khoản nợ hiện hành (Current Ratio)

Khi tìm hiểu các chỉ số tài chính, nhiều người quan tâm Current Ratio là gì. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong nhóm các chỉ số quan trọng để phân tích hoạt động doanh nghiệp. Muốn nhìn nhận sâu hơn, bạn cần kết hợp Current Ratio và nhiều dữ liệu khác, từ đó mới có thể đánh giá bức tranh tổng thể.

Hiểu đơn giản, tỷ lệ thanh toán hiện hành là yếu tố quan trọng trong các nhóm chỉ số tài chính. Chỉ số này cho biết khả năng tối đa hóa tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ với các khoản nợ ngắn hạn, hoặc những chi phí khác cần thanh toán trong khoảng 1 năm trở lại. 

current-ratio-la-gi
Tìm hiểu công thức Current Ratio là gì

Tỷ lệ thanh toán hiện hành được coi là an toàn nếu ngang hoặc cao hơn một chút so với con số trung bình trên thị trường. Ngược lại, nếu thấp hơn, việc kiệt quệ về mặt tài chính, hoặc phá sản là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, một con số quá cao cũng không tốt, bởi điều đó cho thấy công ty có thể đang sử dụng tài sản kém hiệu quả. 

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Tỷ lệ thể hiện tốc độ thanh toán nhanh (Quick Ratio)

Tỷ lệ thanh toán nhanh chỉ ra khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp mà không cần đến việc bán hàng tồn kho. Vì là khả năng thanh toán nhanh, nên doanh nghiệp phải sử dụng tiền, hoặc những tài sản có thể quy đổi ra tiền ngay lập tức.

Một doanh nghiệp có tỷ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 1 sẽ có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ ngắn hạn. Hơn nữa, nếu con số này thấp hơn nhiều so với tỷ số thanh toán hiện hành, thì doanh nghiệp đang bị phụ thuộc vào tài sản là hàng tồn kho. 

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn

quick-ratio-toc-do-tra-no
Quick Ratio cho thấy tốc độ trả nợ của doanh nghiệp

Tỷ lệ thanh toán tức thời (Cash Ratio)

Tỷ lệ thanh toán tức thời là tỷ lệ giữa tiền và tài sản tương đương tiền so với các khoản nợ ngắn hiện có. So với hai chỉ số đánh giá khả năng thanh khoản còn lại, tỷ số thanh toán tức thời mang góc nhìn bảo thủ hơn. Chỉ số này tính toán khả năng trả nợ của công ty qua tiền, mà không tính đến các loại tài sản khác. 

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán tức thời = (Tiền + Tài sản tương đương tiền)/Nợ ngắn hạn

Nhóm chỉ số liên quan đến đòn bẩy của doanh nghiệp

Nhóm tỷ lệ đòn bẩy có tên gọi tiếng Anh là Leverage Ration, vậy Leverage Ratio là gì? Hiểu đơn giản, các chỉ số tài chính này cho biết cách sử dụng vốn, mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào các khoản vay bên ngoài. Từ đó, nhà phân tích tài chính đánh giá rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp.

Hoạt động công ty phụ thuộc khoản vay càng nhiều thì rủi ro càng cao, nhưng cũng mang lại tiềm năng tăng lợi nhuận. Các ngân hàng thường rất quan tâm đến các chỉ số tài chính này khi cho khách hàng doanh nghiệp vay tiền. Dưới đây, bePOS sẽ phân tích cụ thể về các chỉ số tài chính trong kinh doanh liên quan tới đòn bẩy của doanh nghiệp. 

leverage-ratio-la-gi
Leverage Ratio là gì, có vai trò thế nào với doanh nghiệp

Tỷ lệ nợ trên vốn (Debt Ratio)

Tỷ lệ nợ trên vốn là chỉ số để đo lường tổng phần tài sản của doanh nghiệp được cấp vốn qua các khoản vay. Nếu tỷ số này lớn hơn 1, doanh nghiệp có nhiều nghĩa vụ phải thanh toán hơn là tài sản. Một con số cao hơn 1 rất nhiều cho thấy doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ, nếu lãi suất bất ngờ tăng. Công thức tính:

Tỷ lệ nợ trên vốn = Tổng nợ/Tổng tài sản

Tỷ lệ đánh giá vốn chủ sở hữu và tài sản (Equity Ratio)

Đây là chỉ số thể hiện mối quan hệ giữa vốn chủ sở hữu và tổng tài sản, từ đó đánh giá độ hiệu quả của dòng tiền không qua các khoản vay. Những công ty có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao cho thấy tính đòn bẩy cao. Ngược lại, con số thấp thường xuất hiện ở những công ty có chính sách bảo thủ hơn, ít hoạt động dựa trên số tiền vay.  

Công thức tính tỷ lệ vốn chủ sở hữu là:

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu = Tổng vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản

cac-chi-so-tai-chinh-equity-ratio
Các chỉ số tài chính trong kinh doanh gồm có Equity Ratio

Tỷ lệ tổng nợ so với vốn chủ sở hữu (Debt to Equity Ratio)

Chỉ số này giúp đánh giá mối liên hệ giữa tổng nợ và số vốn chủ sở hữu, qua đó cho thấy sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Nếu kết quả trả ra nhỏ hơn 1, tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu và ngược lại. Công thức tính:

Tỷ lệ nợ trên vốn = Tổng nợ/ Vốn chủ sở hữu

Nhóm chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản 

Đây là nhóm các chỉ số tài chính của doanh nghiệp rất quan trọng, giúp đánh giá hiệu quả hoạt động trong khoảng thời gian nhất định, cụ thể là khả năng sử dụng tài sản để tạo ra doanh thu. Ví dụ, tính toán số thời gian cần thiết để kiếm được doanh thu từ khách hàng. Nhóm này có 4 chỉ số như sau.

Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover Ratio)

Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cho thấy số lần doanh nghiệp bán sạch hàng tồn kho trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó lên kế hoạch quản lý hàng hóa hiệu quả hơn. Chỉ số này càng cao có nghĩa hàng hóa đang bán rất nhanh, người tiêu dùng có nhu cầu lớn. Công thức tính: 

Tỷ lệ hàng vòng quay hàng tồn kho = Doanh thu/Giá trị kho trung bình

hang-ton-kho-cac-chi-so-trong-bao-cao-tai-chinh
Hàng tồn kho là yếu tố quan trọng trong các chỉ số báo cáo tài chính

Tỷ lệ vòng quay các khoản doanh nghiệp phải thu lại (Accounts Receivable Turnover Ratio)

Tỷ lệ này giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của các khoản phải thu, như cung cấp tín dụng cho khách hàng,… Nếu con số này cao, khả năng thu hồi nợ từ khách hàng ở mức tốt, đồng thời cho thấy doanh nghiệp hoạt động dựa nhiều vào tiền mặt. Ngoài ra, cũng có thể thấy rằng, doanh nghiệp nên xem xét lại chính sách tín dụng để tránh mắc phải nợ khó đòi. Công thức tính:

Tỷ lệ vòng quay khoản phải thu = Doanh thu bán chịu ròng/Trung bình khoản phải thu

Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả (Accounts Payable Turnover Ratio)

Tỷ lệ này chỉ ra mức độ hiệu quả của công ty trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong một thời gian nhất định. Một kết quả cao thường được cho là tín hiệu tốt, bởi cho thấy doanh nghiệp có khả năng giữ tiền trong một thời gian dài hơn. Công thức tính:

Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả = Tổng doanh thu trong kỳ/ [(Khoản phải trả đầu kỳ + Khoản phải trả cuối kỳ)/2]

cac-chi-so-tai-chinh-cho-thay-kha-nang-tra-no
Các chỉ số tài chính tốt cho thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp

Tỷ lệ vòng quay tài sản (Asset Turnover Ratio)

Asset Turnover Ratio là gì, có ý nghĩa thế nào? Đây là tỷ lệ vòng quay tài sản chỉ ra mối quan hệ giữa doanh thu so với giá trị tài sản. Nếu hiểu bản chất Asset Turnover Ratio là gì, bạn có thể phân tích hiệu quả tài sản để tạo ra doanh thu. Một con số cao cho thấy hoạt động kinh doanh đang hiệu quả và ngược lại. Công thức tính:

Tỷ lệ vòng quay tài sản = Tổng doanh thu/ [(Tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ)/2]

Nhóm chỉ số đánh giá doanh thu và tiềm năng sinh lời 

Đây là nhóm các chỉ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp, nhưng nhiều người nhầm lẫn chỉ số này và chỉ số hiệu quả. Nhóm các chỉ số tài chính tiềm năng sinh lời dùng để đánh giá doanh thu, cũng như tiềm năng tạo ra doanh thu của doanh nghiệp trong tương lai. Trong khi đó, nhóm chỉ số hiệu quả dùng để đánh giá tình trạng sử dụng những nguồn lực đang có của doanh nghiệp, cụ thể là tài sản. 

Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế so với tổng doanh thu (Return On Sales – ROS)

ROS thể hiện mối quan hệ lợi nhuận với doanh thu, đánh giá liệu doanh nghiệp có thể thu về được bao nhiêu tiền lợi nhuận sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Chỉ số ROS càng cao cho thấy doanh nghiệp đang làm ăn tốt. 

ROS = Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần

cac-chi-so-tai-chinh-ve-doanh-thu
Các chỉ số tài chính về doanh thu cho thấy hiệu quả của doanh nghiệp

>> Xem thêm: ROS là gì? Giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến chỉ số ROS trong kinh doanh

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return On Earnings – ROE)

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cho thấy mỗi phần vốn đầu tư tạo ra bao nhiêu lợi nhuận tương ứng. Qua đó, ta biết được khả năng đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên góp vốn của công ty. Công thức tính chỉ số ROE là:

ROE = (Vốn chủ sỡ hữu đầu kỳ + Vốn chủ sở hữu cuối kỳ)/2

Tỷ lệ đánh giá khả năng sinh lời của tài sản (Return On Assets – ROA)

Chỉ số ROA cho thấy hiệu quả sinh lời của tài sản doanh nghiệp. Một kết quả cao cho thấy doanh nghiệp có khả năng sinh lời tốt. Các ngân hàng thường sử dụng chỉ số này để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp vay tiền. Nếu tỷ lệ lớn hơn lãi suất vay, ngân hàng có khả năng thu hồi nợ cao. Công thức tính:

ROA = (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ)/2

Tỷ lệ sinh lời trên tổng vốn đầu tư (ROI)

ROI là chỉ số đánh giá phản ánh khả năng sinh lời của vốn đầu tư. Doanh nghiệp thường sử dụng chỉ số này này để đánh giá hiệu quả của các chiến dịch, dự án quan trọng đã đầu tư vào. Một dự án có chỉ số ROI cao thường cho thấy khả năng sinh lời tốt hơn. Công thức tính ROI là:

ROI = Lợi nhuận sau thuế/ [(Vốn kinh doanh đầu kỳ + Vốn kinh doanh cuối kỳ)/2]

cac-chi-so-tai-chinh-roi
ROI là một trong các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính

>> Xem thêm: Chỉ số ROI là gì? Cách tính ROI chuẩn nhất năm 2022

Nhóm chỉ số về định giá 

Các chỉ số tài chính này dùng để phân tích giá trị cổ phiếu của công ty đại chúng ở thời điểm hiện tại. Nhìn chung, nhà quản trị không theo dõi các chỉ số này quá sát sao, bởi họ thường quan tâm đến những dữ liệu đánh giá sự vận hành nội bộ hơn. Nhóm chỉ số định giá hữu ích nhất với các nhà đầu tư, qua đó đánh giá độ hợp lý của giá cổ phiếu.

Tỷ lệ giá trị sổ sách và giá trị thị trường (Book-to-Market Ratio)

Chỉ số này giúp tính toán giá trị của công ty thông qua việc so sánh giá trị trên sổ sách và giá trị trên thị trường. Trong đó, giá trị sổ sách là giá gốc của công ty. Giá trị thị trường là giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Sự chênh lệch giữa hai dữ liệu trên sẽ cho biết công ty đang được định giá thấp hay cao. Công thức tính:

Tỷ lệ giá trị sổ sách và giá thị trường = Vốn cổ đông/Vốn hóa thị trường

cac-chi-so-tai-chinh-quan-trong-de-ra-quyet-dinh
Nhà đầu tư dùng các chỉ số tài chính quan trọng để đưa ra quyết định

Tỷ lệ cổ tức (Dividend Yield)

Tỷ lệ cổ tức là chỉ số cho thấy số cổ tức công ty phải trả cho mỗi cổ phần trong khoảng thời gian nhất định, dựa trên giá hiện hành của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cổ tức cao cho thấy các thành viên góp vốn đang được hưởng lợi nhuận, nhưng phía công ty lại bị mất một khoản chi phí tái đầu tư. Công thức tính tỷ lệ cổ tức là:

Tỷ lệ cổ tức = Cổ tức mỗi cổ phần/Giá mỗi cổ phần trên thị trường

Tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phần (Earnings Per Share)

Chỉ số này cho thấy lợi nhuận cổ đông thu được trên mỗi cổ phiếu, sau khi đã trừ đi phần cổ tức ưu đãi, từ đó cho thấy hiệu quả kinh doanh. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng những chỉ số EPS rất hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Công thức tính chỉ số này là:

Tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phần = (Doanh thu ròng – Cổ tức ưu đãi)/Trung bình lượng cổ phiếu đang lưu thông

chi-so-tai-chinh-eps-quan-trong
EPS là một trong các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính

Tỷ lệ giá và lợi nhuận (Price to Earning Ratio)

Chỉ số này cho thấy mối liên hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và lợi nhuận sau thuế của công ty, trong khoảng thời gian một năm. Qua đó, nhà đầu tư đánh giá xem cổ phiếu là rẻ hay đắt. Công thức tính tỷ lệ giá và lợi nhuận là:

Tỷ lệ giá và lợi nhuận = Giá mua cổ phiếu/ Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu

Trên đây, bePOS đã tổng hợp tất cả các chỉ số tài chính mà các nhà đầu tư, nhà quản trị cần quan tâm. Trong các bài viết tiếp theo, bePOS sẽ tiếp tục phân tích kỹ hơn về từng chỉ số, qua đó giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Hãy truy cập Website bePOS thường xuyên để không bỏ lỡ nhé!

FAQ

Phần mềm quản lý tài chính nào tốt nhất hiện nay?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều phần mềm hỗ trợ phân tích các chỉ số tài chính của doanh nghiệp. Để lựa chọn một sản phẩm phù hợp, bạn cần đánh giá nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ, nếu là chủ doanh nghiệp nhỏ bán lẻ, bạn nên chọn những phần mềm có điểm mạnh là quản lý doanh thu và hàng tồn kho, ví dụ phần mềm quản lý bán hàng bePOS.

Trong các chỉ số tài chính trên, chỉ số nào là quan trọng nhất?

Các chỉ số tài chính cơ bản đều có vai trò và tầm quan trọng riêng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào đặc thù từng doanh nghiệp và ngành hàng kinh doanh. Ví dụ, các doanh nghiệp tư nhân không được phát hành cổ phiếu, nên không cần phân tích chỉ số tài chính liên quan đến định giá thị trường.