Trang chủBlogs Tài chínhChỉ số P/B là gì? Ý nghĩa và cách tính P/B chính xác nhất

Chỉ số P/B là gì? Ý nghĩa và cách tính P/B chính xác nhất

Cập nhật lần cuối: Tháng chín 09, 2023
Thanh Ngoan
1620 Đã xem

Chỉ số P/B (Price-to-Book) là một trong những chỉ số quan trọng trong phân tích tài chính doanh nghiệp. Nó thể hiện mối liên quan giữa giá cổ phiếu và giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Trong bài chia sẻ dưới đây, bePOS sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ, chi tiết hơn về chỉ số này và những ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. 

Chỉ số P/B là gì?

Chỉ số P/B (hay tỷ số P/B) là viết tắt của cụm từ Price to Book ratio trong tiếng Anh. Đây là tỷ số tài chính được dùng để đánh giá mối liên hệ giữa giá trị thực tế của một cổ phiếu tại thời điểm nhất định với giá trị ghi sổ của chính cổ phiếu đó.

Giống như P/E, chỉ số P/B cũng là một trong những phương pháp định giá cổ phiếu một cách tương đối. Cụ thể, P/B giúp nhà đầu tư phán đoán được cổ phiếu có đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực hay không. Từ đó, họ có thể đưa ra quyết định mua vào hoặc bán ra để tăng lợi nhuận, giảm rủi ro.

chi-so-pb-la-gi
Chỉ số P/B là gì?

Đối với doanh nghiệp, chỉ số P/B phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: tốc độ tăng trưởng, doanh thu, lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh, ngành nghề kinh doanh, lạm phát, GDP,…  Bởi lẽ, đây là những yếu tố có thể khiến giá cổ phiếu trên thị trường liên tục thay đổi.

>> Xem thêm: ROS là gì? Ý nghĩa của chỉ số ROS đối với doanh nghiệp 

Công thức tính chỉ số P/B

Công thức tính P/B là:

Chỉ số P/B = Giá của cổ phiếu trên thị trường (Price) / Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share)

Trong đó:

  • Giá thị trường của cổ phiếu (Price) là giá đóng phiên giao dịch của cổ phiếu đó tại thời điểm phân tích.
  • Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share) là giá của cổ phiếu được ghi lại trong sổ sách tài chính tại thời điểm phân tích.

Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share) = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ phải trả) / Số lượng cổ phiếu lưu hành.

Ngoài ra, xét trên quy mô toàn bộ doanh nghiệp, ta còn có thể sử dụng công thức tính P/B như sau:

P/B = Vốn hóa của công ty / Vốn chủ sở hữu

cong-thuc-tinh-chi-so-pb
Công thức tính chỉ số P/B là gì?

Ví dụ cách tính P/B

Cùng tìm hiểu cách tính chỉ số P/B thông qua ví dụ sau: 

Ví dụ: Tính P/B năm 2018 của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2), đơn vị tỷ đồng.

Bước 1: Xác định giá trị ghi sổ của cổ phiếu NT2 (Book value per Share) tại bảng cân đối kế toán.

  • Tổng tài sản của NT2: 8.852 tỷ đồng.
  • Giá trị tài sản vô hình của NT2: 25 tỷ đồng.
  • Nợ phải trả của NT2: 5.169 tỷ đồng
  • Số lượng cổ phiếu lưu hành của NT2 là: 287.876.029 cổ phiếu.

Khi đó, Giá trị ghi sổ của cổ phiếu NT2 là: (8.852 – 25 – 5.169) / 287.876.029 = 12.710 (đồng/cổ phiếu).

Bước 2: Xác định giá thị trường của cổ phiếu NT2 (Price) trên hồ sơ công ty.

Giá đóng cửa tại phiên cuối cùng của cổ phiếu NT2 năm 2018 (28/12/2018) là 24.600 đồng/cổ phiếu.

Bước 3: Tính P/B năm 2018 của cổ phiếu NT2

Chỉ số P/B của NT2 trong năm 2018 = 24.600 / 12.710 = 1,94

vi-du-cach-tinh-chi-so-pb
Ví dụ về cách tính P/B

Ý nghĩa của chỉ số P/B là gì?

Ý nghĩa chỉ số P/B đối với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, tỷ số P/B góp phần phản ảnh hiệu quả hoạt động kinh doanh, cụ thể:

  • Nếu chỉ số P/B càng cao, đó là dấu hiệu tích cực, là cơ hội để mở rộng kinh doanh.
  • Nếu tỷ số P/B thấp, doanh nghiệp cần xem xét lại chiến lược của mình, tìm ra những lỗ hổng và khắc phục kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro.

Ngoài ra, định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B còn cho doanh nghiệp biết nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra khoản vốn gấp bao nhiêu lần so với giá trị sổ sách. Từ đó, giúp doanh nghiệp nhận định về “tương lai” của mình.

y-nghia-cua-chi-so-pb-voi-doanh-nghiẹp
Ý nghĩa của chỉ số P/B đối với doanh nghiệp

Ý nghĩa chỉ số P/B trong chứng khoán nói chung

Trong chứng khoán, P/B cùng với P/E, ROE, ROB tạo nên bức tranh toàn cảnh về từng loại chứng khoán nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Song, mỗi chỉ số sẽ có những ưu, nhược điểm riêng.

Đối với P/B, ưu điểm của chỉ số này đó là có thể định giá ngay cả các công ty thua lỗ (điều mà P/E khó hoặc không thể làm được), có tính ổn định hơn, phù hợp để định giá doanh nghiệp có tài sản lớn với khả năng thanh khoản cao như công ty bảo hiểm, ngân hàng,…

Ngược lại, nhược điểm của P/B là chỉ xem xét đến các giá trị tài sản hữu hình mà bỏ qua giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp (thương hiệu, sáng chế,…). Bên cạnh đó, giá trị ghi sổ với giá trị thị trường của cổ phiếu có thể chênh nhau về thời gian phân tích.

Ý nghĩa chỉ số P/B đối với nhà đầu tư

Rõ ràng, chỉ số P/B là một công cụ đắc lực cho các nhà đầu tư. Thông qua P/B, họ có thể định giá cổ phiếu, thấy được tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và cơ hội đầu tư tốt nhất.

  • Khi P/B cao: Sự kỳ vọng của thị trường và khả năng phát triển của doanh nghiệp đang rất lớn. Vì thế, nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu để hướng tới cơ hội lợi nhuận trong tương lai. Song, yêu cầu về vốn sẽ lớn và nhà đầu tư cũng cần xem xét chỉ số nợ phải trả của doanh nghiệp.
  • Khi P/B thấp: Lúc này, có vẻ như doanh nghiệp đang kinh doanh không mấy hiệu quả. Nhà đầu tư cần phân tích kỹ nguyên nhân tỷ số P/B thấp là do đâu, từ đó quyết định có nên mua cổ phiếu với “giá rẻ” để tích lũy hay không.
y-nghia-cua-chi-so-pb-voi-nha-dau-tu
Ý nghĩa của chỉ số P/B với nhà đầu tư

>> Xem thêm: Chỉ số P/E là gì? P/E có tác động thế nào tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp? 

Ưu nhược điểm khi sử dụng chỉ số P/B

Ưu điểm 

Chỉ số P/B (Price-to-Book) đem lại nhiều ưu điểm đáng chú ý cho các doanh nghiệp, cụ thể như sau:

  • Đánh giá giá trị sổ sách: Chỉ số P/B thường được sử dụng để phản ánh giá trị sổ sách của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định giá trị tài sản dựa trên sổ sách, bất kể tình hình kinh doanh hiện tại có lỗ hay lãi.
  • Sự ổn định: So với các chỉ số khác như EPS (Lợi nhuận trên cổ phiếu), P/E (Tỷ lệ giá/ lợi nhuận), PEG (Tỷ lệ giá/ lợi nhuận và tăng trưởng), P/S (Tỷ lệ giá/ doanh số), chỉ số P/B thường mang lại sự ổn định hơn.
  • Áp dụng cho các doanh nghiệp có tài sản có tính thanh khoản cao: Đặc biệt, chỉ số P/B thích hợp cho các doanh nghiệp có nhiều tài sản dễ chuyển đổi thành tiền mặt, như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính và các công ty đầu tư.
uu-nhuoc-diem-cua-chi-so-pb
Ưu và nhược điểm của chỉ số P/B là gì?

Nhược điểm 

Tuy nhiên, cũng có một số nhược điểm của chỉ số P/B:

  • Không phù hợp cho các doanh nghiệp dịch vụ: Trong trường hợp các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, chỉ số P/B không thực sự hữu ích. Bởi tài sản của họ thường là vô hình và khó định giá, không có giá trị sổ sách rõ ràng.
  • Khó so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành: Khi cố gắng so sánh giá trị sổ sách giữa các doanh nghiệp cùng ngành, chỉ số P/B có thể không phản ánh đầy đủ sự khác biệt trong mô hình kinh doanh và chiến lược marketing của họ.
  • Không phù hợp cho các công ty tăng trưởng nhanh: Các công ty đang tăng trưởng nhanh thường có chỉ số P/B không thể hiện đúng giá trị thực sự do sự tăng trưởng này chưa được phản ánh trong sổ sách.
  • Rủi ro tạo giá trị tài sản ngầm: Sử dụng chỉ số P/B để định giá sổ sách có thể dẫn đến việc tạo giá trị cho tài sản ngầm, tài sản ảo, dựa trên nguyên tắc kế toán và không phản ánh thực tế.

Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt?

Cũng như P/E, không có một mốc giá trị cụ thể nào để khẳng định chỉ số P/B đang tốt. Chỉ số này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là lợi nhuận, ngành/ lĩnh vực kinh doanh. Những công ty có mức tăng trưởng cao, cổ phiếu mang lại thu nhập bền vững như Vinamilk thì P/B càng cao càng tốt. Ngược lại, nếu công ty thiên về chất lượng nhiều hơn thì P/B có thể “khiêm tốn”.

chi-so-pb-bao-nhieu-la-tot
Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt?

Về phía các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới đó là việc định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B cần kết hợp với các chỉ số khác thay vì thực hiện độc lập. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số P/B là ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu): chỉ số ROE càng lớn, P/B càng cao. 

Cụ thể, doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận lớn sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu. Sức mua tăng khiến giá cổ phiếu trên thị trường tăng theo làm P/B cao hơn. Và hướng đi ở đây đối với các nhà đầu tư sẽ là rót vốn cho các doanh nghiệp có ROE cao nhưng P/B thấp. Lý do là bởi cổ phiếu các công ty này đang bị định giá thấp hơn so với sức mạnh và tiềm năng thực sự của họ. 

Dưới đây là một số hướng dẫn và điều cần xem xét khi xem xét, định giá P/B:

  • So sánh với cùng ngành công nghiệp: Một cách phổ quát, nhà đầu tư nên so sánh chỉ số P/B của một doanh nghiệp với các doanh nghiệp cùng ngành. Một chỉ số P/B thấp hơn so với các đối thủ có thể cho thấy rằng cổ phiếu có thể đang được định giá thấp hơn so với giá trị tài sản ròng không.
  • Xem xét tình hình tài chính của doanh nghiệp: Một chỉ số P/B thấp có thể là kết quả của tình hình tài chính kém cỏi hoặc rủi ro kinh doanh. Hãy đảm bảo xem xét các yếu tố khác như lợi nhuận, nợ nần, và tăng trưởng tiềm năng của doanh nghiệp.
  • Đánh giá các yếu tố vĩ mô: Các yếu tố kinh tế toàn cầu và chính trị có thể ảnh hưởng đến giá trị P/B. Trong thị trường bị suy thoái, các chỉ số P/B thấp hơn có thể là điều bình thường.

Có thể thấy rằng chỉ số P/B trong doanh nghiệp rất quan trọng, giúp chủ doanh nghiệp đánh giá và phát triển công việc kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Hy vọng rằng, qua bài chia sẻ của bePOS, bạn đã có thêm nhiều thông tin về chỉ số P/B và các vấn đề liên quan. Đừng quên theo dõi blog bePOS để cập nhật nhiều kiến thức thú vị hơn nữa.

FAQ

P/B có giá trị âm hay không?

Khác với P/E, giá trị P/B luôn dương mà không có giá trị âm.

P/B càng cao thì càng tốt, có đúng không?

Trong đầu tư và kinh doanh, P/B càng cao thì càng tốt. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa P/B thấp là dấu hiệu xấu. Để có đánh giá chính xác nhất, bạn cần xem xét, tham chiếu lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hướng tới là gì, lý do khiến P/B của doanh nghiệp thấp,… Đồng thời, cũng nên kết hợp phân tích P/B cùng với ROE.

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/chi-so-pb/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]