Khả năng thanh khoản là nội dung rất nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Hệ số thanh toán ngắn hạn là một trong các chỉ số để đánh giá vấn đề trên. Vậy hệ số thanh toán ngắn hạn là gì, có ý nghĩa thế nào? Trong bài viết dưới đây, bePOS sẽ giúp bạn tổng hợp tất cả những kiến thức quan trọng nhất về hệ số tài chính này. Hãy cùng theo dõi nhé!
Hệ số thanh toán ngắn hạn là gì?
Hệ số thanh toán ngắn hạn, hay còn được gọi là hệ số khả năng thanh toán hiện tại (current ratio), là một chỉ số thể hiện khả năng của doanh nghiệp trong việc trả nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn. Nó cho biết mức độ đảm bảo rằng mỗi đồng nợ ngắn hạn có thể được thanh toán bằng bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn.
Một số ưu điểm của hệ số thanh toán ngắn hạn là:
- Công thức tính toán hệ số thanh toán ngắn hạn khá đơn giản. Các nhà đầu tư có thể tìm thấy một cách nhanh chóng trên bản báo cáo tài chính của các công ty.
- Con số được đưa ra mang tính chính xác cao, dựa vào các dữ liệu thực của công ty trên Excel, hoặc theo thống kê của phần mềm quản lý kinh doanh, quản lý tài chính,…
- Giúp đánh giá và dự đoán năng lực tài chính của doanh nghiệp trong khoảng 12 tháng.
Tuy nhiên, khi sử dụng hệ số này, nhà quản trị, nhà đầu tư,… cần chú ý rằng:
- Hệ số này có thể tính đến cả những tài sản không dễ chuyển đổi thành tiền.
- Hệ số chỉ đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp dựa trên một khía cạnh.
- Hệ số không đem lại quá nhiều giá trị khi dự đoán tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai xa.
Công thức tính hệ số thanh toán ngắn hạn
Cách tính hệ số thanh toán ngắn hạn được tính toán bằng công thức sau:
Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Ví dụ, doanh nghiệp A có tổng giá trị tài sản ngắn hạn là 10 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn là 6 tỷ đồng. Vậy hệ số thanh toán ngắn hạn là khoảng 1,7 lần. Tức là, cứ 1 đồng nợ ngắn hạn lại được đảm bảo bằng 1,7 đồng tài sản ngắn hạn. Đây có thể được coi như một tín hiệu tốt cho khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.
Để hiểu rõ hệ số thanh toán ngắn hạn là gì, ta cần nắm rõ hai khái niệm nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là các khoản tiền phải chi trả trong thời gian ngắn, cụ thể bao gồm:
- Nợ dưới 12 tháng: Đây là các khoản nợ có thời hạn phải thanh toán không quá 12 tháng, ví dụ nợ mua nguyên liệu của bên cung cấp nguyên vật liệu, nợ ngân hàng có thời hạn vay ngắn,…
- Thuế nhà nước: Đây là số tiền doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước khi đến thời hạn luật quy định, không được chậm trễ.
- Các khoản cho người lao động: Tại thời điểm làm báo cáo tài chính, nếu còn tồn tại những khoản tiền phải chi trả cho người lao động mà chưa thực hiện được, thì cũng coi là nợ ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn phải sử dụng các tài sản ngắn hạn để thanh toán. Vậy tài sản ngắn hạn là gì? Đây là loại tài sản lưu động, có thời hạn sử dụng ngắn, ví dụ như tiền mặt, các khoản thu ngắn hạn, các tài sản khác có thể dùng để thanh toán,…
Hệ số thanh toán ngắn hạn lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp có năng lực thanh toán các khoản nợ ngắn hạn hiện tại. Hệ số càng lớn có nghĩa sức khỏe tài chính doanh nghiệp càng tốt, ít rủi ro phá sản. Ngược lại, nếu kết quả trả ra thấp, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro mất khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn. Càng tiến gần về 0, tỷ lệ phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
>> Xem thêm: Khả năng thanh toán lãi vay là gì? Ý nghĩa đối với doanh nghiệp
Ý nghĩa hệ số thanh toán nợ ngắn hạn
Hệ số thanh toán ngắn hạn có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động phân tích tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp
Thông qua hệ số thanh toán ngắn hạn, nhà quản trị có thể đánh giá xem liệu tình hình tài chính doanh nghiệp có đủ ổn định. Nhìn chung, nếu đáp án cho ra từ 2 trở lên, doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ rất tốt. Tuy nhiên, trong thực tế, con số 1,5 cũng được cho là khá an toàn.
Mặc dù không dự đoán chính xác 100%, nhưng nếu hệ số thanh toán ngắn hạn nhỏ hơn 1 doanh nghiệp có nguy cơ cao hết tiền trả nợ trong vòng một năm, trừ khi dòng tài sản có sự thay đổi đột ngột, hoặc huy động vốn từ bên ngoài.
Hệ số thanh toán ngắn hạn quá cao chưa hẳn là tốt. Điều này có thể chỉ ra rằng doanh nghiệp không tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc không thanh trả lợi nhuận cổ tức. Tóm lại, nhà quản trị nên tìm ra phương án hợp lý nhất, vừa đảm bảo an toàn tài chính, vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư
Nhà đầu tư có thể sử dụng hệ số thanh toán ngắn hạn để đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, đây không phải là tiêu chí duy nhất để ra quyết định. Nhà đầu tư cần xem xét cả ưu nhược của hệ số này, đồng thời kết sử dụng kết hợp với các chỉ số tài chính khác, nhằm có được bức tranh tổng thể.
Đối với tổ chức tín dụng
Hệ số thanh toán ngắn hạn cũng có nhiều ý nghĩa đối với các tổ chức tín dụng, cụ thể như:
- Đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp để xem xét cho vay.
- Lên kế hoạch cho vay hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, vừa giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
- Đánh giá khả năng trả nợ khi doanh nghiệp xin đáo hạn,…
Hệ số thanh toán ngắn hạn bao nhiêu là tốt?
Dựa vào công thức tính hệ số thanh toán ngắn hạn:
Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Có thể thấy:
- Hệ số thanh toán ngắn hạn < 1: Thể hiện rằng doanh nghiệp có khả năng trả nợ kém, và điều này có thể là tín hiệu tiền báo về sự yếu đuối về tài chính, dự báo khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số thanh toán ngắn hạn tiến gần đến 0, doanh nghiệp mất đi khả năng chi trả, tăng nguy cơ phá sản.
- Hệ số thanh toán ngắn hạn > 1: Cho thấy doanh nghiệp có khả năng cao để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn. Tỷ số cao đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp, cũng như tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, một hệ số thanh toán ngắn hạn quá cao có thể không phản ánh đầy đủ tính thanh khoản của doanh nghiệp. Điều này có thể xảy ra nếu tài chính không được quản lý hiệu quả hoặc nếu lượng hàng tồn kho quá lớn, có thể dẫn đến sự kém linh hoạt khi có biến động trên thị trường, vì không thể tiêu thụ hàng tồn kho để chuyển thành tiền mặt.
Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn lớn cho thấy doanh nghiệp có khả năng cao để trả nợ ngắn hạn và rủi ro phá sản thấp. Tuy nhiên, nếu chỉ số này quá cao, không phải lúc nào cũng là điều tốt vì doanh nghiệp có thể có một lượng tài sản ngắn hạn lớn. Mặc dù có khả năng thanh toán nợ tốt, nhưng tài sản này có thể không được sử dụng hiệu quả và không tạo ra lợi nhuận, do chúng không di chuyển hoặc sinh lãi.
Dựa trên kinh nghiệm các nhà phân tích, một hệ số thanh toán nợ ngắn hạn bằng 2 thường được xem là lý tưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số liệu này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể biến đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện cụ thể của từng ngành công nghiệp.
>> Xem thêm: Tỷ số thanh toán nhanh là gì? Công thức tính chi tiết
Hệ số khả năng thanh toán nhanh là gì?
Khi doanh nghiệp trả nợ, cần chuyển tài sản ngắn hạn thành tiền. Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng dễ dàng chuyển đổi thành tiền ngay lập tức, đặc biệt là tồn kho, bởi vì tồn kho thường là một phần cần thiết cho hoạt động kinh doanh thường xuyên và thời gian để biến chúng thành tiền lâu hơn. Ví dụ, vật tư hàng hoá và các sản phẩm tồn kho không thể được biến thành tiền ngay lập tức. Do đó, việc tính toán hệ số khả năng thanh toán nhanh không bao gồm tồn kho. Hệ số này đánh giá khả năng trả nợ ngay lập tức mà không cần phải bán bất kỳ tồn kho nào.
Hệ số thanh toán nhanh là chỉ số thể hiện tốc độ thanh toán và mức độ phụ thuộc hàng tồn kho của doanh nghiệp. Cụ thể, nhà phân tích tài chính đo lường lượng tiền mặt hoặc số tài sản để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, mà không cần bán hàng tồn kho.
Cách xác định hệ số khả năng thanh toán nhanh là:
Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán nhanh có ý nghĩa rất quan trọng. Hệ số này cho biết doanh nghiệp có khả năng thoát khỏi nợ một cách nhanh chóng hay không, nếu có sự thay đổi như nền kinh tế xuống dốc, doanh số bán hàng giảm.
- Hệ số H nhanh thường dao động trong khoảng từ 0,5 đến 1, và giá trị này thường được xem là tích cực về khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Thể hiện khi có biến động về kinh tế, doanh nghiệp có thể trả nợ nhanh chóng mà không cần bán hàng tồn kho.
- Nếu hệ số này dưới 0,5, đó có thể là dấu hiệu rằng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ, và để thanh toán, doanh nghiệp có thể phải bán tài sản hoặc hàng hoá gấp. Tuy nhiên, một giá trị hệ số quá cao cũng không lý tưởng, vì điều đó có thể ám chỉ rằng có quá nhiều tiền mặt trong quỹ hoặc các khoản phải thu lớn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Nếu doanh nghiệp đầu tư quá nhiều vào chứng khoán hoặc có quá nhiều góp vốn liên doanh ngắn hạn thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất kinh doanh khi các dự án này không hiệu quả.
Trên đây, bePOS đã tổng hợp những kiến thức quan trọng nhất về hệ số thanh toán ngắn hạn. Mặc dù đây là chỉ số rất hữu ích, nhưng không phải tiêu chí duy nhất được sử dụng khi phân tích tài chính doanh nghiệp. Để biết thêm kiến thức cơ bản về các chỉ số tài chính khác, bạn hãy tiếp tục theo dõi Website bePOS nhé!
FAQ
Điểm khác biệt giữa hệ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh là gì?
Điểm khác biệt là hệ số thanh toán ngắn hạn xem xét nhiều loại tài sản hơn, như tiền mặt, tài sản tương đương tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho,… Trong khi đó, hệ số thanh toán nhanh chỉ tính đến tiền mặt và các tài sản có thể chuyển ngay sang tiền mặt.
Tài sản ngắn hạn là gì?
Tài sản ngắn hạn là tài sản chỉ được sử dụng bởi doanh nghiệp trong thời gian ngắn, với mục đích như lưu thông hàng hóa, sản xuất, đầu tư,…
Follow bePOS: