Tài chính Tháng Mười Một 11, 2022

Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Cách tính thuế TNDN từ A-Z

Avatar
bePOS

Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì, phương pháp tính như thế nào? Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp có điểm gì đặc biệt? Trong nội dung dưới đây, bePOS sẽ trình bày những kiến thức cơ bản và quan trọng nhất về loại thuế này. Bạn hãy đọc bài viết này nhé! 

Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thu nhập là tổng giá trị doanh nghiệp thu được thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động tài chính khác như thanh lý tài sản, đầu tư, mua bán cổ phiếu,… Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế áp dụng với khoản thu nhập của doanh nghiệp, sau khi đã trừ các khoản chi phí hợp lý. 

Hiểu đơn giản, loại thuế này sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi nào doanh nghiệp có lợi nhuận thì mới phải chịu thuế thu nhập. Tuy nhiên, không phải mọi nguồn thu nhập của doanh nghiệp đều bị áp thuế, mà chỉ là những khoản thu nhập sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý phục vụ hoạt động. 

thue-thu-nhap-doanh-nghiep-la-gi
Cần hiểu rõ thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Tại sao doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập?  

Vậy tại sao Nhà nước lại áp thuế thu nhập đối với doanh nghiệp? Nộp thuế thu nhập là nghĩa vụ của tất cả doanh nghiệp. Đây là công cụ điều chỉnh nền kinh tế của Nhà nước và góp phần không nhỏ và việc phát triển xã hội, cụ thể:

  • Tạo Ngân sách Nhà nước: Thuế là nguồn thu cơ bản nhất của Ngân sách Nhà nước, giúp trang trải chi phí vận hành bộ máy chính quyền. Hiện nay có rất nhiều cách huy động ngân sách như đi vay, bán tài nguyên, nhận viện trợ của bên khác, nhưng không có nguồn nào mang tính chất lâu bền và ổn định như thuế.
  • Là công cụ điều tiết nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô: Nhà nước áp thuế cho mọi doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo nên sự bình đẳng trên thị trường và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, thông qua các chính sách thuế, Nhà nước còn thể hiện sự thúc đẩy phát triển một số ngành đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào các ngành đó, giúp phát triển toàn bộ nền kinh tế nói chung.
  • Là công cụ tái thu phân phối thu nhập: Một chức năng cơ bản của thuế thu nhập là điều tiết thu nhập, đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Không chỉ công bằng theo chiều ngang, mà thuế thu nhập doanh nghiệp còn thể sự công bằng theo chiều dọc. Tiền thuế doanh nghiệp nộp cho Nhà nước là cơ sở để thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo mọi công dân đều được quan tâm và tạo điều kiện phát triển. 
thue-dieu-chinh-kinh-te-nha-nuoc-o-vi-mo
Thuế là công cụ điều chỉnh kinh tế của Nhà nước ở tầm vĩ mô

>> Xem thêm: Tổng hợp các loại thuế doanh nghiệp phải nộp

Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể về đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế thu nhập bao gồm:

  • Các doanh nghiệp được thành lập một cách hợp pháp theo quy định của Việt Nam. 
  • Các doanh nghiệp thành lập theo pháp luật nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú bao gồm các trường hợp mở chi nhánh, văn phòng điều hành, có nhà máy, công xưởng, địa điểm xây dựng, đại lý,…
  • Một số tổ chức, đơn vị khác không phải doanh nghiệp, nhưng cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như tổ chức thành lập trên cơ sở Luật hợp tác xã Việt Nam, đơn vị sự nghiệp thành lập theo luật pháp Việt Nam cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc các tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập. 
cac-doanh-nghiep-viet-nam-hop-phap-phai-dong-thue
Các doanh nghiệp Việt Nam thành lập hợp pháp phải đóng thuế

Ngoài ra, Nhà nước cũng quy định các khoản thuế thu nhập áp dụng với từng đối tượng, cụ thể:

  • Doanh nghiệp Việt Nam: Doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế thu nhập phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam, và thuế thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam.
  • Doanh nghiệp nước ngoài: Nếu có cơ sở thường trú, doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và ngoài Việt Nam liên quan, hoặc có thể không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú. Nếu không có cơ sở thường trú, thì doanh nghiệp chỉ chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Điều 6 Nghị định 218 của Chính phủ, cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp là:

Tiền thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNDN x Thuế suất TNDN (tính theo %)

Trong đó, thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế, sau khi trừ đi thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển. Thu nhập chịu thuế là tổng doanh thu của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác, trừ đi các chi phí hợp lý được phép trừ.

cach-tinh-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-noi-dung-quan-trong
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp là nội dung quan trọng

Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty X năm 2021 lỗ 50 triệu đồng. Năm 2022, công ty có doanh thu từ hoạt động kinh doanh là 500 triệu đồng, từ tiền gửi ngân hàng là 6 triệu đồng, thu nhập thanh lý tài sản là 100 triệu đồng . Các chi phí bao gồm chi phí giá vốn là 200 triệu đồng, chi phí bán hàng là 80 triệu đồng, chi phí quản lý là 90 triệu đồng. 

Lúc này, thu nhập chịu thuế là [(500 triệu đồng + 6 triệu đồng) – (200 triệu đồng + 80 triệu đồng + 90 triệu đồng)] + 100 triệu đồng, tức 236 triệu đồng. Thu nhập tính thuế là 236 triệu đồng trừ đi 50 triệu lỗ từ năm 2021, tức 186 triệu đồng. Vậy thuế thu nhập doanh nghiệp là 186 triệu đồng nhân 20%, kết quả là 37,2 triệu đồng. 

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tính thuế GTGT chính xác nhất

Trong một số trường hợp, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập. Luật pháp có quy định rõ điều này, ví dụ doanh nghiệp có thu nhập từ việc nghiên cứu khoa học công nghệ thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe. Điều này cho thấy Nhà nước rất khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia. 

doanh-nghiep-nghien-cuu-khoa-hoc-co-the-duoc-mien-thue
Doanh nghiệp nghiên cứu khoa học có thể được miễn thuế

Hiện nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang là 22%, trừ những trường hợp luật quy định khác. Ví dụ, kể từ sau ngày 01/01/2016, nếu doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm không vượt quá 20 tỷ đồng, thì áp dụng mức thuế suất là 20%. Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khai thác, thăm dò tài nguyên quý hiếm, thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 32% – 50%.

Kỳ tính thuế của doanh nghiệp được xác định theo lịch dương. Đối với trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp dưới 3 tháng, ví dụ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân, thì được phép cộng kỳ tính thuế với năm tiếp theo. Ngoài ra, luật cũng quy định kỳ tính thuế doanh nghiệp năm đầu hoặc cuối không được vượt quá 15 tháng. 

ky-tinh-thue-xac-dinh-theo-lich-duong
Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo lịch dương

Trên đây, bePOS đã tổng hợp tất cả các kiến thức quan trọng như thuế thu nhập doanh nghiệp là gì, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp có những nội dung nào,… Nộp thuế là nghĩa vụ của tất cả cá nhân và tổ chức, không kể thành phần và địa vị xã hội. Chủ doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến thuế thu nhập, nhằm tuân thủ đúng và đủ chính sách Nhà nước. 

FAQ

Hình thức xử lý khi chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Lúc này, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền chậm nộp thuế theo công thức là: 

Số tiền phạt thuế TNDN chậm nộp = Số tiền thuế TNDN chậm nộp x Số ngày chậm nộp x 0,03%

Thời gian chậm nộp sẽ được tính từ ngày tiếp theo sau ngày phát sinh tiền chậm nộp, cho đến ngày số tiền chậm nộp được chuyển vào Ngân sách Nhà nước.

Các trường hợp không tính chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Luật Quản lý thuế 2019 có quy định một số trường hợp không tính tiền chậm nộp thuế, ví dụ như trường hợp hàng hóa phải được phân tích, giám định để tính thuế, thì nộp chậm trong thời gian chờ kết quả sẽ không bị phạt. Ngoài ra, nếu do các nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, tai nạn bất ngờ, thì doanh nghiệp cũng không bị phạt tiền nộp chậm.