Trang chủBlogs Kinh doanh F&BQuy trình phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp và đầy đủ từ A-Z 

Quy trình phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp và đầy đủ từ A-Z 

Tháng sáu 06, 2024
Thanh Ngoan
2132 Đã xem

Quy trình phục vụ khách hàng giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, xây dựng và quảng bá thương hiệu của bất kỳ nhà hàng, quán ăn có quy mô lớn hay nhỏ. Tuân thủ đúng quy trình phục vụ nhà hàng chuẩn sẽ giúp hoạt động phục vụ khách diễn ra suôn sẻ, đồng thời làm khách hài lòng, từ đó giúp tăng trải nghiệm khách hàng và tăng trưởng doanh thu vượt bậc. Vậy quy trình phục vụ khách tại nhà hàng như thế nào hiệu quả nhất? Cùng bePOS tìm hiểu ngay sau đây.

Quy trình phục vụ nhà hàng chi tiết 

Quy trình phục vụ khách tại nhà hàng là một chuỗi các hoạt động tổ chức và phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách hàng theo một trình tự cụ thể. Cụ thể hơn, qúa trình này diễn ra từ khâu chuẩn bị ban đầu đến khi khách hàng được phục vụ và rời đi theo sơ đồ quy trình phục vụ nhà hàng sau:

so-do-quy-trinh-phuc-vu-nha-hang-chi-tiet

Cùng theo dõi các bước chi tiết ngay sau đây:

Chuẩn bị trước khi đón khách

Giai đoạn này diễn ra trước khi khách đến nhà hàng. Để chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp cho quá trình phục vụ, nhân viên cần có danh sách các công việc cần thực hiện theo một trình tự đã định trước. Danh sách công việc giúp tránh bỏ sót các bước cần thiết trong quá trình phục vụ, đặc biệt khi thực đơn, đối tượng, thời gian và số lượng khách hàng khác nhau.

Nội dung các công việc trong bước này bao gồm:

  • Nhân viên chuẩn bị trang phục cá nhân.
  • Vệ sinh phòng ăn và các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ bữa ăn.
  • Kiểm tra và sắp xếp bàn ghế theo yêu cầu của từng loại tiệc và khách hàng, đảm bảo tính thẩm mỹ và sự thuận tiện.
  • Kiểm tra thực đơn và phối hợp với bộ phận bếp để chuẩn bị đồ ăn theo đúng thời gian phục vụ.
  • Phối hợp với bộ phận bar để chuẩn bị đồ uống cho bữa ăn.
  • Sau khi hoàn thành các công việc theo danh sách, nhân viên phục vụ cần kiểm tra lại mọi thứ trước giờ khách đến.
  • Sẵn sàng đứng vào vị trí phục vụ.
Nhân viên cần chuẩn bị sẵn bàn ăn
Nhân viên cần chuẩn bị sẵn bàn ăn cho quy trình phục vụ nhà hàng

>> Xem thêm: Từ A-Z quy trình vệ sinh dụng cụ ăn uống trong nhà hàng

Tiếp nhận, chào đón khách

Nhân viên đón tiếp tại nhà hàng sẽ phụ trách tiếp nhận và chào đón khách hàng. Đến giờ ăn theo lịch đặt, nhân viên sẽ đứng bên ngoài phòng ăn với trang phục và tư thế chuyên nghiệp, lịch sự. Đây là bước quan trọng để tạo ấn tượng và thiện cảm. Nhân viên cần chào khách với nụ cười ấm áp và thái độ tôn trọng. Đặc biệt, việc gọi tên khách hàng giúp tạo sự gần gũi, thân thiện và thể hiện sự quan tâm chu đáo suốt quá trình phục vụ.

Thông thường, khách hàng tới nhà hàng sẽ chia ra 2 trường hợp sau:

Khách đã đặt bàn

Quy trình chào đón khách tại nhà hàng như sau:

  • Nhân viên đón tiếp giao tiếp bằng mắt với khách hàng ở khoảng cách là 10m.
  • Khi khách đến gần khoảng 1 – 2m, nhân viên chủ động chào khách bằng câu chào theo tiêu chuẩn.
  • Nhân viên hỏi khách về thông tin đặt bàn và xác định chủ tiệc.
  • Kiểm tra sổ thông tin đặt bàn, xác định tình trạng bàn và số khách thực tế (nếu phát sinh thêm khách, cần bổ sung bàn ghế)
  • Sau đó, nhân viên dẫn khách vào bàn và mời khách ngồi vào bàn (kéo ghế mời khách ngồi, trải khăn ăn,…)
  • Nhân viên đón tiếp sẽ chuyển giao cho nhân viên phục vụ. Sau đó, nhân viên phục vụ sẽ giới thiệu bản thân và tiếp tục các bước tiếp theo.

Khách chưa đặt bàn

Quy trình chào đón khách tại nhà hàng chưa đặt bàn gồm:

  • Nhân viên đón tiếp sẽ giao tiếp bằng mắt với khách ở khoảng cách khoảng 10m và chủ động chào khách bằng câu chào theo tiêu chuẩn khi khách đến gần khoảng 1 – 2m
  • Nhân viên hỏi khách về thông tin đặt bàn, sau đó kiểm tra sơ đồ bàn, xác định số bàn và vị trí trống chưa được đặt trước để bố trí cho khách sao cho hợp lý..
  • Nếu cần thiết, nhân viên sẽ thông báo cho khách hoặc đề nghị khách chờ để chuẩn bị.
  • Tiếp theo, nhân viên dẫn khách vào bàn và mời khách ngồi vào bàn (kéo ghế mời khách ngồi, trải khăn ăn,…)
  • Nhân viên đón tiếp sẽ chuyển giao cho nhân viên phục vụ. Sau đó, nhân viên phục vụ sẽ giới thiệu bản thân và tiếp tục các bước tiếp theo.
Chào đón khách là bước quan trọng
Chào đón khách là bước quan trọng trong quy trình phục vụ nhà hàng

Trình thực đơn

Trước đó, để chuẩn bị thực đơn thì nhân viên phục vụ cần nắm rõ các món đặc biệt và những món không phục vụ trong ngày. Sau khi tiếp nhận chuyển giao từ nhân viên đón tiếp thì các bước tiếp theo như sau:

  • Nhân viên tiến hành xác định xem trong bàn có khách nào bị dị ứng với thức ăn hoặc nước uống không.
  • Từ bên phải vào, tiến hành mở thực đơn và đưa cho từng khách theo thứ tự thực đơn món ăn trước, thực đơn nước uống sau.
  • Giới thiệu menu món ăn và thức uống cho thực khách đồng thời thông báo về những lưu ý đặc biệt trong thực đơn.
  • Nhân viên giới thiệu các món ăn và đồ uống trong thực đơn, đồng thời gợi ý khách hàng chọn những món có giá trị cao hơn (upsell) hoặc kết hợp các món khác nhau để tạo ra bữa ăn phong phú hơn (cross-sell).
  • Nhân viên thông báo và giải thích chi tiết về các chương trình khuyến mãi hiện có, giúp khách hàng hiểu rõ và tận dụng được các ưu đãi đặc biệt khi gọi món.
  • Sau đó, nhân viên phục vụ rời bàn để khách có thể lựa chọn món.
Trình thực đơn để tư vấn khách hàng chọn món
Trình thực đơn để tư vấn khách hàng chọn món

Tiếp nhận và chuyển yêu cầu gọi món 

Sau khi chốt thực đơn với khách hàng, tổ trưởng bàn hoặc quản lý nhà hàng sẽ chuyển phiếu cho thu ngân, bếp, bar và các bộ phận liên quan để cùng thực hiện. Các bước thực hiện lần lượt như sau:

  • Chuẩn bị đầy đủ captain order, tấm lót captain order, bút viết…
  • Nhân viên phục vụ sẽ xin phép ghi nhận yêu cầu gọi món của khách.
  • Có thể gợi ý tư vấn món và giải đáp thắc mắc của thực khách.
  • Ghi nhận và xác nhận lại lần nữa yêu cầu gọi món của khách.
  • Cảm ơn và thông báo về thời gian phục vụ.
  • Nhân viên xin lại thực đơn từ khách và gửi lời chào trước khi rời bàn.
  • Sau đó, nhân viên lưu lại liên 03 để ghi nhớ yêu cầu gọi món của khách và chuyển liên 02 cho bộ phận bếp và liên 01 cho thu ngân.

Khi chuyển yêu cầu, cần xác định thứ tự các món ăn và cân nhắc thời gian chế biến để tránh khách phải chờ đợi lâu. Trong lúc chờ đợi, nhân viên phục vụ có thể giới thiệu thêm các loại đồ uống phụ trước khi món ăn được mang lên.

Trình thực đơn và tiếp nhận yêu cầu gọi món từ khách hàng
Trình thực đơn và tiếp nhận yêu cầu gọi món từ khách hàng

Phục vụ đồ uống 

Trước khi phục vụ đồ uống, nhân viên sẽ kiểm tra lại gọi món của khách hàng, sau đó kiểm tra và chuẩn bị thức uống tại quầy bar.

  • Khi đồ uống đã được chuẩn bị xong, nhân viên bê món trên khay ra bàn của khách hàng, xin phép phục vụ đồng thời thông báo món của từng khách.
  • Lưu ý phục vụ theo đúng vị trí khách ngồi, xác định thứ tự ưu tiên, yêu cầu đặc biệt…
  • Chúc khách dùng ngon miệng và gửi lời chào trước khi rời bàn.

Phục vụ món ăn

Để phục vụ món ăn trong quy trình phục vụ bàn tại nhà hàng một cách chuyên nghiệp, ngoài chuẩn bị và phục vụ món ăn cũng cần chăm sóc khách hàng trong lúc dùng món. Quy trình phục vụ ăn uống gồm:

  • Trước hết cần kiểm tra lại món ăn của khách, sau đó chuẩn bị service gear và đĩa nóng đựng thức ăn.
  • Xin phép khách hàng để đặt đĩa món chính và chuẩn bị phục vụ.
  • Trình món ăn cho khách (hoặc người chủ tiệc) trước khi phục vụ.
  • Xin phép phục vụ: dùng service gear để gắp thức ăn từ đĩa lớn sang đĩa ăn của khách.
  • Mời khách dùng món, chúc khách ngon miệng và gửi lời chào trước khi rời bàn.
  • Trong lúc khách dùng món, liên tục kiểm tra và theo dõi việc chuẩn bị các món tiếp theo.
  • Chú ý bổ sung nước uống hoặc rót rượu nếu cần thiết và hỏi thăm sự hài lòng của khách.

Quy trình phục vụ tại bàn bao gồm khai vị, món chính và tráng miệng. Trong quá trình này, kỹ năng nghề của nhân viên sẽ được thể hiện qua các thao tác phục vụ. Do đó, đòi hỏi nhân viên phải có tay nghề cao, thao tác thuần thục và xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh.

Phục vụ món ăn, đồ uống một cách chuyên nghiệp theo quy trình phục vụ nhà hàng
Phục vụ món ăn, đồ uống một cách chuyên nghiệp theo quy trình phục vụ nhà hàng

>> Xem thêm: Các loại hình phục vụ trong nhà hàng chi tiết nhất 

Thu dọn bàn 

Trong quá trình khách dùng bữa, nhân viên chú ý quan sát để thu dọn đồ dùng trên bàn ăn đã qua sử dụng như đĩa thức ăn thừa, dao muỗng dùng xong, vụn thức ăn, vụn bánh mì,… Đồng thời sắp xếp lại bàn ăn và bổ sung dụng cụ nếu cần.

Thanh toán

Trong quy trình phục vụ bàn tại nhà hàng, để chuẩn bị thanh toán thì nhân viên cần tổng hợp tất cả gọi món từ captain order.

  • Sau đó kiểm tra phiếu thanh toán với thu ngân và các thông tin khách hàng (ví dụ khách có đặt cọc, khách đang lưu trú tại khách sạn,…)
  • Chuẩn bị bìa thanh toán và phiếu quà tặng, voucher (nếu có)
  • Kiểm tra lại nội dung nhập liệu của thu ngân.
  • Chú ý quan sát dấu hiệu gọi thanh toán từ khách hàng.
  • Khi khách hàng tiến hành thanh toán, cần xác nhận hình thức thanh toán với người yêu cầu thanh toán hoặc chủ tiệc (bằng tiền mặt hay quẹt thẻ, chuyển khoản,…)
  • Xác nhận thẻ thành viên và phiếu ưu đãi (nếu có)
  • Chuẩn bị phiếu thanh toán, sau đó xin phép trình phiếu thanh toán cho khách và chờ khách ít phút.
  • Khi khách hàng đã sẵn sàng thanh toán, xin phép nhận lại bìa thanh toán và kiểm tra tiền mặt tại bàn hoặc tiến hành thanh toán bằng thẻ.
  • Nhờ khách ký xác nhận phiếu thanh toán hoặc thông báo tiền thừa (nếu có)
  • Cảm ơn khách hàng và gửi lại bìa thanh toán.
Cảm ơn và hỏi thăm cảm nhận khách hàng khi dùng bữa
Cảm ơn và hỏi thăm cảm nhận khách hàng khi dùng bữa

Xin ý kiến khách hàng 

Sau khi khách hàng thanh toán xong, hãy hỏi thăm cảm nhận của khách hàng về trải nghiệm khi dùng bữa, lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của khách và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Bạn có thể tiến lại gần khách hàng một cách lịch sự và từ tốn, đừng quên nở nụ cười thân thiện và hỏi nhẹ nhàng, lễ phép: “Ông/bà/cô/chú/anh/chị… dùng đồ ăn, đồ uống hôm nay thế nào ạ, có hợp với khẩu vị không ạ? Phục vụ có vấn đề gì không ạ?”

Khách hàng có thể trả lời như sau: “Mọi thứ đều tốt, tôi thấy rất hài lòng” hay “Đồ ăn hơi nhạt/mặn” hoặc “Đồ ăn ngon nhưng phục vụ chưa tốt”,….

Khi đó, bạn lịch sự trả lời: “Dạ cháu/em cảm ơn ông/bà/cô/chú/anh/chị rất nhiều vì đã sử dụng dịch vụ tại nhà hàng ạ! Hy vọng nhà hàng của cháu/em sẽ có cơ hội được phục vụ ông/bà/cô/chú/anh/chị trong những lần tới” hoặc “Cháu/em rất xin lỗi về điều đó, cháu/em sẽ báo lại cho cấp trên và đảm bảo sẽ phục vụ tốt hơn vào lần tới ạ!”

Quan trọng nhất là đảm bảo tất cả các khách hàng đều hài lòng về chất lượng dịch vụ của nhà hàng và cảm thấy vui vẻ khi ra về.

Đảm bảo sự hài lòng của khách hàng là nguyên tắc quan trọng nhất
Đảm bảo sự hài lòng của khách hàng là nguyên tắc quan trọng nhất

Tiễn khách và dọn dẹp

  • Sau khi khách thanh toán, nhân viên chủ động kéo ghế khi khách có dấu hiệu muốn rời đi hoặc để khách lưu lại chỗ ngồi (nếu khách có nhu cầu).
  • Kiểm tra vật dụng, tư trang giúp khách.
  • Hướng dẫn khách hàng ra cửa, chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khách.
  • Tiến hành dọn dẹp kết thúc quy trình phục vụ trong nhà hàng.

>> Xem thêm: Quy trình vệ sinh nhà hàng đầy đủ, chi tiết 

Tại sao cần quy trình phục vụ khách hàng trong nhà hàng 

Quy trình phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp có thể mang đến những lợi ích lớn cho nhà hàng của bạn:

  • Nâng cao hiệu quả hoạt động: Khi có một quy trình rõ ràng, nhân viên có thể rút ngắn thời gian phục vụ, giảm thiểu nhầm lẫn và tiết kiệm chi phí. Điều này không chỉ giúp nhà hàng hoạt động trơn tru hơn mà còn tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.
  • Đảm bảo sự hài lòng của khách hàng: Khi các bước phục vụ được chuẩn hóa, nhu cầu của khách hàng được đáp ứng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, mang lại trải nghiệm tích cực và tăng khả năng họ quay lại sử dụng dịch vụ.
  • Tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp: Nhân viên được làm việc theo một quy trình rõ ràng, mạch lạc sẽ cảm thấy tự tin hơn và nâng cao tinh thần làm việc. Điều này không chỉ cải thiện hiệu suất của nhân viên mà còn giúp nhà hàng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt khách hàng.
Quy trình phục vụ trong nhà hàng giữ vai trò quan trọng
Quy trình phục vụ trong nhà hàng giữ vai trò quan trọng

Lưu ý trong quy trình phục vụ nhà hàng

Nhân viên phục vụ trong bất kỳ nhà hàng quy mô lớn hay nhỏ đều cần nắm rõ và thực hiện đúng quy trình phục vụ bàn tại nhà hàng. Trong đó có một số điều cần lưu ý như sau:

  • Khi dẫn khách về bàn cần đi thẳng, lưu ý giữ khoảng cách 1 cánh tay so với khách và khép bàn tay lại khi hướng dẫn khách.
  • Xác định đối tượng ưu tiên phục vụ dựa trên tình huống cụ thể. Ví dụ như ưu tiên trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ trong tiệc gia đình, hoặc ưu tiên người có chức vụ cao trong tiệc công ty,…
  • Khi trải khăn ăn, tránh đưa khuỷu tay vào mặt khách.
  • Cần ghi nhớ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đang được áp dụng để có thể tư vấn chính xác cho khách hàng.
  • Luôn chú ý quan sát để phát hiện ngay khi khách hàng có nhu cầu.

Hướng dẫn giải quyết một số tình huống phục vụ 

Trong lúc phục vụ khách hàng, nhà hàng của bạn sẽ khó tránh khỏi những tình huống với khách hàng. Để giải quyết hiệu quả những tình huống này, bạn có thể thực hiện các cách:

Phàn nàn về chất lượng món ăn và giá cả

Khách hàng có yêu cầu đặc biệt về món ăn

Mỗi khách hàng có một sở thích ẩm thực riêng, nên việc có người phàn nàn về chất lượng món ăn của nhà hàng là điều dễ hiểu, dù đầu bếp có tài giỏi đến đâu.

Trong trường hợp này, nhân viên phục vụ cần lập tức xin lỗi khách hàng và lắng nghe các góp ý của họ về món ăn. Đồng thời, ghi chép cẩn thận những phản hồi này và cam kết sẽ chuyển chúng đến bộ phận bếp để thực hiện những điều chỉnh cần thiết.

Khi khách hàng dùng bữa xong, nhân viên cần cảm ơn họ và nhắc lại rằng những góp ý đã được ghi nhận. Đồng thời, đảm bảo với khách hàng rằng những lần tới họ sẽ hài lòng hơn.

Khi khách hàng có góp ý về món ăn, cần tiếp thu
Khi khách hàng có góp ý về món ăn, cần tiếp thu và cải tiến

Phàn nàn về dịch vụ chậm, nhầm lẫn

Chờ đợi khi đang đói chắc chắn là một trải nghiệm khó chịu, đặc biệt khi đi ăn nhà hàng và phải trả tiền dịch vụ. Khách hàng phàn nàn hoặc nổi cáu vì chờ đợi quá lâu là điều dễ hiểu, đặc biệt vào các ngày lễ, tết hoặc giờ cao điểm.

Nhân viên phục vụ cần có các hành động để giảm bớt cảm giác chờ đợi này cho khách hàng, ví dụ như xin lỗi và tiếp chuyện, phục vụ thức uống, bánh ngọt, hoặc bánh mì tạm thời để cho khách biết họ được quan tâm và phục vụ chu đáo. Đồng thời, bạn cần liên tục kiểm tra khu vực có chỗ ngồi và tình trạng món ăn để phục vụ nhanh chóng nhất có thể.

Trong nhà hàng, một vấn đề thường gặp là “mang nhầm đồ ăn” cho khách. Phục vụ nhầm món ăn có thể bao gồm nhầm cho bàn khác hoặc do ghi sai tên món ăn mà khách đã đặt. Việc nhầm món của bàn khác thường dễ xử lý hơn vì nhân viên có thể xin lỗi và sửa ngay. Tuy nhiên, nhầm món do ghi sai tên món ăn, hoặc bếp làm sai món đã order có thể gây phiền toái lớn. Nhân viên cần lập tức xin lỗi khách, hỏi ý kiến để giải quyết vấn đề một cách hợp lý.

Xin lỗi khách hàng khi phục vụ chậm trễ
Xin lỗi khách hàng khi phục vụ chậm trễ hoặc nhầm lẫn

Khách hàng có hành vi gây ảnh hưởng

Khi khách hàng trong nhà hàng có hành vi gây ảnh hưởng như cãi cọ, con nhỏ la hét, nhân viên phục vụ có thể giải quyết theo các cách như:

  • Nhân viên cần giữ bình tĩnh và lắng nghe khách hàng, không đối đầu một cách quá khích. Việc này giúp xác định rõ nguyên nhân và cách thức giải quyết phù hợp.
  • Nếu có sự cãi cọ hoặc phàn nàn, nhân viên nên lịch sự xin lỗi và cố gắng giải thích một cách dễ hiểu cho khách hàng về tình huống đang xảy ra.
  • Tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể, nhân viên có thể đề xuất các giải pháp như chuyển khách sang một khu vực khác yên tĩnh hơn khi có con nhỏ, cung cấp thêm dịch vụ như voucher để làm dịu khách hàng.
  • Trong những trường hợp phức tạp hoặc khách hàng không chấp nhận giải pháp từ nhân viên, cần yêu cầu sự hỗ trợ từ quản lý để có phương án xử lý thích hợp hơn.

Tình huống làm đổ thức ăn lên khách

Làm đổ thức ăn hoặc đồ uống lên người khách là một sai lầm rất nghiêm trọng của nhân viên phục vụ bàn trong nhà hàng. Trong tình huống này, nhân viên cần ngay lập tức xin lỗi chân thành với khách, cung cấp khăn sạch để khách lau vết bẩn. Nếu khách vẫn cảm thấy không hài lòng, đề xuất bồi thường là giải pháp cuối cùng để giảm bớt sự bực tức của khách.

Xin lỗi và bồi thường khi làm đổ lên trang phục của khách
Xin lỗi và bồi thường khi làm đổ lên trang phục của khách

Khách hàng quên thanh toán

Khi khách hàng trong nhà hàng quên thanh toán, nhân viên phục vụ có thể giải quyết như sau:

  • Nhân viên nên nhận ra ngay khi khách hàng quên thanh toán và tiếp cận khách hàng một cách lịch sự và hòa bình.
  • Nhân viên cần xác nhận lại với khách hàng về các món đã dùng để đảm bảo không có sai sót trong việc tính toán số tiền cần thanh toán.
  • Có thể đề xuất cho khách hàng thanh toán bằng các phương tiện khác như thẻ thanh toán, tiền mặt hoặc các hình thức thanh toán điện tử. Đề xuất sử dụng các hình thức khuyến mãi để giúp khách hàng thanh toán, đây là phương án mang lại sự thoải mái nhất cho cả hai bên.
  • Luôn duy trì lịch sự và chu đáo trong quá trình giải quyết vấn đề này, đảm bảo rằng khách hàng không cảm thấy bất tiện hoặc xấu hổ vì sự việc này.
Luôn tôn trọng và lịch sự với khách hàng
Luôn tôn trọng và lịch sự với khách hàng khi họ quên thanh toán

Khách hàng bỏ đi vì không có bàn

Không có bàn trống, mặc dù không phải là “lỗi” của nhà hàng vì sự đông đúc của khách, nhưng việc khách đến mà không có bàn sẵn sàng có thể gây khó chịu và thất vọng cho họ, và đôi khi được xem là “lỗi” của nhà hàng.

Trong tình huống này, nhân viên cần ngay lập tức xin lỗi khách hàng một cách chân thành và giới thiệu cho họ chi nhánh khác của nhà hàng nếu có. Đồng thời, để tạo ấn tượng tốt hơn, nhân viên có thể xem xét xin phép quản lý để cung cấp mã giảm giá hoặc voucher giảm giá cho khách hàng.

Các yêu cầu đối với nhân viên phục vụ nhà hàng

Nhân viên phục vụ là người trực tiếp phục vụ và chăm sóc khách hàng từ khi họ bước vào đến khi họ ra về. Vì thế, người nhân viên phục vụ phải luôn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp, không để xảy ra sai sót gì trong quá trình phục vụ thực khách.

Nhân viên được xem như bộ mặt của nhà hàng vì thế cần đảm bảo nhiều yêu cầu cần thiết
Nhân viên được xem như bộ mặt của nhà hàng vì thế cần đảm bảo nhiều yêu cầu cần thiết

Để trở thành một nhân viên phục vụ nhà hàng thật chuyên nghiệp, bạn cần phải đáp ứng được những yêu cầu dưới đây:

  • Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về trang phục và đồng phục: Mặc đúng trang phục theo quy định, sửa soạn chỉnh tề (nam đầu tóc gọn gàng, nữ búi tóc và trang điểm nhẹ, không đeo trang sức rườm rà, móng tay cắt ngắn sạch sẽ). Hình ảnh nhân viên chỉn chu sẽ giúp tạo được ấn tượng và thiện cảm tốt với khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
  • Hiểu và nắm rõ quy trình phục vụ: Nhân viên có thể đáp ứng tốt yêu cầu của công việc và sẵn sàng hỗ trợ các bộ phận khác trong quá trình phục vụ.
  • Hiểu rõ toàn bộ kiến thức về thực đơn của nhà hàng: Cần nắm được những thông tin như tên món ăn, giá cả, nguyên liệu, cách bày trí, những món ăn đi kèm làm tăng hương vị,…. để mỗi khi khách hàng hỏi thì có thể giải đáp ngay.
  • Trang bị những kỹ năng, phẩm chất thiết yếu: Để đáp ứng tốt những yêu cầu công việc như kỹ năng giao tiếp, thái độ thân thiện, lịch sự, bình tĩnh giải quyết tình huống, có trí nhớ tốt, chịu được áp lực cao,…

Câu hỏi thường gặp

Quy trình phục vụ nhà hàng buffet gồm những gì?

Quy trình phục vụ nhà hàng buffet bao gồm các bước chính sau:

  • Chuẩn bị sẵn các món ăn và đồ uống trước giờ khai mạc.
  • Đón tiếp khách và hướng dẫn đưa họ đến khu vực buffet.
  • Giới thiệu các món ăn và đồ uống có sẵn trong buffet.
  • Đảm bảo vệ sinh và bố trí bàn ghế để thuận tiện cho khách.
  • Giám sát và bổ sung thực đơn theo nhu cầu khách hàng.
  • Thu tiền và cung cấp hóa đơn khi khách hàng kết thúc bữa ăn.

Lộ trình thăng tiến của nhân viên nhà hàng như thế nào?

Một nhân viên phục vụ nhà hàng nếu phát triển sẽ có lộ trình thăng tiến như sau:

Nhân viên phục vụ bàn => Tổ trưởng phục vụ bàn => Giám sát nhà hàng => Quản lý nhà hàng => Giám đốc nhà hàng.

Trên đây là quy trình phục vụ nhà hàng, quán ăn chi tiết và đầy đủ nhất mà bePOS đã tổng hợp và chia sẻ đến bạn. Hy vọng với sơ đồ quy trình phục vụ nhà hàng này sẽ giúp chủ nhà hàng hiểu rõ về cách đào tạo nhân viên phục vụ thật chuyên nghiệp, đồng thời giúp nhân viên phục vụ nhà hàng hoàn thành tốt công việc, làm hài lòng khách và cấp trên, từ đó mở ra cơ hội thăng tiến.

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/quy-trinh-phuc-vu-nha-hang/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]