Lĩnh vực F&B tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh, với sự xuất hiện của hàng ngàn cơ sở kinh doanh mới mỗi năm. Trong đó có cả những thương hiệu ăn uống nổi tiếng trên thế giới như McDonald’s, Starbucks, Coffee Bean & Tealeaf,… Vậy thị trường F&B Việt Nam 2024 đang diễn biến thế nào? Xu hướng ngành F&B Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp diễn ra sao? Chủ kinh doanh cần vượt qua những thách thức nào? Hãy cùng bePOS tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Giải thích ngành F&B là gì?
Trước tiên, bạn cần hiểu rõ thuật ngữ F&B là gì và những đặc trưng đi kèm. F&B là viết tắt của Food & Beverage, được hiểu theo nghĩa rộng là quá trình sản xuất, trình bày và phục vụ món ăn, đồ uống cho khách hàng. Nếu ngành dịch vụ là khái niệm mang tính tổng quát, thì F&B là một nhánh trong đó, chuyên phục vụ mảng ăn uống.
Hiện nay, ngành F&B tại Việt Nam phổ biến ở khắp mọi nơi, từ dịch vụ nhà hàng trong khách sạn, hay các cơ sở kinh doanh độc lập như quán ăn bình dân, bar, cafe, pub,… Đặc biệt, với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, đây là một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy nguồn doanh thu cao.
Đánh giá tổng quan thị trường F&B Việt Nam
Tình hình tăng trưởng của thị trường F&B Việt Nam
Tổng quan về ngành F&B Việt Nam hiện nay như thế nào? Đây là câu hỏi rất nhiều người nghiên cứu trước khi bước vào lĩnh vực này. Ngành F&B tại Việt Nam đang là mảng kinh doanh có tiềm năng phát triển và lợi nhuận hấp dẫn hàng đầu hiện nay.
Năm 2019, Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á khi nói về F&B, theo đánh giá của IBM. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, tổng doanh thu các sản phẩm ăn uống của Việt Nam đạt 975,867 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ và chiếm 15,8% trong tổng GDP.
Năm 2022, thị trường F&B Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể sau đại dịch Covid-19. Quy mô doanh thu ngành F&B năm 2022 đạt gần 610 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 139%. Riêng thị trường ăn ngoài ghi nhận doanh thu 333,69 nghìn tỷ đồng, hồi phục sát với mốc trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, từ Quý 4/2023 đến đầu năm 2024, nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn, đe doạ “túi tiền” và hành vi của người tiêu dùng. Vậy xu hướng ngành F&B 2024 tại Việt Nam đã diễn biến ra sao trong những tháng đầu năm? Điều gì sẽ chờ đợi các doanh nghiệp ngành F&B Việt Nam vào nửa cuối năm nay?
Những tháng đầu năm 2024, thị trường F&B Việt Nam diễn biến trầm lắng hơn, mức chi tiêu của người dùng cuối đã giảm đáng kể. Những khó khăn của nền kinh tế tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân. Tâm lý thắt chặt chi tiêu được phản ánh rõ nét ở cả thị trường bán lẻ, tiêu dùng nói chung và thị trường ngành F&B nói riêng.
Tuy nhiên, bức tranh tổng quan về ngành F&B Việt Nam không chỉ toàn sắc xám. Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đang có sự mở rộng nhanh chóng của các chuỗi hàng đầu.
Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, nguồn lực lớn như Katinat Saigon Café, Phê La, Mixue, Trung Nguyên, Highlands,… đang tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, số lượng KOLs, Influencers làm việc trong ngành này cũng tăng mạnh, nổi bật như Ninh TiTo, Khoai Lang Thang, Pít Ham Ăn,…
Thị trường ngành F&B được dự báo sẽ mở rộng 18% trong năm nay và đạt 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026. Xu hướng ngành F&B 2024 tại Việt Nam sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các chuỗi lớn để giành thị phần, trong khi các chuỗi nhỏ trở nên thận trọng hơn.
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành F&B Việt Nam sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối năm nay. Người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu cho lĩnh vực F&B với xu hướng lựa chọn sản phẩm có mức giá hợp lý hơn. Đồng thời, sự phục hồi của du lịch cũng sẽ đem lại sự hỗ trợ đáng kể cho thị trường ngành F&B tại Việt Nam.
Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng
Theo nhiều nghiên cứu, người Việt đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ ăn uống. Hoạt động này đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống hiện đại, bởi đây là nơi con người giải trí, xả stress, gặp gỡ và giao tiếp,…
Một lý do quan trọng là mức thu nhập của người Việt ngày càng cao. Tầng lớp trung lưu Việt Nam dần hình thành, với đời sống ngày càng thịnh vượng đã phản ánh tốc độ tăng trưởng GDP kép hàng năm của đất nước trong 20 năm qua là 5%, nhanh hơn 1,7 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Trong 5 năm tới, Fitch Solutions – cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu, dự đoán thu nhập trung bình mỗi gia đình Việt sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép là khoảng 9% tính theo VNĐ. Khi thu nhập khả dụng tăng lên, ngân sách bỏ ra cho hoạt động ăn uống cũng tăng theo và hình ảnh người Việt ra nhà hàng cuối tuần không còn quá xa lạ.
Bên cạnh đó, lối sống của người Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Facebook rất đông, lên đến gần 77 triệu người. Tại đây, F&B luôn là lĩnh vực được quan tâm, cùng sự xuất hiện của nhiều nhà hàng, quán ăn mới luôn tìm cách Marketing thu hút người tiêu dùng.
Môi trường cạnh tranh
Tốc độ tăng trưởng trên chính là lý do thu hút rất nhiều người đầu tư kinh doanh ngành F&B Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu mở cửa hàng tại Việt Nam, như Starbucks, Coffee Bean & Tealeaf, McDonald’s. Mới đây, % Arabica, một thương hiệu cafe đình đám từ Nhật Bản, khai trương điểm bán đầu tiên tại Sài Gòn, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa cũng thử nghiệm nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, thị trường F&B Việt Nam có độ cạnh tranh rất cao. Thậm chí, nhiều thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài cũng không thể trụ vững mà phải đóng cửa.
Lấy ví dụ, Starbucks là thương hiệu cafe hàng đầu thế giới, nhưng đang bị cho là “thất sủng” tại Việt Nam, chỉ chiếm 1% thị phần. Nếu so sánh với những cái tên khác như Highlands, The Coffee House, Starbucks có rất nhiều điểm bất lợi. Những hãng cafe trên có thể cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu người Việt, với mức giá rẻ hơn từ 30% đến 50% so với Starbucks.
Ngay cả những thương hiệu nội địa cũng phải luôn cải tiến, nếu không sẽ mất vị trí trên thị trường ngành F&B. Nhiều nơi chỉ nhận được sự chú ý thời điểm đầu, nhưng sau đó mất dần lượng khách và thất bại. Món Huế, chuỗi nhà hàng nhận vốn khủng và sở hữu mặt bằng đắt đỏ, phải đóng cửa do số nợ lên đến hàng tỷ đồng. Các món ăn tại đây bị cho là đắt so với chất lượng, trong khi khách hàng có nhiều lựa chọn thay thế tốt hơn.
Cơ hội và thách thức đối với thị trường F&B Việt Nam
Cơ hội phát triển
Để giành chỗ đứng trên thị trường F&B Việt Nam, chủ kinh doanh cần nhanh nhạy, nắm bắt những cơ hội tốt. Có thể nói, thị trường ăn uống Việt Nam vẫn còn khá trẻ và cởi mở. Nhiều xu hướng đã phổ biến từ lâu trên quốc tế, nhưng vẫn còn khá mới ở nước ta.
Ví dụ, thời điểm đại dịch vừa qua, người Việt dần quan tâm hơn đến sức khỏe, chất lượng thực phẩm, tạo nên các phong trào mới như “eat clean”, “sống xanh”. Họ đòi hỏi điều này ngay cả khi sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài, chứ không chỉ ở nhà. Nếu hiểu tâm lý thị trường, chủ kinh doanh có thể đi đầu xu hướng và xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng.
Hơn nữa, nước ta được cho là có dân số trẻ, đang trong thời kỳ cơ cấu vàng. Điều này khiến người tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên năng động, cởi mở, sẵn sàng đón nhận nhiều ý tưởng mới. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh ngành F&B Việt Nam có thể thử nghiệm nhiều loại hình dịch vụ, dòng sản phẩm khác nhau và đạt hiệu ứng tốt.
Thách thức
Bên cạnh đó, tham gia thị trường F&B Việt Nam cũng đòi hỏi chủ kinh doanh giải quyết nhiều thách thức. Trước tiên là áp lực về vốn, về khả năng huy động tài chính của doanh nghiệp. Đặc biệt, với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, việc quản lý dòng tiền diễn ra còn thiếu chuyên nghiệp, từ đó có thể gây thua lỗ.
Ngoài ra, như đã nói, thị trường F&B Việt Nam là mảnh đất màu mỡ, nhưng có độ cạnh tranh rất cao. Muốn khởi nghiệp thành công, bạn phải tạo được nét riêng biệt cho mình. Nếu không, thương hiệu của bạn sẽ rất dễ bị lãng quên, hòa lẫn giữa hàng ngàn cái tên khác. Điều này đòi hỏi chủ kinh doanh phải yêu nghề, kiên nhẫn và luôn nỗ lực cải tiến.
Xu hướng thị trường F&B Việt Nam trong thời gian tới
Cloud Kitchen
Cloud Kitchen, hay còn gọi Virtual Kitchen, là mô hình bếp “ảo”, phục vụ khách hàng thông qua dịch vụ giao nhận. Kiểu nhà hàng này hoàn toàn không có không gian vật lý, địa điểm để ăn hoặc mua trực tiếp, mà hợp tác với một đơn vị giao nhận trung gian như GrabFood, ShopeeFood ở Việt Nam.
Cloud Kitchen giúp các chủ kinh doanh nhỏ lẻ giải quyết bài toán về vốn, không còn bị phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng. Bởi lý do, nhà hàng không đòi hỏi mặt bằng, bàn ghế, nhiều nhân công. Tất cả bạn cần chỉ là một địa điểm đặt bếp nấu ăn và các dụng cụ chế biến khác. Nhiệm vụ chính của bếp trung tâm này là bảo đảm chất lượng sản phẩm, các khâu còn lại sẽ phụ thuộc vào bên thứ 3.
>> Tìm hiểu thêm: Nhà hàng Cloud Kitchen – Giải pháp kinh doanh thay đổi ngành F&B hiện nay
Ăn uống lành mạnh
“Healthy eating”, hay “clean eating” là cụm từ bạn đã nghe thấy rất nhiều trong thời gian qua. Đây không chỉ là một phương pháp nấu ăn, mà còn dần trở thành phong cách sống của nhiều bạn trẻ. Hiểu đơn giản, ăn healthy là việc hướng đến sử dụng thực phẩm tươi sạch, tốt cho sức khỏe. Cách chế biến các món ăn thường rất đơn giản, chú trọng sự tươi ngon và dưỡng chất gốc của thực phẩm.
Theo đó, bạn sẽ tăng lượng rau củ, trái cây, bổ sung protein từ thịt, cá, trứng,… Đồng thời, các chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa cũng được cắt giảm trong thực đơn. Một số xu hướng ăn uống lành mạnh khá phổ biến gần đây bao gồm thực phẩm lên men, rau gia vị, sữa hạt, đạm thực vật.
Cuộc chiến giữa thương hiệu lớn và chủ kinh doanh nhỏ
Năm 2022, thị trường F&B Việt Nam chứng kiến rất nhiều sự thay đổi khác biệt so với những năm trước. Kinh tế bị ảnh hưởng từ đại dịch, khiến nhiều người tạm thời hoãn kế hoạch kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, các thương hiệu lớn lại tận dụng cố gắng mở rộng thị phần khi các đối thủ đang suy yếu.
Hiện tại, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo hơn và thị trường F&B Việt Nam 2023 được dự đoán sẽ đón nhận nhiều biến số thú vị mới. Trong đó, một số mô hình F&B quy mô nhỏ được ưa chuộng là Takeaway, kinh doanh Online, Cloud Kitchen,…
Gọi món trực tuyến
Một xu hướng không thể không kể đến của thị trường ăn uống Việt Nam là gọi món trực tuyến. Nửa đầu năm 2022, riêng đối với GoFood của Gojek, số lượng đơn đặt hàng đã tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021. Tính ở thành phố Hà Nội, lượng đơn hàng đã tăng 3 lần.
Hơn nữa, dù giá cả đồ ăn gần như không có sự chênh lệch nhiều, nhưng các ứng dụng gọi món trực tuyến ghi nhận sự tăng lên của giá trị trung bình mỗi đơn hàng. Điều này cho thấy, đặt món online đã và đang trở thành thói quen sinh hoạt của người Việt.
Chuyển đổi số ngành F&B
F&B được coi là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam. Điểm đầu tiên là các cơ sở kinh doanh đã thay đổi phương thức bán hàng, từ offline chuyển sang online và tích hợp đa kênh.
Marketing online cũng là xu hướng sẽ tiếp tục phát triển trên thị trường F&B Việt Nam. Cụ thể, càng nhiều nhà hàng đầu tư lập Fanpage, Website, thiết kế App để tạo hệ thống tiện ích và xây dựng hình ảnh thương hiệu. Tận dụng tốt xu hướng này giúp giữ khách hàng ở lại lâu hơn, doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường ngành F&B, từ đó tạo tiền đề để tăng trưởng gấp bội.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị điện tử, phần mềm quản lý nhà hàng, quán ăn, tiệm cafe đã không còn xa lạ. Theo một thống kê vào năm 2022, có 82,8% doanh nghiệp F&B đã tiến hành chuyển đổi số, trong đó đa số đều sử dụng phần mềm bán hàng.
Ứng dụng công nghệ đầu tiên phải kể đến là máy POS, giúp quá trình vận hành cơ sở kinh doanh trở nên trơn tru, mượt mà hơn. Đối với hoạt động thanh toán, ngay cả quán ăn bình dân cũng tích hợp quét mã QR Code, Internet Banking, dần dần thay thế cho tiền mặt truyền thống.
Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về tình hình thị trường F&B Việt Nam 2024 và những xu hướng phát triển của thị trường ngành F&B trong tương lai. Chủ kinh doanh cần thường xuyên trau dồi, học hỏi kiến thức mới, nhằm giữ vững vị thế của mình và không trở nên lạc hậu.
FAQ
Nhà hàng nhỏ có nên sử dụng phần mềm kinh doanh F&B không?
Các phần mềm kinh doanh F&B giúp bạn giải quyết mọi công việc chỉ với vài thao tác đơn giản, ví dụ như kế toán, quản lý nhân sự, gọi món online,… Điều này đặc biệt phù hợp với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, ít nhân sự. Ngoài ra, mức giá mua phần mềm hiện nay cũng khá hợp lý, nhiều gói ưu đãi, mà vẫn đảm bảo mọi tính năng cần thiết.
Làm thế nào để chọn phần mềm kinh doanh F&B phù hợp?
Bạn không nên ham rẻ mà lựa chọn những phần mềm kém chất lượng. Nếu không, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như mất dữ liệu, chạy chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu các tính năng cơ bản của phần mềm, cũng như chính sách giá của nhà cung cấp để lựa chọn nhé!
Follow bePOS: