Trang chủBlogs Kinh doanh F&BTopping là gì? Cách làm các loại topping trà sữa phổ biến siêu ngon

Topping là gì? Cách làm các loại topping trà sữa phổ biến siêu ngon

Tháng sáu 06, 2024
Trần Dung
Trần Dung
116 Đã xem

Nếu bạn đang kinh doanh trà sữa thì không thể thiếu topping. Topping là thành phần giúp món trà sữa của quán bạn thêm phần đặc biệt, hấp dẫn. Hôm nay, bePOS sẽ giải đáp giúp các chủ kinh doanh topping là gì và các cách làm topping trà sữa siêu ngon, hút khách.

Topping là gì?

Trong lĩnh vực ẩm thực, “topping” là thuật ngữ dùng để chỉ những món ăn phụ đi kèm với một món chính. Đối với trà sữa, topping bao gồm các loại thạch, pudding, trân châu, phô mai và nhiều loại khác được thêm vào ly trà. Nhờ có thêm topping, món trà sữa có hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn, đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng.

Giải đáp topping là gì
Giải đáp topping là gì

Các loại topping trà sữa siêu ngon hiện nay

Full topping là gì? Bạn có thêm vào ly trà sữa nhiều loại topping khác nhau. Có nhiều loại topping trà sữa phổ biến được các quán kinh doanh áp dụng hiện nay:

  • Trân châu đen: Topping phổ biến với kết cấu dai ngon, mịn từ bột nếp, thích hợp kết hợp với trà sữa và nhiều loại bánh ngọt, kem tươi.
  • Trân châu trắng: Giòn dai, không mùi, không vị, hoàn hảo để thưởng thức cùng trà sữa.
  • Trân châu đường đen: Hot trend với hương vị ngọt ngào, thơm đặc trưng, kết hợp hấp dẫn với trà sữa hoặc sữa tươi.
  • Trân châu hoàng kim: Vàng nâu lấp lánh, ngọt thanh, trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều tín đồ trà sữa.
  • Trân châu phô mai: Kết cấu hình tròn, béo ngậy của phô mai bên trong và dẻo dai của lớp vỏ bột.
  • Thạch rau câu: Dai giòn sần sật, làm từ bột rau câu, gelatin hoặc agar, chế biến tỉ mỉ.
  • Thạch trái cây: Đa dạng hương vị xoài, khoai môn, vani, dâu, vải, mang đến sự hấp dẫn và hương vị mới lạ.
  • Thạch phô mai: Dẻo dai, mềm mịn, thơm béo, làm từ phô mai và bột năng.
  • Thạch dừa: Giòn dai, nhiều hương vị như hoa đậu biếc, matcha, siro dâu.
  • Sương sáo: Ngọt thơm, dẻo mịn, kết hợp hài hòa với trà sữa.
  • Khúc bạch: Tăng hương vị thơm béo, kết cấu dẻo dai.
  • Hạt đác: Thơm ngon, thanh ngọt, phù hợp cho những ngày hè.
  • Ngũ cốc: Kết hợp từ lúa mì, gạo tẻ, gạo nếp, mè, đậu, mang đến vị béo tự nhiên.
  • Milk foam: Kem sữa béo ngậy, bồng bềnh, hương vị béo mềm.
Những loại topping trà sữa
Những loại topping trà sữa ngon nhất hiện nay

>> Tham khảo: Các loại trà sữa được yêu thích nhất 2024 

Hướng dẫn cách làm một số topping phổ biến

Để ly trà sữa thêm phần đặc sắc, bạn có thể thêm topping các loại đơn giản sau:

Topping trân châu đen

Đây là loại topping quen thuộc, gần như các quán trà sữa đều có và được khách hàng rất yêu thích.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • 300g bột năng
  • 200g bột gạo
  • 4 muỗng cà phê bột cacao
  • 2 muỗng canh đường bột
  • 20ml mật ong

Cách làm:

  • Trộn đều bột năng, bột gạo, bột cacao, và đường bột trong tô lớn.
  • Đổ từ từ 200ml nước sôi vào tô, khuấy đều cho đến khi bột kết dính, sau đó nhào bột cho mịn.
  • Áo bột mỏng lên đĩa lớn, vo bột thành viên tròn nhỏ.
  • Luộc trân châu trong nước sôi cho đến khi nổi lên mặt nước, vớt ra cho vào tô nước lạnh.
  • Vớt trân châu ra tô khác, thêm mật ong, trộn đều và ngâm 15 phút.
Cách làm topping trân châu đen
Cách làm topping trân châu đen ngon, hấp dẫn

Topping trân châu trắng

Cùng với topping trân châu đen, trân châu trắng cũng là loại topping gắn liền với các món trà sữa siêu ngon, hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • 250g đường trắng
  • 20g bột rau câu dẻo
  • 3g bột rau câu giòn (rau câu con cá)
  • 1 lít nước

Cách làm:

  • Đun sôi nước, hạ lửa nhỏ, cho bột rau câu giòn vào khuấy đều.
  • Trộn rau câu dẻo với đường trắng, sau đó cho vào nồi nước khuấy đều đến khi tan hết đường, nước sệt lại thì tắt bếp.
  • Chuẩn bị tô nước đá có thêm ít dầu ăn.
  • Đổ hỗn hợp rau câu nóng vào bình có đầu nhỏ, nhỏ giọt vào tô nước đá để tạo hình hạt trân châu.
  • Vớt hạt ra, rửa sạch với nước lạnh.
Topping trân châu trắng
Topping trân châu trắng là topping trà sữa nhiều người yêu thích

Topping thạch củ năng 

Là món thạch mát lạnh, rất hợp ăn vào mùa hè, topping thạch củ năng được nhiều quán trà sữa yêu thích. Cùng tham khảo cách làm topping này:

Chuẩn bị nguyên liệu

  • 500g củ năng
  • 300g bột năng
  • 200g đường cát
  • 1 bó lá dứa
  • 1 bó lá cẩm
  • 1 lít nước

Cách làm

  • Rửa sạch lá dứa và lá cẩm, xay riêng từng loại với 200ml nước, vắt lấy nước cốt, để vào hai tô khác nhau.
  • Gọt vỏ, rửa sạch củ năng, cắt thành hạt lựu, chia làm hai phần: một phần ngâm với nước cốt lá dứa, một phần ngâm với nước cốt lá cẩm.
  • Khi củ năng đã thấm màu, vớt ra để khô hoặc dùng khăn giấy thấm để khi áo bột không bị nhão hay vón cục.
  • Lăn củ năng qua bột năng khô, xóc kỹ để bột bám đều, sau đó lọc qua rây để loại bỏ bột thừa.
  • Đun sôi 1 lít nước, cho củ năng vào luộc đến khi lớp áo ngoài trong suốt và chín đều, vớt ra thau nước lạnh để nguội.
Cách làm topping thạch củ năng
Cách làm topping thạch củ năng cho quán trà sữa

Thạch viên phô mai tươi

Đây là món topping độc đáo, mới mẻ cho các quán trà sữa muốn thêm vào thực đơn đa dạng cho quán mình. Cách làm thạch viên phô mai tươi topping như sau:

Chuẩn bị nguyên liệu

  • 50g bột năng
  • 50g đường trắng
  • 1 hộp phô mai con bò cười

Cách làm

  • Cắt mỗi miếng phô mai con bò cười thành 4 phần hình vuông, lăn qua đường, sau đó vo nhẹ thành viên tròn.
  • Lăn viên phô mai qua bột năng, để yên 3-5 phút cho thấm đều.
  • Đun sôi nước, hạ lửa nhỏ, thả viên phô mai vào, đảo nhẹ để không dính nhau hoặc dính đáy nồi.
  • Pha 70ml nước lọc với 1 muỗng canh đường trắng, vớt viên phô mai chín vào tô nước đường, để nguội.
Thạch viên phô mai tươi
Thạch viên phô mai tươi giúp món trà sữa thêm hấp dẫn

Pudding trứng

Đây là topping ăn kèm với trà sữa rất độc đáo và hấp dẫn. Trà sữa kết hợp với pudding trứng béo ngậy, tan trong miệng sẽ tạo trải nghiệm rất thú vị cho khách hàng.

Chuẩn bị nguyên liệu

  • 16 lòng đỏ trứng gà
  • 1.5 lít sữa tươi không đường
  • 50g bột gelatin
  • 60g đường
  • 60ml nước

Cách làm

  • Đun 60g đường với 30ml nước trên lửa vừa cho đến khi đường tan và chuyển sang màu nâu cánh gián, sau đó đổ hỗn hợp caramel vào khuôn và để nguội.
  • Ngâm 50g bột gelatin với 30ml nước trong 15 phút. Đun 1.5 lít sữa tươi không đường với gelatin trên bếp, khuấy đều đến khi gelatin tan và hỗn hợp ấm nóng thì tắt bếp.
  • Đánh tan 16 lòng đỏ trứng gà với 60g đường, 10ml vani và một ít sữa tươi ấm.
  • Trộn hỗn hợp trứng vào nồi sữa tươi, tiếp tục đun nhẹ cho đến khi đường tan hoàn toàn.
  • Lọc hỗn hợp qua rây có phủ khăn mỏng để loại bỏ cặn, sau đó đổ vào khay.
  • Đậy kín khuôn và để trong ngăn mát từ 6 – 8 tiếng trước khi thưởng thức.
Pudding trứng là topping trà sữa
Pudding trứng là topping trà sữa rất ngon, béo ngậy

Trân châu hoa đậu biếc

Trân châu hoa đậu biếc cũng là một món topping mới lạ, lại tốt cho sức khỏe. Bạn có thể giới thiệu với khách hàng một thức uống trà sữa healthy với trân châu hoa đậu biếc.

Nguyên liệu

  • 5g hoa đậu biếc
  • 100ml nước sôi
  • 800ml nước
  • 3g bột rau câu giòn
  • 10g bột rau câu dẻo
  • 150g đường
  • 100ml dầu ăn
  • 10 viên đá lạnh
  • 1 bát nước đá lạnh
  • 1 miếng chanh

Cách làm

  • Ngâm hoa đậu biếc trong 100ml nước sôi khoảng 5 phút để hoa ra màu, sau đó lọc lấy nước, bỏ bã.
  • Trộn đường với bột rau câu giòn và dẻo trong bát.
  • Đun 800ml nước trong nồi, cho hỗn hợp đường và bột rau câu vào, khuấy đều cho đến khi tan hoàn toàn. Đun sôi hỗn hợp và tiếp tục khuấy đều.
  • Đổ nước hoa đậu biếc vào nồi, khuấy đều và nấu cho hỗn hợp sôi lên. Để nguội khoảng 10 phút.
  • Đổ nước đá lạnh vào tô, thêm đá viên và rót dầu ăn vào. Dầu ăn sẽ nổi lên trên mặt.
  • Đổ hỗn hợp rau câu vào chai nhựa, đậy kín nắp và nhỏ từng giọt vào tô nước đá. Các viên trân châu sẽ hình thành và chìm xuống đáy. Vớt trân châu ra tô và hoàn thành.
Kết hợp topping trân châu hoa đậu biếc với món trà sữa
Kết hợp topping trân châu hoa đậu biếc với món trà sữa

>> Xem thêm: Các loại nguyên liệu nấu trà sữa phổ biến nhất hiện nay 

Bảo quản topping trà sữa như thế nào đúng cách

Trong kinh doanh trà sữa, bạn cần biết cách bảo quản topping để sử dụng trong vài ngày đến một tuần để tiết kiệm chi phí.

Cách bảo quản topping tự làm: 

Để bảo quản trân châu và thạch, sau khi làm xong, bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh và bảo quản trong 2 – 3 ngày. Đậy kín bằng nắp hoặc màng bọc thực phẩm để tránh ám mùi từ các thực phẩm khác.

Nếu trân châu bị cứng khi bảo quản trong tủ lạnh, hãy ngâm trân châu đã luộc vào mật ong và nước đường. Cách này giúp trân châu mềm qua đêm và giữ được vị ngon đặc biệt.

Cách bảo quản topping sống: 

Với trân châu chưa luộc, hãy giữ nguyên túi đóng gói sẵn, để ở nơi khô ráo, tránh xa nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp. Trân châu làm sẵn sau khi luộc bảo quản tương tự như trân châu tự làm.

Với trân châu trắng và hạt thủy tinh, bạn hãy giữ nguyên trong túi và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu đang dùng dở, đậy kín và bảo quản trong ngăn mát. Sử dụng muỗng riêng, sạch để múc, tránh dùng chung muỗng cho nhiều nguyên liệu.

Cách bảo quản các loại topping trà sữa
Cách bảo quản các loại topping trà sữa

Câu hỏi thường gặp

Nên mua topping làm sẵn hay tự làm?

Bạn có thể tự làm topping ở nhà để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nếu kinh doanh quán trà sữa quy mô lớn, bạn nên mua nhiều topping có sẵn trên thị trường. Chúng sẽ đa dạng, nhiều loại và tiết kiệm thời gian chế biết hơn.

Mua topping trà sữa ở đâu?

Bạn có thể mua nhiều topping trà sữa ở các công ty chuyên sản xuất, phân phối các nguyên liệu làm trà sữa hoặc các đại lý bán sỉ.

Giá bán các loại topping phổ biến là bao nhiêu?

Các loại trân châu có giá từ 22.000 – 40.000 VNĐ/kg, các loại thạch có giá từ 40.000 – 80.000 VNĐ/kg, các loại hạt có giá từ 70.000 – 200.000 VNĐ/kg.

Hy vọng với bài viết trên, các chủ kinh doanh đã biết topping là gì và cách làm các loại topping trà sữa ngon, hấp dẫn nhất để làm menu của quán trà sữa thêm thu hút. Đừng quên theo dõi các bài viết hữu ích tiếp theo trên bePOS nhé!