Trang chủBlogs Kinh doanh F&BThủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng (mới)

Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng (mới)

Cập nhật lần cuối: Tháng sáu 06, 2024
Nữ Tâm
387 Đã xem

Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng, quán ăn là tài liệu không thể thiếu nếu bạn muốn kinh doanh F&B. Lý do bởi đây là nơi tập trung đông người, sử dụng nhiều thiết bị như gas, lò, bếp, nên tiềm tàng rủi ro cháy nổ. Vậy xin giấy phép phòng cháy chữa cháy ở đâu, thực hiện thế nào? Tiêu chuẩn PCCC cho nhà hàng là gì? Cùng bePOS giải đáp chi tiết từ A-Z trong bài viết này nhé!

Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là gì?

Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là một tài liệu pháp lý chứng minh rằng quán ăn của bạn đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Đây là một trong giấy tờ quan trọng để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến xin phép xây dựng, chế tạo, hoặc cải thiện cơ sở vật chất của nhà hàng.

Phòng cháy chữa cháy là một hệ thống các biện pháp kỹ thuật nhằm loại bỏ và giảm thiểu tối đa các nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn. Bên cạnh đó, phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng cũng bao gồm việc nhanh chóng dập tắt đám cháy khi sự cố xảy ra, ngăn chặn sự lan truyền của lửa, xử lý thiệt hại đối với con người và tài sản.

Khi kinh doanh nhà hàng, đặc biệt là trong khu vực bếp, việc sử dụng bếp gas dẫn đến nguy cơ cháy nổ tương đối lớn. Do đó, các nhà hàng cần đảm bảo có hệ thống phòng cháy chữa cháy đầy đủ để giảm thiểu rủi ro. Điều này bao gồm cả việc trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho nhân viên, đảm bảo an toàn và khả năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.

Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là gì
Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy là tài liệu quan trọng khi mở nhà hàng

Kinh doanh nhà hàng, quán ăn có cần giấy phép PCCC không?

Câu trả lời là “Có”. Nhà hàng, quán ăn bắt buộc phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy. Theo quy định tại Phụ lục I được ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các cửa hàng ăn uống là một trong những đối tượng thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy và cần tuân thủ những điều kiện nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Cụ thể, hệ thống chuẩn bị phòng cháy chữa cháy của nhà hàng, quán ăn được phân chia thành 4 cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: Nhà hàng/quán ăn có diện tích kinh doanh dưới 300 m2 và khối tích dưới 1.000 m3 – thực hiện lập hồ sơ phương án phòng cháy chữa cháy.
  • Cấp độ 2: Nhà hàng/quán ăn có tổng diện tích kinh doanh từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 – thực hiện lập hồ sơ phương án PCCC và được Cơ quan công an quản lý thẩm duyệt.
  • Cấp độ 3: Nhà hàng/quán ăn có diện tích kinh doanh tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên – đề xuất cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
  • Cấp độ 4: Nhà hàng/quán ăn có tổng diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên – thực hiện lập hồ sơ phương án PCCC, được Cơ quan công an quản lý thẩm duyệt và đề xuất cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Việc phân chia theo cấp độ như vậy nhấn mạnh mức độ phức tạp của hệ thống phòng cháy chữa cháy tăng lên theo quy mô từng loại nhà hàng. Ngoài ra, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng cũng thay đổi theo các cấp độ này.

Nhà hàng có cần xin giấy chứng nhận PCCC không
Nhà hàng, quán ăn là nơi dễ xảy ra cháy nổ nên phải có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy

>> Xem thêm: Kinh nghiệm mở nhà hàng từ A-Z

Điều kiện cấp giấy phép PCCC cho nhà hàng, quán ăn

Một số điều kiện xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là:

  • Về nội quy và biển báo: Nhà hàng cần có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy và hướng dẫn thoát nạn phù hợp với tiêu chuẩn hoặc theo quy định của Bộ Công an.
  • Lực lượng phòng cháy và chữa cháy: Phải có đội ngũ nhân viên phòng cháy chữa cháy tại cơ sở, chuyên nghiệp và phù hợp với đặc điểm của loại hình cơ sở, đã được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy.
  • Phương án chữa cháy: Tiêu chuẩn PCCC cho nhà hàng là phải có phương án chữa cháy. Cụ thể, nhà hàng cần có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đủ điều kiện thực hiện.
  • Hệ thống điện và an toàn điện: Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt cần phải đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn hoặc theo quy định của Bộ Công an.
  • Hệ thống hỗ trợ và quản lý thông tin: Một số hạng mục nhà hàng cần có để phục vụ phòng cháy và chữa cháy là hệ thống báo cháy, ngăn khói, ngăn cháy, thoát hiểm, các phương tiên PCCC,… Ngoài ra, nhà hàng phải có hệ thống thông tin liên lạc hỗ trợ công tác chữa cháy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền thông báo sự cố.
  • Giấy chứng nhận thiết kế và nghiệm thu: Nhà hàng phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có). Đi kèm là văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy từ Cảnh sát PCCC, áp dụng cho dự án hoặc công trình nằm trong danh mục quy định.
Các tiêu chuẩn PCCC cho nhà hàng
Phải đáp ứng các tiêu chuẩn PCCC cho nhà hàng thì mới được cấp giấy phép

Hồ sơ xin giấy phép PCCC cho nhà hàng, quán ăn

Hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng được chia thành các loại như sau:

Đối với nhà hàng có khối tích trên 3000m3 trở lên

Hồ sơ liên quan đến thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy trong trường hợp này yêu cầu khá nhiều các giấy tờ liên quan, bao gồm:

  • Văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu: Mẫu số PC11, được ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
  • Báo cáo của chủ đầu tư và chủ phương tiện: Báo cáo về tình hình triển khai và kết quả của công việc thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, và nghiệm thu đối với các hệ thống, thiết bị, giải pháp liên quan đến phòng cháy chữa cháy.
  • Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế: Phải là văn bản đã được đóng dấu thẩm duyệt bởi cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.
  • Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định cho phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
  • Biên bản thử nghiệm và nghiệm thu: Đối với từng phần và tổng thể của hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
  • Bản vẽ hoàn công: Các bản vẽ của hệ thống phòng cháy, chữa cháy và những hạng mục liên quan đã được phê duyệt theo hồ sơ thiết kế.
  • Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng: Tài liệu và quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng áp dụng cho thiết bị, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cũng như các hệ thống liên quan đến phòng cháy, chữa cháy của công trình và phương tiện giao thông cơ giới.
  • Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục: Đối với hệ thống liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.
  • Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh: Liên quan đến dịch vụ phòng cháy, chữa cháy từ đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, và đơn vị lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Cần chú ý rằng các văn bản, tài liệu yêu cầu trong hồ sơ phải được xác nhận bởi chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, và đơn vị thi công. Đối với hồ sơ bằng tiếng nước ngoài, phải được dịch ra tiếng Việt.

>> Tải hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng từ 3000m3 trở lên TẠI ĐÂY, nhà hàng từ 5000m3 TẠI ĐÂY

Hồ sơ xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng
Luật quy định hồ sơ riêng cho từng loại nhà hàng theo khối tích

Đối với nhà hàng có khối tích dưới 3000m3

Đối với những trường hợp nhà hàng có khối tích dưới 3000m3, quy trình thủ tục khá đơn giản vì quy định của Luật chỉ yêu cầu thực hiện thẩm duyệt về phương án phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, hồ sơ cần chuẩn bị sẽ bao gồm:

  • Văn bản đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở (sử dụng mẫu số PC19 theo quy định, được ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
  • Hai bản phương án chữa cháy của cơ sở, đã được người có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án ký tên và đóng dấu (nếu có).
Xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng nhỏ
Hồ sơ xin cấp giấy phép PCCC cho nhà hàng khối tích dưới 3000m3

>> Tải hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng từ 1000m3 TẠI ĐÂY, nhà hàng dưới 1000m3 TẠI ĐÂY

Thủ tục xin giấy phép PCCC cho nhà hàng, quán ăn

Chuẩn bị và gửi hồ sơ

Chủ nhà hàng hoặc người được uỷ nhiệm đảm nhận trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ dựa trên các tài liệu và giấy tờ được cung cấp trước đó. Quá trình chuẩn bị hồ sơ đóng vai trò quan trọng, là cơ sở cho việc hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng một cách thuận lợi và suôn sẻ nhất.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ, chủ nhà hàng cần nộp hồ sơ cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ của Công an tỉnh hoặc thành phố. Chủ nhà hàng có thể lựa chọn một trong hai phương thức nộp sau:

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng tiếp nhận xử lý.
  • Cách 2: Gửi qua dịch vụ bưu điện với địa chỉ đã được chỉ định.

Chi phí nộp hồ sơ phụ thuộc vào quy mô và thiết kế của nhà hàng, có thể biến động từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng cho mỗi hồ sơ xin cấp phép.

Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy
Chuẩn bị và gửi hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy

Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Xin giấy phép phòng cháy chữa cháy ở đâu là thắc mắc phổ biến của nhiều chủ nhà hàng. Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền xử lý và cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng bao gồm:

  • Cục Cảnh sát Phòng Cháy, Chữa Cháy và Cứu Nạn, Cứu Hộ.
  • Cảnh sát Phòng Cháy và Chữa Cháy cấp tỉnh.
  • Phòng Cảnh sát Phòng Cháy, Chữa Cháy và Cứu Nạn, Cứu Hộ thuộc Công an cấp tỉnh.

Sau nhận được hồ sơ nộp bởi chủ nhà hàng, các cơ quan có thẩm quyền nêu trên sẽ tiếp nhận và tiến hành xử lý hồ sơ.

Xin giấy phép phòng cháy chữa cháy ở đâu
Cảnh sát PCCC giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp giấy phép PCCC

Thanh tra thực tế tại cơ sở 

Cơ quan thẩm quyền sẽ tiến hành thanh tra thực tế để ra quyết định có cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng hay không. Cụ thể, việc thanh tra sẽ bao gồm các hoạt động sau:

  • Đánh giá các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy cho nhà hàng, theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
  • Chủ nhà hàng cần có trách nhiệm đối với việc tổ chức kiểm tra định kỳ về an toàn phòng cháy cũng như chữa cháy trong phạm vi quản lý. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện việc báo cáo kết quả kiểm tra định kỳ mỗi 06 tháng tới cơ quan Công an quản lý trực tiếp, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra trước pháp luật.
  • Cơ quan Công an cũng cần phải thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ mỗi 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III (được ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP).
  • Thực hiện kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp như quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc trong trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy có nguy cơ gây cháy, nổ, hoặc đối với mục đích bảo đảm an ninh, trật tự theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quản lý.
Kiểm tra tiêu chuẩn PCCC cho nhà hàng
Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tiêu chuẩn PCCC cho nhà hàng

Nhận kết quả hồ sơ

Dựa trên ngày hẹn được ghi trên phiếu biên nhận hồ sơ, chủ nhà hàng hoặc người được uỷ nhiệm có thể đến địa điểm nộp hồ sơ để nhận kết quả, lấy Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng.

Bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy có đóng dấu “Đã thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy” lên các bản vẽ. Ngoài ra còn có các văn bản trả lời liên quan đến giải pháp phòng cháy chữa cháy đối với thiết kế cơ sở, dự án thiết kế quy hoạch, hoặc văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng nhà hàng.

Nhận kết quả xin cấp giấy phép PCCC nhà hàng
Các bản vẽ thiết kế sẽ được đóng dấu là “Đã thẩm duyệt”

>> Xem thêm: Mở nhà hàng cần giấy phép gì và các thủ tục liên quan

Chi phí làm giấy phép PCCC cho nhà hàng, quán ăn

Theo Điều 5 của Thông tư 258/2016/TT-BTC, chi phí làm giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng dao động từ 500.000 đồng và mức phí tối đa là 150.000.000 đồng. Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là một thủ tục hành chính, do đó chủ nhà hàng sẽ cần phải thanh toán một khoản phí cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để biết rõ hơn về các mức phí thẩm định và phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, bạn hãy nghiên cứu Thông tư trên.

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, đơn vị thẩm quyền sẽ thực hiện kiểm tra để đảm bảo rằng cơ sở đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Nếu đạt đủ điều kiện, chủ nhà hàng sẽ thanh toán chi phí để có được giấy phép phòng cháy chữa cháy và nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.

Chi phí làm giấy phép phòng cháy chữa cháy
Chi phí làm giấy phép phòng cháy chữa cháy có thể phụ thuộc vào quy mô nhà hàng

Nhà hàng không có giấy phép PCCC bị xử phạt thế nào?

Nhà hàng không có giấy phép phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo Điều 35 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, những mức xử phạt được nêu như sau:

  • Mức phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với với hành vi như không trình hồ sơ thẩm duyệt lại khi cải tạo công trình.
  • Mức phạt dao động từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với những hành vi tổ chức thi công công trình thuộc diện cần phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy mà chưa có chứng nhận nhận thẩm duyệt.
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với những hành vi đưa công trình vào sử dụng mà chưa tiến hành nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Không có giấy phép PCCC nhà hàng bị xử phạt thế nào
Nhà hàng không có giấy phép PCCC là vi phạm luật và sẽ bị xử phạt

Lưu ý khi xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng

Việc xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng, quán ăn là một bước quan trọng để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như nhân viên của quán. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng các chủ nhà hàng không nên bỏ qua:

  • Thực hiện kiểm tra an toàn theo quy định phòng cháy chữa cháy nhà hàng: Trước khi nộp hồ sơ xin giấy phép, hãy đảm bảo rằng toàn bộ cơ sở kinh doanh của bạn tuân theo những quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Bạn nên đảm bảo rằng hệ thống báo động, bình chữa cháy, đèn thoát hiểm, lối thoát, và các thiết bị phòng cháy chữa cháy khác đều hoạt động hiệu quả.
  • Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền: Bạn nên liên hệ sớm với cơ quan cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng để biết rõ về các yêu cầu cụ thể và quy trình xin giấy phép, tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Lưu trữ hồ sơ đầy đủ: Các chủ quán cũng nên lưu trữ cẩn thận bản sao của giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng và những tài liệu liên quan tại nơi làm việc. Khi đó, trong trường hợp cần thiết, bạn sẽ không tốn thời gian tìm kiếm hồ sơ.
  • Thực hiện các khoá đào tạo an toàn phòng cháy chữa cháy: Chủ nhà hàng nên đào tạo đội ngũ nhân viên về cách sử dụng thiết bị phòng cháy chữa cháy và kế hoạch ứng phó với tình huống cháy nổ. Đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều biết cách sử dụng bình chữa cháy và các thiết bị an toàn khác khi cần thiết.
  • Kiểm tra định kỳ: Đừng quên thường xuyên kiểm tra định kỳ các thiết bị phòng chống cháy nổ để đảm bảo rằng công tác phòng cháy chữa cháy của nhà hàng vẫn hoạt động hiệu quả.
  • Nên thuê đơn vị có chuyên môn: Để xin giấy phép phòng cháy cho nhà hàng, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các văn phòng luật sư. Mức phí dịch vụ không quá cao, mà thời gian thực hiện lại nhanh hơn, hồ sơ chuẩn hơn. Ngoài ra còn có các công ty tư vấn thiết kế hệ thống PCCC trong nhà hàng, đảm bảo đạt tiêu chuẩn thẩm duyệt của nhà nước.
Đào tạo phòng cháy chữa cháy cho nhân viên nhà hàng
Nhân viên nhà hàng phải tham gia các khóa đào tạo phòng cháy chữa cháy

Câu hỏi thường gặp

Khối tích trong PCCC là gì?

Khối tích trong PCCC là khối tích của tòa nhà/phần tòa nhà không được bao quanh từ mọi phía đến hết chiều cao nhưng được che phủ, Khối tích này được tính theo công thức: Tổng diện tích sàn quy định x Chiều cao từ mặt đất đến mặt sàn cao nhất. Để hiểu rõ hơn khối tích trong PCCC là gì, bạn hãy đọc thêm về Quy định TCVN 9255.

Giấy phép PCCC cho nhà hàng có thời hạn trong bao lâu?

Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng có hiệu lực trong 5 năm và được sử dụng trên toàn quốc. Sau khi hết thời hạn này, chủ nhà hàng sẽ cần thực hiện lại quá trình chuẩn bị hồ sơ để được cấp giấy phép xác nhận mới.

Thời hạn giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng
Sau 5 năm phải xin cấp lại giấy phép PCCC cho nhà hàng

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích mới nhất về quy trình, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng. Đừng quên thường xuyên theo dõi các bài viết của bePOS để trang bị thêm kiến thức cần thiết cho hoạt động kinh doanh của bạn!

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/giay-phep-phong-chay-chua-chay-cho-nha-hang/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]