Trang chủBlogs Kinh doanh F&BĐịnh vị chân dung 6 nhóm khách hàng mục tiêu của quán cafe

Định vị chân dung 6 nhóm khách hàng mục tiêu của quán cafe

Cập nhật lần cuối: Tháng Bảy 07, 2023
Trần Dung
Trần Dung
854 Đã xem

Xác định chân dung khách hàng mục tiêu của quán cafe là bước quan trọng trong kế hoạch kinh doanh quán. Nhiều quán cafe đã thất bại khi không xây dựng chân dung khách hàng tiềm năng, mở quán theo ngẫu hứng và sở thích cá nhân. Dựa vào khách hàng mục tiêu, bạn mới có thể định hình được phong cách thiết kế, thực đơn cho quán cũng như lập các chiến dịch marketing tiếp cận khách hàng. Cùng bePOS định vị 6 nhóm khách hàng mục tiêu của quán cafe. 

Khách hàng mục tiêu là gì? 

Khách hàng mục tiêu của quán cafe là một nhóm đối tượng khách hàng trong thị trường quán đang kinh doanh. Họ là thị trường mục tiêu của quán cafe, có những đặc điểm, hành vi, sở thích, nhu cầu giống nhau và quán của bạn sẽ hướng tới phục vụ, đáp ứng nhu cầu của đối tượng này. 

Để tìm ra khách hàng mục tiêu, bạn phải trả lời được các câu hỏi khảo sát: Khách hàng của bạn là ai? Họ thích gì, mong muốn gì? Độ tuổi, giới tính? Thu nhập bao nhiêu? Họ sống ở đâu? Thực đơn bạn cung cấp có đáp ứng nhu cầu của họ không? 

khach-hang-muc-tieu-cua-quan-cafe-la-gi
Khách hàng mục tiêu của quán cafe là gì? Xác định thị trường mục tiêu của quán cafe

Tại sao cần xác định khách hàng mục tiêu cho quán cafe?

Như đã đề cập ở trên, xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu giúp xây dựng mục tiêu dài hạn của quán cafe. Khách hàng mục tiêu là trung tâm của mọi hoạt động trong quán: Từ lựa chọn menu thực đơn, lựa chọn phong cách thiết kế tới các chương trình marketing,…. Cùng tìm hiểu những lý do cần xác định khách hàng mục tiêu của quán cafe.

Thấu hiểu nhu cầu khách hàng

Khi xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu của quán cafe, bạn sẽ biết khách hàng của mình là ai, nhu cầu, mong muốn, sở thích của họ là gì để định hướng việc kinh doanh đúng đắn. 

Ví dụ, bạn muốn phục vụ đối tượng khách hàng là nhóm học sinh, sinh viên, bạn sẽ hiểu họ là những người trẻ, thích phong cách quán trẻ trung, hiện đại, có các góc trang trí để check in, thích đồ uống có giá cả phải chăng, nhiều chương trình ưu đãi,…. Nếu đối tượng khách hàng là người trưởng thành, bận rộn, sẽ có xu hướng thích không gian yên tĩnh, cổ điển, đồ uống phải chất lượng, giá thành ở mức trung bình. 

nghien-cuu-khach-hang-muc-tieu-cua-quan-cafe
Nghiên cứu khách hàng mục tiêu của quán cafe để xác định mục tiêu dài hạn của quán cafe

Tối ưu thực đơn quán, chất lượng đồ uống

Khi biết tệp khách hàng của quán là đối tượng nào, bạn sẽ xây dựng được danh sách các đồ uống, món ăn phù hợp với khách hàng mục tiêu. Bạn có thể tham khảo những đối thủ cạnh tranh trên thị trường có tệp khách hàng giống với khách hàng bạn hướng tới, tham khảo thực đơn của họ, những món bán chạy, hot trend và những feedback, góp ý của khách hàng để xây dựng menu hoàn hảo, chất lượng nhất. Bạn cũng nên tham khảo mức giá chung của thị trường để set giá phù hợp. 

Tối ưu chiến dịch marketing

Trong mọi chiến dịch marketing, phân tích đối tượng mục tiêu là bước quan trọng nhất. Việc phân tích giúp bạn định hướng, đánh đúng vào tệp khách hàng để tạo nên những chương trình marketing tối ưu và hiệu quả nhất. 

Ví dụ, bạn muốn tăng doanh thu quán cafe vào dịp 20/10, đây là ngày phụ nữ Việt Nam. Đối tượng khách hàng sẽ là các bạn nữ, thích trở thành tâm điểm của ngày 20/10. Bạn có thể triển khai các chương trình marketing như tặng quà khách nữ tới quán, lập workshop cắm hoa, pha trà vào ngày 20/10, tặng voucher spa, mua sắm cho các bạn nữ,…. 

toi-uu-marketing-quan-cafe
Khai thác khách hàng mục tiêu của quán cafe để tối ưu chiến dịch marketing, hoàn thiện mục tiêu của quán cafe

>> Xem thêm: Top các chương trình 8/3 cho nhà hàng, quán cafe giúp đẩy mạnh doanh số

Cạnh tranh với đối thủ

Từ việc nghiên cứu và thấu hiểu khách hàng mục tiêu, bạn mới có thể đưa ra các ý tưởng kinh doanh độc đáo, đánh trúng tâm lý khách hàng để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Bạn cũng có thể khảo sát những đối thủ để tiếp thu điểm mạnh, khai thác điểm yếu để hoàn thiện kế hoạch kinh doanh của mình. 

Chân dung 6 nhóm khách hàng mục tiêu của quán cafe

Trên thị trường kinh doanh quán cafe hiện nay chủ yếu hướng tới 6 nhóm khách hàng mục tiêu dưới đây. Bạn có thể tham khảo và nghiên cứu tệp khách hàng mục tiêu của quán cafe phù hợp với mình. 

Những người yêu thích cafe 

Khi nhắc tới đối tượng khách hàng này, chúng ta có thể kể tới các thương hiệu, chuỗi cafe lớn như Trung Nguyên E-Coffee, Trung Nguyên Legend, Viva Star Coffee,…. Đây là địa điểm lý tưởng của các tín đồ yêu cà phê. Họ sành cà phê, biết về những loại cà phê ngon, chất lượng, cách pha chế đặc biệt và có thói quen uống cafe mỗi ngày. Nhóm khách hàng này thường thích những ly cà phê đậm đà từ hạt cà phê nguyên chất, không pha tạp các chất khác. 

Để mở mô hình cà phê phục vụ đối tượng này vô cùng khó, đòi hỏi bạn phải có chuyên môn cao trong lĩnh vực cà phê. Bạn cần đầu tư những nguyên liệu ngon và chất lượng nhất, đậm đà hương vị với nhiều cách pha chế độc đáo. Quầy cafe có thể thiết kế để khách hàng tận mắt nhìn thấy quá trình xay rang và pha chế cafe. 

Đây có lẽ sẽ là những trải nghiệm thú vị với khách hàng. Tuy khó khăn, thế nhưng những khách hàng sành cà phê sẽ không ngại chi tiền cho một ly cà phê chất lượng, đặc biệt có tâm huyết của người pha chế, của chủ quán trong đó. Bạn có thể mở các event, workshop kết hợp với các chuyên gia cà phê tại quán để thu hút khách hàng. 

nhom-khach-hang-yeu-thich-cafe
Nhóm khách hàng yêu thích cafe

Những người đam mê sống ảo

Đây là nhóm khách hàng chiếm số lượng khá lớn tại các quán cafe hiện nay, nhất là vào thời điểm hàng loạt điện thoại thông minh với chức năng chụp hình vô cùng đẹp ra đời. Với nhóm đối tượng này, mục đích chính tới quán là để check in sống ảo, họ là các bạn trẻ, thích trải nghiệm những điều mới mẻ. 

Vì thế, nếu hướng tới tệp khách hàng này, bạn cần đầu tư không gian quán cafe đẹp, độc đáo và ấn tượng, có nhiều góc để chụp ảnh. Ví dụ một số mô hình quán cafe phù hợp là: Quán cafe sân thượng với view nhìn về thành phố, quán cafe sân vườn có nhiều góc sống ảo, quán cafe phong cách vintage, quán cafe phong cách hiện đại,…. 

Không chỉ không gian đẹp, khách hàng này còn ưa thích hình thức của đồ uống. Bạn nên đa dạng thực đơn đồ uống, trang trí đồ uống thật đẹp để họ ấn tượng và check in ngay tại quán. Đây là cách marketing không tốn chi phí mà lại vô cùng hiệu quả. Bạn có thể đưa ra chiến dịch mỗi khách hàng đều tới quán và check in đăng lên mạng xã hội sẽ được giảm giá 5% trên tổng hóa đơn. Một hiệu ứng bất ngờ tăng nhanh doanh thu quán sẽ xảy ra đó nhé. 

quan-cafe-song-ao
Quán cafe cho người đam mê sống ảo

Dân văn phòng

Dân văn phòng cũng là những khách hàng ưa thích tới quán cafe để trò chuyện, tán gẫu hoặc thư giãn hay làm việc. Họ là đối tượng có thu nhập khá ổn định, ở mức trung bình nên bạn có thể set mức giá đồ uống vừa phải. Đối tượng này thích các quán có phong cách trẻ trung, lịch sự, đơn giản. 

Bạn nên chọn mặt bằng quán ở khu vực đông dân văn phòng như các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khu dân cư,…. Menu đồ uống cần đa dạng và tập trung vào chất lượng. 

Người lao động

Đây là đối tượng khách hàng có thu nhập khá thấp, vì thế mức giá họ có thể trả cho một tách cà phê hay đồ uống dao động khoảng 15.000đ – 30.000đ. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng tiềm năng, họ thích những quán cafe vỉa hè có mô hình đơn giản, thiết kế không quá cầu kỳ, có thể chỉ là bàn ghế gấp nhỏ gọn, chỉ đơn giản là một nơi có thể tụ tập trò chuyện, nghỉ ngơi sau giờ làm việc. 

Rất nhiều quán cafe đã rất thành công khi khai thác tệp khách hàng này. Dù doanh thu từ một ly cà phê rất nhỏ nhưng với lượng lớn khách hàng và đều đặn hằng ngày, bạn có thể thu được lợi nhuận lớn trong một tháng. 

quan-cafe-via-he
Quán cafe vỉa hè

Học sinh, sinh viên

Học sinh, sinh viên là nhóm khách hàng trẻ tuổi, chưa có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Vì thế mức giá bạn set cho đồ uống của quán cũng cần phải chăng, phù hợp. Họ thường chọn tới quán cafe để học tập hoặc tán gẫu với bạn bè. Học sinh sinh viên cũng rất thích các quán có góc sống ảo, chụp ảnh, hoặc quán cafe sách để tới học tập, ôn bài. 

Menu dành cho đối tượng khách hàng này cũng cần đa dạng nhiều món: Cà phê, trà sữa, kem, sữa chua, sinh tố, nước ép,…. Ngoài ra, cũng có thể thêm các món ăn vặt như bánh ngọt, chè, hướng dương, gà cay, trái cây sấy,…. Bạn nên thu hút khách hàng bằng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá,… 

>> Xem thêm: Các bước lập kế hoạch kinh doanh quán cafe hiệu quả

Freelancer

Một vài năm gần đây, xu hướng làm việc tự do của các Freelancer trở nên phổ biến. Họ thường tới các quán cafe có không gian yên tĩnh để làm việc và sáng tạo. Đối tượng này thường ngồi khá lâu, cần có wifi miễn phí, không gian rộng và riêng tư, thoáng mát để tập trung làm việc mà không sao nhãng. Nhiều người làm ngành nghề sáng tạo nội dung Content Creator còn thích các quán cafe có không gian độc đáo, hòa cùng thiên nhiên để thỏa sức sáng tạo. 

Quán nên mở trong những con ngõ, góc phố nhỏ, tránh tiếng ồn, bụi bặm. Menu quán cũng cần đa dạng nhiều món, nhiều lựa chọn để khách hàng quay lại nhiều lần. Họ cũng thích những đồ ăn nhẹ như bánh mỳ, xúc xích, bò khô,… để bổ sung năng lượng khi làm việc nhiều giờ liền. 

freelancer-lam-viec-o-quan-cafe
Khách hàng mục tiêu của quán cafe là freelancer

Trên đây là 6 nhóm khách hàng mục tiêu của quán cafe để chủ quán có thể tham khảo, xác định tệp khách hàng phù hợp cho quán của mình. Mỗi nhóm khách hàng sẽ có những nhu cầu, sở thích, đặc điểm khác nhau. Từ đó bạn sẽ khai thác và xây dựng được kế hoạch kinh doanh phù hợp, hoàn thiện mục tiêu của quán cafe.

FAQ 

Làm thế nào để có thể nghiên cứu, thấu hiểu khách hàng mục tiêu của mình? 

Để làm được điều này, bạn phải thường xuyên quan sát, khảo sát trực tiếp hoặc qua các trang mạng xã hội. Bạn có thể đọc feedback của khách hàng trên Fanpage của đối thủ cạnh tranh, hoặc tạo những bản khảo sát online để khách hàng điền vào, hoặc phỏng vấn trực tiếp,…. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thường xuyên lắng nghe ý kiến khách hàng trong quán để đưa ra giải pháp cải thiện. 

Quy trình các bước để phân tích khách hàng mục tiêu của quán cafe là gì? 

Bạn có thể thực hiện 4 bước phân tích khách hàng mục tiêu của quán cafe gồm: 

  • Vẽ chân dung khách hàng: Phác thảo các thông tin độ tuổi, giới tính, sở thích, thu nhập, địa chỉ, hành vi,…. 
  • Vẽ hành trình trải nghiệm của khách hàng: Hành trình này bắt đầu từ khi khách hàng nhìn thấy sản phẩm của quán bạn tới khi tương tác, cho tới khi đã sử dụng xong sản phẩm. Ví dụ, khách hàng nhìn thấy chương trình khuyến mại của quán khi lướt facebook, sau đó họ like, share bài viết, rồi rủ bạn bè tới quán, tới khi ra về
  • Phân tích customer insight: Thu thập data khách hàng, diễn giải, phân tích data, đưa ra chiến lược kinh doanh cụ thể 
  • Phân tích hành vi của khách hàng mục tiêu: Ví dụ khách hàng làm gì trên kênh mua online hoặc offline để tối ưu quy trình bán hàng, phục vụ.