Trang chủBlogs Quản lý doanh nghiệpĐịnh vị thương hiệu: “Chìa khóa thành công” của doanh nghiệp

Định vị thương hiệu: “Chìa khóa thành công” của doanh nghiệp

Cập nhật lần cuối: Tháng năm 05, 2023
Thanh Ngoan
1510 Đã xem

Thương hiệu là yếu tố quan trọng giúp một doanh nghiệp khẳng định vị trí của mình trong lòng khách hàng. Một thương hiệu uy tín sẽ giúp thu hút nhiều khách hàng cho doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để định vị thương hiệu một cách thành công, tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh? Trong bài viết dưới đây bePOS sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên nhé. 

Định vị thương hiệu là gì?

Định vị thương hiệu là quá trình doanh nghiệp xây dựng và nỗ lực khiến sản phẩm, thương hiệu của mình có một vị trí nhất định trong tiềm thức của khách hàng. Cụ thể hơn, đây chính là những điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng nhớ tới mình khi nhắc đến tên thương hiệu. Đây là một hoạt động rất quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt so với đối thủ trên thị trường. 

Khi nhắc đến định vị, xây dựng thương hiệu, chúng ta sẽ bắt gặp thuật ngữ “tuyên ngôn định vị thương hiệu”. Vậy khái niệm này là gì? Tuyên ngôn định vị thương hiệu là một câu văn, một tuyên bố nhằm thể hiện, truyền đạt những giá trị nổi bật của doanh nghiệp tới khách hàng. Ví dụ tuyên ngôn thương hiệu của Nike là “Just do it”, hay định vị thương hiệu của Coca-Cola là “The real thing”.

Để tạo ra một tuyên ngôn độc đáo, ấn tượng cho doanh nghiệp, bạn cần quan tâm tới những yếu tố sau: xác định chân dung khách hàng mục tiêu một cách chi tiết nhất, thị trường doanh nghiệp đang kinh doanh là gì, lời hứa thương hiệu, lý do để khách hàng tin tưởng.

dinh-vi-thuong-hieu-cho-doanh-nghiep

Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp

 Vai trò định vị thương hiệu là gì?

Thương hiệu là một tài sản vô hình, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Cụ thể, những vai trò định vị thương hiệu đó là: 

  • Giúp khách hàng nhận diện được sản phẩm dịch vụ có thể chỉ thông qua tên, logo, màu sắc đặc trưng,…
  • Xây dựng sự khác biệt để tạo nên lợi thế cạnh tranh với đối thủ.
  • Kết nối, truyền tải những giá trị cảm xúc tới khách hàng.
  • Một thương hiệu tốt khiến khách hàng tin tưởng, trung thành với doanh nghiệp. Từ đó, khách hàng sẽ dễ dàng ra quyết định sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
  • Mở rộng thị trường. 
  • Ngoài ra, hoạt động định vị, xây dựng thương hiệu còn giúp thu hút đội ngũ nhân tài, xây dựng lòng tin với các bên liên quan, đối tác.

8 chiến lược định vị thương hiệu chủ yếu, được nhiều doanh nghiệp áp dụng

Mục tiêu cuối cùng của hoạt động định vị, xây dựng thương hiệu đó là gây ấn tượng về doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng, từ đó kết nối, tạo những giá trị và thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Dựa vào các quy mô, giá trị và mục đích của doanh nghiệp, bạn có thể lựa chọn một trong những chiến lược định vị và xây dựng thương hiệu dưới đây:

Định vị và xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Chiến lược định vị, xây dựng thương hiệu đầu tiên đó là sử dụng chất lượng để tạo ấn tượng với khách hàng. Chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của sản phẩm, dịch vụ. Chiến lược này đòi hỏi sản phẩm của bạn cần có sự độc đáo, những đặc điểm vượt trội mà đối thủ không có và đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng.

Hiện nay, các mặt hàng trên thị trường đều đa dạng về chủng loại, tính năng,… Do đó, để định vị và xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu phát triển sản phẩm chuyên sâu, lựa chọn ngành hàng ngách để tạo sự khác biệt trên thị trường.

Ví dụ: Hãng mỹ phẩm Skinlosophy đã định vị thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm như sau:

  • Đây là dòng mỹ phẩm thiên nhiên, cao cấp được nghiên cứu kỹ càng bởi các chuyên gia da liễu hàng đầu.
  • Phong cách sản phẩm hiện đại, mới lạ (bao bì, tên gọi, truyền thông,…)

dinh-vi-va-xay-dung-thuong-hieu-dua-tren-chat-luong

Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng

Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên giá cả

Cùng với chất lượng, giá cả là yếu tố tiếp theo được khách hàng quan tâm khi lựa chọn một sản phẩm, dịch vụ. Chiến lược sử dụng giá để định vị, xây dựng  thương hiệu giúp dễ dàng tạo ấn tượng cho khách hàng. Tùy theo tệp khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp sẽ có chính sách giá và thực hiện truyền thông phù hợp.

Ví dụ về định vị thương hiệu bằng giá: Hãng hàng không Vietjet Air sử dụng chiến lược “hãng hàng không giá rẻ” để tiếp cận tới hầu hết mọi người dân. Với chiến lược này, Vietjet Air đánh vào tâm lý những khách hàng có thu nhập trung bình, thấp, chưa từng hoặc không có ý định đi máy bay do chi phí của phương tiện này khá cao. Lưu ý, để sử dụng giá cả định vị và xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. 

Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị

Cùng với chất lượng, giá cả, một sản phẩm dịch vụ thành công cần đem lại giá trị cho người dùng. Ví dụ chiếc váy A có chất lượng cao cấp, đắt tiền, rất đẹp nhưng chỉ phù hợp để mặc vài lần trong một năm. Còn chiếc váy B có thể rẻ hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và mặc được trong nhiều hoàn cảnh. Có thể thấy chiếc váy B sẽ đem lại nhiều giá trị cho người dùng hơn như: tiết kiệm chi phí, sử dụng được nhiều lần,… 

Do đó, khi xây dựng sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp cần nghĩ tới những giá trị mà mình sẽ mang đến cho khách hàng của mình là gì, giá trị đó có phù hợp với mong muốn và nhu cầu của họ không. 

xay-dung-san-pham-dem-lai-gia-tri-cho-khach-hang

Xây dựng sản phẩm đem lại giá trị cho khách hàng

>> Xem thêm: TOP 5 CUỐN SÁCH QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP ĐÁNG ĐỌC NHẤT

Định vị và xây dựng thương hiệu dựa vào đối thủ cạnh tranh

Trong thị trường kinh doanh hiện nay, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng cao, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Với chiến lược này doanh nghiệp cần xây dựng, tạo ra những sản phẩm có đặc điểm, tính năng vượt trội so với các đối thủ hiện tại của mình. 

Ví dụ: năm 2018, Samsung đã có những bình luận về sản phẩm của Apple như: tốc độ LTE chậm, không hỗ trợ khe cắm thẻ SD,… Và tất cả các tính năng đó đã được tích hợp ngay trong điện thoại Galaxy Note 9 của Samsung.

Định vị và xây dựng thương hiệu bằng cách giải quyết vấn đề của khách hàng

Chiến lược định vị, xây dựng thương hiệu tiếp theo các doanh nghiệp có thể áp dụng đó là đưa ra vấn đề khách hàng gặp phải kèm giải pháp. Nhu cầu, vấn đề của khách hàng luôn phát sinh. Không có một sản phẩm ưu việt nào có thể đảm bảo đáp ứng được mọi vấn đề của họ. Vì vậy, mấu chốt ở đây đó là doanh nghiệp cần tìm ra vấn đề mới của khách hàng mà chưa có đối thủ nào nhận thấy. Sau đó, hãy dùng sản phẩm của mình để giải quyết các vấn đề đó.

Một ví dụ về định vị thương hiệu theo phương pháp này đó là trong các hãng dầu gội đầu nữ, mỗi thương hiệu sẽ định vị mình dựa trên giải pháp cho một vấn đề mà khách hàng gặp phải như: Rejoice làm suôn mượt tóc, Dove giúp phục hồi tóc hư tổn,…

Định vị và xây dựng thương hiệu dựa vào cảm xúc

Trong tháp nhu cầu của Maslow, nếu những tầng đầu tiên là các nhu cầu cơ bản, thiết yếu thì từ tầng thứ ba trở đi, nhu cầu của con người liên quan nhiều tới mặt cảm xúc. Do đó, doanh nghiệp có thể tận dụng đặc điểm này để xây dựng sản phẩm dịch vụ của mình. 

Không chỉ dừng lại ở chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đem lại nhiều giá trị, hãy tạo ra sản phẩm có thể mang lại những cảm xúc tích cực cho khách hàng. Khi đó, khách hàng sẽ có thiện cảm và luôn ghi nhớ thương hiệu của doanh nghiệp. Ví dụ: Vinfast định vị là hãng ô tô đầu tiên của Việt Nam. Với thông điệp này, Vinfast đã khơi gợi lòng tự hào dân tộc, kích thích xu hướng người Việt sử dụng hàng Việt.

Dinh Vi Thuong Hieu Anh 4

Sử dụng thương hiệu để truyền tải cảm xúc tới khách hàng

Hợp tác với người nổi tiếng để định vị và xây dựng thương hiệu

Hiện nay, chiến lược hợp tác với những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng để quảng bá cho sản phẩm rất phổ biến. Mục đích của chiến lược này đó là thu hút, tiếp cận khách hàng bằng sự nổi tiếng của những người này. Doanh nghiệp có thể hợp tác với các KOLs, Influencer để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bằng các hình thức như: TCV, book bài post, MV ca nhạc,…

Ví dụ về định vị thương hiệu qua việc sử dụng người nổi tiếng đó là hãng điện thoại OPPO mời ca sĩ Sơn Tùng làm người đại diện. Lưu ý, khi lựa chọn người nổi tiếng đại diện cho thương hiệu, doanh nghiệp cần chọn người có màu sắc phù hợp với sản phẩm, dịch vụ cần quảng cáo. 

Chiến lược tái định vị

Mặc dù doanh nghiệp có thể đã xây dựng được một vị trí nhất định trong tâm trí khách hàng. Tuy nhiên, thị trường kinh doanh luôn “chuyển động”, những đối thủ mới, sản phẩm mới không ngừng được ra mắt. Do đó, doanh nghiệp cần duy trì hoạt động định vị, phát triển thương hiệu của mình để phù hợp với thị trường. Việc này sẽ giúp khách hàng không lãng quên thương hiệu, cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển doanh nghiệp ở mỗi thời điểm. 

Ví dụ về tái định vị thương hiệu của Coca-Cola với thức uống Mother Energy Drinks: Năm 2006, Coca-Cola cho ra mắt đồ uống Mother Energy Drinks tại Úc. Tuy nhiên, sản phẩm này không được khách hàng yêu thích và sử dụng nhiều do hương vị khá kém. Sau đó, công ty đã triển khai định vị lại sản phẩm. Coca-Cola thực hiện cải tiến hương vị và thay đổi bao bì, kích thước cho Mother Energy Drinks để đem lại sự mới lạ. 

chien-luoc-tai-dinh-vi-mother-energy-drinks

Chiến lược tái định vị Mother Energy Drinks

5 bước định vị thương hiệu chuyên nghiệp

Để lên chiến lược định vị và phát triển thương hiệu, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Chi tiết hóa chân dung khách hàng mục tiêu

Trước tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ khách hàng của mình là ai: giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, thu nhập, vị trí địa lý, nghề nghiệp, đặc điểm hành vi,… của họ. Tiếp đó, hãy tìm ra nhu cầu, vấn đề của khách hàng. Với những vấn đề đó, doanh nghiệp của bạn sẽ đưa ra giải pháp nào phù hợp? 

  • Bước 2: Nghiên cứu, đánh giá đối thủ cạnh tranh

Trong các bước định vị thương hiệu, đây là bước nhiều doanh nghiệp có thể bỏ qua. Để dành phần thắng, bạn cần biết đối thủ của mình là ai, họ đang làm gì, họ làm đã tốt chưa, định vị thương hiệu của đối thủ là gì. Trong bước này, hãy nghiên cứu và đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ. Từ đó bạn có thể tìm ra cơ hội cho doanh nghiệp. 

  • Bước 3: Xác định điểm độc đáo của doanh nghiệp

Sau khi đã hiểu rõ khách hàng, đối thủ, bạn hãy đưa ra điểm tạo nên sự độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của mình. Đó có thể là mức giá, chất lượng hay những giá trị bạn đem tới cho khách hàng. Trong những điểm mạnh của mình, hãy lựa chọn đặc điểm ấn tượng, giá trị nhất để sử dụng định vị và xây dựng thương hiệu. 

xac-dinh-diem-doc-dao-cua-doanh-nghiep

Xác định điểm độc đáo của doanh nghiệp

  • Bước 4: Xây dựng chiến lược định vị, xây dựng thương hiệu chi tiết

Dựa vào kết quả từ những nghiên cứu, phân tích ở các bước trên, bạn tiến hành lựa chọn chiến lược định vị phù hợp và xây dựng tuyên ngôn định vị cho doanh nghiệp. Tiếp đó, hãy lập kế hoạch thực hiện định vị, xây dựng và phát triển thương hiệu thật chi tiết, ví dụ như: mục tiêu, thời gian thực hiện, xây dựng bản đồ định vị, liệt kê nguồn lực doanh nghiệp, chi tiết hóa các hoạt động Marketing mix,…

>> Xem thêm: CÁCH ỨNG DỤNG 4P HIỆU QUẢ DÀNH CHO DOANH NGHIỆP

  • Bước 5: Đo lường, đánh giá

Cuối cùng, sau một thời gian triển khai, bạn tiến hành đo lường những kết quả đạt được so với mục tiêu đã đề ra. Từ đây, bạn đánh giá và rút kinh nghiệm, đưa ra phương hướng cải thiện hợp lý. 

Ví dụ về quy trình định vị thương hiệu của Vinamilk

Vinamilk là công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ sữa, chiếm hơn 75% thị phần của ngành sản phẩm này tại Việt Nam. Đây là thương hiệu quen thuộc, được hầu hết người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn sử dụng. Để làm nên điều đó, công ty đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu. Một vài điểm nổi bật trong quy trình định vị thương hiệu của Vinamilk có thể kể tới là: 

Hệ thống nhận diện thương hiệu dễ nhớ: màu sắc thương hiệu là xanh dương và trắng, Logo thể hiện được cả tên doanh nghiệp và sản phẩm kinh doanh, hình ảnh thương hiệu là những chú bò sữa và đồng cỏ xanh thu hút khách hàng từ cái nhìn đầu tiên, âm nhạc quảng cáo bắt tai,…

thuong-hieu-vinamilk

Thương hiệu Vinamilk

Bên cạnh đó, công ty áp dụng mô hình Brandkey để xây dựng thương hiệu. Có thể nói đây là mấu chốt trong quy trình định vị thương hiệu của Vinamilk. Công ty đã phân tích và xác định rõ 9 yếu tố để tạo nên thương hiệu ấn tượng như: 

  • Giá trị cốt lõi: mang đến giải pháp dinh dưỡng chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Xác định rõ môi trường cạnh tranh quyết liệt với nhiều đối thủ như: Dutch Lady, TH True Milk, Sữa Ba Vì,…
  • Khách hàng mục tiêu và sản phẩm tương ứng gồm có: sữa bột cho trẻ em từ 0 – 6 tuổi, sữa dành cho phụ nữ mang thai, sữa cho người lớn, sữa cho người cao tuổi.
  • Giá trị đem tới cho khách hàng: sản phẩm của Vinamilk đem lại giá trị cả về mặt tính năng và cảm xúc, lan tỏa thói quen sử dụng sữa để cải thiện chất lượng dinh dưỡng. 
  • Tính cách thương hiệu thể hiện đồng nhất qua những TVC với phong cách vui tươi, gần gũi, nội dung thú vị dễ nhớ, đảm bảo đầy đủ hệ thống nhận diện thương hiệu.
  • Đặc điểm nổi bật thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm đó là chất lượng nguồn sữa 100% tự nhiên, được chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ. 

Trên đây là 8 chiến lược định vị thương hiệu chủ yếu, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc tìm được phương pháp định vị, xây dựng thương hiệu phù hợp cho doanh nghiệp mình. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo thêm các ví dụ, bài tập định vị thương hiệu để biết hiểu rõ cách thức áp dụng trong thực tế. 

FAQ

Định vị thương hiệu là gì? 

Định vị thương hiệu là tổng hợp các hoạt động của doanh nghiệp nhằm khẳng định vị trí của sản phẩm, thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Mục tiêu cuối cùng của hoạt động này đó là tạo sự kết nối và đem lại nhiều giá trị cho khách hàng. Từ đó, thúc đẩy người dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. 

Có những phương pháp định vị thương, xây dựng thương hiệu nào?

Dưới đây là 8 chiến lược định vị thương hiệu chủ yếu mà các doanh nghiệp đang áp dụng:

  • Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng.
  • Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên giá cả.
  • Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị.
  • Định vị và xây dựng thương hiệu dựa trên đối thủ cạnh tranh.
  • Định vị, xây dựng thương hiệu bằng cách giải quyết vấn đề của khách hàng.
  • Định vị và xây dựng thương hiệu dựa vào cảm xúc.
  • Hợp tác với người nổi tiếng để định vị và xây dựng thương hiệu.
  • Chiến lược tái định vị.

Thực hiện định vị và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp như nào?

Các bước định vị và xây dựng thương hiệu gồm: 

  • Bước 1: Chi tiết hóa chân dung khách hàng mục tiêu.
  • Bước 2: Nghiên cứu, đánh giá đối thủ cạnh tranh.
  • Bước 3: Xác định điểm độc đáo của doanh nghiệp.
  • Bước 4: Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu chi tiết.
  • Bước 5: Đo lường, đánh giá.

Để áp dụng hiệu quả, bạn nên tìm hiểu các ví dụ, case study và thực hành những bài tập định vị thương hiệu. Việc này sẽ giúp bạn xây dựng tư duy và học hỏi được nhiều ý tưởng phát triển thương hiệu mới mẻ. 

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/dinh-vi-thuong-hieu/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]