Trang chủBlogs Kinh doanh F&BThủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng A-Z

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng A-Z

Tháng Sáu 06, 2024
Thanh Ngoan
Thanh Ngoan
273 Đã xem

Xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng là thủ tục quan trọng nếu bạn định tham gia lĩnh vực này. Bởi hiện nay, hầu hết các nhà hàng đều cung cấp rượu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách. Tuy nhiên, để kinh doanh rượu hợp pháp, bạn cần phải tuân thủ đúng những quy định và thủ tục pháp lý của pháp luật. Trong bài viết này, bePOS sẽ hướng dẫn thủ tục cũng như lưu ý quan trọng về giấy phép kinh doanh đồ uống có cồn cho nhà hàng!

Nhà hàng kinh doanh bia rượu có cần giấy phép không?

Nhà hàng phải xin giấy phép kinh doanh bia rượu theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, việc các nhà hàng, khách sạn thực hiện hoạt động kinh doanh rượu đòi hỏi cần có đầy đủ những giấy phép và giấy tờ hợp pháp. Theo đó, thương nhân sản xuất rượu công nghiệp hoặc sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên cần phải có giấy phép.

Vì vậy, để có thể cung cấp rượu với nồng độ cồn từ 5,5 độ trở lên, giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng là một trong những giấy tờ không thể thiếu. Về lý do tại sao phải xin giấy giấy phép kinh doanh rượu nhà hàng, đây là một số giải thích:

  • Rượu và các đồ uống có cồn thường thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh. Do đó, những điều kiện nghiêm ngặt về giấy phép sẽ giúp đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của khách hàng.
  • Loại giấy tờ này hỗ trợ cơ quan quản lý trong quá trình giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ. Nhà hàng vì thế cũng có thể tránh những rủi ro về xử lý vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra tại quán.
  • Khi nhà hàng được cấp giấy phép kinh doanh rượu, thực khách sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm được phục vụ, giúp nâng cao uy tín của thương hiệu.
Kinh doanh bia rượu có cần giấy phép không
Kinh doanh bia rượu có cần giấy phép không? – Câu trả lời là “Có”

Điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng

Dựa trên Nghị định số 105/2017/NĐ-CP mà Chính phủ đã ban hành, quy định về điều kiện thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng, các yêu cầu cần đáp ứng bao gồm:

  • Về loại hình doanh nghiệp: Nhà hàng cần thuộc vào một trong các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hoặc liên hiệp hợp tác xã, hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Về địa điểm kinh doanh: Nhà hàng cần có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, với địa chỉ rõ ràng và đầy đủ.
  • Về nguồn gốc của rượu: Rượu được phục vụ tại nhà hàng cần phải được cung cấp bởi cơ sở kinh doanh có giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.
  • An toàn và bảo vệ môi trường: Nhà hàng kinh doanh cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp tự sản xuất rượu: Trong trường hợp nhà hàng tự sản xuất rượu để bán trực tiếp tại quán, chủ quán cần phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công để có thể kinh doanh hợp pháp theo đúng quy định.
Điều kiện xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng
Nhà hàng phải đạt đủ điều kiện thì mới được xin giấy phép kinh doanh đồ uống có cồn

Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng

Việc chuẩn bị đầy đủ và chính xác các hồ sơ, giấy tờ sẽ giúp quá trình xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, đồng thời đảm bảo rằng quán đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định pháp luật.

Để tiến hành thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng, các chủ quán cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau đây:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ, theo Mẫu số 01 đi kèm theo Nghị định hiện hành.
  • Bản sao của Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoặc Hộ kinh doanh.
  • Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở dự kiến làm địa điểm bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
  • Bản sao hợp đồng mua bán rượu với những thương nhân đã có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.
  • Bản cam kết tự lập của nhà hàng, trong đó mô tả cụ thể cam kết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, cũng như bảo vệ môi trường, theo đúng quy định của pháp luật, tại khu vực phục vụ rượu uống tại chỗ.
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh bia rượu nhà hàng
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giúp đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục

Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng

Để được cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng, bạn sẽ cần tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật. Việc tuân thủ đầy đủ các bước này sẽ giúp chủ nhà hàng nhận được giấy phép kinh doanh rượu nhanh chóng và thuận lợi.

  • Chuẩn bị hồ sơ

Việc thu thập, xác minh và sắp xếp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan cấp phép sẽ giúp việc xin cấp phép được dễ dàng hơn. Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng gồm những gì thì như bePOS đã tổng hợp ở trên. Tuy nhiên, mỗi nhà hàng có đặc điểm pháp lý riêng nên danh mục hồ sơ cũng theo đó mà thay đổi.

Thủ tục xin giấy phép bán rượu - Chuẩn bị hồ sơ
Bước đầu tiên là chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu cần thiết để lập hồ sơ
  • Nộp hồ sơ và theo dõi tiến độ cấp giấy phép

Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ, nhà hàng sẽ tiến hành gửi hồ sơ tới cơ quan cấp phép và liên tục theo dõi quá trình xử lý. Chủ quán cần thường xuyên duy trì liên lạc với cơ quan cấp phép để cập nhật thông tin, giải quyết mọi vấn đề phát sinh nếu có, tránh gây ảnh hưởng đến việc nhận giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng.

  • Thời gian xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng

Trong thời kỳ 10 ngày làm việc tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho chủ kinh doanh nhà hàng. Nếu bị từ chối, cơ quan thẩm quyền sẽ có văn bản chính thức trả lời, nêu rõ lý do của quyết định từ chối. Nếu không hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép sẽ gửi văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện.

  • Nhận giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng

Khi đã nhận được cấp giấy phép kinh doanh rượu, nhà hàng cần đảm bảo tuân thủ mọi quy định pháp lý liên quan, bao gồm việc thực hiện báo cáo về hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ những quy tắc về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, cùng việc gia hạn giấy phép trước khi hết thời hạn sử dụng.

Nhận giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng
Nhà hàng nhận giấy phép trong vòng 10 ngày kể từ khi nộp hồ sơ

>> Xem thêm: Hướng dẫn A-Z thủ tục xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm nhà hàng

Chi phí xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng

Dựa trên quy định của Thông tư 168/2016/TT-BTC, tại Điều 4, mức phí thẩm định khi đăng ký kinh doanh rượu tại khu vực thành phố trực thuộc trung ương và khu vực thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được quy định như sau:

  • Phí thẩm định kinh doanh hàng hóa và dịch vụ có điều kiện trong lĩnh vực thương mại đối với các tổ chức, doanh nghiệp là 1.200.000 đồng đối với mỗi điểm kinh doanh trên mỗi lần thẩm định.
  • Phí thẩm định kinh doanh hàng hóa và dịch vụ có điều kiện trong lĩnh vực thương mại đối với các hộ kinh doanh, cá nhân là 400.000 đồng đối với mỗi điểm kinh doanh trên mỗi lần thẩm định.

Bên cạnh đó, chủ quán cũng cần nộp lệ phí cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng là 200.000 đồng/giấy phép/lần cấp. Những mức phí này được quy định nhằm đảm bảo quy trình thẩm định và cấp phép kinh doanh rượu được diễn ra đồng bộ, hiệu quả, đồng thời đảm bảo vai trò về quản lý, kiểm soát trong lĩnh vực kinh doanh rượu của các nhà hàng.

Chi phí cấp giấy phép kinh doanh bia rượu
Tìm hiểu kỹ chi phí giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn trong giai đoạn mới mở nhà hàng

Mức phạt khi kinh doanh rượu không giấy phép

Mức phạt áp dụng đối với trường hợp kinh doanh rượu không giấy phép được quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có Giấy phép kinh doanh tương ứng. Rượu bia thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, nên sẽ được áp dụng theo điều luật này.

Mức phạt không có giấy phép kinh doanh rượu
Kinh doanh rượu không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo luật

>> Xem thêm: Mở nhà hàng cần giấy phép gì? – Tìm hiểu kỹ để không bị phạt

Lưu ý cho nhà hàng khi xin cấp giấy phép kinh doanh rượu

Trong quá trình xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng, có một số điều quan trọng cần lưu ý để việc cấp phép được diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Dưới đây là những điểm mà chủ nhà hàng cần lưu tâm:

  • Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ: Đảm bảo rằng hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng đã đầy đủ, chính xác. Hồ sơ nên bao gồm tất cả các giấy tờ, văn bản, và thông tin cần thiết theo đúng quy định của cơ quan chức năng yêu cầu.
  • Đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn và vệ sinh: Nhà hàng cần đảm bảo rằng các điều kiện an toàn, vệ sinh trong việc lưu trữ và phục vụ rượu đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định. Việc này bao gồm cả việc duy trì nhiệt độ, độ ẩm cũng như cách bố trí để tránh tác động có hại đến chất lượng của rượu.
  • Chứng minh về nguồn gốc của rượu: Đảm bảo có thông tin chi tiết chứng minh về nguồn gốc của rượu mà nhà hàng kinh doanh phục vụ khách hàng. Theo đó, chủ nhà hàng nên ký hợp đồng mua bán với các nhà cung cấp có giấy phép sản xuất và phân phối rượu uy tín, chất lượng.
  • Dùng dịch vụ chuyên nghiệp: Thủ tục pháp lý để kinh doanh nhà hàng khá phức tạp, gây khó khăn với người mới chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, cách tốt nhất là thuê dịch vụ xin giấy phép kinh doanh của các phòng tư vấn luật, văn phòng luật sư. Mặc dù mất thêm một khoản phí dịch vụ, nhưng điều này đảm bảo độ chính xác, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của bạn.
Lưu ý về giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng
Nên chứng minh nguồn gốc rượu khi xin giấy phép

Câu hỏi thường gặp

Có các loại giấy phép kinh doanh rượu nào?

Một số loại giấy phép kinh doanh rượu phổ biến nhất hiện nay:

  • Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công để kinh doanh
  • Giấy phép bán buôn rượu, phân phối rượu
  • Giấy phép bán lẻ rượu
  • Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ

Nhà hàng sẽ xin loại giấy phép kinh doanh rượu nào?

Thông thường, nhà hàng sẽ xin giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ, bán lẻ rượu. Ngoài ra thì sẽ phụ thuộc vào quy mô, đặc thù kinh doanh. Ví dụ, một số nhà hàng tự sản xuất, bán buôn rượu thì phải xin giấy phép liên quan.

Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng thuộc về ai?

Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng thuộc về Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng tại Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi tỉnh. Đây là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên toàn bộ địa bàn quận, huyện, thị xã, và thành phố trong tỉnh.

Nộp giấy phép kinh doanh đồ uống có cồn ở đâu
Nộp giấy phép kinh doanh bia rượu cho nhà hàng ở Phòng Kinh tế

Nộp hồ sơ xin giấy đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ ở đâu?

Chủ nhà hàng xin giấy đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ tại Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng mất bao lâu?

Xin giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng sẽ mất khoảng hơn 10 ngày, không tính ngày nghỉ theo lịch làm việc hành chính. 10 ngày là thời hạn để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kể từ khi nhận hồ sơ. Tuy nhiên, thời gian thực tế sẽ kéo dài lâu hơn nếu hồ sơ không đầy đủ.

Hy vọng bài viết này của bePOS đã cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng và hữu ích về giấy phép kinh doanh rượu cho nhà hàng. Việc tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật giúp nhà hàng nâng cao uy tín trong mắt cộng đồng và tránh khỏi những rủi ro không đáng có. Chúc bạn đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình!