Trang chủBlogs Quản lý doanh nghiệpNguyên tắc SMART là gì? Các bước đặt mục tiêu SMART hiệu quả nhất

Nguyên tắc SMART là gì? Các bước đặt mục tiêu SMART hiệu quả nhất

Cập nhật lần cuối: Tháng mười một 11, 2023
Thu Hằng
Thu Hằng
1179 Đã xem

Nguyên tắc SMART là nguyên tắc vô cùng cần thiết, giúp doanh nghiệp có thể lên kế hoạch chi tiết về mục tiêu cũng như cách thức đặt được mục tiêu trong tương lai. Vậy cụ thể nguyên tắc SMART là gì? Ứng dụng nguyên tắc này như thế nào cho doanh nghiệp? Hãy cùng bePOS xem ngay bài viết dưới đây.

Nguyên tắc SMART là gì?

Trước hết, nguyên tắc SMART hay còn gọi là nguyên tắc THÔNG MINH. Nguyên tắc này giúp doanh nghiệp định vị và nắm giữ những mục tiêu của doanh nghiệp trong tương lai, qua đó xác định được những khả năng mà doanh nghiệp có thể làm được và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện được những mục tiêu đó.

Trong đó, quy tắc S.M.A.R.T là viết tắt các chữ cái của các yếu tố:

  • Specific (tính cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu của mục tiêu)
  • Measurable (đo đếm được)
  • Achievable/Attainable (có thể đạt được bằng khả năng của mình)
  • Realistic/Relevant (tính thực tế của mục tiêu đề ra)
  • Time bound/Time based (thời hạn để đạt được mục tiêu theo kế hoạch)
nguyen-tac-smart-la-gi
Nguyên tắc SMART là gì?

Những yếu tố cấu thành nguyên tắc SMART

Mỗi một chữ cái trong quy tắc SMART biểu thị một ý nghĩa và hoạt động khác nhau trong việc đặt mục tiêu, cụ thể:

S – Specific chỉ sự cụ thể hóa, dễ hiểu

Một mục tiêu thông minh trước hết phải đảm bảo được yếu tố cụ thể và rõ ràng. Qua đó chứng tỏ khả năng đạt được mục tiêu càng cao.

Để có thể xác định mục tiêu cụ thể, người ta thường tưởng tượng về chúng. Ví dụ như bạn đang bắt đầu kinh doanh một quán cafe vậy thì mục tiêu bạn hướng tới là gì? Bạn mong muốn doanh thu của cửa hàng trong một tháng như thế nào? Quy mô cửa hàng trong khoảng thời gian 5 năm tới sẽ ra sao?,… Bạn càng hình dung rõ mục tiêu của mình, bạn càng có thể biết chính xác mình cần làm gì.

M – Measurable chỉ phương thức đo lường mục tiêu

Với nguyên tắc SMART, mục tiêu của bạn phải được gắn liền với những con số. Việc này giúp bạn có thể đo lường và đánh giá hiệu quả, từ đó có thể rút kinh nghiệm cũng như điều chỉnh kịp thời. 

Ví dụ, bạn muốn có nguồn thu nhập cao, vậy đối với bạn “thu nhập cao” là như thế nào? Có thể ở hiện tại bạn mong muốn kiếm được 20 triệu đồng/tháng. Những con số cụ thể như vậy chính là đòn bẩy để thúc đẩy tinh thần, động lực của bạn lên cao, giúp bạn nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy chán nản, có cảm giác không được khích lệ và dẫn đến dễ bỏ cuộc.

A – Attainable chỉ tính khả thi của mục tiêu

Tính khả thi cũng là một yếu tố quan trọng khi đưa ra mục tiêu. Nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng thì trước khi đề ra một chỉ tiêu quá xa vời, hãy suy nghĩ về khả năng có thể thực hiện của chính mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn lại lựa chọn mục tiêu đơn giản, dễ dàng vì điều đó có thể sẽ làm cho bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức.

R – Realistic tính thực tế của mục tiêu đề ra

Mục tiêu bạn đề ra cũng không nên quá xa vời so với thực tế. Hãy tính toán xem khả năng, vật chất, thời gian,… của chính bản thân chúng ta xem có đủ khả năng để đạt được mục tiêu đó hay không.

T – Time Bound giới hạn thời gian để đạt được mục tiêu

Bất cứ mục tiêu lớn nhỏ nào cũng đều cần được xác định một thời gian cụ thể để thực hiện. Điều này tạo cho bạn một mốc xác định thời điểm bạn bước lên đỉnh chiến thắng. Qua quá trình thực hiện để đạt được mục tiêu đó, bạn sẽ biết được mình đang đi đến đâu trong cuộc hành trình và sẽ kịp thời chấn chỉnh mức độ phấn đấu.

nhung-yeu-cau-thanh-nguyen-tac-smart-la-gi
Những yếu tố cấu thành nguyên tắc SMART là gì? Time Bound là gì? 

Ý nghĩa của việc áp dụng nguyên tắc SMART vào marketing

Việc áp dụng mô hình SMART trong lĩnh vực Marketing mang lại nhiều lợi ích quan trọng, giúp doanh nghiệp hiệu quả hóa chiến lược và đạt được kết quả mong muốn.

Cụ thể hóa mục tiêu

Đầu tiên, việc cụ thể hóa mục tiêu thông qua mô hình SMART giúp doanh nghiệp tránh xa khỏi những mục tiêu không rõ ràng, mơ hồ. Thay vì những lý tưởng không thực tế, mục tiêu SMART đưa ra con số cụ thể, tạo nên một bức tranh tổng thể, rõ ràng và dễ theo dõi. Điều này không chỉ giúp nhà quản lý mà còn tạo đà để toàn bộ tổ chức có cùng một hiểu biết về hướng đi và mục tiêu chung.

Tăng độ phù hợp, chính xác của mục tiêu

Mô hình SMART giúp tăng độ phù hợp và chính xác của mục tiêu trong chiến lược tiếp thị. Qua việc xác định mục tiêu có thể đo lường, đạt được và thực tế, doanh nghiệp có thể loại bỏ những mục tiêu không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường. Điều này giúp tối ưu hóa sự tập trung của tổ chức, hạn chế lãng phí tài nguyên và tăng cường khả năng thích ứng với môi trường thị trường biến động.

Cải thiện khả năng đo lường của mục tiêu

Khả năng đo lường của mục tiêu cũng trở nên linh hoạt và chính xác hơn thông qua mô hình SMART. Các chỉ số đo lường cụ thể giúp nhà quản lý theo dõi tiến triển một cách chi tiết, từ đó có khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo rằng chiến lược tiếp thị đang diễn ra theo hướng đúng và hiệu quả.

Gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên

Một trong những ưu điểm quan trọng của mô hình này là khả năng gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên. Mục tiêu SMART không chỉ là một bảng điểm mà còn là nguồn động viên, giúp nhân viên tập trung vào công việc một cách hiệu quả hơn. Nhân viên hiểu rõ hơn về mục tiêu và cách họ đóng góp vào sự thành công của tổ chức, thúc đẩy sự cam kết và sáng tạo.

Mô hình SMART không chỉ đặt ra mục tiêu mà còn là công cụ hướng dẫn đúng đắn. Nó giúp tất cả những người liên quan trong tổ chức có cùng một hiểu biết và cam kết đối với mục tiêu chung, từ nhân viên đến nhà quản lý.

y-nghia-cua-viec-ap-dung-nguyen-tac-smart
Ý nghĩa của việc áp dụng nguyên tắc SMART vào marketing

Các bước ứng dụng nguyên tắc SMART trong thực tế

Để áp dụng nguyên tắc SMART bạn hãy thực hiện những bước sau:

  • Xác định ý định của bạn: Hãy tiếp tục định hướng mục đích cho mình dựa vào những tiêu chí như đã phân tích. Nên nhớ tất cả các mục tiêu phải có khả năng đạt được, có thời gian thực hiện và kết quả dự kiến. 
  • Ghi lại các mục tiêu ra giấy: Một trong những cách hiệu quả để tạo động lực cho bản thân là hãy viết ra tất cả những điều bạn muốn thực hiện trong tương lai gần theo thứ tự ưu tiên, đặt trên bàn, dán ở tường bàn làm việc hoặc ở bất cứ nơi nào bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hàng ngày. Cách làm này sẽ giúp bạn suy nghĩ về những ý định cụ thể và đồng thời tạo cho bạn quyết tâm đạt được chúng mỗi ngày.
  • Lên kế hoạch chi tiết để thực hiện mục tiêu: Bạn hãy xác định những việc cần làm hàng ngày/hàng tuần/hàng tháng/hàng năm là gì, bạn sẽ đi bao xa để rút ngắn thời gian và khoảng cách để đạt được mục tiêu của mình. Từ các bước nhỏ trên, bạn sẽ tạo ra cho mình một kế hoạch cụ thể với từng yêu cầu của lĩnh vực thực hiện. 

Lưu ý, bạn cần kiểm tra định kỳ những ý định nhỏ này để xem mình đã đi được bao xa (tức là đã hoàn thành được bao nhiêu % của kế hoạch) và còn phải tiếp tục trong bao lâu nữa. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên lập hồ sơ phân tích hoạt động giúp đạt được mục tiêu một cách thường xuyên, cũng như biết thứ tự công việc cần hoàn thiện và thời gian hoàn thành công việc để có thể phân chia thời gian một cách hợp lý.

ung-dung-nguyen-tac-smart
Ứng dụng nguyên tắc SMART như thế nào?

Nguyên tắc đặt mục tiêu SMART

Để thiết lập được một bản kế hoạch mục tiêu cụ thể và đạt được mục tiêu đó bạn cần phải theo các nguyên tắc một cách nghiêm ngặt và rõ ràng. Bạn cần phải nắm chắc 5 câu hỏi xoay quanh các vấn đề như sau:

  • Bản thân muốn đạt được mục tiêu gì?
  • Ai sẽ là người tham gia vào mục tiêu này?
  • Việc thực hiện mục tiêu sẽ diễn ra ở đâu?
  • Thời hạn để đạt được mục tiêu là khi nào?
  • Tại sao lại muốn đạt được mục tiêu này?

Mục tiêu bạn đưa ra phải là những hạng mục được hình dung rõ ràng, cụ thể và nổi bật. Như vậy, bạn mới có thể định hướng được cho bản thân cũng như doanh nghiệp của mình. 

Việc cụ thể hóa mục tiêu sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ bị chệch hướng. Để tránh tạo ra sự mông lung, khó hiểu, bạn không nên sử dụng các cụm từ như: càng sớm càng tốt, tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất,… Thay vào đó là những mốc thời gian, con số cụ thể để đảm bảo sự chính xác.

nguyen-tac-dat-muc-tieu-smart
Nguyên tắc đặt mục tiêu SMART là gì?

So sánh sự khác biệt giữa mô hình SMART và OKR

Mô hình OKR và SMART, mặc dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng tồn tại những sự khác biệt quan trọng giữa chúng. Cả hai đều xuất phát từ mô hình quản trị mục tiêu (MBO) của Peter Drucker và đều coi mục tiêu là chìa khóa quan trọng đối với sự thành công tổ chức.

Tính đồng nhất giữa OKR và SMART là rõ ràng trong việc đặt mục tiêu. Mô hình OKR, giống như SMART, gồm đầy đủ 5 thành phần đặt mục tiêu:

  • Tính cụ thể: Cả hai mô hình đều đòi hỏi mục tiêu phải rõ ràng và xác định trong một phạm vi nhất định, với các kết quả then chốt đặc trưng ý nghĩa của việc đạt được mục tiêu.
  • Tính đo lường: Cả OKR và SMART đều bao gồm các chỉ số để đánh giá tiến triển và đạt được mục tiêu.
  • Tính khả thi: Cả hai mô hình đều dựa vào nguồn lực và thời hạn để đảm bảo khả thi, nhưng OKR thường đặt ra mức thách thức 70-80% đã xem là thành công.
  • Thực tế: Mô hình OKR thường sắp xếp mục tiêu theo mức độ cao dần để đảm bảo tiến độ hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp.
  • Thời hạn: Cả OKR và SMART đều yêu cầu có thời hạn cụ thể cho mục tiêu.

Tuy nhiên, mục đích của hai mô hình này và cách chúng được áp dụng có những điểm khác biệt đáng chú ý.

Tiêu chí SMART OKR
Mục đích Đặt ra mục tiêu cụ thể và đo lường được. Tập trung vào thiết lập mục tiêu và key results để đánh giá hiệu quả.
Phạm vi Thường được sử dụng cho cá nhân hoặc phòng ban. Thường áp dụng cho mục tiêu chiến lược toàn doanh nghiệp.
Độ linh hoạt Không đưa ra số lượng mục tiêu cụ thể, chỉ rõ đo lường theo tiêu chí. Đưa ra số lượng mục tiêu cụ thể, chỉ số phù hợp với hoạt động và mục tiêu doanh nghiệp.
Thời gian Đặt ra thời hạn cụ thể cho mỗi mục tiêu. Đưa ra chỉ số chính để đánh giá hiệu quả trong khoảng thời gian nhất định.

Điểm quan trọng là SMART tập trung vào việc đặt ra mục tiêu cụ thể và đo lường, trong khi OKR tập trung vào việc thiết lập mục tiêu chiến lược và đánh giá hiệu quả thông qua các chỉ số cụ thể.

su-khac-nhau-cua-okr-va-smart
Sự khác nhau của mô hình OKR và nguyên tắc SMART là gì?

>> Xem thêm: Mô hình OKR là gì? Ứng dụng trong kinh doanh 

Một số ví dụ nguyên tắc SMART trong kinh doanh

Dưới đây là một số ví dụ nguyên tắc SMART trong kinh doanh của các doanh nghiệp như Vinamilk, cà phê Trung Nguyên để bạn có thể hiểu rõ hơn trong việc áp dụng mô hình này.

Ví dụ về mục tiêu SMART của Vinamilk

Vinamilk là một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm từ sữa. Để đạt được thành công như hiện nay, doanh nghiệp cũng đã tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để vạch ra cho mình một mục tiêu cụ thể. Cùng bePOS phân tích việc áp dụng mô hình SMART của Vinamilk như sau: 

  • Tính cụ thể (Specific): Vinamilk có rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Với mỗi loại sản phẩm, thương hiệu này lại xác định một mục tiêu cụ thể để có thể tạo ra những chiến lược phát triển đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng một cách tốt hơn.
  • Sự đo đếm (Measurable): Bằng cách đưa cho nhân viên các tiêu chuẩn doanh số theo từng ngày/tuần/tháng mà Vinamilk có thể dễ dàng tính toán mức độ đạt được mục tiêu tổng thể doanh nghiệp đề ra.
  • Tính khả thi thực hiện mục tiêu (Achievable): Để đạt được các mục tiêu đề ra, Vinamilk đã thiết lập các kế hoạch mục tiêu cụ thể và mang tính thực tiễn cao. Trước khi đưa ra một sản phẩm mới, họ sẽ tìm kiếm mục tiêu cho mình để thực hiện việc kinh doanh sản phẩm khi ra mắt được thuận lợi.
  • Thời hạn thực hiện (Time bound): Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng cụ thể mà các kế hoạch của Vinamilk được đưa ra khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ với những sản phẩm về sữa dành cho trẻ em lứa tuổi học sinh thì việc tăng cường thực hiện các chiến dịch quảng bá trong giai đoạn khai trường là rất phù hợp.
vi-du-nguyen-tac-smart-cua-vinamilk
Ví dụ về mô hình SMART của Vinamilk

Ví dụ về nguyên tắc SMART của cà phê Trung Nguyên

Cà phê Trung Nguyên cũng là một thương hiệu cao cấp và có tiếng đối với lĩnh vực cà phê. Việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng và cụ thể trong khoảng thời gian kinh doanh cũng là điều giúp cho thương hiệu này ngày càng phát triển. Theo đó, ví dụ về nguyên tắc SMART của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên sẽ như sau:

  • Tính cụ thể (Specific): Trung Nguyên cũng là một trong những thương hiệu có đa dạng các loại sản phẩm cà phê. Mỗi một sản phẩm cà phê Trung Nguyên sẽ đưa ra mục tiêu cụ thể, khác nhau dành cho từng tệp khách hàng.
  • Sự đo đếm (Measurable): Trung Nguyên đã xây dựng cho mình những con số rất cụ thể gồm mô hình trồng trọt, khối lượng sản xuất trong ngày, số lượng sản phẩm bán ra,…
  • Tính khả thi thực hiện mục tiêu (Achievable): Mục tiêu mà Trung Nguyên nhắm tới đó là mang lại loại cà phê chất lượng nhất cho người uống. Với lợi thế sở hữu nhà máy sản xuất tại Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên đã có một quy trình khép kín trong việc tạo ra sản phẩm và kiểm soát được chất lượng đầu ra.
  • Thời hạn thực hiện (Time bound): Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Nguyên đã sở hữu hơn 3.500 cửa hàng trên toàn quốc và 10.000 chi nhánh phân phối các sản phẩm cà phê, thêm vào đó là xuất khẩu trên 60 quốc gia trên thế giới.
nguyen-tac-smart-cua-trung-nguyen
Nguyên tắc, mục tiêu SMART của Trung Nguyên

>> Xem thêm: Quy luật Pareto là gì? Ứng dụng trong quản lý khách hàng

Tóm lại, để thực hiện công việc một cách tốt nhất, rõ ràng và cụ thể bạn cần phải nắm vững về nguyên tắc SMART là gì. Bạn có thể thiết lập được các mục tiêu để dễ dàng lên kế hoạch phát triển và định hướng doanh nghiệp của mình một cách phù hợp nhất.

FAQ

Nguyên tắc SMART là viết tắt của những mục nào?

Nguyên tắc SMART là tổng hợp chữ cái đầu tiên của các bước thực hiện hoạt động xác định mục tiêu của một cá nhân/tổ chức, cụ thể như sau:

  • Specific: Xác định mục tiêu mong muốn một cách cụ thể.
  • Measurable: Tính đo lường các hoạt động thực hiện mục tiêu.
  • Achievable: Tính thực tiễn của mục tiêu đề ra.
  • Time bound: Thời gian thực hiện hoạt động để đạt được mục tiêu.

Nguyên tắc SMART mang đến lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Nguyên tắc SMART giúp doanh nghiệp tạo ra những lợi ích như sau:

  • Định hướng được trọng tâm và đường lối phát triển.
  • Xây dựng kế hoạch cụ thể.
  • Giúp nhân viên có tinh thần phát triển trong công việc
  • Mang đến kết quả nhanh hơn.
  • Giảm căng thẳng trong công việc.