Trang chủBlogs Quản lý doanh nghiệp[MỚI NHẤT] 9 bước xây dựng kế hoạch kinh doanh đơn giản, hiệu quả

[MỚI NHẤT] 9 bước xây dựng kế hoạch kinh doanh đơn giản, hiệu quả

Cập nhật lần cuối: Tháng hai 02, 2024
Chu Hanh
2760 Đã xem

Có tới 64% doanh nghiệp đạt mức độ tăng trưởng bứt phá nhờ sở hữu một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, bài bản. Nhưng có rất nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp không có kế hoạch rõ ràng khiến mất phương hướng trong kinh doanh. Dưới đây bePOS sẽ tổng hợp đầy đủ các bước lập kế hoạch kinh doanh và những lưu ý quan trọng giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất. 

Kế hoạch kinh doanh là gì?

Kế hoạch kinh doanh là tổng hợp toàn bộ những nội dung, tài liệu mô tả lại chi tiết nhất về hoạt động nghiên cứu, định hướng thị trường, mô hình và chiến lược phát triển kinh doanh, kế hoạch Marketing, kế hoạch tài chính,… một cách hoàn chỉnh và ăn khớp với nhau. Một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh sẽ thể hiện được tầm nhìn chiến lược, phương hướng và lộ trình phát triển để doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã đề ra.

Kế hoạch kinh doanh là “kim chỉ nam” cho doanh nghiệp
Kế hoạch kinh doanh là “kim chỉ nam” cho doanh nghiệp

Mỗi một phương án kinh doanh sẽ có những bản kế hoạch nhỏ, chi tiết hơn, ví dụ: 

  • Phân tích thị trường.
  • Kế hoạch phân bổ vốn.
  • Kế hoạch Marketing.
  • Kế hoạch nhân sự.
  • Kế hoạch vận hành.
  • Kế hoạch bán và phân phối hàng hóa.
  • Quản trị và xử lý rủi ro.

Tổng hợp các yếu tố trên sẽ tạo thành một bộ kế hoạch kinh doanh đầy đủ. Nhìn vào đây, chủ doanh nghiệp có thể đánh giá được tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại. Từ đó, đưa ra định hướng rõ ràng cho các bước đi tiếp theo và chủ động chuẩn bị phương án dự phòng, xử lý những rủi ro có thể xảy ra cho doanh nghiệp.

Nội dung kế hoạch kinh doanh đầy đủ nhất

Vậy một kế hoạch kinh doanh gồm những nội dung gì? Dưới đây là những hạng mục cần thiết khi viết kế hoạch kinh doanh mà bạn có thể tham khảo: 

STT Mục Nội dung chi tiết
1 Giới thiệu chung dự án (Ý tưởng, mục tiêu) Ở phần này, bạn cần trình bày được những thông tin cơ bản như: 

  • Giới thiệu ý tưởng, sản phẩm hay dịch vụ kinh doanh, tiềm năng phát triển của sản phẩm hay dịch vụ này.
  • Mục tiêu: Con số cụ thể và hạn định thời gian rõ ràng khi nào cần đạt được.
  • Lý do nên đầu tư vào doanh nghiệp/dự án: Bạn mang lại những giá trị gì cho nhà đầu tư. Phần này nên chú ý nếu bạn có mục đích huy động vốn.
2 Thông tin về doanh nghiệp
  • Thông tin chung: tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, người đại diện,…
  • Lịch sử hình thành và phát triển doanh nghiệp.
  • Phân tích SWOT và chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt. 
3 Tổng quan sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Khi viết kế hoạch kinh doanh, bạn cần mô tả rõ sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp là gì, chúng có đặc điểm hay lợi ích nổi bật nào?,…
4 Phân tích thị trường Nội dung gồm có:

  • Phân tích môi trường vĩ mô: kinh tế, nhân khẩu học, văn hóa – xã hội, công nghệ, chính trị – pháp luật,… Từng yếu tố có tác động hay ảnh hưởng như thế nào.
  • Phân tích vi mô: quy mô thị trường, phân khúc khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh, đối tác / nhà cung cấp, định hướng tương lai của ngành,…
5 Kế hoạch Marketing cho doanh nghiệp Với kế hoạch Marketing, bạn cần chỉ rõ những vấn đề: thị trường mục tiêu, chiến lược Marketing của doanh nghiệp, kênh truyền thông triển khai, các hoạt động Marketing,…
6 Kế hoạch bán hàng Nội dung ở phần này gồm có:

  • Mục tiêu bán bán.
  • Kênh bán hàng dự kiến triển khai.
  • Các chương trình khuyến mãi.
  • Tổ chức hoạt động bán hàng như thế nào?
7 Kế hoạch tài chính Về mặt tài chính, doanh nghiệp cần dựa vào báo cáo trong quá khứ, phân tích các yếu tố như: kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán, bảng lưu chuyển tiền tệ,… và đưa ra chiến lược, định hướng trong tương lai.
8 Kế hoạch nhân sự Doanh nghiệp cần chỉ rõ:

  • Mô hình tổ chức: Trình bày sơ đồ tổ chức, nhiệm vụ từng vị trí nhân sự
  • Kế hoạch phân bổ nhân sự
  • Văn hóa doanh nghiệp
9 Phụ lục Phần nội dung này dành để bổ sung các mục như: biểu đồ, bảng phân tích chi tiết số liệu, nguồn tham khảo,… Tuy nhiên, mục này không bắt buộc. 

Hướng dẫn 9 bước lập kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh

Dưới đây, bePOS sẽ hướng dẫn bạn cách lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả, chuẩn chỉnh, dễ thực hiện ngay từ lần đầu tiên. 

Bước 1: Xây dựng ý tưởng kinh doanh độc đáo

Sáng tạo là vô hạn! Những ý tưởng độc đáo nếu được phân tích kỹ lưỡng và vẽ cho chúng một bảng kế hoạch kinh doanh tốt, thì đều khả thi và mang lại thành công cho cửa hàng, doanh nghiệp của bạn. 

Một ý tưởng kinh doanh mới mẻ, không “đụng hàng” sẽ nâng cao giá trị, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt cho mô hình kinh doanh mới của bạn. Tất nhiên bạn vẫn phải đặt ý tưởng đó trong các yếu tố về thị trường, khách hàng, đối thủ,… Có ý tưởng độc đáo mới có thể tạo ra một kế hoạch đột phá thành công.

Xây dựng ý tưởng kinh doanh
Xây dựng ý tưởng kinh doanh

Bước 2: Xây dựng mục tiêu

Khi đã có ý tưởng nội dung bản kế hoạch kinh doanh, khoan hãy vội bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch kinh doanh. Thay vào đó, bạn hãy viết ra những mục tiêu hướng đến trước nhất. Phải xác định được điểm đích thì mũi tên mới có thể đi đúng hướng.

Mục tiêu ở đây phải “thông minh” tức là đạt đủ tiêu chí của mô hình SMART gồm có: Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được – Thể hiện cụ thể bằng con số), Achievable (Có khả năng đạt được), Realistic (Tính thực tế – Khả thi) và Timely (Thời hạn thực hiện dự án).

Ví dụ cụ thể một mục tiêu tốt của cửa hàng là: Gia tăng doanh số bán hàng lên 15 tỷ trong 6 tháng cuối năm.

Mục tiêu có “doanh số” là chủ thể, đo lường bằng con số 15 tỷ và đặt trong tình hình thực tế của doanh nghiệp để xác định con số này có khả thi hay không, thời gian thực hiện là trong 6 tháng cuối năm.

Bước 3: Nghiên cứu và phân tích thị trường

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, bài học từ xưa nhưng vẫn cực kỳ thích hợp trong cạnh tranh kinh doanh trên thị trường hiện nay.

Chủ cửa hàng và doanh nghiệp trước khi lập kế hoạch kinh doanh cần phải đào sâu, tìm hiểu về thị trường vận động thế nào, thị hiếu khách hàng ra sao, đối thủ đang làm gì,… Từ đó, đưa ra phân tích chính xác về bối cảnh ngành, lĩnh vực kinh doanh, định vị tâm lý và sở thích của khách hàng. Doanh nghiệp cũng dựa vào đây để biết đối thủ đã và đang làm được gì, mình có thể cải tiến hay tạo ra được giá trị gì đặc biệt nào cho sản phẩm không,…

Bước 4: Lập biểu đồ SWOT – Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức

Hãy đặt doanh nghiệp trong sự so sánh với thị trường và đối thủ, tự phân tích yếu tố nội tại và yếu tố bên ngoài để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, những thách thức hay cơ hội có thể nắm bắt được. Bạn có thể làm điều này bằng cách lập biểu đồ SWOT.

SWOT viết tắt của Strengths (Thế mạnh), Weakness (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức).

Lập biểu đồ SWOT - Một trong các bước lập kế hoạch kinh doanh quan trọng
Lập biểu đồ SWOT – Một trong các bước lập kế hoạch kinh doanh quan trọng

Ví dụ với ý tưởng mở quán cà phê, phân tích những yếu tố của SWOT ta có: 

  • Thế mạnh nằm ở vị trí quán đắc địa và có đầu tư décor. 
  • Điểm yếu là chi phí đồ uống cao hơn mặt bằng chung. 
  • Cơ hội của cửa hàng là có thể phát triển mở rộng kinh doanh thông qua các App giao đồ ăn.
  • Thách thức là có nhiều đối thủ cạnh tranh lâu năm, có tên tuổi trên thị trường.

Qua phân tích trên, một kế hoạch kinh doanh mẫu chuẩn cần đưa ra chiến lược bán hàng tập trung vào thế mạnh và tận dụng tốt cơ hội của cửa hàng, thay vì lo lắng về những vấn đề cửa hàng chưa đạt được hoặc sự “bành trướng” đối thủ cạnh tranh.

Bước 5: Xác lập mô hình tổ chức kinh doanh

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, các mô hình kinh doanh được quy định gồm có như: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh,… Dựa theo tình hình thực tế mà chủ doanh nghiệp sẽ đăng ký mô hình phù hợp.

Bước 6: Lập kế hoạch Marketing

Làm sao để ngày càng nhiều khách hàng biết đến bạn? Cách thuyết phục khách mua sản phẩm, dịch vụ và tiếp tục quay trở lại như thế nào? Kế hoạch Marketing cần phải trả lời được những câu hỏi này bằng việc vạch ra chiến lược với các hành động cụ thể qua một số công cụ như: Content marketing, Social media, quảng cáo,… Mục tiêu cuối cùng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần hướng đến đó là tiếp cận khách hàng mục tiêu, truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng và lôi kéo họ sử dụng dịch vụ, sản phẩm.

Ngoài ra, một kế hoạch Marketing tốt còn cần dự trù trước cả vấn đề chi phí cùng với thời gian thực hiện kế hoạch và hiệu quả cần đạt được sau mỗi giai đoạn.

Kế hoạch Marketing là một phần không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch Marketing là một phần không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh

Bước 7: Lập kế hoạch quản lý nhân sự

Kế hoạch quản lý nhân sự chính là xương sống của toàn bộ kế hoạch kinh doanh. Có rất nhiều bản hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh nhưng lại không có những khuôn mẫu về cách sắp xếp, phân bổ nhân sự vào từng vị trí. Do đó, người đứng đầu phải tự đặt được câu hỏi cho mình: doanh nghiệp cần bao nhiêu nhân viên, phân bổ vào vị trí nào, điều kiện ra sao? Làm sao để phân chia và phối hợp các bộ phận với nhau hợp lý giúp tối ưu năng suất làm việc.

Chỉ khi có kế hoạch rõ ràng từ trước, bạn mới có thể quản lý và nắm được đầu việc của từng cá nhân. Đồng thời, dựa vào đó bạn sẽ lên kế hoạch vận hành, kế hoạch đào tạo, định hướng phát triển cho nhân viên. Hoặc nếu có bất cứ một “mắt xích” nhân sự nào lỗi, người đứng đầu sẽ phát hiện ra và có phương án xử lý kịp thời.  

Bước 8: Lập kế hoạch quản lý tài chính

Nếu bạn không muốn doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vừa làm vừa lo thiếu hụt tiền, tồn kho công nợ chồng chất dồn ứ, mất kiểm soát thu – chi,… vậy đừng bỏ qua kế hoạch quản lý tài chính.

Kế hoạch tài chính sẽ dự báo được doanh thu, lợi nhuận và các khoản nợ có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án chi tiết từng khoản mục. Đồng thời, chúng cũng dự báo nhu cầu tài chính, chi tiêu để doanh nghiệp chủ động có phương án huy động vốn phù hợp. Và quan trọng nhất, kế hoạch tài chính là cơ sở để đo lường, kiểm soát các hoạt động tài chính xuyên suốt toàn bộ dự án.

Lập kế hoạch quản lý tài chính cho doanh nghiệp
Lập kế hoạch quản lý tài chính cho doanh nghiệp

Bước 9: Thực hiện kế hoạch

Khi mọi đường đi, nước bước đã được vạch ra rõ ràng, hãy bắt tay vào triển khai thực hiện. Không phải lúc nào kế hoạch cũng tuân theo đúng quỹ đạo đã vạch trước. Khi nhận thấy có rủi ro hoặc điểm vướng mắc, người đứng đầu cần phát hiện điểm “nghẽn” để chủ động xử lý giúp quy trình làm việc không gián đoạn.

3 quy tắc xây dựng kế hoạch kinh doanh

Đóng vai trò là “kim chỉ nam” quan trọng trước nhất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh chuẩn ngay từ đầu. 

Khi bắt đầu, bạn có thể thắc mắc từ những câu hỏi rất đơn giản như “Kế hoạch kinh doanh cần dài bao nhiêu trang?”, “Tại sao có kiểu lập kế hoạch trong một trang nhưng có những kế hoạch vài chục trang chưa hết?” Hay “Vì sao có nội dung chỉ dày đặc số liệu thống kê kế toán, nhưng có nội dung lại chỉ là mục tiêu định hướng chung chung?”,… Dưới đây là 3 quy tắc chung bạn cần nắm chắc trước khi xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Kế hoạch kinh doanh cần ngắn gọn và súc tích

Có thể thấy rằng một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh bao gồm rất nhiều bản kế hoạch nhỏ và đi vào chi tiết. Tuy nhiên, tất cả đều cần viết ngắn gọn, súc tích, trình bày khoa học nhất. Bởi lẽ chẳng một ai sẽ muốn cầm trên tay cả một xấp giấy dày cộp rồi không biết phần nào vào phần nào. 

Bên cạnh đó, trong quá trình đưa từ kế hoạch vào triển khai thực tế, mọi bản kế hoạch kinh doanh đều cần được điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, bạn nên sử dụng các dạng bảng biểu, biểu đồ, gạch đầu dòng nhấn mạnh ý chính vừa giúp cô đọng thông tin, vừa tiết kiệm thời gian và công sức chỉnh sửa, bổ sung về sau.

Kế hoạch kinh doanh cần phù hợp với người đọc

Tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh hiện có rất nhiều trong sách báo, trên mạng Internet,… Tuy nhiên, duy nhất chỉ có bạn – chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp mới hiểu dự án, cách vận hành tối ưu và mong muốn phát triển, mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp. Lúc này, nhiệm vụ của người viết kế hoạch kinh doanh là truyền tải những nội dung đó sao cho phù hợp, dễ hiểu nhất tới người đọc.

Kế hoạch kinh doanh cần rõ ràng, dễ hiểu để mọi người có thể theo dõi
Kế hoạch kinh doanh cần rõ ràng, dễ hiểu để mọi người có thể theo dõi

Đối tượng đọc bản kế hoạch kinh doanh rất đa dạng có thể là đối tác, nhân viên, sếp cao hơn,… Vì vậy, hãy chú ý đến văn phong và các thuật ngữ sử dụng, đảm bảo ngôn từ được sử dụng phù hợp, dễ nắm bắt nhất cho mọi đối tượng.

Đừng quá sợ hãi khi lập kế hoạch kinh doanh

Bối rối trước hàng loạt thông tin cần tìm kiếm, hàng chục đầu mục phải đưa vào kế hoạch, lo lắng vì kế hoạch không chuẩn thì kinh doanh sẽ đứt đoạn, chệch nhịp,… Đây có lẽ là một số vấn đề khiến nhiều người cảm thấy áp lực, thậm chí sợ hãi khi phải tự mình lên kế hoạch kinh doanh. 

Tuy nhiên, bạn không nên quá đặt nặng vấn đề phải có chuyên môn chuẩn chỉnh trong các bản kế hoạch kinh doanh ngay từ lần đầu tiên. Hãy tự tin rằng mình là người dành nhiều tâm huyết, là người hiểu dự án, sản phẩm đó nhất. Và trên thực tế, cách lập kế hoạch kinh doanh xuất phát từ chính những điều này.

6 đề mục phải có trong kế hoạch kinh doanh

Trong một bản kế hoạch kinh doanh thông thường, có sáu phần chính cần được bao gồm. Dưới đây là danh sách sáu đề mục đó:

  • Tóm tắt kế hoạch kinh doanh (Executive Summary): Một bản tóm tắt ngắn gọn về mục tiêu, chiến lược và dự định của doanh nghiệp.
  • Mô tả doanh nghiệp (Company Description): Giới thiệu về doanh nghiệp, bao gồm lịch sử, cấu trúc tổ chức, sản phẩm hoặc dịch vụ, thị trường mục tiêu và các yếu tố khác.
  • Phân tích thị trường (Market Analysis): Nghiên cứu về thị trường mục tiêu, bao gồm kích thước, xu hướng, đối thủ cạnh tranh, khách hàng tiềm năng và chiến lược tiếp cận thị trường.
  • Chiến lược tiếp thị (Marketing Strategy): Cách tiếp cận và tiếp thị sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng mục tiêu, bao gồm phân đoạn thị trường, mục tiêu tiếp thị và chiến lược giá cả.
  • Quản lý và tổ chức (Management and Organization): Cấu trúc quản lý, vai trò và trách nhiệm của các thành viên quan trọng trong tổ chức hoặc thông tin về đội ngũ quản lý và sơ đồ tổ chức.
  • Kế hoạch tài chính (Financial Plan): Đề cập đến các khía cạnh tài chính như nguồn vốn, dự báo doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền và bảng cân đối kế toán.
Các đề mục cần có trong kế hoạch kinh doanh
Các đề mục cần có trong kế hoạch kinh doanh

Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch kinh doanh

“Triển khai kế hoạch kinh doanh làm gì khi mọi chiến lược đều đã nằm trong đầu?”, “Kinh doanh nhỏ tí tẹo cần gì kế hoạch phức tạp?”,… Đây là những suy nghĩ rất sai lầm của nhiều chủ doanh nghiệp. Vậy là từ chủ doanh nghiệp cho đến nhân viên đều mơ hồ không biết định hướng hoạt động, kéo cả công ty vào mớ bòng bong và cùng lao dốc không phanh. 

Vậy tầm quan trọng của việc triển khai kế hoạch kinh doanh đối với doanh nghiệp như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay dưới đây:

Giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn

Một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh sẽ giúp chủ doanh nghiệp, cửa hàng vạch rõ trước toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh chi tiết và giám sát chúng một cách chặt chẽ. Nhờ vậy, trong thực tế triển khai, ngay khi gặp trục trặc hoặc lỗi, doanh nghiệp có thể lập tức phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh, tránh tình trạng vừa làm vừa sửa hoặc bối rối “Nước đến chân mới nhảy”. Qua đó giảm thiểu tối đa những rủi ro, thâm hụt chi phí do lỗi sai gây ra trong quá trình vận hành. 

Kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn
Kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn

Quảng cáo và nhận tài trợ tài chính

Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp cần trải qua quá trình gọi vốn, thu hút đầu tư với mục đích mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất. Để các bên đầu tư thấy được ý tưởng và mô hình kinh doanh, mục tiêu, lợi ích mà dự án có thể mang lại cho họ,… bạn sẽ cần có bản kế hoạch kinh doanh hoàn thiện, trình bày về “đứa con tinh thần” của mình.

Nếu chỉ trình bày một loạt những ý tưởng đơn thuần bộc phát mà không có mục tiêu và lộ trình phát triển rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ khó có thể thuyết phục được các nhà đầu tư “rót vốn” vào dự án. 

Đưa ra quyết định chiến lược

Một bản kế hoạch kinh doanh chuẩn giúp bạn nhìn rõ được định hướng phát triển trong tương lai. Giống như chiếc “kim chỉ nam”, chủ doanh nghiệp và cả hệ thống cần nhìn vào kế hoạch đã được vạch ra trước để cùng phối hợp vận hành ăn khớp, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu chung trước nhất. Ngoài ra, thông qua kế hoạch kinh doanh, bạn còn đánh giá được mức độ khả thi của dự án trước khi quyết định thực hiện.

Chiến lược trong kế hoạch kinh doanh
Chiến lược trong kế hoạch kinh doanh

>> Xem thêm: Kế hoạch kinh doanh cafe đầy đủ, hoàn chỉnh nhất 

Lưu ý để viết kế một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh

Chỉ cần nảy ra ý tưởng, nhiều chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp đã nóng vội bắt tay triển khai ngay thay vì ngồi lại viết ra một phương án kinh doanh hoàn chỉnh, chu toàn cho mọi định hướng hoạt động.

Trong khi đó, nếu có một kế hoạch kinh doanh mẫu tiêu chuẩn thì quá trình triển khai sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều. Chưa kể việc kêu gọi đầu tư, vay vốn,… cũng sẽ khả quan hơn. Do đó, những lưu ý trước khi viết một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh dưới đây rất quan trọng mà bạn nên lưu lại.

Cần phác thảo ý tưởng kinh doanh cơ bản

Tưởng đơn giản nhưng nghĩ là một chuyện, phác thảo ý tưởng kinh doanh ra thành kế hoạch để đối tác, khách hàng, nhà đầu tư,… hiểu và “gật đầu” lại là chuyện khác.

Muốn có một bản phác thảo ý tưởng hiệu quả, bạn cần chọn lọc những ý tưởng phù hợp với tình hình kinh doanh thực tiễn và định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Bởi ý tưởng sẽ vô nghĩa nếu không có khả năng đưa vào triển khai trong thực tế. 

Để có ý tưởng tốt, hãy tập trung tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích thị trường, khách hàng, đối thủ của bạn. Khi nắm bắt được xung quanh thị trường đang chuyển động thế nào, bạn mới có thể phác thảo được những ý tưởng kinh doanh chất lượng.

Chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp thành công
Chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp thành công

Tìm người có năng lực giỏi để hỗ trợ

Không ai có thể xây dựng hoàn chỉnh cả một kế hoạch kinh doanh ngay từ lần đầu tiên. Bạn có thể tham khảo các mẫu kế hoạch kinh doanh đơn giản trong tài liệu trên Internet,…

Một phương án tốt hơn đó là hãy trực tiếp tìm người có năng lực và kinh nghiệm dày dạn để hỗ trợ. Họ sẽ là cánh tay phải đắc lực, giúp bạn đi từ ý tưởng đến kế hoạch bài bản, hướng dẫn và bổ trợ bạn những khâu chuyên môn trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh như: nghiên cứu phân tích thị trường, lập kế hoạch tài chính, kế hoạch Marketing hay dự trù vốn, xử lý rủi ro,…

Kiểm soát tài chính vững vàng

Về vấn đề tài chính, trước khi lập kế hoạch kinh doanh, bạn nên đặt ra những câu hỏi như:

  • Hiện tại doanh nghiệp đang có bao nhiêu vốn?
  • Nên phân bổ số vốn này vào những mục nào?
  • Chúng có thể duy trì trong bao lâu?
  • Doanh nghiệp dự trù cần những khoản chi phí nào?
  • Huy động thêm vốn ra sao?
  • Ngân sách tối thiểu và tối đa cần có thể tiêu tốn, thu – chi cân đối, quay vòng dòng tiền luôn được nhịp nhàng? 

Trả lời tất cả những câu hỏi này, bạn mới đảm bảo được mình đang kiểm soát được vấn đề tài chính tốt.

Kế hoạch tài chính tốt giúp kinh doanh vững vàng
Kế hoạch tài chính tốt giúp kinh doanh vững vàng

Và muốn kiểm soát được vấn đề tài chính doanh nghiệp, bạn cần có thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn kế toán nhất định. Nắm chắc tài chính giúp bạn luôn ở thế chủ động trước mọi rủi ro, thậm chí những vấn đề phát sinh cũng đã có sẵn phương án, nguồn vốn dự trù để giải quyết mà không làm gián đoạn kinh doanh. 

Tập trung vào hoạt động kinh doanh

Nếu kế hoạch kinh doanh lan man, triển khai quá nhiều ý tưởng khác nhau mà không tập trung vào một hoạt động hoặc sản phẩm cụ thể, bạn sẽ dễ rơi vào bế tắc và tiếp tục loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Hay nói cách khác, toàn bộ kế hoạch triển khai tiếp theo của bạn có quá nhiều hướng đi nên sẽ không bao giờ nhắm trúng đích.

Thay vào đó, hãy tập trung vào một điểm chủ chốt mà bạn tự tin và có tính khả thi thành công cao nhất. Hãy hoàn thiện lộ trình kinh doanh, phác thảo kế hoạch tổng thể định hướng phát triển doanh nghiệp theo đúng định hướng đó thay vì dông dài.

>> Xem thêm: Các mẫu kế hoạch kinh doanh Spa chi tiết

Mẫu kế hoạch kinh doanh đơn giản

Khi tiến hành kinh doanh thì việc đầu tiên cần làm chính là lập kế hoạch kinh doanh. Các yếu tố cần phân tích trong kế hoạch kinh doanh bao gồm xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, phân tích tiềm năng, ưu nhược điểm của doanh nghiệp trong bán hàng, cách thức kinh doanh, sản phẩm,…. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xác định các yếu tố cạnh tranh với đối thủ. Từ đó, đưa ra các chiến lược marketing, quảng cáo, kế hoạch tài chính, dự tính cân đối kế toán phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình.

Mẫu kế hoạch kinh doanh chi tiết
Mẫu kế hoạch kinh doanh chi tiết
Phân tích thị trường khi lập kế hoạch kinh doanh
Phân tích thị trường khi lập kế hoạch kinh doanh
Phân tích lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Phân tích lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Phân tích sản phẩm dịch vụ trong kế hoạch kinh doanh
Phân tích sản phẩm dịch vụ trong kế hoạch kinh doanh

>> TẢI NGAY các mẫu kế hoạch kinh doanh đầy đủ, chi tiết nhất tại đây.

Bài viết trên bePOS đã tìm hiểu về kế hoạch kinh doanh và tổng hợp các bước lập một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, đầy đủ nhất. Hy bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích và có thể áp dụng để xây dựng kế hoạch kinh doanh trong thực tế thật hiệu quả!

FAQ

Không tìm kiếm đầu tư thì có cần kế hoạch kinh doanh không?

Kế hoạch kinh doanh không chỉ có mục đích tìm kiếm nguồn tài trợ. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng để đảm bảo doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu hướng đến, cách phân bổ nhân sự, kế hoạch truyền thông sản phẩm/dịch vụ, kế hoạch tài chính,… giúp chủ động kiểm soát toàn bộ dự án, nhanh chóng xử lý rủi ro có thể gặp phải.

Một kế hoạch kinh doanh hoàn thiện gồm những nội dung gì?

Những nội dung chính cần có trong một bản kế hoạch kinh doanh đó là: 

  • Giới thiệu chung dự án (Ý tưởng, mục tiêu)
  • Thông tin về doanh nghiệp
  • Tổng quan sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp
  • Phân tích thị trường
  • Kế hoạch Marketing 
  • Kế hoạch bán hàng
  • Kế hoạch tài chính
  • Kế hoạch nhân sự
  • Phụ lục 

Kế hoạch kinh doanh dài bao nhiêu trang?

Một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết thường dài khoảng 30 – 50 trang. Lưu ý, bạn nên tập trung làm nổi bật những nội dung quan trọng, sử dụng bảng biểu hoặc hình minh họa giúp người đọc dễ hiểu và dễ nắm bắt thông tin. 

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://bepos.io/blogs/ke-hoach-kinh-doanh/" order_type="social" title_text_font_size="22" title_text_font_famely="monospace" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#d4d4d4" animation_effect="random" count_of_comments="3" ]